Trong xã hội, chúng ta được huân tập để tin rằng ký ức hay trí nhớ là vật sở hữu thật sự của chúng ta, hay thuộc về chúng ta. Chúng ta thường quên đi những sự kiện tầm thường trong cuộc sống hàng ngày, và chỉ nhớ rất rỏ những sự kiện thật tốt đẹp trong đời như khi chúng ta được một giải thưởng nào đó hay đang đắm say trong một mối tình lãng mạn nào đó. Chúng ta cũng thường nhớ lại những điều xấu xa mà chúng ta đã làm hay người khác đã làm tổn thương đến chúng ta.
Sự chấp thủ và dính mắc sẽ xảy ra khi chúng ta cất giữ những ký ức rồi cho chúng trồi lên và tái diễn lại trong tâm, hay khi chúng ta tìm cách triệt tiêu và dẹp bỏ chúng; Đây là hai hình thức của sự dính mắc và chấp thủ. Điều này mới nghe có vẻ nghịch lý, nhưng sự thật là chúng ta đang bám chặt vào cái mà chúng ta đang tìm cách triệt tiêu và dẹp bỏ. Khi chúng ta càng muốn quên đi một cái gì đó, tâm chúng ta càng dính mắc vào vật đó. Chính vì thế mà những sự vật này được xem như là những bóng ma ám ảnh chúng ta, vì thật ra chúng ta đang bám chặt vào chúng.
Lấy một thí dụ, khi một người nào đó làm một cái gì hết sức kinh khủng đối với bạn và bạn rất giận anh ta về việc này, nhưng bạn quyết định là thôi, bạn sẽ bỏ qua và không suy nghĩ về việc này. Bạn cứ thử đẩy sự kiện trên ra khỏi tâm bạn bằng cách cố gắng không nghĩ về nó nữa. Có thể bạn sẽ làm được như thế trong một giây phút nào đó, và rồi thình lình nó lại bùng dậy trong tâm bạn. Bạn lại muốn dẹp nó sang một bên, nhưng chính cái ý muốn dẹp bỏ đó sẽ làm sinh khởi tiến trình chấp thủ trong tâm bạn. Vì thế những gì bạn nên làm không phải là tìm cách đẩy sự sân hận ra khỏi tâm; bạn phải chấp nhận cơn giận.
Bạn sẽ tìm thấy sự an tịnh và lắng dịu qua việc chấp nhận sự đau đớn mà bạn đang chịu đựng và cuối cùng buông bỏ nó; sự lắng dịu và thoải mái không đến từ việc tìm cách bát bỏ sự đau khổ mà từ việc để cho sự đau khổ tự nó xảy diễn ra trong tâm bạn. Bất cứ cái gì mà bạn chấp nhận chịu đựng đến lúc nào đó, nó sẽ ngừng nghỉ, và sự ngừng nghỉ này sẽ mang lại một cảm giác thoải mái dễ chịu vì bạn đã để cho mọi sự vật trôi chảy và chuyển động theo đúng bản chất của nó. Lúc đó bạn đang sống một cách hài hòa và nhu thuận với cuộc đời, với thiên nhiên, và vạn pháp.
Quá khứ chỉ là ký ức được tái diễn trong tâm ngay trong phút giây hiện tại, phải không các bạn? Hiện tại, chỉ có hiện tại thôi; cho dù bạn ở đâu, cũng chỉ có giây phút hiện tại. Bất cứ cái gì mà bạn nhớ lại — những gì bạn đã làm, hay những gì người khác đã làm — chỉ là ký ức. Ký ức đến rồi đi trong tâm, ngay trong giây phút hiện tại. Hoàn toàn không có quá khứ và chỉ có những chúng sinh chưa giác ngộ mới tin có quá khứ mà thôi.
Chúng ta tin có quá khứ vì chúng ta có thể nhớ lại quá khứ. Tuy nhiên, tôi đề nghị bạn hãy nhìn quá khứ dưới một nhãn quan khác. Thay vì nhìn quá khứ như là “cái của bạn” và như là “một thực tại,” bạn hãy nhìn quá khứ như là chính nó, như là cái gì đó đến rồi đi qua tâm trong giây phút hiện tại. Đó mới thật sự là cái gì đang xảy diễn. Thực tại là tất cả những gì bạn nhớ lại trong quá khứ đang đến rồi ra đi trong tâm bạn. Ký ức sẽ không sống lâu hoặc kéo dài nếu bạn không bám vào nó. Ký ức chỉ đến rồi ra đi, thế thôi.
Đức Ajahn Sumedho
Việt dịch: Liên Trí
Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng