13626339_1753493084894906_2190722118402317254_n

Hướng đến một trật tự khác của thực tại

Tôi không đồng ý rằng thân xác cần phải chết đi. Tôi tin rằng chúng ta có thể đạt đến sự bất tử của thân xác. Chúng ta tin vào cái chết, và đó là lý do khiến cho thân xác phải chết đi.

Thân xác không chết đi bởi vì bạn tin vào cái chết. Thân xác tồn tại, hay có vẻ như thế, bời vì bạn tin vào cái chết. Thân xác và sự chết đều thuộc về cùng một ảo tưởng do kiểu ý thức vị ngã tạo ra. Kiểu ý thức này vốn không biết gì đến Cội Nguồn của sự sống, xem chính nó là một thực thể tách biệt và thường xuyên bị đe dọa. Vì vậy nó tạo ra ảo tưởng rằng bạn chính là thân xác, là phương diện vật chất nặng đục thường xuyên bị đe dọa.

Xem chính mình là một thân xác mong manh được sinh ra rồi sau đó ít lâu phải chết đi thì quả là ảo tưởng vậy. Thân xác và sự chết là hai phương diện của cùng một ảo tưởng. Bạn không thể có cái này mà không có cái kia. Bạn muốn giữ lại một mặt của ảo tưởng và vứt bỏ mặt kia, nhưng không thể được. Hoặc bạn giữ lại cả hai, hoặc bạn từ bỏ cả hai.

Tuy nhiên, bạn không thể thoát khỏi thân xác, và bạn cũng không bắt buộc phải làm như vậy. Thân xác là một ngộ nhận kỳ quặc về bản tính đích thực của bạn. Nhưng bản tính chân thật ấy bị che giấu ở đâu đó bên trong cái ảo tưởng kia, không phải bên ngoài nó, vì vậy thân xác vẫn là điểm duy nhất để tiếp cận bản tính ấy.

Nếu bạn nhìn thấy một thiên thần và nhầm lẫn vị ấy với một tượng đá, thì mọi việc phải làm là điều chỉnh thị giác của bạn và nhìn thật gần “tượng đá” ấy, chứ không nhìn bất cứ nơi nào khác. Lúc ấy bạn sẽ thấy rằng chưa hề có một tượng đá như thế.

Nếu như niềm tin vào sự chết tạo ra thân xác, thì tại sao con vật lại có thân xác? Con vật không có tự ngã hư ngụy, và nó cũng không tin vào sự chết…

Nhưng nó vẫn cứ chết, hay có vẻ như thế.

Nên nhớ rằng tri kiến về thế giới của bạn chính là hình ảnh phản chiếu trạng thái ý thức của bạn. Bạn không tách biệt khỏi nó, và ngoài kia chẳng có một thế giới khách quan nào cả. Từng khoảnh khắc, ý thức của bạn kiến tạo ra cái thế giới mà bạn cư trú. Một trong những tư tưởng vĩ đại nhất xuất phát từ bộ môn vật lý học hiện đại là quan điểm về tính đồng nhất giữa chủ thể quan sát và đối tượng quan sát: Người tiến hành cuộc thí nghiệm – tức là ý thức đứng ra quan sát – không thể tách biệt khỏi các hiện tượng được quan sát, và một cách quan sát khác sẽ khiến cho các hiện tượng được quan sát hành xử khác hẳn đi. Ở bình diện sâu thẳm, nếu bạn tin tưởng vào sự phân biệt và đấu tranh sinh tồn, bạn sẽ thấy rằng niềm tin ấy được phản chiếu ra chung quanh bạn và các nhận định của bạn đều bị chi phối bởi sự sợ hãi. Bạn cư ngụ ở một thế giới đầy chết chóc, gồm những thân xác chiến đấu, giết hại, và ăn nuốt lẫn nhau.

