59745648_2135826766530458_2488912494102315008_n

Vâng phục trong các mối quan hệ cá nhân

Đối với những người muốn lợi dụng tôi, muốn lèo lái hay chi phối tôi thì sao? Tôi có phải vâng phục họ không?

Họ đã bị tách rời khỏi Bản thể hiện tiền, vì thế một cách vô minh họ chỉ cố gắng tước đoạt năng lượng và sức mạnh của bạn. Quả thật chỉ có những người vô minh, những người thật mê muội mới cố gắng lợi dụng hay lôi kéo người khác, nhưng cũng đúng là chỉ những người vô minh mới có thể bị lợi dụng hay bị lôi kéo. Nếu phản kháng hay đấu tranh chống lại hành vi vô minh của người khác, thì chính bạn cũng trở thành vô minh. Thế nhưng, vâng phục không có nghĩa là bạn cho phép mình bị lợi dụng bởi những con người vô minh đó. Tuyệt đối không. Hoàn toàn có thể nói “không” một cách cứng rắn và minh bạch đối với họ, hoặc thoát ra khỏi tình huống ấy mà đồng thời vẫn ở trong trạng thái nội tâm hoàn toàn không phản kháng. Khi bạn nói “không” với một người hay một hoàn cảnh, hãy để nó xuất phát không phải từ phản ứng mà từ tri kiến sáng tỏ, từ sự nhận biết sâu sắc về điều nào đúng và điều nào không đúng đối với bạn ở thời điểm đó. Hãy để nó là cái “không” không phản ứng, cái “không” phẩm chất cao, cái “không” thoát khỏi tất cả mọi tiêu cực và vì thế không gây ra thêm đau khổ nào nữa.

Tôi đang gặp phải tình huống không vui ở sở làm. Tôi đã cố gắng vâng phục nó, nhưng tôi thấy không thể được. Rất nhiều ý nghĩ phản kháng cứ ùa đến. 

Nếu không thể vâng phục, bạn hãy hành động ngay: Bày tỏ ý kiến hoặc làm việc gì đó để thay đổi tình huống – hoặc tự mình thoát ra khỏi nó. Hãy nhận lấy trách nhiệm đối với cuộc sống của bạn. Đừng làm ô nhiễm Bản thể hiện tiền rực sáng và tốt đẹp của bạn, cũng đừng vấy bẩn Quả Đất bằng tiêu cực. Đừng dành cho sự bất hạnh dù dưới hình thức nào có chỗ trú ngụ bên trong bạn.

Nếu không thể hành động, chẳng hạn như trong trường hợp bạn đang ở tù, bạn còn lại hai chọn lựa: phản kháng hoặc vâng phục; cảnh tù ngục hoặc tự do nội tâm với các điều kiện bên ngoài; đau khổ hoặc thanh thản nội tâm.

Phải chăng sự không phản kháng cũng được thực hành ở cách cư xử trong cuộc sống bên ngoài của chúng ta, như không phản kháng đối với bạo lực chẳng hạn, hay nó là thứ chỉ liên quan đến sự sống nội tại của chúng ta?

Bạn chỉ cần quan tâm đến khía cạnh nội tại. Đó là điểm quan trọng hàng đầu. Dĩ nhiên, nó cũng sẽ chuyển hóa cách cư xử trong cuộc sống bên ngoài của bạn, các mối quan hệ của bạn, và vân vân.

Các mối quan hệ của bạn sẽ bị thay đổi sâu sắc bởi vì sự vâng phục. Nếu bạn không bao giờ có thể chấp nhận cái đang là, dĩ nhiên bạn cũng không thể chấp nhận bất kỳ ai theo cách họ đang sống. Bạn sẽ phán xét, chỉ trích, gán nhãn hiệu, hắt hủi, hoặc ra sức thay đổi họ. Hơn thế nữa, nếu bạn không ngừng biến cái Bây giờ thành phương tiện để đạt tới cứu cánh trong tương lai, thì bạn cũng sẽ biến những người mình sẽ biến những người mình gặp phải hay có quan hệ thành phương tiện giống như thế. Mối quan hệ – và con người – lúc ấy đối với bạn chỉ có tầm quan trọng thứ yếu hay chẳng quan trọng gì cả. Cái mà bạn có thể sở đắc từ mối quan hệ ấy mới là quan trọng nhất – có thể là lợi lộc vật chất, cảm giác quyền lực, khoái lạc vật chất, hay một dạng thỏa mãn tự ngã nào đó.

Dưới đây là minh họa về cách tác động của sự vâng phục trong các mối quan hệ. Khi bạn bị lôi cuốn vào một cuộc tranh cãi hay tình huống xung đột nào đó, có lẽ với người bạn đời hay người thân của mình, bạn hãy bắt đầu bằng cách quan sát cách thức phòng thủ của bạn bị công kích, hoặc cảm nhận sức gây hấn của chính bạn khi bạn bị công kích, hoặc cảm nhận sức gây hấn của chính bạn khi bạn công kích quan điểm của người khác. Hãy quan sát xem bạn gắn bó ra sao với quan điểm và lập trường của mình, hãy cảm nhận nguồn năng lượng tâm trí – xúc cảm đằng sau cái nhu cầu của bạn nhằm giành cho được lẽ phải về phần mình và khiến người khác phải nhận lấy sai trái. Đó là trường năng lượng của tâm trí vị ngã. Bạn tỏ ngộ nó bằng cách thừa nhận nó, bằng cách cảm nhận nó càng toàn diện càng tốt. Rồi sẽ có một ngày, đang lúc tranh cãi nửa chừng, bạn sẽ đột nhiên nhận ra rằng mình có một chọn lựa, và để quan sát xem điều gì sẽ xảy ra thôi. Bạn vâng phục. Tôi không có ý nói buông bỏ phản ứng đơn thuần bằng lời nói đại loại như: “Phải, bạn đúng” với nét mặt đầy hàm ý rằng: “Tôi ở bên trên tất cả những trò vô minh trẻ con này”. Đó chỉ là dịch chuyển sự phản kháng đến một bình diện khác mà thôi, chứ tâm trí vị ngã vẫn còn nắm quyền, vẫn còn chiếm phần ưu thắng. Tôi đang nói đến việc buông bỏ toàn bộ trường năng lượng tâm trí – xúc cảm bên trong bạn vốn luôn luôn đấu tranh giành lấy quyền lực.

Tự ngã hư ngụy thật là xảo trá, vì thế bạn phải thật cảnh giác, thật hiện trú, và hoàn toàn trung thực với chính mình để xem liệu bạn có thực sự từ bỏ tình trạng đồng hóa với một định kiến, và nhờ đó giải thoát bản thân khỏi tâm trí của bạn hay không. Nếu bạn bỗng nhiên cảm thấy thật nhẹ nhàng, trong sáng, và thanh thản sâu sắc, thì đó là một dấu hiệu không nhầm lẫn cho thấy bạn đã thực sự vâng phục. Sau đó, hãy quan sát xem điều gì xảy ra cho định kiến của người khác khi bạn không còn cung cấp năng lượng cho nó thông qua sự phản kháng. Khi tình trạng đồng hóa với các định kiến biến mất, thì sự thông đạt chân chính mới khởi đầu.

Còn thái độ không phản kháng khi đối mặt với bạo hành, gây hấn, và những thứ tương tự thì sao?

Không phản kháng không nhất thiết có nghĩa là không làm gì cả. Toàn bộ ý nghĩa của nó là bất cứ “hành động” nào cũng đều không mang tính phản ứng. Hãy nhớ rằng minh triết sâu sắc làm nền tảng cho sự rèn luyện các môn võ thuật. Đông phương là: Đừng đối kháng sức mạnh của đối phương; nhượng bộ để chiến thắng.

Như đã nói, “làm cái không gì cả” khi bạn ở trong trạng thái hiện trú toàn triệt chính là tác nhân chuyển hóa và hàn gắn rất mạnh mẽ đối với các hoàn cảnh cũng như con người. Trong Đạo học có một thuật ngữ gọi là vô vi, thường được hiểu là “ngồi yên lặng, không làm gì cả”. Ở Trung Hoa thời xưa, nó được xem là một trong những thành tựu hay đức độ cao quý nhất. Nó căn bản khác biệt với sự không hành động trong trạng thái ý thức bình thường, hay đúng hơn là trong trạng thái vô minh, xuất phát từ sợ hãi, trì trệ, hay do dự. Thái độ “vô vi” đích thật hàm ý nội tâm không phản kháng và cảnh giác cao độ.

Ngược lại, nếu cần phải hành động, thì bạn sẽ không còn phản ứng từ tâm trí có điều kiện của mình nữa, mà phản ứng của bạn đối với hoàn cảnh sẽ xuất phát từ sự hiện trú hữu thức. Trong trạng thái đó, tâm trí của bạn không còn vương vấn các khái niệm, kể cả khái niệm không bạo hành nữa. Vì thế, ai có thể đoán trước được bạn sẽ làm gì?

Tự ngã hư ngụy tin rằng trong sự phản kháng ẩn tàng sức mạnh của bạn, trong khi thực ra phản kháng tách rời bạn khỏi Bản thể hiện tiền, nơi duy nhất có sức mạnh đích thực. Phản kháng là yếu đuối, là sợ hãi đội lốt sức mạnh. Cái mà tự ngã cho là nhu nhược mới chính là Bản thể hiện tiền của bạn trong trạng thái thuần khiết, hồn nhiên, và mạnh mẽ của nó. Cái nó cho là mạnh mẽ lại là nhu nhược. Vì thế tự ngã tồn tại theo kiểu không ngừng phản kháng và đóng vai trò giả trá để che đậy sự “yếu đuối” của bạn, thực ra chính là sức mạnh của bạn.

Cho đến khi vâng phục, việc sắm tuồng một cách vô minh hình thành phần lớn sự tương tác của con người. Khi vâng phục, bạn không còn cần đến các thủ đoạn phòng thủ của tự ngã cũng các chiếc mặt nạ giả trá của nó. Bạn trở nên rất đơn giản, rất chân thật. Tự ngã nói rằng: “Làm như thế thật nguy hiểm, bạn sẽ bị tổn thương. Bạn sẽ trở nên mong manh”. Dĩ nhiên, điều mà tự ngã không biết chính là chỉ thông qua buông bỏ phản kháng, thông qua “tình trạng mong manh” ấy bạn mới có thể khám phá sự an toàn đích thật và cốt yếu của bạn.

 

Eckhart Tolle

Biên dịch: Hồ Kim Chung – Minh Đức
Trích: Sức mạnh của hiện tiền phi thời gian – NXB Tổng Hợp TP.HCM