lifeofbuddha100

Chánh niệm trên hơi thở bình thường

Chúng ta có thể trở nên lao xao, trạo cử và phản kháng lại hơi thở vì chúng ta luôn bị thôi thúc bởi tham ái dục lạc. Chúng ta muốn tìm một cái gì đó lý thú, dễ thu hút chúng ta, hay một cái gì mà chúng ta không phải mất công sức để tập trung vào. Nếu gặp một cái gì đó lý thú như một bản nhạc nhịp nhàng và vui nhộn, chắc chắn chúng ta sẽ chú tâm ngay và bị cuốn hút vào trong đó. Nhưng nhịp thở bình thường không có gì hay ho để kích động chúng ta cả. Nó làm chúng ta lắng dịu và phần lớn người đời không quen với sự lắng dịu; họ luôn muốn được kích thích và lôi cuốn. Nói khác đi, phần lớn chúng ta muốn được một cái gì đó từ bên ngoài kích thích, làm phấn chấn, và hấp dẫn tâm ý của chúng ta.

Bạn chỉ cần nhìn vào một thành phố thì sẽ thấy được điều này; phần lớn các sinh hoạt thành phố là làm sao để gây sự chú ý và lôi cuốn chúng ta vào cái này hoặc cái nọ. Nào là hàng hóa đẹp, nào là các món ăn lạ miệng, nào là các trò giải trí vui nhộn; ngày này những thứ này rất dễ tìm. Người ta thích hút ma túy vì họ chỉ cần nuốt vào miệng một viên thuốc và liền sau đó sẽ đi vào một trạng thái đê mê ngây ngất. Nó không giống như quán niệm hơi thở anapanasati, trong đó bạn quán sát hơi thở vào và sau đó, quán sát hơi thở ra. Nó không giống như để ra nửa giờ đồng hồ để quán sát đoạn đầu, đoạn giữa, và đoạn cuối của mỗi hơi thở ra và hơi thở vào.

Thói quen tham ái thường trỗi dậy vì quán sát hơi thở hình như là một hoạt động không quan trọng hay cần thiết. Phần lớn người đời đều suy nghĩ, “Tại sao phải mất thì giờ để làm việc này? Các vị tu sĩ, tăng và ni, làm gì mà chỉ ngồi trơ ra đó? Các vị đã làm gì ích lợi cho Thế giới thứ ba nghèo khổ? Các vị làm gì để mang lại hạnh phúc cho nhân loại? Các vị chỉ ích kỷ thôi; Các vị mong được chúng tôi cúng dường thực phẩm trong khi quý vị chỉ biết ngồi đó và quán sát hơi thở. Có phải các vị đang chạy trốn khỏi cuộc đời thật này không?”

Nhưng thưa bạn, cái gì là cuộc đời thật? và ai đang chạy trốn khỏi cái gì, và có cái gì để trực diện trên đời này? Chúng ta thấy rằng cái mà người đời gọi là “cuộc đời thật” này chính là cái thế gian mà họ tin là có thật và quen sống trong đó. Nhưng cái thế gian đó chỉ là một điều kiện sinh khởi trong tâm thức. Trong khi hành thiền, chúng ta nhận và biết được thế giới thật như nó đang diễn biến, thay vì tin vào nó, biện minh hay cố gắng tìm cách tiêu diệt đi bản chất đau khổ của nó.

Thế giới thật là thế giới vận hành theo nguyên tắc sinh khởi và hoại diệt giống như hơi thở vào và hơi thở ra vậy. Hơi thở vào tạo điều kiện cho hơi thở ra, và hơi thở ra tạo kiều kiện cho hơi thở vào. Bạn không thể chỉ có hơi thở ra hay chỉ có hơi thở vào. Đó là bản chất của tất cả mọi hiện tượng bị điều kiện — chúng sinh rồi diệt. Chính vì thế mà trong lúc thực hành giáo pháp của Đức Phật, chúng ta sẽ thấy và hiểu được sự vận hành của thế giới tự nhiên, thay vì dùng tư duy để lý luận về nó.

Chúng ta quán sát thế giới tự nhiên trong khi quán sát hơi thở. Nếu chúng ta tập trung trên đề mục này, chúng ta sẽ thấy được đặc tính sinh diệt của cái thế giới “trùng trùng duyên khởi” mà chúng ta đang sống. Những pháp điều kiện là không ngừng thay đổi và vô cùng phong phú; chúng có những tính chất khác nhau, số lượng khác nhau, và chiếm những chỗ khác nhau trong không gian. Tâm chúng ta không thể nắm bắt được cái thế giới vô vàn phức tạp này, vì thế chúng ta phải dựa vào những thí dụ rất đơn giản để học và hiểu về chúng. Chúng ta học từ một đề mục rất bình thường và dường như là vô nghĩa như hơi thở vào và hơi thở ra bình thường của chúng ta.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng