lotus-flower-vietnam-1600x761px

Khẳng định và gìn giữ nền tảng đạo đức của chúng ta

Trong lịch sử loài người, đây một thời kỳ đặc biệt bất bình thường, trong đó hình như ai cũng có thể làm bất cứ điều gì, ngoại trừ bạo động giết người — và ngay cả việc giết người cấm kỵ này cũng ngày càng trở nên bình thường và phổ quát! Điều này quả thật đã nuôi sống các tờ báo hàng ngày với những tin giật gân về các vụ giết người đẫm máu! Trong quá trình tiến hóa của nhân loại, chúng ta đang ở vào thời điểm mà con người không biết làm thế nào để đem thế giới xích lại gần nhau. Mặc dù có Liên Hiệp Quốc, chúng ta cũng không tin ở hiệu năng của tổ chức này; chúng ta không thể nương tựa vào sự lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc. Không có một định chế hay cơ sở nào mà mọi người trên thế giới ngày này có thể kính trọng và ngưỡng mộ.

Về tôn giáo, chúng ta bị chia thành nhiều nhóm — và những nhóm này lại nổi tiếng về tranh giành và giết hại lẫn nhau! Những người có cùng một đức tin vẫn có thể giết hại lẫn nhau, vì thế ngay cả một tín ngưỡng chung cũng không mang lại đoàn kết và thống nhất. Những gì chúng ta cần làm để xây dựng nền tảng chung cho hòa bình nhân loại chính là tôn trọng và thực hành năm giới vừa nêu trên — chỉ thế thôi. Cho dù chúng ta theo thuyết nhất thần hoặc đa thần, vô thần hay hữu thần và Thượng Đế của chúng ta là nam hay nữ, miễn là chúng ta tôn trọng, giữ gìn và thực hành những gì có thể thật sự thực hành; đó là năm giới vừa nêu trên. Đây là điều quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Chúng ta thường hiểu về giới như cái gì tiêu cực không nên làm; như không sát sanh hay bạo động; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không dễ duôi uống rượu và các chất say. Khi thọ giới bằng tiếng Pali, chúng ta dùng chữ “veramani,” có nghĩa là “cố ý tránh xa.” Tuy nhiên, giữ giới trong đạo Phật không có nghĩa là chọn một tư thế tuyệt đối đúng đắn rồi phán rằng, “Ngươi không được làm như thế.” Trái lại, điều quan trọng là người giữ giới tự nguyện tránh xa việc giết hại các chúng sanh khác. Về tâm lý, việc áp đặt giới sẽ tác động trên bạn như thế nào? Khi vừa nghe Thượng Đế phán rằng, “Ngươi không được sát sanh,” tự nhiên chúng ta sẽ phản ứng ngược lại và nghĩ đến việc sát sanh. Lịch sử của chúng ta là đầy máu và nước mắt, và nhân danh Thượng Đế, con người đã chém giết nhau rất nhiều. Nhưng giữ giới không sát sanh là điều để chúng ta suy tưởng. Khi thọ giới không sát sanh, bạn nghĩ rằng, “Từ bây giờ tôi sẽ cẩn thận hơn, tôi sẽ sống thế nào để không hãm hại mạng sống của những chúng sanh khác.” Đó là lời cam kết mà bạn tuyên bố và tự hứa. Không phải Thượng Đế ra lệnh bạn mà đó là cái gì đến từ tấm lòng, từ sự tự trọng và liêm sỉ của bạn như một con người, từ tấm lòng bi mẫn, và từ sự tôn trọng sinh mệnh của người khác. Do đó, bạn không sát sanh, không phải vì sợ sẽ bị trừng phạt nhưng vì những suy nghĩ và hiểu biết về cuộc đời, vì nhận thức rằng những chúng sinh khác cũng muốn được sống như bạn.

Khi tu viện Chithurst của chúng tôi vừa mua hồ Hammer, có một vị ở gần đây sống bằng nghề câu cá. Đã có lần tôi ghé thăm và xem ông ta bắt cá. Ông là một người bắt cá chuyên nghiệp. Ông đứng trên bờ suối, còn tôi đứng trên cây cầu đá nhỏ. Một con cá lớn bị mắc lưỡi câu và đang vùng vẫy để thoát chết. Con cá sợ hãi kinh khủng và đang tuyệt vọng tìm cách thoát khỏi lưỡi câu. Ông câu cá rất khôn ngoan và thủ đoạn. Ông để con cá bị mắc lưỡi câu vào lại trong nước và cho nó bơi một lúc rồi lại kéo nó lên bờ. Ông làm như thế nhiều lần cho đến lúc con cá mệt lã. Cuối cùng ông kéo con cá lên và đập mạnh vào đầu nó.

Về sau, một câu lạc bộ câu cá nhiều lần đến thuyết phục tôi cho họ sử dụng hồ. Họ nói, “Chúng tôi sẽ không bắt cá đâu. Chúng tôi chỉ bắt cá lên rồi sẽ thả xuống nước ngay vì đây là trò chơi giải trí của chúng tôi. Như ông đã biết, thật ra chúng tôi không muốn ăn thịt cá hay làm bất cứ điều gì khác; chúng tôi chỉ muốn câu cá lên rồi thả cá xuống nước.” Nhưng khi thấy được sự sợ hãi khủng khiếp của con cá mắc câu, chúng ta chợt nhận ra rằng đó cũng sẽ là cảm giác khi thình lình chúng ta cắn phải lưỡi câu và khi ai đó bắt chúng ta ra khỏi nước. Chúng ta cảm nhận rằng chúng ta sẽ phản ứng y hệt như con cá. Cho dù đối với người thợ câu, con cá chỉ là một sinh vật ngu si và đần độn, không có chút tình cảm gì và mạng sống của nó là không đáng kể, nhưng nó là một sinh vật đang kinh sợ. Con cá đó kinh sợ khủng khiếp cho mạng sống của nó; đó là phản ứng tự nhiên mà tất cả sinh vật đều có, ngay cả con người.

Khi suy tưởng theo cách này, bạn sẽ thấy là nỗi lo sợ khủng khiếp không phải là chuyện riêng của một chúng sanh nào đó. Nỗi lo sợ của con cá cũng giống hệt như nỗi lo sợ của chúng ta khi mạng sống bị đe dọa. Bạn sẽ bắt đầu tôn trọng sinh mạng của các loài thú vật; bạn sẽ hiểu là thú vật cũng có tình cảm và nhạy cảm. Sợ hãi là tình cảm mà tất cả chúng ta ai cũng trải qua trong cuộc đời, và chúng ta có thể thấy được điều này trong đời sống của các thú vật khi chúng trải qua kinh nghiệm sợ hãi đó. Từ những suy nghĩ đó, chúng ta sẽ không muốn làm bất cứ chúng sanh nào sợ hãi cả. Chúng ta sẽ không tác ý hãm hại mạng sống các chúng sanh khác.

Nền tảng đạo đức này tự nó sẽ nói lên tiếng nói cho tất cả truyền thống tôn giáo. Chúng ta cần khẳng định và gìn giữ nó vì đây là con đường dẫn đến hòa bình thế giới. Chúng cần một thỏa thuận về đạo đức và luân lý chứ không cần một thỏa thuận về việc giảm trừ vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận về việc giảm trừ vũ khí sẽ không giải quyết được vấn đề nếu chúng ta vẫn chưa đồng ý với nhau thế nào là một hành vi đạo đức đúng đắn, hợp lý và tử tế đối với chúng ta như những con người hay những siêu cường. Thế giới ngày này vẫn chưa nhất trí về một hệ thống đạo đức đúng đắn và đáng tôn trọng cho con người. Cho dù bạn theo tôn giáo nào đi nữa, năm giới của đạo Phật mà tôi vừa mô tả chính là bản hướng dẫn chúng ta trên đường tiến đến hòa bình thế giới. Sự thỏa thuận, cho dù chỉ thỏa thuận trên giới đầu tiên không sát sanh, cũng là một tiến bộ vô cùng to lớn cho nhân loại. Chỉ thỏa thuận về việc không cố ý sát hại mạng sống của con người tự nó là một việc làm cao quý và tốt đẹp, cao quý và tốt đẹp hơn cả thỏa thuận giảm trừ vũ khí hạt nhân. Do đó, giới đầu tiên là quan trọng nhất.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng