1E0F4477-8F1A-4CAB-9389-A941B9BEF6D1

Vấn đáp – Chuyển hóa nhờ tuệ giác

Hỏi:

Tôi biết rằng qua sự tu tập lâu dài, chúng ta có thể loại bỏ được những cảm xúc phiền não qua sự hiểu biết về Tánh Không. Nhưng trong cơn giận dữ, chúng tôi phải làm sao?

Đạt Lai Lạt Ma:

Cái đó tùy thuộc rất nhiều vào cá nhân. Trong trường hợp một hành giả đã có kinh nghiệm sâu xa về Bồ Đề Tâm, coi nhẹ vật chất thế tục, và có hiểu biết về Tánh Không, thì rất ít khi họ có những cảm xúc bất thiện lớn như giận dữ hay ghen ghét.

Dù các cảm xúc này có nổi lên thì vị đó cũng có thể nhớ ngay được những bài pháp đã học và liên hệ nó tới các tiến bộ tâm linh trong mình để làm tan loãng sự căng thẳng của các cảm bất thiện đó.

Dù sao, đối với những người như tôi đây, chưa tiến bộ nhiều, thì phương pháp hay nhất là đừng để mình rơi vào tình trạng hay hoàn cảnh nào làm cho bạn nổi sân si. Đối với những người mới tu tập thì đề phòng tốt hơn là đối đầu, tôi cho là điều đó rất đúng.

Do kinh nghiệm, bạn sẽ biết thế nào là những tình huống làm bùng lên những cảm xúc bất thiện dữ dội trong bạn, và bạn sẽ biết cách hay nhất để tránh các cảnh này. Dù sao, khi các cảm thọ đó khởi lên, bạn cũng sẽ chỉ biết cách thu xếp nếu như chúng chưa bùng nổ lớn. Nếu chúng đã nổ tung lên rồi thì bạn cũng không can thiệp được bao nhiêu. Trường hợp đó, có lẽ tốt nhất là bạn cứ la toáng lên!

Khi tôi còn nhỏ, tại lâu đài mùa hạ Nobulingka bên Tây Tạng, mấy người dọn phòng thường bảo tôi là khi nào giận mấy người bạn cùng chơi đó quá mức, thì tôi nên cắn vào bàn tay của mình.

Nay nhìn lại, thì có lẽ đó là một cách khá hiệu quả. Bạn nghĩ mà coi, khi bạn giận nhiều thì bạn sẽ tự cắn mình đau hơn. Và chuyện đó sẽ đánh thức, sẽ nhắc nhở bạn đừng giận, vì bạn sẽ phải chịu đau. Cảm giác đau đớn đó cũng sẽ khiến cho tâm bạn ra khỏi được cơn giận dữ.

Hỏi:

Thưa ngài, tôi rất muốn trở thành một con người tốt hơn, tử tế hơn, có lòng từ bi và loại bỏ được những tư tưởng cùng hành vi bất thiện. Nhưng càng cố gắng, tôi càng thụt lùi, càng làm lỗi nhiều hơn. Tôi tưởng như mình đi qua một lớp bùn trơn vậy. Ngài khuyên tôi nên làm sao?

Đạt Lai Lạt Ma:

Tôi có cảm tưởng bạn đã nghe những bài giảng rất nghiêm túc. Chuyện này cũng giống như hồi đầu, khi ta mới tập thiền. Khi bạn ngừng lại để ngồi xuống quán tưởng, bạn bắt đầu thấy các tư tưởng thay đổi luôn luôn và bạn bị đãng trí nhiều vô cùng, hình như là tâm bạn trở nên lăng xăng hơn vì thiền vậy. Thực ra đó là dấu hiệu tốt, chứng tỏ bạn có tiến bộ.

Tôi xin nói, Chuyển Hóa Tâm không phải là chuyện dễ dàng. Nó cần thời gian, bạn đừng mất can đảm và chán nản mà nên tiếp tục. Có lẽ tốt hơn bạn nên nghĩ tới thời gian chuyển hóa, không phải chỉ vài tuần, vài tháng hay vài năm, mà là từ đời này qua kiếp khác – cả ngàn, cả triệu hay tỷ tỷ, vô lượng kiếp. Phật tử chúng tôi nghĩ như vậy.

Mỗi khi tôi thất vọng về mình hay buồn phiền quá, tôi nhớ tới câu kệ rất hay này: “Khi còn thế giới – Khi còn chúng sinh – Tôi nguyền ở lại – Giúp đời bớt khổ”. Tôi đọc lại bài kệ, suy ngẫm và quán tưởng về nó thì những tình cảm buồn nản ấy biến đi ngay.

Bạn chỉ cần quyết tâm thêm, đừng để ý tới vấn đề thời gian để có được chuyển hóa. Bạn cần phát triển cái quyết tâm đó thêm và mọi sự sẽ dễ dàng hơn. Nếu bạn muốn có kết quả lập tức thì mọi chuyện sẽ khó khăn hơn. Đó là kinh nghiệm của tôi.

Khi bạn tìm được phương pháp nào hữu dụng thì cứ theo nó, nếu như bạn cảm thấy nó vô nghĩa, thì tôi cũng không biết nói sao. Tôi không khuyên bạn gì khác được.

Đức Dalai Lama thứ 14

Việt dịch: Chân Huyền

Nguồn: Chuyển hóa tâm (Phát khởi tâm Từ Bi)