om-mani-padme-hum-stephen-humphries 1

Chướng ngại lớn nhất đối với sự giác ngộ

Giác ngộ là gì?

Một người hành khất ngồi bên lề đường đã hơn 30 năm. Một hôm gặp khách lạ đi qua, người hành khất như cái máy chìa chiếc nón cũ ra, miệng lẩm bẩm:

– Xin ông cho tôi chút tiền lẻ.

Khách bộ hành dừng lại nói:

– Tôi chẳng có gì cho ông. Nhưng ông đang ngồi trên cái gì vậy?

– Chẳng có gì. Chỉ là cái thùng cũ rích thôi. Tôi ngồi trên thùng này đã lâu lắm rồi.

– Ông đã từng xem có gì bên trong chưa?

– Chưa. Nhưng chẳng có gì đâu.

Khách bộ hành cứ khăng khăng yêu cầu nên xem thử. Khi ấy người hành khất mới cố cạy cái nắp thùng cũ kỹ ra. Ông ta ngạc nhiên, không tin vào mắt mình nữa, rồi vô cùng sung sướng. Thì ra trong thùng chứa đầy vàng.

Tôi là khách lạ đó, tuy chẳng có gì hiến tặng bạn nhưng đang bảo bạn hãy nhìn vào bên trong. Không phải bên trong cái thùng nào đó như trong chuyện ngụ ngôn, mà trong chỗ gần gũi hơn nữa: bên trong chính con người bạn.

Có thể bạn sẽ nói: “Nhưng tôi không phải là kẻ ăn mày mà”.

Những người không tìm thấy của cải chân chính của mình, nghĩa là niềm vui rực rỡ của Bản thế hiện tiền cùng với sự thanh thản sâu thẳm không gì lay chuyển nổi đều là kẻ ăn mày, cho dù họ rất giàu sang về vật chất. Họ đang tìm kiếm những khoảnh khắc lạc thú hay muốn được công nhận giá trị của mình, tìm kiếm sự an ổn hay tình yêu bên ngoài, trong khi họ lại sẵn có một kho tàng bên trong, không những bao gồm mọi thứ họ đang tìm kiếm mà còn lớn lao hơn mọi thứ khác trên đời.

Thuật ngữ giác ngộ hay tỏ ngộ gợi lên khái niệm về sự thành tựu của một siêu nhân nào đó, và tự ngã hay cái tôi thích lưu giữ một khái niệm kiểu ấy. Nhưng nó đơn giản có nghĩa là trạng thái hồn nhiên hợp nhất về mặt cảm giác với Bản thể hiện tiền. Đó là trạng thái cộng thông hay kết nối với thứ gì đó vô lượng vô biên và không có gì có thể hủy hoại được, thứ gì đó, hầu như nghịch lý, cốt yếu là bạn mà lại còn lớn lao hơn nhiều so với chính bạn nữa. Đó là sự tìm thấy bản tính chân thật của bạn, cái bản tính vượt khỏi hình danh sắc tướng bên ngoài của bạn. Tình trạng không thể cảm nhận được sự nối kết này làm nảy sinh ảo tưởng phân biệt, tách biệt với chính bạn và với thế giới chung quanh bạn. Lúc ấy bạn vô tình hay cố ý xem bản thân mình là một mảnh cô lập trong vũ trụ. Thế là sợ hãi nảy sinh, rồi xung đột bên trong và bên ngoài bạn trở nên quen thường trong cuộc sống của bạn.

Tôi thích lối định nghĩa đơn giản của Đức Phật, Ngài cho rằng giác ngộ là “kết thúc khổ đau”. Chẳng có gì siêu nhiên trong định nghĩa đó, phải thế không? Dĩ nhiên, là một định nghĩa nên nó bất toàn. Nó chỉ cho thấy khía cạnh không được hàm ngụ trong sự giác ngộ: đó là đau khổ. Thế nhưng còn sót lại điều gì khi không còn khổ đau? Đức Phật giữ im lặng về điều đó, và sự im lặng của ngài hàm ý rằng bạn sẽ phải tìm hiểu cho chính mình. Ngài dùng một định nghĩa tiêu cực để cho tâm trí không thể nhào nặn thành một thứ gì đó để đặt niềm tin vào một thành tựu siêu nhiên, một mục tiêu bạn không sao vươn tới được. Mặc dù biện pháp phòng ngừa như vậy, đại đa số các Phật tử vẫn cứ tin rằng giác ngộ chỉ dành riêng cho Đức Phật thôi, chứ không dành cho họ, ít ra là không trong kiếp này.

Ông dùng thuật ngữ Bản thể hiện tiền (Being) nhằm ám chỉ điều gì?

Bản thể hiện tiền là Sự Sống Duy Nhất vĩnh hằng, luôn hiện tiền, vượt quá hằng hà sa số dạng hình thức sinh linh vốn lệ thuộc vào sinh và diệt. Thế nhưng, cái bản thể này không chỉ vượt quá mà còn ẩn sâu bên trong mỗi sinh linh dưới dạng bản tính sâu thẳm, vô hình và bất khả hủy diệt của nó. Điều này có nghĩa là bạn có thể tiếp cận nó ngay tức thời như là bản tính đích thực của bạn. Nhưng đừng tìm cách nắm bắt nó bằng tâm trí. Đừng cố gắng tìm hiểu nó. Bạn chỉ có thể cảm nhận được nó khi tâm trí bạn tĩnh lặng. Khi bạn lưu trú trong hiện tiền, khi bạn tập trung chú ý trọn vẹn và mạnh mẽ vào cái Bây giờ, bạn có thể hiểu nổi nó bằng tâm trí của bạn. Tái ngộ với Bản thể hiện tiền và lưu trú thường xuyên trong trạng thái “hiểu rõ bằng cảm nhận” chính là giác ngộ, là tỏ ngộ vậy.

-ooOoo-

Khi đề cập đến Bản thể hiện tiền, phải chăng ông đang nói về Thượng đế? Nếu phải, tại sao ông không dùng thuật ngữ này?

Thuật ngữ Thượng đế đã trở thành vô nghĩa qua hàng ngàn năm bị lạm dụng. Đôi khi tôi cũng dùng từ này, nhưng dùng thật dè dặt. Nói lạm dụng tức là tôi muốn nói có những người chưa từng thoáng thấy lãnh vực thiêng liêng, bao la không ngần mé đằng sau chữ này, lại dùng nó một cách quả quyết cứ như là họ biết rõ rằng họ đang nói cái gì. Hoặc họ lập luận chống lại nó cứ như thể họ biết rõ rằng họ đang phủ nhận, đang phản bác cái gì vậy. Sự lạm dụng này làm nảy sinh sự xác tín, sự cả quyết, và các ảo tưởng vị ngã thật lố bịch, như người ta thường nói: “Thượng đế của tôi hoặc của chúng tôi là vị Thượng đế duy nhất chân thật, còn Thượng đế của các bạn là giả hiệu, là sai lầm”, hoặc như phát biểu nổi tiếng của Nietzche: “Thượng đế đã chết” chẳng hạn.

Chữ Thượng đế đã trở thành một khái niệm đóng kín. Ngay khi nó được thốt ra, liền có hình ảnh một cụ già râu trắng do tâm trí tạo dựng nên, dù không phải như thế thì cũng có một hình tượng biểu trưng của tâm trí về một người hay sự vật nào đó bên ngoài chúng ta, mà hầu như luôn luôn thuộc về nam tính.

Chẳng phải Thượng đế mà cũng chẳng phải Bản thể hiện tiền, hay bất cứ từ ngữ nào khác có thể định nghĩa hay giải thích được cái thực tại không thể nghĩ bàn ẩn khuất đằng sau từ ngữ đó. Cho nên vấn đề quan trọng là phải xem từ ngữ ấy sẽ giúp hay gây trở ngại, không cho chúng ta thể nghiệm điều mà từ ngữ ấy nhắm vào. Nó có vượt qua được chính nó để nhắm vào cái thực tại tiên nghiệm, siêu việt ấy hay không, hay nó lại dễ dãi thỏa hiệp chỉ để trở thành một ý tưởng trong đầu mà chúng ta đặt niềm tin vào, một kiểu thần tượng trong tâm tưởng chúng ta thôi?

Giống như chữ Thượng đế, chữ Bản thể hiện tiền chẳng giải thích được điều gì cả. Thế nhưng, chữ Bản thể hiện tiền có điểm thuận lợi hơn ở chỗ nó là một khái niệm còn bỏ ngỏ. Nó không giản lược cái không hình tướng vô hạn vô biên thành một cá thể hữu hạn. Không thể nào dùng tâm trí để tạo dựng một hình tướng cho nó được. Chẳng ai có thể tuyên bố mình độc quyền sở hữu Bản thể hiện tiền được. Nó là bản tính đích thực của chúng ta, và chúng ta có thể tiếp cận nó ngay tức thì bằng cảm nhận sự hiện trú của chính mình; đó là sự đảm nhận tôi hiện hữu ngay trước khi phân biệt tôi là cái này hay tôi là cái kia. Vì thể chữ Bản thể hiện tiền cho thấy chỉ cần một bước nhỏ thôi là chúng ta thể nghiệm được cái thực tại hiện tiền siêu việt ấy.

-ooOoo-

Trở ngại lớn lao nhất đối với việc thể nghiệm thực tại này là gì?

Đó là sự kiện bạn đồng hóa với tâm trí của mình. Tâm trí khiến cho sự suy nghĩ có tính cưỡng bách. Không thể ngừng suy nghĩ là một thảm trạng khủng khiếp, nhưng chúng ta không nhận ra điều này bởi vì hầu hết để phải chịu đau khổ như thế, nên ai cũng xem đó là chuyện bình thường. Sự huyên náo không ngơi nghỉ của tâm trí ngăn cản không cho bạn tìm thấy miền tĩnh lặng nội tại vốn không thể tách biệt khỏi Bản thể hiện tiền. Tình trạng náo động của tâm trí cũng tạo ra một sản phẩm là Cái Tôi giả tạo, nó phóng ra một bóng đen bao gồm toàn các nỗi sợ hãi và đau khổ. Chúng ta sẽ tìm hiểu tất cả những điều đó chi tiết hơn sau này.

Triết gia Descartes tin rằng ông đã tìm ra chân lý căn bản nhất khi ông đưa ra lời tuyên bố nổi tiếng: “Tôi tư duy, do đó tôi hiện hữu”. Thực ra, ông đã diễn tả một sai lầm căn bản nhất của con người, đó là: đánh đồng khả năng suy nghĩ với Bản thể hiện tiền, và đồng nhất bản thân mình với sự suy nghĩ. Chủ thể bị cưỡng bách cứ phải suy nghĩ miên man không ngừng, tức là ám chỉ hầu hết mọi người phải sống trong trạng thái cách biệt rõ rệt, trong một thế giới phức tạp và không lành mạnh, đầy rẫy những rối rắm và xung đột liên miên, một thế giới phản ảnh tình trạng manh mún ngày càng tăng của tâm trí. Giác ngộ hay tỏ ngộ là trạng thái trọn vẹn, trạng thái “nhất thể” tràn đầy an lạc. Hợp nhất làm một với cuộc sống trong khía cạnh thị hiện của nó là thế giới vật chất hữu hình, cũng như với khía cạnh bất thị hiện của sự sống là tự ngã sâu thẳm nhất của bạn – tức là hợp nhất làm một với Bản thể hiện tiền. Tỏ ngộ không chỉ là chấm dứt khổ đau, chấm dứt những xung đột liên miên bên trong cũng như bên ngoài, mà còn là chấm dứt sự nô dịch khốn cùng đối với dòng suy nghĩ miên man ấy. Đây quả là sự giải phóng tuyệt vời biết bao!

Đồng hóa với tâm trí của mình sẽ tạo ra một tấm màn che mờ ảo quanh những khái niệm, danh xưng, hình ảnh, chữ nghĩa, các phán xét, và các định nghĩa ngăn chặn mọi quan hệ đích thực. Nó xen vào giữa bạn và tự ngã của bạn, giữa bạn và người phối ngẫu, giữa bạn và thiên nhiên, giữa bạn và Thượng đế. Chính tấm màn ý tưởng này tạo ra ảo tưởng về sự cách biệt, ảo tưởng rằng có bạn và một “tha nhân” hoàn toàn cách biệt với bạn. Từ đó bạn quên bẵng đi sự kiện cốt yếu rằng, bên dưới các ngoại hình vật chất và sắc tướng cách biệt nhau bạn vốn hợp nhất làm một với mọi sự vật đang hiện hữu. Nói “quên đi” tức là nói bạn không còn có thể cảm nhận được cái nhất thể này như là thực tại hiển nhiên nữa. Bạn có thể tin tưởng rằng nó đúng, nhưng bạn không còn thực sự biết rõ là nó đúng nữa. Niềm tin có thể làm cho bạn thấy dễ chịu, thấy được an ủi. Thế nhưng chỉ khi nào xuất phát từ kinh nghiệm của chính bạn nó mới giải thoát bạn được.

Suy nghĩ trở thành căn bệnh. Loại bệnh này xảy ra khi mọi thứ mất đi sự cân bằng. Chẳng hạn không có gì trái lẽ thường khi các tế bào trong cơ thể phân chia và nhân bản, nhưng khi tiến trình này diễn ra không hòa hợp với toàn bộ cơ chế, các tế bào sinh sôi nảy nở quá nhiều sẽ khiến chúng ta bị bệnh.

Tâm trí là một công cụ tuyệt vời nếu nó được sử dụng đúng đắn. Nhưng nếu dùng sai, nó sẽ có tính hủy hoại rất đáng kể. Nói chính xác hơn rất thường khi không phải bạn dùng tâm trí một cách sai lầm – mà thường thì bạn không hề dùng đến nó. Chính nó sử dụng bạn. Đây mới là bệnh. Bạn tin rằng bạn chính là tâm trí của bạn. Đây mới là ảo tưởng. Chính cái công cụ này đã thống trị bạn.

Tôi không hoàn toàn đồng ý.

Đúng là tôi có rất nhiều ý nghĩ chẳng thể nhằm mục đích gì cả giống như hầu hết mọi người, nhưng tôi vẫn có thể chọn dùng tâm trí mình để sở hữu và hoàn thành nhiều thứ, và lúc nào tôi cũng làm như thế.

Không phải chỉ vì bạn có thể giải một trò chơi ô chữ hay chế tạo được một trái bom nguyên tử mà nói rằng bạn sử dụng tâm trí của bạn. Giống như loài chó thích gặm xương, tâm trí thích tạo ra vấn đề để nghiền ngẫm. Đó là lý do giải thích tại sao nó chơi trò ô chữ và chế tạo bom nguyên tử. Bạn chẳng có lợi gì trong cả hai trường hợp đó. Xin hỏi bạn một điều: liệu bạn có thể tự do thoát khỏi tâm trí của bạn bất kỳ lúc nào bạn muốn không? Bạn có tìm thấy chiếc nút “tắt” để bắt tâm trí bạn ngưng hoạt động không?

Phải chăng ông muốn nói hoàn toàn ngưng dứt suy nghĩ?

Không, tôi không thể, ngoại trừ có lẽ ngưng dứt suy nghĩ trong một hoặc hai giây thôi.

Vậy thì tâm trí đang sử dụng bạn. Vô tình bạn bị đồng hóa với nó, cho nên bạn không hề biết mình là nô lệ của nó. Hầu như bạn bị khống chết mà không hề hay biết, và vì thế bạn xem thực thể khống chế mình là chính bạn. Khởi đầu của tự do là nhận biết rằng bạn không phải là thực thể đang khống chế bạn – không phải là chủ thể tư duy. Tri kiến ấy cho phép bạn quan sát được thực thể đó. Ngay lúc bạn bắt đầu quan sát thực thể tư duy, thì một mức độ ý thức cao hơn được khởi động. Lúc ấy bạn bắt đầu nhận ra rằng có một lãnh vực linh giác, một lĩnh vực thông minh bao la nằm bên ngoài tư duy, rằng suy nghĩ chỉ là một phần nhỏ bé của linh giác đó. Bạn cũng nhận ra rằng mọi thứ đều thực sự đáng quan tâm – như vẻ đẹp, tình yêu, sự sáng tạo, niềm vui, sự thanh thản nội tại – đều nảy sinh từ bên ngoài phạm vi tâm trí. Bạn bắt đầu thức tỉnh.

Eckhart Tolle
Hồ Kim Chung – Minh Đức biên dịch
Trích: The Power Of Now