cung-anh-sang2

Con đường thập giá

Nhiều người thuật lại rằng họ đã tìm thấy Thượng đế thông qua nỗi đau khổ sâu sắc của họ, và có thành ngữ Kitô “con đường khổ giá” mà tôi cho là nhằm ám chỉ sự kiện này.

Chúng ta không đề cập đến điều gì khác ở đây.

Nghiêm chỉnh mà nói, họ không tìm thấy Thượng đế thông qua đau khổ, bởi vì qua đau khổ hàm ngữ phản kháng. Họ tìm thấy Thượng đế thông qua vâng phục, thông qua hoàn toàn chấp nhận cái đang là, mà họ bị buộc phải tiến vào đó bởi vì nỗi đau khổ cùng cực của mình. Hẳn là ở bình diện nào đó họ nhận ra rằng nỗi đau khổ ấy do tự tạo mà có.

Làm sao ông đánh đồng sự vâng phục với việc tìm thấy Thượng đế cho được?

Bời vì phản kháng không thể tách rời khỏi tâm trí, cho nên từ bỏ phản kháng – tức là vâng phục – là kết thúc vai trò chủ nhân của tâm trí, kẻ mạo danh giả vờ là “con người bạn”, vốn là vị thần giả tạo. Tất cả mọi phán xét và mọi thứ tiêu cực đều tan biến đi. Vốn đã từng bị tâm trí che khuất đi, lãnh địa của Bản thể hiện tiền giờ đây mới mở ra. Đột nhiên, sự tĩnh lặng lớn lao phát sinh bên trong bạn, kèm theo đó là cảm giác bình an thanh thản khôn dò. Và bên trong sự an bình đó có niềm vui lớn lao. Bên trong niềm vui đó, tình yêu triển nở. Và tận cốt lõi sâu thẳm nhất, có cái linh thiêng, cái vô lượng vô biên, cái không sao gọi tên được.

Tôi không gọi sự kiện đó là tìm thấy Thượng đế, bởi vì bạn làm sao có thể tìm kiếm cái không hề bị mất đi, vốn là sự sống đích thực của bạn, cho được? Thuật ngữ Thượng đế có ý nghĩa hạn chế không chỉ do hàng ngàn năm ngộ nhận và lạm dụng, mà còn vị nó ám chỉ một thực thể khác hẳn bạn. Thượng đế chính là Bản thể hiện tiền, chứ không phải là một con người. Ở đây không thể có mối quan hệ chủ khách, không hề có tình trạng lưỡng phân đối đãi, không có bạn và Thượng đế. Nhận biết Thượng đế là sự việc tự nhiên nhất. Sự kiện đáng kinh ngạc và không thể hiểu được không phải là bạn có thể nhận biết Thượng đế, mà chính là bạn không thể nhận biết Thượng đế. Con đường khổ giá hay con đường thập tự giá (the way of the cross) bạn đề cập là con đường dẫn đến giác ngộ của người xưa, và mãi đến gần đây nó vẫn là con đường duy nhất. Nhưng đừng phế bỏ nó hay đánh giá thấp hiệu quả của nó, bởi vì nó vẫn còn hiệu nghiệm.

Con đường khổ giá là hành trình đảo ngược hoàn toàn. Tức là điều tệ hại nhất trong đời bạn, nỗi thống khổ cùng cực của bạn, biến thành điều tốt lành nhất từng xảy đến cho bạn, bằng cách buộc bạn tiến vào trạng thái vâng phục, tiến vào “cái chết”, buộc bạn trở thành cái không gì cả, trở thành Thượng đế – bởi vì Thượng đế cũng chính là cái không, cái hư vô, cái không gì cả.

Hiện nay đối với đa số người vô minh, con đường khổ giá vẫn là biện pháp duy nhất. Họ sẽ chỉ thức tỉnh thông qua đau khổ thêm nữa, và sự giác ngộ dưới dạng hiện tượng tập thể chắc chắn sẽ xảy ra tiếp sau các biến động lớn lao. Tiến trình này phản ảnh cách vận hành của một số quy luật vũ trụ chi phối sự phát triển ý thức, vì vậy một số người tỏ ngộ có thể đoán biết trước được. Tiến trình này được miêu tả trong Sách Khải Huyền và các kinh điển cổ khác, mặc dù mập mờ khó hiểu và đôi khi bằng các ẩn ngữ hay biểu tượng không thể hiểu được. Nỗi thống khổ này không phải do Thượng đế giáng xuống, mà do con người gây ra cho mình và gây ra cho nhau, cũng như gây ra bởi một số biện pháp phòng vệ mà Quả Đất, vốn là một thực thể sinh động và linh thông, sẽ thực hiện để tự bảo vệ trước sức tiến công dữ dội một cách điên rồ của con người.

Tuy nhiên, hiện nay ngày càng có thêm nhiều người mà ý thức đã tiến hóa đủ để không cần thêm đau khổ nữa mới hiện thực được giác ngộ. Bạn có thể là một trong số những người đó.

Giác ngộ thông qua đau khổ – tức con đường khổ giá – có nghĩa là bị buộc phải tiến vào vương quốc thiên đàng trong trạng thái quẫy đạp và la hét vì đau đớn đến cùng cực. Cuối cùng bạn sẽ vâng phục bởi vì bạn không sao chịu đựng thống khổ thêm nữa, nhưng đau khổ có thể tiếp tục trong một thời gian dài cho đến khi sự tỏ ngộ xảy ra. Giác ngộ tự nguyện một cách hữu thức có nghĩa là từ bỏ sự gắn bó vào quá khứ và tương lai của bạn, và xem cái Bây giờ là trọng tâm chủ yếu trong đời bạn. Nó có nghĩa là chọn cách cư ngụ trong trạng thái hiện trú thay vì trong thời gian. Tức là chấp nhận cái đang là. Lúc ấy bạn không cần đau khổ nữa. Bạn có nghĩ rằng mình sẽ cần thêm bao nhiêu thời gian nữa mới có thể nói: “Ta sẽ không gây thêm đau khổ nữa” không? Bạn cần thêm bao nhiêu đau khổ nữa mới có thể thực hiện được việc lựa chọn ấy?

Nếu bạn cho rằng mình cần có thêm thời gian, thì bạn nhất định sẽ có thêm thời gian – và thêm đau khổ. Thời gian và đau khổ không thể tách rời nhau được.

Eckhart Tolle
Biên dịch: Hồ Kim Chung – Minh Đức
Trích: Sức mạnh của hiện tiền phi thời gian – NXB TổngHợp TP.HCM