Mục đích nội tại của chuyến du hành trong đời bạn

Hiểu về bản chất của đau khổ

Cùng với phương pháp gần gũi, thân mật với đối tượng để phát triển lòng từ bi, chúng ta có một phương cách quan trọng khác: đó là sự hiểu biết sâu xa về bản chất của khổ. Truyền thống Tây Tạng cho rằng sự quán tưởng về khổ đau có hiệu quả hơn nhiều nếu chúng ta quán chiếu các kinh nghiệm thực sự mình đã trải qua. Vì khi quan sát chính mình, ta chiêm nghiệm về các niềm đau của ta dễ dàng hơn là quán chiếu về người khác.

Do đó, hai yếu tố chính trong đạo Bụt là từ bi và hỷ xả, được coi là hai mặt của một đồng tiền. Sự buông xả chân thực hiện khởi khi người ta có giác ngộ thật sự về bản chất của cái khổ trong chính mình và lòng từ bi chân thực cũng xuất hiện khi ta thật sự hiểu về cái khổ của người khác. Chỉ có đối tượng khác nhau mà thôi.

Trước đây chúng ta đã nói sơ về ba loại khổ trong giáo pháp đạo Bụt: Khổ khổ – Hoại khổ – Hành khổ. Tôi cũng đã giảng rằng trong việc tu luyện tâm từ bi và buông xả, chúng ta muốn nói về loại khổ thứ ba.

Về cái khổ thứ nhất, đó là những cái khổ vật chất như đau đớn hay những cái khổ hiển nhiên khác. Hãy coi loài vật, chúng cũng biết khổ và có khả năng làm cho đỡ đau phần nào, dù chỉ là đỡ khổ tạm thời.

Về loại thứ hai – Hoại khổ – ta muốn nói tới những kinh nghiệm sống mà ta thường cho là vui thú, là hạnh phúc trong cuộc đời. Chúng là những thứ dễ dàng thay đổi, và chúng ta càng ưa thích các thú vui đó thì chúng càng đưa ta tới đau khổ nhiều hơn. Nếu đó là những thứ mang cho ta hạnh phúc chân thực, thì khi ta càng tích lũy, hưởng thụ chúng, hạnh phúc của ta càng bền lâu. Nhưng nó không phải vậy!

Tất cả những gì tưởng như là thú vui, những gì khởi đầu tưởng như là hạnh phúc, khi ta theo đuổi chúng tới một điểm nào đó chúng sẽ thay đổi, trở thành khổ đau và đưa ta tới thất vọng…

Dù theo quy ước chung, người ta gọi đó là hạnh phúc, nó vẫn có bản chất của những cảm xúc thỏa mãn, bạn sẽ thấy chúng bị giới hạn, cực kỳ nhỏ hẹp.

Chúng ta thường nói tới sự vui sướng, là vì ta so sánh lúc đó với một hình thái khổ đau lớn lao ta mới trải qua. Thường chúng ta nói mình vui, mình hạnh phúc đa số là vì lúc đó khổ đau tạm thời vắng mặt.

Dù sao đây chưa phải là những cái khổ sâu xa nói tới trong Phật giáo. Hoại khổ, khổ vì sự thay đổi, cũng là thứ khổ mà các truyền thống tâm linh khác có bàn tới. Đạo Bụt cũng như các tôn giáo khác tại Ấn Độ có những phương pháp chung để nhận diện những kinh nghiệm khổ đau và vượt qua chúng một cách tạm thời. Trong các phương pháp ấy có thiền quán, quán tưởng, phát triển tâm thẩm thấu…

Nơi đây, chúng tôi muốn nói tới loại khổ thứ ba: Hành khổ hay nỗi khổ lan tràn gây ra bởi đủ thứ nhân duyên. Đó là căn bản của hai loại khổ kia. Đó là bản chất của sự hiện hữu của ta, vốn là kết quả của các hành nghiệp và những ảo tưởng, những cảm thọ phiền não.

Sống như những con người vô minh chưa giác ngộ thì chúng ta đều có căn bản bất như ý, đều bị khổ. Qua cách tu tập từ bi, buông xả, ta cần phát triển ước vọng chân thật mong được tự do, thoát khỏi loại khổ thứ ba này. Nhưng ước nguyện này chỉ hiện khởi khi ta hiểu được bản chất của khổ và các nguyên nhân tạo ra nó.

Khi chúng ta nói tới Tứ Diệu Đế theo tiến trình hợp lý của nó, đáng lẽ phải nói tới chân đế thứ nhì (Tập tìm căn nguyên của khổ) trước khi nói tới chân đế thứ nhất (Khổ). Rồi chân đế thứ ba là Đạo (con đường) và chân đế thứ tư: Diệt (chấm dứt đau khổ). Tuy nhiên Bụt Thích Ca đã đảo lộn tứ diệu đế theo thứ tự Khổ – Tập – Diệt – Đạo, để nó hợp với sự phát triển tuệ giác của người tu tập.

Ngài dạy về Khổ đế trước, vì khi hiểu về khổ rồi, bạn sẽ muốn biết vì đâu mà khổ, rồi tới giai đoạn coi có thể chấm dứt khổ hay không. Chỉ khi bạn hiểu rằng ta có thể hết khổ, bạn mới đi tìm đế thứ tư – con đường dạy cho bạn cách chấm dứt khổ đau.

Vấn đề là bạn bắt buộc phải có sự buông xả, thật sự quên mình để hiểu được rằng chuyện chấm dứt khổ có thể thực hiện, căn cứ vào sự hiểu biết chân tướng của thực tại.

Trong trường hợp cá nhân tôi, tôi bắt đầu thật sự chú ý tới Tánh Không từ 30 năm trước. Do kết quả của những học hỏi, thiền và quán tưởng, tôi đi tới chỗ có cảm tưởng là mình mới có một thoáng hiểu nó là gì, dù tôi chưa dám nhận là mình đã trực tiếp thực chứng được về Tánh Không.

Tôi đã nói với các bạn đồng môn là khi tôi đạt tới sự ngừng bặt thật sự thì tôi sẽ lấy một kỳ nghỉ hè dài! Tôi cho rằng khi đạt tới trình độ đó tôi có thể nghỉ ngơi lâu được vì sự ngừng bặt thật sự không phải chỉ là thoát được khổ và các căn nguyên của nó một cách tạm thời, nhưng nó có nghĩa là ta đã thực sự loại trừ được hết mọi khổ đau.

Đó là tình trạng diệt khổ, khi đó dù bạn có tiếp xúc với các hoàn cảnh thường gây ra những cảm nghĩ tiêu cực, chúng cũng không làm bạn khổ vì gốc rễ của chúng đã không còn có mặt trong bạn. Đó là ý nghĩa của diệt khổ.

Khi chúng ta quán tưởng sâu xa về bản chất của khổ, về nguyên nhân tạo ra khổ, sự tự do thoát khổ, thoát cả các gốc rễ của chúng … lúc đó bạn sẽ phát triển được tâm buông xả tinh nguyên, vì đó là lúc bạn thực tâm muốn được thoát khổ, muốn được tự do. Trong thời điểm đó, bạn thấy như mình như kiệt sức hoàn toàn vì đã sống cuộc đời vô minh, đã bị các cảm nghĩ bất thiện thống trị đến thế.

Sau khi bạn thiết lập được ước nguyện tự do trong cuộc nhân sinh này, bạn có thể chuyển ước vọng ấy tới người khác, chú ý vào những kinh nghiệm khổ đau của họ như bạn đã làm cho mình.

Nếu bạn phối hợp chuyện này với suy tư trước kia (coi ai cũng có thể đã là mẹ mình), quán tưởng tới sự tử tế của họ, nhận biết sự bình đẳng giữa bạn và người khác – thì lòng từ bi tinh tuyền sẽ khởi lên trong tâm bạn. Chỉ khi đó bạn mới thực sự có ước nguyện vị tha, làm lợi ích cho người.

Khi có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết hơn, bạn sẽ thay đổi quan niệm đối với Phật và Tăng. Bạn sẽ kính trọng Bụt Thích Ca hơn vì hiểu giáo pháp của ngài sâu xa hơn, nhất là về ý nghĩa của sự ngừng bặt và con đường đưa tới Niết Bàn.

Không phải Bụt chỉ giảng dạy mà ngài còn là hiện thân của những giáo nghĩa đó. Hơn nữa, sự kính quý tăng đoàn trong bạn cũng càng ngày càng lớn hơn vì đó là các vị đại diện cho Phật Pháp. Đây là căn bản của tam quy – ba sự nương tựa quay về Phật, Pháp và Tăng. Y như ngài Tsongkhapa đã viết trong cuốn “Ngợi ca lý duyên sinh”:

“Vì ngài dạy những điều ngài đã chứng nghiệm

Ngài là bậc đạo sư trí tuệ cao tột

Con xin tán dương và khấu đầu đảnh lễ ngài

Cùng những lý duyên sinh do Bụt truyền bá”.

Khi bạn suy ngẫm về những câu trên, bạn sẽ biết cách thiết lập một nền tảng tu tập sao cho thành công. Đây không phải như bạn chỉ chú tâm hết sức vào một điều nào đã chọn mà bạn phải có cái nhìn bao quát về con đường tu học. Cái nhìn rộng rãi đó sẽ hỗ trợ cho việc tu tập của bạn, dù bạn chỉ thực tập một khía cạnh đặc biệt nào thôi.

Tiếp tục trên con đường này, bạn sẽ bắt đầu biết quý trọng kiếp người. Được làm người thật đáng quý ở điểm chúng ta biết suy ngẫm những vấn đề tâm linh và hành trì tu tập. Và bạn sẽ biết trân trọng những lời giảng dạy mà bao nhiêu bậc thầy Tây Tạng đã nhắc nhở nhiều lần: Đừng bỏ phí những duyên may ta gặp trong đời này vì được làm người là chuyện vô cùng khó khăn.

Kiếp người rất hiếm quý nên ta phải làm những hành động có ý nghĩa ngay bây giờ, vì bản chất cuộc đời chúng ta cũng rất phù du. Điều này chứng tỏ bạn nên dung hợp nhiều phương pháp tu tập để khi hành trì mỗi ngày bạn sẽ được tinh tấn.

Tôi đã nói rằng chúng ta có thể huấn luyện tâm bằng cách phát triển hai ước nguyện muốn giúp người và muốn được giác ngộ. Kết hợp cả hai chúng ta sẽ làm cho Bồ Đề Tâm phát sinh. Đó là ý nghĩa chân thực của các nguyên tắc vị tha, nguồn gốc của mọi tính thiện.

Đức Dalai Lama thứ 14

Việt dịch: Chân Huyền

Trích: Chuyển hóa tâm (Phát khởi tâm Từ Bi) – Nhà xuất bản Thorsons