Chìa khóa khai thị chiều kích tâm linh

Sự thấy biết của tâm tỉnh giác

Khi tâm vào định, bạn sẽ bắt đầu tỉnh giác liên tục, vững vàng, ổn định, và không thay đổi. Sự tỉnh giác này đơn thuần là sự thấy biết và tỉnh táo. Nó không dựa trên những khái niệm, ý kiến, quan điểm, và tình cảm thường đến rồi đi trong tâm. Bạn bắt đầu biết rằng đây là Pháp, là Đạo, là con đường phát triển tự nhiên của mọi vật trên thế gian. Cái thấy biết này còn được gọi là “chân như”, “như thật”, “như như.” Nó có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Hãy quan sát tâm bạn khi tôi nói,”Thực tại là như thế đó”. Lúc ấy, tôi không mô tả tâm bạn, tôi cũng không khuyên bạn nên xem xét tâm bạn như thế nào. Tôi cũng không khuyên bạn nên thể nghiệm cái gì. Tôi cũng không chỉ cho bạn thấy cái gì, hay mô tả một kinh nghiệm nào đó. Tôi chỉ nói, “Sự thật là như thế đó ngay trong giây phút hiện tại, cái chân như đang có mặt ngay trong hiện tại”. Khi nói lên tư tưởng này, tôi đã mở rộng tâm thức của mình; tôi cảm nhận được phút giây hiện tại, tiếp thu được những gì đang xảy ra, thay vì tập trung trên một đối tượng nào đó. Tôi không cố gắng mô tả thực tại mà chỉ mở rộng tâm để tiếp nhận. Do đó, đầu óc tôi có thể trống rỗng; tiến trình tư duy của tôi ngừng lại, và tâm tôi bắt đầu mở rộng. Thực tại là thế đó. Với nhận thức đó, chúng ta có thể quán sát được thực tại như nó đang xảy diễn: đang có hơi thở ra vào, đang có thân thể này với những cảm thọ bên trong nó. Đang có sự yên lặng, ngay bây giờ và tại đây — Thực tại là như thế đó.

Khi xem xét thực tại đang xảy diễn, thay vì dùng những khái niệm và lý thuyết trừu tượng để hiểu nó, chúng ta tập nhận thức để rồi tiến đến một cái gì vượt lên trên sự nhận thức đó — đó là tâm tỉnh giác hay tâm tỉnh thức. Phần lớn chúng ta không quen làm công việc này. Thông thường chúng ta quen suy nghĩ và lập luận dựa trên những tư tưởng có sẵn, những lý thuyết trừu tượng, hoặc trên những lập trường xã hội và chính trị nào đó. Chúng ta có thể tin ở Thượng Đế rồi đưa ra tiền đề là có một Đấng toàn năng sáng tạo ra chúng ta, và dựa trên tiền đề cơ bản này, chúng ta triển khai thêm không biết bao nhiêu là tư tưởng khác. Tôi không nói niềm tin ở một Thượng Đế toàn năng là sai lầm, tôi chỉ muốn nói là nếu chỉ suy nghĩ và lập luận dựa trên một tư tưởng có sẵn nào đó, chúng ta sẽ không bao giờ thấy và biết được sự thật. Chúng ta sẽ chỉ biết tin và chấp nhận những gì người khác chỉ bảo cho chúng ta mà thôi.

Khi giảng về Tứ Diệu Đế, Đức Phật dạy cho chúng sinh tập mở rộng tâm thức. Ngài giúp cho chúng ta thấy và biết được sự vận hành của các pháp, không phải bằng những lý thuyết khoa học, tâm lý, hay triết học, mà bằng sự tỉnh giác và chính niệm về thực tại như nó đang xảy ra. Trong khi làm việc này, chúng ta chỉ cần sử dụng những phương tiện sẵn có. Chúng ta sẽ không tìm cách đặt ra những ý kiến hay những lý thuyết hay ho và lý thú về thực tại, mà chỉ thuần quan sát thực tại, dựa trên những điều kiện thực tế hết sức rõ ràng mà thường ngày chúng ta không để ý đến.

Trí óc con người thường nghĩ ra nhiều lý thuyết hay ho và thú vị. Thí dụ như khi nói về những khác biệt giới tính: chúng ta nói đàn ông thì như thế này, đàn bà thì như thế kia. Chúng ta thường dùng những khái niệm trừu tượng để diễn tả tư tưởng của mình, nhưng thật ra, sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà là được dựa trên những tính chất và những tính chất này luôn luôn thay đổi và không bao giờ đứng yên một chỗ. Mặc dù thân thể của chúng ta mang tính chất đàn ông và đàn bà, nhưng tính đàn ông và đàn bà này lại tùy thuộc vào vô số những điều kiện khác. Nếu chúng ta không thấy và quan sát những điều kiện tùy thuộc lẫn nhau này, chúng ta sẽ có cái nhìn cố định và cứng nhắc về đàn ông, đàn bà, về người Anh, người Mỹ như thể đây là những sự thật tuyệt đối. Nhưng những gì mà chúng ta thấy được chỉ là những thực tế mà con người lựa chọn và đặt tên cho nó. Đây là những sự thật tương đối được con người chế đặt ra mà trong đạo Phật, chúng tôi gọi là Tục đế. Nhưng con người vẫn có thể sống suốt đời và tin rằng những sự thật tương đối này là những gì có thật và trường tồn. Người ta nói về “cái thế gian có thật”, nhưng “cái thế gian có thật” mà họ nói đó không phải là thật; nó chỉ là giả danh, là bề ngoài của cái thế gian được con người chọn lựa và đặt cho một tên gọi. Đó là bề ngoài của cái thế gian hay cái hình như là thế gian mà chúng ta thường quen nhận thức như thế.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng