Chìa khóa khai thị chiều kích tâm linh

Chứng ngộ niết bàn

Trong nhiều giới nghiên cứu, Nibbana hay Niết Bàn (tiếng Phạn là Nirvana) thường được dùng để mô tả trạng thái xuất thần, nhập định, nhẹ nhàng và ngây ngất giống như trên thiên đường. Nhưng thật ra, từ Niết Bàn có nghĩa là “cái không bị giới hạn bởi những điều kiện của sự sanh và sự chết.” Niết Bàn là sự chứng ngộ được trạng thái buông bỏ. Khi thật sự tỉnh thức và chánh niệm, chúng ta sẽ không còn nhu cầu, không còn khuynh hướng đồng hóa hay bám víu vào thân thể hay tâm thức — thân và tâm chỉ tồn tại như vậy, thế thôi. Đây không phải là sự chối bỏ hay triệt tiêu thân và tâm, nhưng đó là cái thấy và biết thân và tâm chỉ như là thân và tâm mà thôi. Thân và tâm sinh rồi diệt; thân và tâm bắt đầu rồi chấm dứt, thế thôi.

Cái quán sát thanh tịnh đó, cái tỉnh giác của tâm thức đó — hay nói khác đi, sự chứng ngộ Niết Bàn — không phải là cái gì xa xôi cả. Nó không phải là cái gì nằm ngoài khả năng của bất cứ ai trong chúng ta. Nếu bạn cho là bạn không làm được việc này, dĩ nhiên bạn sẽ hành động và xử lý theo tư tưởng đó, và vì thế bạn sẽ không bao giờ chứng ngộ được. Nhưng Đức Phật đã khẳng định rằng giáo pháp của Ngài dành cho con người, cho những người có trách nhiệm đạo đức; cho những người có trí thông minh. Như thế thì bạn có phải là một trong những người này không? Nếu không thì có lẽ bạn nên cố gắng tu tập để trở thành tốt hơn — không lẽ bạn cứ sống mãi như một người dễ duôi và buông lung trong cuộc đời này.

Do đó, Niết bàn không phải là một cảnh giới siêu nhiên và xuất trần ở trên trời cao, hay ở trong một không gian xa xôi nào đó, hay ở trong kiếp sau. Đức Phật luôn chỉ cho chúng ta thấy thực tại như nó đang xảy ra ngay bây giờ, thấy những gì mà mỗi người chúng ta đều có thể biết và nhận thức trong khả năng giới hạn của mình, ngay tại đây và ngay bây giờ. Bạn nên phát huy khả năng quán tưởng và nhìn thẳng vào thực chất của các pháp ngay tại đây và ngay bây giờ, để bạn có thể thật sự hiểu được chân lý, thay vì cứ suy đoán về chân lý — hoặc đoán mò, hoặc tin, hoặc không tin. Bạn có thể bắt đầu quán tưởng và nhìn xuyên qua các pháp với đôi mắt trí tuệ, thể nghiệm được sự giải thoát và tự do bằng cách buông bỏ tất cả.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng