white-lotus-flower-exposed-to-sunlight-wallpaper-1024x576

Chú Sa Di chưa được đắp y

Huệ Phổ là người thân với tôi nhất, lúc nào có chuyện gì chú cũng kể, cũng tâm sự cho tôi nghe.

Chú bảo chú đi tu cũng chỉ vì ba mẹ, anh chị của chú là giang hồ, chuyên đi cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. Nên chú muốn được phần nào chuộc lại những lỗi lầm mà ba mẹ đã tạo ra. 

Với lại chú cũng ngán cái cảnh ở nhà khi mỗi ngày phải đối diện với biết bao hỷ-nộ-ái-ố, chửi mắng, hù dọa, hơn thua và trả đũa.

Chú nghĩ, chỉ có đi tu là chú mới có thể sống một đời đạo đức hiền lương, giúp mình giúp người bớt khổ. Và nhất là trả hiếu cho ba mẹ, giúp ba mẹ sớm giác ngộ.

Tối nào sau những thời tụng kinh, tôi cũng thấy chú lấy trong túi ra tờ giấy nhỏ được gấp lại nhăn nhó, lẩm bẩm đọc tên tuổi của ba mẹ và nguyên gia đình.

Chú bảo: – Nhờ chư Phật từ bi chứng tri cho tấm lòng của chú, để hồi hướng đến cho ba mẹ được bình an, anh chị sớm hồi đầu hướng thiện.

Có lần cả gia đình chú đến thăm, ba mẹ, anh chị trên mình đầy xăm trổ, mũi tai thì bấm đầy lỗ, tóc để rằn ri, mấy chú ai cũng sợ nên không dám đến gần, lúc đó chỉ có tôi ngồi gần chơi với chú, chú cứ gục mặt vì ngại khi nói chuyện với gia đình, chú bảo:

– Ba mẹ thương con, thì bỏ cái nghề đó đi. Rồi chú khóc.

Thấy chú khóc tôi cũng im lặng không dám nói gì.

Chú nói tiếp: – Ba mẹ mà còn làm cái nghề này nữa, thì đừng bao giờ đến thăm con. Coi như con đã chết.

Rồi chú chạy một mạch ra phía nghĩa trang sau chùa để khóc, tôi cũng vội chạy theo để an ủi chú.

– Huệ Phổ nè, ba mẹ chú là người đời, thì phải mưu sinh kiếm sống, phải hơn thua với đời thì mới có tiền để trang trải cuộc sống! Chú phải thông cảm và thương cho ba mẹ chứ.

– Chú Hiếu ơi! Chú không biết đâu, Phổ sợ, sợ một ngày người ta báo tin ba mẹ của Phổ phải đi tù. Có đêm Phổ còn nằm mơ thấy ba mẹ bị người ta trả thù rượt đuổi và giết chết.

– Phổ sợ lắm, vì Phổ thương ba mẹ nhiều lắm Hiếu à. Nói đến đây tự nhiên chú khóc nghẹn.

Trầm ngâm một hồi chú nói tiếp:

– Hiếu giúp Phổ, ra ngoài đó nói với ba mẹ và mấy anh chị hãy về đi, Phổ không muốn gặp lại họ nữa.

Tôi lớn tiếng quát:

– Chú ngộ quá đi, mới mấy hôm trước, chú bảo là chú nhớ ba mẹ, nhớ anh chị, nhớ gia đình nhiều lắm. Vậy mà nay lại bảo thế, tôi không có ra đâu, chú có ngon thì tự ra mà nói, dù sao cũng là ba mẹ của mình, sanh mình ra, nuôi mình lớn khôn mà sao lại nỡ đối xử như thế hả.

– Không, Phổ không muốn gặp lại họ nữa đâu, họ không bao giờ nghe lời Phổ, Phổ có khóc hết nước mắt năn nỉ họ bỏ nghề mà có lần nào chịu lắng nghe Phổ nói. Họ coi Phổ là đứa con nít, và chuyện đi tu của Phổ cũng chẳng thay đổi được gì, có ý nghĩa gì trong mắt họ. Phổ ghét họ, tối nay Phổ sẽ không thèm cầu nguyện cho họ nữa.

Tôi nói lớn:

– Trời, Phổ bị điên à! Đó là ba mẹ của Phổ đó Phổ, tại sao Phổ lại thốt lên những lời đắng cay như thế! Nói rồi, tôi thấy Phổ oà lên khóc, tôi cũng vội chạy đến ôm chầm lấy chú mà khóc.

Phổ bảo:

– Sau này lớn lên, Phổ sẽ đưa ba mẹ vào chùa để tu tập, để sám hối những lỗi lầm đã gây tạo. Phổ sẽ giảng cho ba mẹ hiểu hơn về những lời dạy cao quý của Đức Phật.

Thấy thương cho chú quá, thương tấm lòng hiếu đạo của chú thật thiêng liêng và cao thượng.

Cả buổi chiều hôm đó, tôi thấy chú ngồi im không vào ăn cơm, khuôn mặt chú khắc khoải một nỗi u buồn ảm đạm cũng như những lần trước, những lần mà gia đình chú đến thăm.

Phổ là người rất nhạy cảm, và hay khóc. Vì chắc rằng chú đã từng sống và chứng kiến những cảnh tượng bạo lực chẳng mấy gì vui khi sống với gia đình. Nên phần nào cũng bị ảnh hưởng.

Chú cũng rất rành đời, khi thỉnh thoảng lại kể cho tôi nghe về mùi vị của rượu, và thuốc lá, chú còn khoe với tôi là hồi đó đã từng uống trọn một lon bia với ba.

Tôi cười bảo: – Trời, rồi lúc đó chú Phổ có bị say xỉn, đi xiêu vẹo, nói nhảm như người lớn thường làm không.

Chú cười đáp: – Chú Hiếu khờ quá, uống bia thì đâu có say, chỉ khi nào uống rượu thôi! Mà rượu đắng lắm, mình còn nhỏ uống không được đâu. Mà nay đi tu rồi coi như xong, hết còn cơ hội.

Tôi cười bảo: – Trời, chú Phổ may mắn quá ha, nhờ vậy mà rành đời dễ sợ, sau này cần gì tôi phải nhờ đến chú giải ngố giùm cho, chứ tôi khờ quá người ta cười chết.

Chú Phổ liền đáp: – Đâu có, như chú Hiếu vậy là may mắn. Chứ biết nhiều khổ nhiều, bi lụy nhiều thôi chú ạ.

Tuy vậy, mà Huệ Phổ từ ngày xuất gia đến nay, lúc nào cũng tinh tấn tu học, công phu tu tập đầy đủ, được nhất là cái sáng sủa, điển trai nên mỗi lần đi học là cứ bị mấy đứa bạn gái chung lớp dụ dỗ đòi tôi cống nạp đường tăng để đưa vào động ăn thịt suốt.

Mà mấy bạn có biết đâu, chú Phổ là người từng trải, rành đời, khôn khéo dữ lắm, nhìn thấu được lòng người chỉ qua một ánh mắt. Chỉ có mỗi chú Hiếu là khờ khạo, ngây thơ mà khổ nỗi là đợi hoài chẳng thấy ai dụ.

Vui nhất là mấy đêm gần chùa có đoàn cải lương đến hát, tôi thì khoái mấy cái vụ văn gừng, văn nghệ vô cùng. Hễ nghe tiếng ca bắt đầu là tôi với Phổ mặc cho mình bộ đồ lam thật đẹp, thơm tho và đầy trang trọng để chuẩn bị chui lỗ chó của chùa đi xem hát.

Mà có xem được đâu, cứ tới nơi là đứng đằng xa nhìn vào, vì sợ mấy cô Phật tử trong chùa mà bắt gặp về mách sư phụ là coi như no đòn. Nên thích là cứ đi, đi một cách hùng hổ, bất chấp mà tới nơi là cứ rụt rè lo sợ, núp lùm như khỉ ăn ớt.

Không hiểu sao, đang nghe một cô ca sĩ hát bài: Lòng mẹ, mấy lần trước nghe hoài có sao đâu, tự nhiên lần này chú nghe xong khóc quá chừng, chú nói chú nhớ mẹ, chú cũng làm tôi khóc lây.

Tôi nói: – Mẹ chú đến thăm chú hoài mà chú có lần nào ôm mẹ vào lòng, có lần nào ngồi cạnh bên mẹ, nói yêu mẹ đâu, cứ xem mẹ như người xa lạ, vậy mà cứ bảo nhớ thương.

Tôi thèm được như chú lắm: – Mẹ tôi có rảnh đâu mà vào thăm tôi, mà có rảnh cũng không có điều kiện để đi. Mấy lần trước gọi điện lúc nào cũng hứa thu xếp, ấy vậy mà lần nào cũng thất hứa. Nói đến đây tự nhiên tôi nghẹn lại.

Coi xong, tôi với chú núp vào lùm cây, lủi thủi đợi người ta về hết rồi mới dám về.

Đêm đó đúng xui, vừa chui thoát qua lỗ chó vào chùa, ngước đầu lên thấy sư phụ đứng ngay trước mặt. Hết cả hồn, thế là xong, nhẹ thì “nửa đời hương phấn”, nặng thì “máu nhuộm sân chùa”.

Ở với nhau, ăn với nhau, vui buồn có nhau. Nhưng rồi tôi lại ra đi, ra đi để đi tìm hoài bảo thiêng liêng mà chính tôi đã ấp ủ.

Phổ nghe tôi sẽ bỏ đi, Phổ buồn lắm, nỗi buồn không nói nên lời, buồn như chuẩn bị đưa tiễn một người thân yêu ra đi mà không hẹn ngày trở lại.

Tối đó, Phổ phụ xếp đồ giùm tôi, chuẩn bị cho tôi mấy gói mì khô, mấy hủ chao, và mấy ổ bánh mì. Phổ bảo: – Đi đường có đói thì có mà ăn.

– Sau này tự lập rồi, phải tự thương mình, tự lo cho mình đó.

Tôi ôm lấy Phổ mà khóc: – Phổ ơi! ở lại nhớ giữ gìn sức khoẻ, khi nào thành công tôi sẽ trở về thăm Phổ.

– Phổ ơi! Phổ nhớ thương ba mẹ, đừng giận ba mẹ nữa. Tội nghiệp ba mẹ lắm!

– Ừ! Phổ biết rồi, Hiếu an tâm, nhớ là phải mạnh mẽ lên nha Hiếu, tánh của Hiếu hay khóc, hay buồn nên dễ bị người ta ăn hiếp. Đi mà không được thì chạy về đây, Phổ với Hiếu sẽ lên sám hối sư phụ.

Sáng hôm sau, lúc tôi đi Phổ không ra tiễn, vì tôi biết Phổ đang ngồi khóc ở phía sau nghĩa trang. Tính của Phổ là vậy, mạnh mẽ trước mặt người khác thôi! Chứ khi đối diện với chính mình và nỗi buồn thì Phổ mềm yếu lắm.

Tôi cũng hiểu và thương Phổ nhiều hơn bao giờ hết.

Thời gian sau…

Khi có chỗ ở ổn định để tu tập và học hành, thỉnh thoảng Phổ cũng ghé chùa ở Sài Gòn thăm, mỗi lần vào thăm là tôi đưa cho Phổ xà phòng, kem, bót, mì gói, bánh kẹo, sách Phật giáo các loại để Phổ mang về đọc.

Phổ thích lắm, lần nào Phổ cũng bảo tôi may mắn được ở nơi tu học tốt, có đủ điều kiện để phát triển, Phổ cũng ước được như tôi. Nhưng còn quá nhỏ, nên tôi cũng không biết cách nào để giúp Phổ có được nơi tu học nghiêm túc.

Được một thời gian, Phổ bỏ chùa ra đi, Phổ đã ra đi như chính tôi đã từng, nhưng cuộc ra đi này không còn tôi bên cạnh để chuẩn bị quần áo cho Phổ, đưa tiễn Phổ lên đường, Phổ ra một mình với cái ba-lô và nỗi cô đơn trong đêm tối tịch mịch.

Phổ là người kém may mắn hơn tôi, Phổ cứ lang thang trên mảnh đất Sài Gòn, nơi mà Phổ được sinh ra, cũng chính là nơi mà Phổ gọi là quê hương. Mà giờ đây cũng chính là nơi xa lạ nhất, bạc bẽo nhất với Phổ.

“Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng,

Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì…” Trịnh Công Sơn.

Không nơi nào tiếp nhận Phổ, Phổ đã đến tìm tôi nhưng tôi đã rời chùa đi học xa.

Phổ lại đành một mình khăn gói trở về nhà, nơi mà Phổ đã từng nói lời từ biệt để xuất gia.

Cuộc đời của Phổ như một thước phim, mà mỗi lần nghĩ lại thấy sao éo le, bạc bẽo và đầy nghiệt ngã.

Phổ đã sống với gia đình trên hình tướng của một người xuất gia, dẫu biết bao lời khuyên của ba mẹ, dị nghị của xóm làng muốn Phổ phải hoàn tục, phải trở về đời sống khi xưa để đi học lại như bao đứa trẻ khác.

Nhưng Phổ yêu màu áo lam, yêu đời sống xuất gia, và vẫn còn nuôi dưỡng ước nguyện lớn nhất của Phổ là mong muốn ba mẹ, gia đình sẽ thay đổi, sẽ sớm giác ngộ trở thành con người hiền thiện.

Tháng ngày đó Phổ chỉ biết sống với hy vọng, hy vọng sẽ có nơi nương tựa, được sống lại đời sống thiền môn, được tu tập với thầy bạn đồng tu và có tôi bên cạnh.

Nhưng tất cả cũng chỉ là quá khứ, một quá khứ đẹp mà ai cũng muốn níu kéo sự trở về.

Đau buồn hơn bao giờ hết,

khi tôi hay tin Phổ đã qua đời được 3 tháng trong căn bệnh đau tim bẩm sinh, đối với tôi đó là một tin sốc, sốc như cái đêm mà tôi nói cho Phổ nghe là sáng mai tôi sẽ bỏ chùa ra đi vậy, rồi Phổ ôm tôi khóc nức nở, trách tôi vô tình, vô nghĩa.

Tôi cũng khóc, tôi khóc lớn hơn bao giờ hết, tôi cũng trách Phổ, trách sao quá bạc bẽo với tôi như thế, sao không đợi tôi về.

Nhưng Phổ đã ra đi trên hình tướng của một người xuất gia, Phổ đã làm tròn lý tưởng đời mình, Phổ đã nỗ lực, đã mạnh mẽ vô cùng để chiến đấu với chính mình, với căn bệnh, với cuộc đời và cả ước nguyện cho mẹ cha.

Khi có đức tin sẽ giúp cho con người ta điềm tĩnh đối diện với cái chết. “Cực lạc” là một dạng mỹ từ bắt nguồn từ Phật giáo.

Giấc ngủ im lìm của Phổ chắc đẹp lắm, tuy không có mảnh y nào được đắp lên trên người Phổ, nhưng đâu đó là cả trái tim của một cậu bé đầy sức sống và khát vọng đổi thay.

– Phổ nè! Người ta nói khi chú tiểu qua đời, là có thể được gọi là Sa-di, một chú Sa-di mà chưa bao giờ có cơ hội được đắp y trên người.

– Vậy mà hồi đó Phổ nói: – Phổ mà đắp y là đẹp dữ lắm, đẹp như một thiên thần xuống trần cứu độ, ấy vậy mà thoáng chốc lại bay xa.

Tôi đã tự trách mình khi không thể đưa tiễn Phổ ra đi lần cuối, nhưng tôi vui, vui vì Phổ vẫn như tôi, vẫn là người xuất gia, vẫn là huynh-đệ, vẫn là người bạn đồng môn trăm đắng ngàn cay, vui buồn có nhau.

Nay tôi về chùa thăm sư phụ, đứng ngay lỗ chó khi xưa tôi chẳng thấy Phổ đâu nữa, chẳng nghe đâu nữa câu nói: – Chú Hiếu chui qua trước đi, để Phổ canh sư phụ cho.

Rồi tôi lặng lẽ ra phía sau nghĩa trang để tìm lại Phổ, một chú tiểu, một cậu bé đã từng vì ba mẹ mà giận, mà hờn, mà khóc thật to.

– Phổ ơi! Phổ khờ lắm, Phổ mạnh mẽ lắm, tôi nhớ Phổ nhiều lắm.

– Nơi đó nhớ bình an nha Phổ.

Giác Minh Luật

Nguồn: Chú Sa Di chưa được đắp y