Trí tuệ siêu việt

Quan điểm của Duy Thức Tông

Tông phái Duy Thức luận bàn về tánh Vô Ngã của phái Trung Quán như sau: nếu Vô Ngã là sự vắng mặt của hiện hữu và tự tánh nội tại – thì như vậy, thuyết duyên khởi (căn bản của Phật giáo) cũng không đứng vững?

Theo Duy Thức, nếu chúng ta hiểu sâu xa về thuyết duyên khởi thì ta phải chấp nhận mọi sự vật có ảnh hưởng hỗ tương với nhau, tùy thuộc vào nhau. Họ lý luận rằng, như vậy các sự vật, các pháp phải có một bản chất, một hiện hữu nội tại nào đó.

Chống lại luận cứ của phái Trung Quán cho rằng Vô Ngã là căn bản của tất cả mọi pháp, Duy Thức Tông phải tìm một đường lối diễn giảng Kinh Bát Nhã, là kinh văn có vẻ như hỗ trợ cho phái Trung Quán. Họ đưa ra thuyết Tam tánh. Theo đó, sự vắng mặt của tự tánh nội tại phải được hiểu khác nhau tùy theo các bối cảnh.

Có các hiện tượng mà bản chất của nó thuần là sản phẩm của tâm trí ta, do ta tạo nên. Theo Duy Thức luận, các hiện tượng đó có thể tánh Biến Kế Sở Chấp (imputednature-parakalpita). Tánh Biến kế Chấp đó cũng không có tự tánh nội tại.

Thứ nhì là tánh Y Tha Khởi (paratantra) của các hiện tượng: chúng có tự tánh nội tại nhưng không có khả năng sinh sản độc lập: Chúng không tự chúng thể hiện ra được mà chúng là kết quả của nhiều nhân duyên.

Thứ ba là thể tánh chân thực – Viên Thành Thật (parinnispanna) được mô tả là trống rỗng – tức là không có tự tánh tuyệt đối.

Phái Duy Thức lý luận rằng ba loại thể tánh đó có tính cách phổ biến, áp dụng được vào tất cả mọi hiện tượng (gọi chung là các pháp). Các pháp đều có ba bản chất (tam tự tánh): Y Tha Khởi – Biến Kế Sở Chấp và Viên Thành Thật – Hơn nữa ba tánh này tương quan chặt chẽ với nhau.

Y Tha Khởi là căn bản phát sinh ra những tâm hành của ta. Khi ta nhận thức sai lầm, quan niệm những sự việc tùy thuộc duyên sinh như là những thực tại độc lập, thì đó là Biến Kế Sở Chấp.

Sự vắng mặt của các nhận thức Biến Kế Sở Chấp là tánh Viên Thành Thật. Vậy Y Tha Khởi là tính chất căn bản, Biến Kế Sở Chấp gồm các nhận thức của ta phóng chiếu lên mọi sự vật và Viên Thành Thật là sự vắng mặt của các nhận thức Biến Kế Sở Chấp.

Duy Thức Tông định nghĩa thể tánh chân thực hay Tánh Không theo hai cách. Một là tính cách bất nhị giữa chủ thể và đối tượng, giữa người quan sát và vật được quan sát. Sau các phân tích rốt ráo về chủ thể và đối tượng, ta thấy chúng bất nhị, nhưng trí tưởng tượng làm cho ta phân biệt ra hai thứ. Họ lý luận rằng trong nhận thức thông thường, chúng ta hay nhìn đối tượng với một tiêu chuẩn nào đó để ta có thể nói về nó, có nhận thức về nó, nhưng sự thật không phải như vậy.

Tỷ dụ như khi chúng ta gọi tên hay dán nhãn hiệu gì đó cho một vật, thì vật đó đâu có vì cái tên đó mà hiện hữu. Thật sự thì ngôn ngữ và ý tưởng của ta tạo ra sự liên hệ giữa tên gọi và đối tượng đó thôi.

Duy Thức lý luận rằng cái lối ra đặt tên hay nhận biết đối tượng chỉ có tính cách tương đối, tùy thuộc vào các nhân duyên, nhưng ta đã không hành xử như vậy. Nếu chúng ta được hỏi chữ “thân” nghĩa là gì? Ta thường theo bản năng, chỉ vào một cơ thể và nói “đó là cái thân” – chúng ta tin là có một đối tượng thật sự nào đó trong cái thân và có sự liên hệ của cái thân ấy với các ý niệm do chữ “thân” gây ra.

Phải Duy Thức không chấp nhận như vậy. Danh từ “thân” chỉ vào đối tượng “thân” phát khởi từ một hệ thống quy ước phức tạp. Nếu như thật sự có sự liên hệ giữa cái tên và đối tượng, thì ta phải có khái niệm về “thân” trước cả lúc ta đặt tên cho nó. Tuy nhiên ta cứ luôn luôn coi như là các vật thể có một liên hệ tuyệt đối với những cái tên ta đặt cho chúng, làm như chúng có một thể tánh độc lập vậy.

Phải Duy Thức mở cho chúng ta một lối tiếp xúc sâu xa hơn với thể tánh của thực tại qua tiến trình tìm hiểu về bản chất của các tên gọi, từ ngữ, hiện tượng và tánh chất của chúng.

Đó là Từ Tầm hay Tứ Tầm Tư Quán, cách tìm hiểu qua bốn phương pháp tìm tòi. Nó đưa ta tới tuệ giác về 4 khía cạnh của các hiện tượng: Danh; Nghĩa; Tự Tánh và Sai biệt. Cách tìm hiểu này sau cùng nó sẽ dẫn ta tới sự hiểu biết về bản thể chân thật, sự bất nhị giữa đối tượng quán chiếu và chủ thể quán chiếu.

Dù khi nhìn thế giới một cách ngây thơ, chúng ta có khuynh hướng tin rằng các sự vật hiện hữu thật sự như ta thấy bề ngoài chúng, nhưng nhận thức thật sự về một đối tượng và chính đối tượng đó không phải là hai thứ riêng biệt. Đó chỉ là hai khía cạnh của một hiện tượng.

Triết lý Duy Thức quan niệm rằng những gì ta nhận thức về bề ngoài của đối tượng chỉ là sự phóng chiếu của tâm mình. Thật vậy, chủ thể và đối tượng, người quan sát và vật được quan sát đồng thời được khởi lên cùng một gốc, có chung một thể tánh thực tại.

Phái Duy Thức quan niệm rằng các nhận thức của ta rất phức tạp, và họ chia sẻ chúng ra làm nhiều phần. Khi ta nhận biết một vật, một hình tướng, thì có yếu tố nhìn nó như nó là, thí dụ vật đó màu xanh.

Cũng trong nhận thức đó, có một phần khác ta nhìn vật đó màu xanh vì nó biểu hiện đúng cái từ ngữ “xanh” trong ta. Một yếu tố khác nữa trong nhận thức “xanh” là ta thực sự tin rằng chữ “xanh” đó đã hiện hữu như một đối tượng thích hợp để ta quy chiếu về.

Và cuối cùng trong nhận thức đó cũng hàm chứa ý niệm màu xanh ấy hiện hữu như một thực thể có tự tánh độc lập, riêng biệt đối với ý niệm ta có về nó.

Phái Duy Thức giải nghĩa động cơ của những bình diện nhận thức khác nhau ấy bằng các xu hướng khác nhau trong ta. Họ cho rằng sở dĩ ta nhận ra vật đó màu xanh vì ta đã có sẵn thói quen nhận những vật như thế là màu xanh. Ngôn ngữ và các quy ước quen thuộc của ta gọi đó là màu xanh.

Nhận thức “xanh” không chỉ là từ ngữ xanh mà đó là một nhận thức Biến Kế Sở Chấp, coi màu xanh là một hiện hữu độc lập. Sau hết, nhận thức của ta về tự tánh độc lập của một vật đối với tâm trí ta được coi là một vết tích khác của khuynh hướng vô minh, của sự hiện hữu chưa tỉnh giác.

Trong 4 bình diện kể trên, hai điểm đầu cùng những khía cạnh của các nhận thức trong đó được coi là có giá trị. Nhưng hai điểm sau và các nhận thức của chúng đều bị coi là đưa người ta tới sự hiểu lầm về thực tướng của vạn pháp…

Tựu chung, phái Duy Thức coi chủ thể, đối tượng, và khả năng nhận thức theo thói quen chỉ là những khía cạnh khác nhau của cùng một hiện tượng. Đó là cách họ thiết lập cái hiểu của họ về thể tánh chân thật: Đối tượng và chủ thể bất nhị.

Có sự khác biệt lớn lao giữa Duy Thức và các tông phái khác trong Đại Thừa. Nhưng cái hiểu chung của Duy Thức về toàn diện của Phật pháp thì không có gì khác.

Đối với những ai ưa thích ngành Tâm lý của Phật giáo, tôi nghĩ là họ rất cần hiểu quan điểm của phái Duy Thức về chân lý của thực tại. Chúng ta cần xét một cách cẩn trọng sự đối nghịch của Duy Thức với phái Trung Quán.

Duy Thức không đồng ý vì họ cho rằng phái Trung Quán khi lý luận mọi pháp không có hiện hữu nội tại, không có tự tánh hay bản thể, thì sẽ dẫn tới thuyết hư vô. Theo đó thì ta chỉ hiểu được triết lý Trung Quán nếu ta có thể phân biệt được rằng phủ định sự hiện hữu và tự tánh của vạn vật không phải là sự phủ định toàn bộ mọi pháp.

Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể trả lời phái Duy Thức và bênh vực phái Trung Quán ở sự phân biệt này.

Trong 26 chương của cuốn sách “Căn bản Trung Quán Tụng”, khi nói về thập nhị nhân duyên, ngài Long Thọ đã vất vả trong việc bênh vực phái Trung Quán.

Ngài chứng tỏ rằng phái này phủ nhận sự hiện hữu của các pháp nhưng không theo thuyết hư vô. Có sự khác biệt lớn lao giữa Tánh Không (Trống rỗng – Emptiness) với cái Không hư vô (Nihilism), giữa sự phủ nhận hiện hữu của tự tánh với sự chối bỏ tất cả các hiện hữu.

Đức Dalai Lama thứ 14

Việt dịch: Chân Huyền

Trích: Chuyển hóa tâm (Phát khởi tâm Từ Bi) – Nhà xuất bản Thorsons