2789207_410818191

Kết quả của hành động

Có một cách khác để giải thích Nghiệp: “Nếu bạn làm điều thiện, bạn sẽ gặt quả tốt. Nếu bạn làm điều ác, bạn sẽ gặt quả xấu.” Nhưng nhiều người vẫn không tin chắc cách giải thích này. Họ có thể nói, “Tôi biết một người rất xấu — ông ta chuyên gạt gẫm, lừa dối, và ăn cắp — nhưng ông ta vẫn rất giàu có. Ông sống trong một ngôi nhà rất đẹp và có tất cả tiện nghi vật chất mà ông muốn, nhưng ông ta quả thật là một tên lưu manh. Nếu luật nhân quả có thật, nghĩa là làm tốt sẽ gặp tốt và làm xấu sẽ gặp xấu, thì tại sao ông ta không bị đau khổ? Tại sao ông ta có tất cả những gì tốt đẹp trên đời mà vẫn không bị bắt bớ và tù tội?” À nếu như thế thì hình như anh chàng này đã gặt quả tốt từ những việc làm xấu xa tội lỗi của anh ta phải không các bạn? Bạn có thể cho là anh ta đang hạnh phúc vì anh ta có xe hơi to, nhà đẹp, và nhiều tiền bạc. Nhưng nếu đã từng là một tên cướp hoặc một kẻ giết người, bạn sẽ hiểu rằng cái nghiệp mà bạn phải gánh chịu là những hồi tưởng về những việc đã làm. Ngay cả nếu bạn có một ngôi nhà xinh đẹp và những đồ vật sang trọng tuyệt vời, bạn cũng sẽ hồi tưởng lại những việc bạn đã làm để có được những của cải này — về bao nhiêu người mà bạn đã lợi dụng, lừa đảo, v.v.. Bạn có nghĩ là sẽ được hạnh phúc hay an toàn khi ngồi trong căn phòng xinh xắn không? Hãy nghĩ đến những gì mà những kẻ phạm tội thường làm: họ uống rượu và say sưa cả ngày, uống thuốc an thần, gắn máy báo động chống trộm, sống với bầy chó giữ nhà luôn sủa cắn, và những nhân viên bảo vệ. Bất cứ ở đâu, họ cũng không muốn ai biết đến và sống một cách lén lén lút lút.

Cứ suy ngẫm về kinh nghiệm của chính bạn. Nếu bạn nói dối hoặc nói xấu một người nào đó, hay ăn cắp một đồ vật nhỏ nhen nào đó — khi ngồi thiền, bạn có thấy an vui không? Hay đó có phải là điều mà bạn không muốn biết đến hoặc muốn quên phứt đi. Xin hãy ghi nhớ một sự thật là chúng ta sẽ nhớ lại tất cả những gì chúng ta đã làm. Nếu làm việc xấu, chúng ta sẽ có những hồi tưởng xấu; nếu làm việc tốt, chúng ta sẽ có những hồi tưởng tốt. Sự thật chỉ đơn giản thế thôi.

Nếu bạn làm việc tốt, tử tế và rộng lượng bố thí, và khi hành thiền, hồi tưởng sẽ hiện đến với bạn, “Tôi vừa giúp người đó, tôi vừa làm một việc tốt.” Cùng với hồi tưởng đó là cảm giác an vui và hạnh phúc. Cảm giác hạnh phúc đó sẽ giúp bạn hành thiền tốt hơn. Suy tưởng về những việc làm tốt đẹp sẽ dẫn đến trạng thái hỷ lạc và an vui; đây là một trong những yếu tố dẫn đến giác ngộ. Đây là Nghiệp mà bạn có thể tự mình chứng nghiệm, không cần phải tin vào những gì tôi thuyết giảng, bạn chỉ cần quan sát và suy tưởng về tác động của nó trên chính cuộc sống của bạn.

Do đó bất cứ cái gì mà bạn đang ý thức đều là Nghiệp. Bạn có thể chứng kiến kết quả của nghiệp trên cuộc sống của bạn ngay giây phút này: bạn đang hoang mang, hạnh phúc, nghi ngờ, lo âu, sợ hãi, và thèm khát. Tất cả những trạng thái tâm lý này là kết quả của sự kiện là bạn được sinh ra trong cõi đời này, là bạn đã có một số hành động cá biệt nào đó, và bạn đã được huân tập để tin tưởng, chấp nhận, hay sợ sệt tùy theo những giá trị của xã hội mà bạn đang sống.

Chủ nghĩa quốc gia, những mốt của thời đại, các định chế giáo dục, tất cả những điều này tác động vô cùng lớn trên tâm thức con người. Và những tư tưởng sai lầm của thời đại cũng có thể đè nặng trên tâm trí chúng ta. Chúng ta có thể hy sinh và thỏa hiệp với tất cả để được chấp nhận và hòa nhập vào xã hội. Tâm của chúng ta bị điều kiện hóa bởi môi trường chung quanh và vì bị kẹt trong những điều kiện này, chúng ta không còn khả năng để hiểu tâm của mình nữa. Chúng ta đã quên đi sự thật tuyệt đối vượt lên trên cái thế giới hữu vi hay thế giới của những điều kiện không ngừng sinh khởi này; chúng ta đã mất liên lạc với cái gọi là thế giới vô vi hay thế giới không bị ràng buộc bởi những điều kiện không ngừng sinh diệt của thế gian này.

Nếu bạn sống thận trọng, trách nhiệm và từ ái hơn, bạn sẽ cảm thấy an vui và hạnh phúc — đó là kết quả của Nghiệp. Có thể bạn sẽ vẫn gặp những điều không may như đau đớn và bệnh tật v.v.. Nhưng bạn không nhất thiết phải buồn rầu, tuyệt vọng và sầu não. Với trí tuệ, bạn sẽ không bị tác động bởi những điều kiện dẫn đến khổ đau vừa kể trên. Thân thể của bạn, trót đã sinh ra, chắc chắn sẽ chịu kết quả của nghiệp như già, bệnh và chết. Nhưng khi đã hiểu được nghiệp, bạn không cần khẳng định cái tự ngã trong thân này nữa, và bạn cũng không cần tìm cách thay đổi nó. Bạn bình thản trước sự vận hành của nghiệp và bản chất vô thường của thân thể. Bạn không đòi hỏi nó phải thế này thế khác. Bạn có thể trực diện và sống với những vấn đề của nó.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng