mnmn

Trí tuệ của Chư Phật

Trí tuệ là cái mà chúng ta sử dụng trong khi hành thiền. Nó không phải là cái chúng ta mong đạt được. Tính chất của trí tuệ là nhún nhường và khiêm hạ; nó không phải là cái gì cao siêu và xa rời thực tế. Công năng của trí tuệ rất đơn giản. Nó chỉ cần thấy và biết là những gì sinh sẽ diệt và không có tự ngã. Nó biết là có những tham ái đang đi qua tâm chúng ta như vậy, thế thôi – biết tham ái là tham ái, tham ái không phải là chúng ta. Người có trí tuệ là người biết sống như một người nam, người nữ, một tỳ kheo, tỳ kheo ni, một Phật tử, một tín đồ Thiên chúa giáo, hay là ai khác đi nữa, với tất cả những thực tế chế định kèm theo như giới tính, vai trò xã hội, đẳng cấp xã hội v.v. nhưng người đó hiểu rằng tất cả những thực tế này chỉ là những cái mà con người chế đặt ra. Trí tuệ giúp chúng ta thấy rằng những thực tế chế định này không phải là sự thật tuyệt đối và từ đó chúng ta sẽ không còn bị chúng mê hoặc nữa.

Trí tuệ biết rằng pháp hữu vi là pháp hữu vi và pháp vô vi là pháp vô vi. Chỉ đơn giản thế thôi. Bạn chỉ cần biết hai điều: pháp hữu vi và pháp vô vi. Khi hành thiền, bạn không nên nhắm để thành đạt cái gì cả. Bạn chỉ nên mở rộng và hướng tâm về việc hành thiền. Khi bạn chợt nhận ra là mình đang ngồi thiền với tâm mong cầu một cái gì đó, đó cũng là một sự chứng ngộ. Khi hành thiền với tâm mở rộng, bạn sẽ thấy những gì đang thật sự xảy ra. Nhưng nếu bạn ngồi thiền suốt năm với ý đồ sẽ trở thành một cái gì đó hay đạt được một cái gì đó, bạn chắc chắn sẽ thất vọng. Nếu không có thái độ đúng đắn trong lúc hành thiền, bạn sẽ phí công vô ích vì cuối cùng bạn vẫn không có trí tuệ để học hỏi từ những lỗi lầm của mình.

Trong khi hành thiền, chúng ta rút ra những bài học về thành công và thất bại. Con người thường thất bại nhiều hơn là thành công. Chánh niệm trên hơi thở vào và hơi thở ra là một trong những phương pháp hành thiền dễ làm cho chúng ta chán nản nhất. Vì nếu chúng ta mong cầu một cái gì đó, phương pháp hành thiền này sẽ không mang lại cho chúng ta gì hết. Bạn phải kiên nhẫn. Bạn phải học từ những thành công và thất bại, cho đến khi nào bạn không còn thật sự quan tâm là mình có được an vui và thoải mái trong lúc hành thiền hay không. Lúc đó, cả hai điều kiện này – an vui thoải mái và không an vui thoải mái – sẽ đưa bạn đến sự giác ngộ hay giải thoát Niết Bàn.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng