đức phật thích ca

Niết Bàn

Niết Bàn là cứu cánh tối thượng của công phu hành thiền. Nó là sự chứng ngộ được trạng thái buông bỏ và không dính mắc. Là những chúng sanh chưa giác ngộ, bị vô minh chi phối và không hiểu biết đúng đắn các pháp thế gian, chúng ta luôn bị dính mắc vào các pháp. Chúng ta luôn bám víu và chấp chặt vào mọi việc; tuy nhiên, khi đạt được trạng thái buông bỏ, chúng ta sẽ chứng ngộ Niết Bàn. Từ Niết Bàn đôi khi còn được dịch là “sự dập tắt,” và vì thế, nó có vẻ như là cái gì cấm kỵ, như là biến tất cả thành hư vô chẳng hạn. Nhưng thật ra Niết Bàn không đòi hỏi chúng ta phải tiêu diệt hay biến tất cả thành hư vô, nó chỉ đòi hỏi chúng ta buông bỏ tất cả.

Khi không bám víu hay dính mắc vào bất cứ điều gì, con người sẽ chứng ngộ Niết Bàn. Trong trạng thái không dính mắc ấy, con người đi vào một cảnh giới mới. Đó là một cảnh giới thiêng liêng và thánh thiện, không còn dấu vết của tham ái và chấp thủ mà chỉ có lòng bi mẫn thật sự tràn ngập và trào dâng. Con người sẽ cảm thấy bi mẫn với nỗi đau của chúng sanh, hoan hỷ với niềm vui của chúng sanh, hạnh phúc, và bình an. Con người ở trong trạng thái khinh an này không phải là vì họ đã đạt được một thành tựu cá nhân nào đó mà vì ở đó không còn ai cả. Không còn chấp vào thân này như là của ta; không còn chấp vào những quan điểm, ý kiến, tình cảm hay bất cứ cái gì khác nữa như là của ta; Ở đó chỉ có sự buông bỏ hoàn toàn. Khi buông bỏ hoàn toàn, bạn sẽ cảm thấy thư thái và bình an. Nhưng đây không phải là sự bình an và hạnh phúc bình thường mà người đời thường có. Chúng ta phải tu tập mới có được sự an lạc và hạnh phúc này.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng