Duc Quan The Am 1 2

Nghĩ tới tha nhân như những người thương

Sau khi phát triển tâm bình đẳng, bạn có thể thực tập bước đầu của phép Bảy nhân duyên, nghĩa là bạn nuôi dưỡng ý nghĩ rằng chúng sinh đều thân thương như cha mẹ, bạn bè mình. Dĩ nhiên giáo pháp này dựa vào quan niệm thời gian vô thủy vô chung, chúng sanh thế nào cũng đã có lần là cha mẹ hay bạn bè của mình. Đây là cách chúng tôi liên hệ với người khác và phát triển sự tương quan tinh nguyên.

Sự thực tập này quan trọng vì trong thiên nhiên, các bà mẹ đóng vai trò thiết yếu trong việc nuôi dưỡng con cái. Trong loài vật, có những giống cả cha lẫn mẹ coi sóc con trẻ, nhưng đa số thì người mẹ là chính.

Có những trường hợp ngoại lệ, dĩ nhiên. Có những loài chim con cái không tham dự chi vào việc làm tổ. Chim đực làm việc rất vất vả trong khi chim cái chỉ đứng ngó nghiêng và xét nét. Vậy ta phải coi là chim đực góp nhiều công trong việc nuôi dưỡng con. Nhưng đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi.

Loài bướm cho ta một thí dụ đáng để ý: Bướm cái đẻ trứng và nhiều phần là chúng tôi không bao giờ gặp con chúng, khi bướm con cắn kén chui ra, nhưng các con bướm mẹ vẫn phải tìm cho ra một chốn an toàn để đẻ trứng, trữ sẵn thức ăn và làm những gì cần thiết để bảo vệ bướm con…

Chúng ta không thể nói rằng loài bướm có lòng từ bi như chúng ta, nhưng dù với lý do nào, hoặc do sinh lý hay hóa học, hay tâm thức từ bi… Hiện tượng trên chứng tỏ cho ta thấy tấm lòng bao la của các bà mẹ khi lo cho các con được an toàn.

Đó là lý do khiến cho các văn bản Ấn Độ và Tây Tạng thường đưa hình ảnh bà mẹ ra để khuyên chúng ta nên có tương quan với người khác theo mẫu mực đó. Trong ngôn ngữ Tây Tạng, “Lão mẫu của chúng sanh” là một thành ngữ có ảnh hưởng mạnh mẽ vào tâm thức quần chúng, như một câu thơ nhiều thi vị vang vọng trong tâm thức họ. Ngày khi có người nêu lên vấn đề giới tính trong văn hóa Tây Tạng, tôi thường nói với họ là theo tôi, ý nghĩa thành ngữ “mẹ già của chúng sanh” nói lên quan điểm của dân Tây Tạng rồi.

Nó cho thấy là chúng tôi rất kính trọng tình mẫu tử trong văn hóa Phật giáo. “Lão mẫu (mẹ già) của chúng sanh” tiếng Tây Tạng là “Ma gen sam chen tam che”, giống như một tiếng chuông lớn tràn đầy tình cảm, khác hẳn khi chúng ta đổi tiếng mẹ thành tiếng cha. “Pa gen sem chen tam che” nghe không giống như vậy! Thực thế, cụm từ “Pa gen” (lão phụ hay cha già) trong xứ tôi bao hàm ý nghĩa phê phán một con người được nuông chiều và vô trách nhiệm.

Trong văn chương truyền thống, ý niệm công nhận chúng sinh có thể là mẹ của ta bắt nguồn từ quan điểm có nhiều kiếp sống – có tái sinh và đời trước đời sau. Phật pháp nhấn mạnh rằng, hiểu biết về chuyện tái sinh là để hiểu về bản chất các Thức.

Trước đây chúng ta đã biết, tâm thức là một hiện tượng khởi lên nhờ đã có một nhận thức khởi lên trước đó. Vật chất không thể trở thành tâm thức. Nói chung giữa vật và tâm, cái này có thể là nhân của cái kia; nhưng trong sự liên tục cá nhân thì cái Thức này chỉ sinh ra sau khi đã có một Thức kia hiện ra ngay trước nó.

Ngày nay ai cũng nói tới Thức và Tâm, tư tưởng, tình cảm… Nhưng trong đạo Bụt, Thức được định nghĩa là “bản chất sáng suốt và hiểu biết”. Đó là khả năng hiểu và tự hiểu. 

Nói chuyện một cách đại cương về những điểm này thì không sao, nhưng cá nhân tôi, tôi tin rằng ta chỉ thực sự hiểu thức nghĩa là gì khi căn cứ vào những gì mình thực chứng. Tôi không tin là những bàn luận tri thức, những lời nói xuông có thể mô tả được ý nghĩa của Thức. Đối với tôi, kinh nghiệm thực chứng về Thức và Tâm là những hiểu biết vô cùng quý giá.

Trong truyền thống Tây Tạng, chúng tôi có những kỹ thuật giúp chúng tôi hiểu biết thực nghiệm về Thức hay sự tự biết (sự tỉnh thức). Trong truyền thông Dzogchen chẳng hạn, có phép thực tập quan sát bản chất của tâm khi ta bắt đầu có một bất ngờ nào đó. Cứ cho các tư tưởng khởi lên, rồi ta quan sát các hoạt động của tâm mình một cách bình thản.

Tương tự, trong truyền thống Sakya, hành giả quan sát tính chất của tâm khi để cho nó được nghỉ ngơi trong trạng thái tự nhiên khởi động, chỉ theo dõi các hoạt động của nó thôi.

Trong các truyền thống Gelugpa và Kagyu cũng vậy, phép thực tập Đại thủ ấn * (12) giúp ta hiểu được Tâm là gì. Khi bạn gia nhập vào các phép tu tập như vậy, nếu bạn đi tới kết quả, có một ít kinh nghiệm bản thân để biết sự tỉnh thức hay tự hiểu là gì, lúc đó, bạn có thể thấy được “chuỗi nhận thức vô thủy vô chung” kia nghĩa ra sao. Nếu không, lời giải thích “nhận thức tự hiểu này có là do đã có nhận thức trước đó” sẽ không có ý nghĩa gì lắm. Bạn cần kinh nghiệm cá nhân để có thể hiểu ý nghĩa của điều này.

Đức Dalai Lama thứ 14

Việt dịch: Chân Huyền

Trích: Chuyển hóa tâm (Phát khởi tâm Từ Bi) – Nhà xuất bản Thorsons