Dường như không thứ gì là như vậy cả. Cái thế giới mà bạn tạo ra và nhìn thấy thông qua tâm trí vị ngã dường như là một nơi cực kỳ không hoàn hảo, thậm chí là một thung lũng đầy nước mắt. Nhưng cho dù bạn nhận định là gì đi nữa cũng chỉ là một loại biểu tượng, giống như một hình ảnh trong giấc mộng. Nó chính là cách mà ý thức của bạn lý giải và tương tác với vũ điệu năng lượng phân tử của vũ trụ này vậy. Năng lượng này chính là nguyên liệu của cái gọi là thực tại vật chất. Bạn thấy nó dưới dạng các thân xác (các cơ thể) cùng hiện tượng sinh và tử, hay như là một cuộc đấu tranh sinh tồn. Có thể có, và thực ra đang tồn tại vô số cách lý giải hoàn toàn khác biệt nhau, vô số thế giới hoàn toàn khác biệt nhau – tất cả đều tùy thuộc vào ý thức đứng ra nhận định. Mọi sinh vật đều là tâm điểm của ý thức, và mỗi tâm điểm như thể đều kiến tạo ra thế giới riêng của nó, mặc dù tất cả các thế giới này đều tương thông với nhau. Có một thế giới loài người, một thế giới loài kiến, một thế giới cá heo, và vân vân. Có vô vàn sinh vật mà tần số ý thức của chúng rất khác biệt với tần số ý thức của bạn, mà có lẽ bạn không hề biết đến sự hiện hữu của chúng, giống như chúng không hề biết đến sự hiện hữu của bạn vậy. Những người tỏ ngộ cao độ biết rõ sự tương thông của họ với Cội Nguồn và sự tương thông lẫn nhau giữa họ đều cùng cư ngụ ở một thế giới mà đối với bạn có vẻ như là một lãnh địa thiên đàng – vậy mà tất cả các thế giới nói cho cùng chỉ là một thôi.

Thế giới của tập thể con người chúng ta đại để được kiến tạo thông qua mức độ ý thức mà chúng ta gọi là tâm trí. Ngay bên trong cái thế giới này cũng có những khác biệt lớn lao, nhiều “tiếu thế giới” khác biệt nhau, tùy thuộc vào các chủ thể nhận thức hay các chủ thể kiến tạo ra các thế giới tương ứng của họ. Bởi vì tất cả các thế giới đều tương thông với nhau, nên khi ý thức tập thể của loài người chuyển hóa, thì thiên nhiên và vương quốc các loài vật sẽ phản ảnh sự chuyến hóa ấy. Vì thế Kinh Thánh khẳng định rằng trong kỷ nguyên sắp tới “Sư tử sẽ nằm chung với đàn cừu”. Khẳng định này vạch rõ khả năng xuất hiện một trật tự hoàn toàn khác của thực tại.

Đối với chúng ta, thế giới có vẻ là phản ảnh của tâm trí vị ngã. Sợ hãi là hậu quả không thể tránh được của ảo tưởng vị ngã, do đó thế giới này thường xuyên bị thống trị bởi sự sợ hãi. Giống như các hình ảnh trong giấc mộng là các dấu hiệu của các trạng thái và tâm tình nội tại, thực tại của tập thể con người chúng ta đại để là biểu hiện của sự sợ hãi và của các lớp tiêu cực nặng nề đã tích lũy trong linh hồn của tập thể nhân loại. Chúng ta không tách biệt với thế giới của mình, cho nên khi đại đa số con người thoát khỏi ảo tưởng vị ngã, thì sự chuyển biến nội tại này sẽ tác động đến tất cả mọi tạo vật. Lúc ấy bạn sẽ thực sự cư ngụ trong một thế giới mới. Đó là hậu quả của sự thay đổi trong ý thức của toàn hành tinh. Câu ngạn ngữ kỳ lạ của Phật giáo nói rằng từng cội cây và từng cọng cỏ sau cùng đều tỏ ngộ nhằm tuyên xưng cùng cái chân lý này vậy. Theo Thánh Paul, toàn thể mọi tạo vật đều chờ đợi loài người tỏ ngộ. Đó là cách tôi giải thích câu nói sau đây của ngài: “Vũ trụ được sáng tạo này đang nóng lòng mong đợi các con của Thiên Chúa hiện đến”. Thánh Paul tiếp tục nói rằng tất cả mọi tạo vật sẽ được cứu chuộc thông qua sự thị hiện này: “Cho đến nay toàn thể vũ trụ được sáng tạo này trong tất cả mọi bộ phận của nó đều rên xiết như thể đang vật vã trong cơn đau đẻ”.

Cái đang được sinh ra chính là ý thức mới, và như phản ảnh không thể tránh được của nó, chính là thế giới mới. Sự kiện này cũng được báo trước trong Sách Khải Huyền của Tân Ước Kinh: “Rồi tôi thấy trời mới và đất mới, bởi vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất”.

Nhưng đừng nhầm lẫn nguyên nhân với hậu quả. Nhiệm vụ chủ yếu của bạn không phải là tìm cầu sự cứu rỗi thông qua sự sáng tạo một thế giới tốt đẹp hơn, mà là thức tỉnh bước ra khỏi sự đồng hóa với hình tướng. Lúc ấy bạn sẽ không còn bị ràng buộc vào thế giới này, vào mức độ này của thực tại nữa. Bạn có thể cảm nhận được gốc rễ của mình trong cõi Bất thị hiện, và vì thế thoát khỏi sự ràng buộc vào thế giới Bất thị hiện này. Bạn vẫn có thể thưởng thức các lạc thú chóng tàn của thế giới này, nhưng tuyệt không cần phải bám chặt vào chúng nữa, cho nên bạn không cần phải bám chặt vào chúng nữa. Mặc dù bạn có thể thưởng thức các khoái lạc giác quan, nhưng nỗi khát khao kinh nghiệm giác quan không còn nữa; giống như vậy, sự không ngừng tìm cầu thỏa mãn thông qua thỏa mãn tâm lý, thông qua nuôi lớn tự ngã hư ngụy sẽ không còn ở con người bạn nữa. Bạn đang tiếp xúc với thứ gì đó cực kỳ tuyệt vời hơn bất cứ lạc thú nào, vĩ đại hơn bất kỳ sự vật hữu hình hữu tướng nào.

Trong chừng mực nào đó, lúc ấy bạn không cần đến thế giới này nữa. Bạn thậm chí không cần nó phải khác với cách nó đang là.

Chỉ tại điểm này bạn mới bắt đầu đóng góp đích thực để kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn để tạo ra một trật tự khác của thực tại. Chỉ tại điểm này bạn mới có thể cảm nhận lòng trắc ẩn đích thật và giúp đỡ người khác ở bình diện nguyên nhân. Chỉ những người đã siêu vượt lên trên thế giới này mới có thể kiến tạo được một thế giới mới tốt đẹp hơn.

Bạn có thể nhớ lại rằng chúng ta đã bàn về bản chất lưỡng diện của lòng trắc ẩn đích thực, vốn là tri kiến về mối liên hệ cộng thông về tính tử vong và tính bất diệt của mọi tạo vật. Ở bình diện sâu thẳm này, lòng trắc ẩn có khả năng hàn gắn theo ý nghĩa rộng rãi nhất. Trong trạng thái đó, ảnh hưởng hàn gắn của bạn chủ yếu căn cứ vào sự hiện trú chứ không vào hành động. Mọi người bạn gặp phải sẽ xúc động bởi sự hiện trú của bạn và bị ảnh hưởng bởi sự thanh thản, sự an bình toát ra từ con người bạn, bất kể họ có nhận biết hay không. Khi bạn hiện trú toàn triệt và những người chung quanh bạn biểu hiện hành vi vô minh, bạn sẽ cảm thấy không cần phải phản ứng lại, vậy là bạn không xem nó quan trọng chút nào. Sự thanh thản của bạn quá bao la và sâu sắc đến mức bất kỳ thứ gì không thanh thản đều tan biến vào trong nó như thể chưa từng hiện hữu vậy. Tình hình này phá vỡ cái vòng luẩn quẩn nghiệp chứng gồm hành động và phản ứng. Thú vật, cây cối, hoa cỏ đều sẽ cảm nhận được sự an bình thanh thản của bạn và đáp ứng lại nó. Bạn giáo hóa thông qua sự hiện hữu của chính mình, thông qua minh chứng sự bình an của Thượng đế. Bạn trở thành “ánh sáng chiếu soi thế giới”, bạn truyền bá ý thức thuần túy cho khắp mọi tạo vật, và thế là bạn loại trừ đau khổ ở bình diện nguyên nhân. Bạn loại trừ vô minh khỏi thế giới này.

Nói như vậy không có nghĩa là bạn cũng không thể giáo hóa thông qua hành động – ví dụ bằng việc xiển dương cách thức giải trừ sự đồng hóa với tâm trí, cách thức nhận biết các khuôn mẫu vô minh bên trong bản thân, và vân vân. Nhưng chính con người bạn mới luôn luôn là lời giáo huấn quan trọng hơn và là tác nhân chuyển hóa thế giới mạnh mẽ hơn lời lẽ của bạn, và thậm chí thiết yếu hơn cả hành động của bạn nữa.

Ngoài ra, nhận biết tính ưu việt của Bản thể hiện tiền, và do đó tác động ở bình diện nguyên nhân, cũng không ngoại trừ khả năng lòng trắc ẩn của bạn đồng thời biểu lộ ở bình diện hành động và bình diện hệ quả bằng cách xoa dịu đau khổ mỗi khi bạn có dịp. Gặp một người đang đói lòng và bạn đang có chút bánh, bạn sẵn lòng chia sẻ cho họ. Nhưng trong hành vi cho bánh, cho dù tương tác của bạn có lẽ chỉ thoáng chốc thôi, điều thực sự quan trọng chính là cái khoảnh khắc cộng thông Bản thể hiện tiền này vậy, cái khoảnh khắc mà miếng bánh chỉ là một biểu tượng. Sự hàn gắn sâu sắc diễn ra bên trong nó. Trong khoảnh khắc ấy không có người cho không có kẻ nhận.

Nhưng trước hết không nên để cho sự đói khát và nạn đói xảy ra. Làm thế nào chúng ta kiến tạo được một thế giới tốt đẹp hơn nếu trước tiên không giải quyết hết các tệ nạn xấu xa như đói khát và bạo lực chẳng hạn?

Tất cả mọi tệ nạn xấu xa đều là hệ quả của tình trạng vô minh. Bạn có thể giảm nhẹ các hậu quả của vô minh, nhưng bạn không thể loại trừ chúng được trừ phi bạn loại trừ nguyên nhân của chúng. Sự thay đổi đích thực xảy ra ở bên trong, chứ không ở bên ngoài.

Nếu bạn cảm thấy mình được ơn trên ban cho sứ mệnh xoa dịu đau khổ cho thế giới này, thì đây là việc làm vô cùng cao quý, nhưng hãy ghi nhớ là không nên chỉ chú trọng đến phần bên ngoài thôi; nếu không bạn sẽ phải nản lòng và thất vọng. Nếu không có sự chuyển biến sâu sắc trong ý thức nhân loại, thì đau khổ của thế gian này là hố thẳm không đáy. Cho nên, đừng để cho lòng trắc ẩn của bạn trở thành phiến diện. Sự đồng cảm với đau khổ hay thiếu thốn của người khác và ước muốn giúp đỡ họ cần phải được cân bằng với tri kiến sâu sắc về bản tính vĩnh hằng của tất cả mọi sự sống và về cái ảo tưởng tối hậu của tất cả mọi khổ đau. Sau đó mới để cho sự thanh thản an bình của bạn tuôn chảy vào bất cứ hành động nào của mình, và bạn sẽ tác động đồng thời trên các bình diện hệ quả và nguyên nhân.

Cũng nên hành động y như thế trong trường hợp bạn ủng hộ một phong trào nhằm ngăn chặn những con người mê muội sâu sắc để họ khỏi hủy hoại bản thân, hủy hoại lẫn nhau, và tàn phá hành tinh này; để cho họ không tiếp tục gây thêm nhiều khổ đau cho các loài hữu hình khác. Hãy ghi nhớ rằng: Bạn không thể chiếu đấu chống lại vô minh, cũng giống như bạn không thể chiến đấu chống lại bóng tối vậy. Nếu bạn ra sức làm như vậy, thì các đối cực sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và càng bám chặt sâu hơn nữa. Lúc ấy bạn sẽ bị đồng hóa với một trong các đối cực ấy, bạn sẽ tạo ra một “kẻ thù”, và do đó chính bạn cũng bị lôi kéo sa vào lưới vô minh. Nâng cao sự hiểu biết cho mọi người bằng cách phổ biến thông tin, hoặc tối đa là tiến hành sự phản kháng thụ động cũng được. Nhưng hãy chắc rằng bạn không mang nặng gánh phản kháng trong lòng, không căm thù, không tiêu cực. Câu nói “Hãy yêu kẻ thù của ngươi” của Chúa Jesus dĩ nhiên có nghĩa là “không có kẻ thù”.

Một khi bị lôi cuốn phải tác động ở bình diện hệ quả, bạn rất dễ dàng đánh mất bản thân vào việc làm ấy. Hãy đề cao cảnh giác và hiện trú thật toàn triệt. Bình diện nguyên nhân phải luôn là trọng tâm chính của bạn, giáo lý giác ngộ phải luôn là mục tiêu chủ yếu của bạn, và sự an bình thanh thản phải luôn là món quà quý giá nhất bạn dành tặng cho thế gian.

Eckhart Tolle

Biên dịch: Hồ Kim Chung – Minh Đức
Trích: Sức mạnh của hiện tiền phi thời gian – NXB Tổng Hợp TP.HCM