16178475_260755117686566_1262704928987635331_o

Đem lại lợi ích cho xã hội

Hiện tại, thay vì bóc lột, đòi hỏi và bòn rút không ngừng, phê bình chỉ trích, và miệt thị xã hội, chúng ta có thể cải thiện xã hội bằng cách giúp đỡ và khuyến khích xã hội làm điều thiện. Điều này không những đem lại niềm vui cho riêng chúng ta mà còn đem lại phúc lợi cho xã hội. Chúng ta có thể cống hiến cho xã hội bằng cách sẵn sàng tự nguyện sống sao cho bản thân chúng ta không còn sợ hãi và giúp cho người khác cũng không còn sợ hãi, nói khác đi chúng ta sống với tinh thần vô úy và bố thí sự vô úy của đạo Phật.

Chúng ta có thể nuôi dưỡng thái độ này bằng cách sống sao để chúng ta biết tự trọng. Khi có lòng tự trọng, chúng ta sẽ thấy là người khác cũng kính trọng chúng ta. Và khi người khác kính trọng chúng ta, họ sẽ lắng nghe, chú ý, ngưỡng mộ và noi gương chúng ta. Qua đó, ngày càng nhiều người sẽ cảm nhận được niềm vui và tinh thần tự do sống trách nhiệm với cuộc đời.

Trách nhiệm cá nhân là nền tảng cho cả xã hội vì xã hội là tập thể gồm những cá nhân. Nền đạo đức chân chính và tốt đẹp phải đến từ trí tuệ của từng cá nhân. Nếu bạn áp đặt đạo đức trên con người, đạo đức sẽ thành luật pháp và luật pháp có thể rất áp bức và nặng nề. Chúng ta có thể lo ngại khi nghe nói đến hai chữ “đạo đức” vì chúng ta biết đạo đức có thể trở thành độc đoán nếu người ta áp đặt nó.

Nhưng khi chúng ta hiểu rõ đạo đức, nó sẽ mang lại niềm vui và lòng tự trọng, và khi chúng ta kính trọng bản thân mình, chúng ta sẽ tôn trọng quyền sống của những người khác. Đó chính là niềm an lạc. Vừa biết tự trọng vừa biết quan tâm đến cuộc sống của người khác sẽ đem lại cho chúng ta cảm giác rất an vui và dễ chịu. Nhưng tình cảm này phải đến từ trí tuệ và sự trưởng thành của nội tâm. Nó phải đến từ trách nhiệm cá nhân và sự hiểu biết về chính bản thân của con người.

Tôi không bàn về sự tử tế và lương thiện hào nhoáng bên ngoài — một loại mặt nạ, một bề mặt đẹp đẽ của sự thánh thiện — nhưng chủ yếu về sự thánh thiện sâu thẳm, nằm trong bản chất nội tại của các pháp. Đức hạnh là cái gì đó rất sâu, tiềm ẩn và xuyên thấu. Chúng ta phải có trí tuệ, nhạy cảm, khả năng tiếp thu, và thông minh để trở thành người thật sự đạo đức.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng