nnnn

Giữ giới

Trong bất cứ quá trình tu tập nào, chúng ta phải tuân thủ một số nguyên tắc đạo đức để cuộc sống được trong sạch và ổn định. Ngũ giới (tiếng Pali là panca sila) là nền tảng đạo đức của người Phật tử tại gia. Đó là:

– không sát sanh;

– không trộm cắp;

– không tà dâm (ngoại tình và đa dâm)

– không nói dối

– không dễ duôi uống rượu và các chất say.

Chúng ta có thể giữ, và với thời gian, hoàn thiện các giới này. Giới đầu tiên bao gồm sự bất bạo động và không sát sanh. Phần lớn chúng ta không ai phạm giới giết người cả. Tuy nhiên, có những lúc, tự nhiên chúng ta tác ý muốn hãm hại một người nào đó — ít nhất, tôi đã có kinh nghiệm này. Nhưng rất may là ý nghĩ trên không bao giờ ám ảnh tôi, vì thế tôi không bao giờ phạm giới sát sanh cả. Nhưng bạo động là một việc khác, phải không các bạn? Chúng ta lớn lên trong một xã hội rất là bạo động, nhất là bạo động đối với những sinh vật yếu kém hơn chúng ta. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao chúng ta lại để cho con người giết hại các sinh vật khác như thế.

Khi tu tập, chúng ta phải sống để chung quanh chúng ta không còn bất cứ hình thức bạo động nào, ngay cả bạo động với các loài côn trùng hay súc vật. Càng sống thu thúc, cẩn thận và để ý đến đời sống của các sinh vật khác, chúng ta càng cảm thấy mình đáng được tôn trọng hơn, được an vui và hạnh phúc. Khởi tâm giết hại và diệt trừ các côn trùng như gián hoặc chuột — những sinh vật gây trở ngại và khó chịu cho đời sống — là một trạng thái bất an. Chúng ta có thói quen sát hại những sinh vật mà chúng ta không muốn gần gũi.

Nhiều người cho là con người có quyền giết những côn trùng mà họ không ưa thích. Nhưng tâm bất bạo động (tiếng Pali là ahimsa) sẽ giúp bạn thấy được sự bình yên và tĩnh lặng; nó sẽ giúp bạn nhạy cảm và cởi mở trong quan hệ với những sinh vật khác. Do đó, giới không sát sanh (tiếng Pali là panatipata) hướng dẫn chúng ta ứng xử và quan hệ với những sinh vật khác trong đời sống hàng ngày.

Giới thứ hai (tiếng Pali là adinnadana) là không trộm cắp hay không lấy của không cho. Rõ ràng, giới thứ hai này áp dụng cho những trường hợp thô thiển như cướp nhà băng hay lùa bắt súc vật của người khác. Nhưng nó cũng có nghĩa vi tế hơn, đó là tôn trọng tài sản của người khác. Khi giữ giới thứ hai, bạn sẽ không mất thì giờ thèm thuồng nhìn ngắm tài sản của người khác. Trong xã hội chúng ta ai cũng tranh đua để có cái mà người chung quanh có. Vì thế, rất khó cho chúng ta không thèm muốn và ham thích những gì thuộc về người khác; Chúng ta được khuyến khích bằng mọi cách để ganh tị với tài sản của người khác. Vì thế, chúng ta thường khởi tâm tham và luôn muốn có cái gì đó tốt đẹp hơn. Đây không phải là tâm thanh tịnh. Đây không phải là cách sống thích hợp cho sự phát triển tâm linh. Vì thế chúng ta nên tôn trọng tài sản và những gì thuộc về người khác.

Giới thứ ba (tiếng Pali là kamesu micchacara) là không tà dâm. Ngày này, con người có quá nhiều mặc cảm tội lỗi, sợ hãi, và lo âu vì xã hội chúng ta không hiểu và không tôn trọng đời sống tình dục. Chúng ta thường cho là tình dục phải như thế này hoặc thế nọ; thậm chí chúng ta không thể thấy được nhu cầu tình dục ở mức độ tự nhiên và bản năng của nó. Trái lại, chúng ta tạo ra vô số vấn đề và chia cắt nhân cách chúng ta ra nhiều mảnh bằng cách ca ngợi, chống ghét, sợ hãi, hay bị ám ảnh về tình dục. Chúng ta không còn biết ranh giới và chuẩn mực của đời sống tình dục. Quán tưởng trên giới thứ ba này giúp chúng ta hiểu được đời sống tình dục của chúng ta — điều này không có nghĩa là chúng ta phải có quan hệ tình dục thật sự để hiểu nó, mà trái lại, chúng ta có thể ý thức và tỉnh giác về những đòi hỏi và năng lượng tình dục mà tất cả chúng ta đều có. Bạn quán tưởng trên những đòi hỏi và năng lượng tình dục này để hiểu và trực diện nó một cách liêm sỉ và đáng kính trọng. Nói khác đi, chúng ta tập xem tình dục không phải là cái gì chia cách con người và không phải là cái mà con người có thể lợi dụng để phục vụ quyền lợi ích kỷ của mình.

Trong đời sống tu viện, chúng tôi chọn giải pháp dễ dàng cho vấn đề tình dục — chúng tôi sống độc thân, không lập gia đình. Đời sống tại gia thì phức tạp hơn. Chúng ta phải thành thật và thẳng thắn xem xét vấn đề tình dục và không dùng nó để thỏa mãn dục lạc, để thoát ly những khó khăn trong cuộc sống, hay để giải quyết những thói quen đòi hỏi ám ảnh chúng ta. Nếu tình dục bị dùng để chà đạp người khác hay sỉ nhục chính chúng ta, thì nó sẽ gây không biết bao nhiêu là sợ hãi, đổ vỡ, và chia rẽ giữa con người. Hành động ngoại tình luôn gây đổ vỡ phải không các bạn? Ngay trong trường hợp của một số hôn nhân hiện đại, trong đó các thành viên đồng ý là mỗi người có thể sống theo cách riêng của mình, nhưng cuộc sống đa dâm hay ngoại tình không thể giúp chúng ta phát triển đời sống tâm linh. Nó không tạo và nuôi dưỡng sự kính trọng và tin tưởng giữa các thành viên trong gia đình mà chỉ mang lại bất mãn, nghi kỵ, ganh tỵ và chia cách. Tình dục là một xung lực tâm lý rất mạnh thuộc về bản năng trong cơ thể của chúng ta. Chúng ta phải hiểu, hiểu mà không phán đoán, và tôn trọng nó để có thể dùng nó phục vụ lợi ích, chứ không phải để phá hoại con người.

Giới thứ tư (tiếng Pali là musavada) là tránh xa sự nói dối, nói lời phù phiếm, vô ích, và tất cả những lời nói do sự thất niệm gây ra. Giới này thật ra rất khó giữ vì chúng ta có quá nhiều thói quen nói năng tiêu cực. Thường ngày, để duy trì một cuộc trao đổi và nói chuyện, chúng ta hay ngồi lê đôi mách và nói những lời vô ích phải không các bạn? Xã hội cho phép chúng ta nói về những gì người khác đang làm, nói những chuyện tào lao, cường điệu, nói không ngừng và nói chỉ để có chuyện để nói. Chúng ta cũng có thể nói những lời rất hung dữ và ác độc. Mặc dù chúng ta có thể theo đuổi những lý tưởng cao đẹp như bảo vệ giống cá voi sắp bị diệt vong, xây nhà bảo vệ thú vật, giúp đỡ những người nghèo… nhưng chúng ta vẫn có thể dùng cái lưỡi của mình để đả thương và hãm hại người khác. Khi tu tập, chúng ta phải cẩn thận trong lời nói để không làm người khác đau khổ. Dĩ nhiên, lời nói của chúng ta thỉnh thoảng có thể làm phiền muộn người khác. Đây là điều không thể tránh được. Nhưng chúng ta nên tránh nói với tâm ý ác độc. Chúng ta nên trách nhiệm về nội dung lời nói, cách nói, và những đề nghị hay góp ý của chúng ta với người khác.

Giới thứ năm (tiếng Pali là surameraya majjapamadatthana) là không dễ duôi uống rượu và dùng các chất say. Có người cho là theo Trung Đạo, chúng ta có thể uống rượu nhưng uống vừa phải và điều độ để không bị say. Có người khác như các tăng ni theo Phật giáo nguyên thủy chẳng hạn thì không được uống bất cứ chất say nào, trừ khi đó là chất thuốc trị bệnh. Giới này quan trọng vì trong khi tu tập, chúng ta không nên để các chất ma túy và chất say ảnh hưởng và tác động đến tâm thức của mình.

Có người sẽ nói, “Ồ, khi dùng chất ma túy LSD, tôi có những kinh nghiệm hết sức là thần bí và huyền diệu. Lúc đó, tôi thấy mình như hòa làm một với vũ trụ.” Ai có thể bát bỏ và chối từ những cảm nhận của người hút ma túy? Tôi không đủ khả năng để bài bác những gì họ thật sự cảm nhận hay nghĩ là họ đang cảm nhận. Nhưng để phát triển đời sống tâm linh, thân thể chúng ta không nên tùy thuộc vào các chất hóa học hay ma túy. Ngay cả những lúc hết sức khổ sở, sầu muộn, sa đọa, và tuyệt vọng, chúng ta cũng phải sẵn sàng bắt đầu tu tập với tình trạng đó, thay vì dùng ma túy để xua đuổi những đau khổ và tuyệt vọng của mình.

Khi hành thiền, chúng ta bắt đầu với những trạng thái hiện tại của thân và tâm và quan sát nó; chúng ta chấp nhận nó như là nó. Cho dù biết rằng hành thiền không thể nhanh chóng đưa chúng ta hòa nhập vào vũ trụ như ma túy và cần sa, nhưng chúng ta vẫn không dùng ma túy. Ma túy và cần sa không phải là Trung Đạo cho dù chúng rất hiệu quả ngay lúc đó. Trí tuệ, sự hòa hợp và thống nhất với vũ trụ chỉ có với Chánh tư duy nghĩa là với cái nhìn mọi vật như chính nó, chứ không phải bằng ma túy. Chánh tư duy sẽ giúp chúng ta thấy rằng tuyệt vọng chỉ là một điều kiện của tâm thức mà chúng ta có thể buông bỏ, chứ không phải là cái mà chúng ta phải tiêu diệt và triệt hạ.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng