Jataka-Tales-Madras-Courier-04

Lý lẽ, lòng tin và kinh nghiệm

Có vài điểm trong giáo lý đạo Phật có thể được chấp nhận là đúng, ít nhất trong giai đoạn mới học, nhờ vào những chứng nghiệm của người khác; nhưng nói chung, sự hiểu biết về đạo Phật của một người phải căn cứ vào suy luận và thực chứng của chính người đó.

Đạo Phật không dạy rằng Bụt vĩ đại vì ngài đã hoàn toàn giác ngộ và vì giáo pháp là do Bụt dạy cho nên phải tin. Không phải vậy, mà chúng tôi đến với đạo trước hết là do lòng kính trọng giáo pháp của Bụt Thích Ca, căn cứ vào giá trị của giáo pháp tâm linh đó.

Điều này chỉ xảy ra sau khi cá nhân hành giả hiểu giáo lý một cách sâu xa nhờ vào những kinh nghiệm bản thân và lý luận của chính mình. Chỉ khi đó họ mới phát triển lòng kính ngưỡng sâu xa với Bụt, là người đã giảng dạy và thể hiện giáo pháp. Giá trị của Bụt như một bậc Thầy tâm linh – được chứng tỏ qua giá trị của những gì ngài giảng dạy.

Tuy nhiên đôi khi ta phải nương vào sự tôn quý Bụt để chấp nhận một số điểm trong giáo pháp của ngài. Điều này phù hợp với quan điểm Phật giáo về sự hiện hữu của nhiều loại hiện tượng.

Nhiều chuyện hiển nhiên đối với ta, đó là những hiện tượng ta tiếp xúc trực tiếp được. Ta có thể nhìn thấy, sờ thấy hay cảm thấy nó, có thể chứng minh sự hiện hữu của chúng bằng những kinh nghiệm của mình. Đó là những hiện tượng có thể thực chứng, những sự việc hiển nhiên.

Rồi có loại hiện tượng thứ hai, được mô tả là hơi mờ hay hơi tiềm ẩn: Dù ta không có thể tiếp xúc với chúng trực tiếp bằng giác quan, nhưng qua các kinh nghiệm thực chứng ta biết chúng có thật.

Loại hiện tượng thứ ba được coi là kín bưng hay  cực kỳ ẩn tàng, đó là những hiện tượng còn hoàn toàn bí mật đối với ta, nhất là trong thời gian đầu của con đường phát triển tâm linh. Khi đó, ta không hề biết cách tiếp cận với chúng, không thể dùng suy đoán hay nhận thức trực tiếp.

Vậy nên, ngay cả trong đạo Bụt, chúng ta khởi đầu phải chịu tin vào những chuyện do người khác chứng nghiệm vậy.

Liên hệ với chuyện này, tôi cũng muốn đề cập tới vấn đề chung của các tôn giáo lớn: chúng ta cần có lòng tin nhất trí vào con đường tâm linh của mình. Điều này có nghĩa là ta không nên theo hai con đường một lúc. Nó cũng hàm ý là sự dấn thân, cam kết vào con đường ta chọn rất quan trọng.

Vấn đề nêu trên rõ ràng liên can tới sự vấn đề chỉ có một tôn giáo hay là nhiều tôn giáo, một chân lý hay nhiều chân lý. Trên phiến diện ta thấy có sự đối nghịch về hai điểm sau đây: một là công nhận chỉ có một chân lý, một tôn giáo – hai là chấp nhận có nhiều sự thật và nhiều tôn giáo.

Riêng tôi, tôi không thấy có nghịch lý thật sự nào ở đây. Tôi đề nghị là đối với người hành trì thì nên theo một chân lý, một tôn giáo; nhưng trong cộng đồng hay trong xã hội, thì vẫn tôn trọng nguyên tắc có nhiều chân lý, nhiều tôn giáo. Xã hội loài người ở đâu cũng vậy, người ta rất khác biệt, tình cảm rất đa dạng, nên tôi không thấy điều nghịch lý nào trong chuyện có nhiều niềm tin khác nhau.

Dĩ nhiên ngay trong đạo Phật cũng có nhiều trường phái khác nhau. Ta có thể hiểu một người nghiêng về triết lý Trung Quán chủ trương rằng lập trường tối hậu của Bụt được diễn tả bằng quan điểm Tánh Không của phái Trung Quán. Nhưng hành giả đó cũng biết rằng trong các lời giảng của Bụt có nhiều nhận thức khác đối nghịch với phái Trung Quán.

Một người ủng hộ tông phái Phật giáo Duy Thức có thể lý luận rằng sự diễn giảng thuyết bất nhị giữa chủ thể và đối tượng – triết lý cao tột của Phật pháp – mới thật sự là Trung Quán!

Đó chẳng qua là lý thuyết Duy Thức thích hợp với vị hành giả đó hơn mà thôi. Người đó còn có thể cho rằng các triết gia Trung Quán thực đã theo thuyết hư vô và đã đi quá xa.

Các kinh bản dùng trong Tông Duy Thức, nhất là “Kinh Giải Thâm Mật” (Samdhinirmocana sutra) được phái này coi là các kinh văn do chính Bụt giảng dạy. Đọc kinh này chúng ta không thấy Bụt thuyết: “Ta nói kinh này để có lợi ích cho các con, để thích hợp với tâm thức các con, nhưng quan điểm riêng của ta lại khác”. Không có chuyện này. Kinh đó có ý nói: những chân lý trong kinh là những sự thật chung cuộc. Vậy thời, ta có thể thấy, giảng dạy Tánh Không cho những người thiên về Duy Thức có lẽ không lợi vì nó có thể đưa tới chủ nghĩa hư vô.

Tôi thường nói rằng loài người chúng ta khác nhau nhiều lắm, nên có nhiều khuynh hướng tâm linh và triết lý khác nhau. Một ví dụ khác: có một số người quan niệm rằng Thượng Đế rất nhiều quyền năng, đầy sáng tạo và phù hợp với căn bản tín ngưỡng của họ.

Ý tưởng ta chỉ sống có một kiếp, chỉ có đời này thôi và ta do Thượng Đế trực tiếp tạo ra, khiến cho ta có liên hệ chặt chẽ với ngài. Cảm giác gần gũi và liên hệ trực tiếp với Thượng Đế rất mạnh, nó có thể làm nền tảng để ta muốn sống một cuộc đời có đạo đức. Càng cảm thấy gần Thượng Đế, ta càng cố gắng để sống xứng đáng với kỳ vọng của ngài.

Cũng như các tỷ dụ đã nói trên, trong các tôn giáo hữu thần cũng có nhiều khác biệt lớn lao. Đạo Cơ Đốc có quan niệm về Ba Ngôi, nhưng đạo Hồi không tin như thế mà dạy người ta nhiều hơn về sự liên hệ với đấng tạo hóa.

Các tôn giáo hữu thần có nhiều khuynh hướng tâm linh khác biệt. Vấn đề quan trọng là khi bạn tìm được con đường nào thích hợp với tâm tình và ý hướng của bạn nhất và nó có hiệu năng tốt nhất cho bạn, thì đó là con đường nên theo.

Đức Dalai Lama thứ 14

Việt dịch: Chân Huyền

Trích: Chuyển hóa tâm (Phát khởi tâm Từ Bi) – Nhà xuất bản Thorsons