Avalokiteshvara-Featured

Lý tưởng của người Bồ Tát – Các cấp bậc của người Bồ Tát

Theo kinh điển Pali (tức là Tam Tạng Kinh, gồm các lời thuyết giảng của Đức Phật và một số những lời bình giảng, làm nền tảng cho tư tưởng và giáo huấn của Đức Phật, đại diện ngày nay bởi Phật giáo Theravada) thì sau khi đạt được Giác ngộ Đức Phật đã tức khắc tìm hiểu ngay các khía cạnh của sự cảm nhận đó của mình (tức là sự Giác ngộ mà Ngài vừa đạt được). Ngài ý thức được một khát vọng thật mạnh là phải cần đến một nhân vật hay một cái gì đó để tôn vinh và kính cẩn. Rất sớm sau khi đạt được Giác ngộ, dường như nơi Ngài đã hiện ra một sự thôi thúc thật căn bản của sự Giác ngộ là sự tôn kính: có nghĩa là nhìn lên cao, nhưng không nhìn xuống. Sau khi suy nghĩ Ngài nhận thấy ngay trong lúc này quả không có một người nào để hướng sự tôn kính của mình, bởi vì ngoài mình ra thì chẳng có một ai đạt được những gì mà mình đã đạt được. Tuy nhiên Ngài cũng nhận thấy có thể tôn kính Dharma (Đạo Pháp), là một quy luật tâm linh thật to lớn, và cũng chính nhờ vào quy luật đó mà mình đã đạt được Giác ngộ. Vì vậy, Ngài đã quyết định hướng sự tôn kính của mình vào Dharma.

 

Thế nhưng người ta lại thường hay quên mất điều đó (tức là cần phải có một cái gì đó để tôn kính), chẳng qua là vì điều đó đi ngược lại với xu hướng hiện đại của những con người tân tiến ngày nay là không thích tôn kính – kể cả biết ơn – đối với bất cứ một ai hay bất cứ một thứ gì cả. Đôi khi khá dễ cho chúng ta nhìn kẻ khác từ trên cao, và ngược lại khá khó cho chúng ta cảm phục một cách tự nhiên – kể cả có thể cảm thấy ganh ghét – nếu kẻ đó có vẻ hơn mình, dù là dưới hình thức nào cũng vậy, nhất là trong lĩnh vực tâm linh (chẳng hạn như khó cho mình kính trọng một cách chân thật những người tu hành và những người hy sinh cho một lý tưởng cao đẹp nào đó, trái lại dễ cho mình thương hại những người có vẻ thua kém mình).

 

Theo truyền thống từ xưa, trong Phật giáo có quá nhiều hệ thống phân chia thứ bậc (hierarchy). Ngay cả con đường tâm linh cũng gồm một loạt các giai đoạn hay các cấp bậc thăng tiến khác nhau và điều đó cho thấy nguyên tắc thứ bậc là thành phần bất khả phân của Phật giáo. Đối với trí tuệ cũng có một hệ thống cấp bậc: trước hết là sự hiểu biết trí thức (sự hiểu biết mang tính cách quy ước và công thức, tức là sự hiểu biết thông thường của chúng ta), tiếp theo đó là sự suy nghĩ (suy tư, lý luận và tìm hiểu), và sau cùng là thiền định và sự thực hiện [giác ngộ].  

 

Đối với lĩnh vực hiện hữu cũng có một hệ thống phân chia thứ bậc: kamaloka (còn gọi là kamadhatu, tức là cõi tham dục hay dục giới), rupaloka (rupadhatu / cõi hình tướng hay sắc giới), arupaloka (arupadhatu / cõi vô hình tướng hay vô sắc giới). Đối với con người cũng vậy, cũng có một hệ thống thứ bậc: chẳng hạn như trong Phật giáo Theravada thì có các vị arya-puggala (arya có nghĩa là cao quý, puggala có nghĩa là các cá thể hay con người) và trong Đại thừa thì có các vị bodhisattva (bồ-tát, bodhi có nghĩa là giác ngộ, sattva có nghĩa là chúng sinh), các vị ấy đều được phân định theo nhiều thứ bậc khác nhau.

 

Sự phân định thứ bậc đó trong Phật giáo không khỏi khiến chúng ta, những người Tây phương, cảm thấy thắc mắc (người Tây phương ngày nay có xu hướng xóa bỏ mọi hình thức giai cấp trong xã hội), thế nhưng đối với những người Phật giáo Đông phương thì không có vấn đề gì cả, chẳng qua là vì họ sống trong một khung cảnh khác hơn và một sự hợp lý khác hơn, trên cả hai phương diện tâm lý và văn hóa. Theo tôi thì dường như tính cách không đồng đều (inequality / không ngang hàng) là một trong các khía cạnh hiển nhiên nhất của sự sống. Tất nhiên là có những hệ thống thứ bậc đúng với ý nghĩa của nó, nhưng cũng có những hệ thống thứ bậc sai lầm (xin nhắc lại là chữ “hệ thống thứ bậc” là dịch từ chữ hierarchy trong các ngôn ngữ Tây phương). Tại Âu châu vào thế kỷ XVIII, nhất là tại Pháp, hệ thống phân chia giai cấp trong xã hội và cả trong giáo hội đều hoàn toàn sai lầm: không phù hợp với các sự kiện trên thực tế. Chẳng hạn như những người được sủng ái trong triều đình, dù chẳng có gì gọi là sùng đạo cả, thế nhưng đều được phong chức giám mục, và vua Louis XVI thì chỉ say mê các loại đồng hồ (thời bấy giờ đồng hồ là các máy móc “tinh vi”, người thời bấy giờ thích đồng hồ tương tự như người ngày nay thích các thứ điện thoại di động) nhưng không quan tâm gì đến việc điều hành chính phủ. Ông ta chẳng có gì để gọi là một vị vua đúng nghĩa của nó. Sau cuộc cách mạng (cuộc cách mạng năm 1789, làm đảo lộn xã hội Pháp, ảnh hưởng đến cả Âu châu và thế giới) thì các hệ thống cấp bậc sai lầm thuộc lĩnh vực quốc gia và cả giáo hội đều bị lật đổ. Dù không chấp nhận một hệ thống phân chia thứ bậc sai lầm, thế nhưng không phải vì thế mà quần chúng thay vào đó một hệ thống khác hợp lý hơn, mà chỉ không còn muốn trông thấy bất cứ một hệ thống thứ bậc nào nữa cả. Và đấy cũng là ý nghĩa của khẩu hiệu nổi tiếng “Tự do, Bình đẳng, Huynh đệ” (là khẩu hiệu nêu lên trong cuộc cách mạng Pháp và sau đó đã được đưa vào Bản tuyên ngôn nhân quyền và cả Hiến pháp).  Chúng ta được thừa hưởng rất nhiều từ thời kỳ đó, nhất là xu hướng chống lại các hệ thống thứ bậc – không những đối với các hệ thống sai lầm mà với tất cả các hình thức phân chia thứ bậc nói chung. Điều này quả đáng tiếc.

 

(Đáng tiếc ở đây có nghĩa là theo nhà sư Sangharakshita thì sự nhận định thứ bậc cũng là một sự hợp lý trên thực tế. Trong lĩnh vực Phật giáo, sự “bất đồng đều” đó phản ảnh các cấp bậc hiện hữu khác nhau, các trình độ tu tập và trí tuệ khác nhau. Ngày nay trong một số các nước dân chủ Tây phương chủ trương tự do và bình đẳng đôi khi được đẩy đi quá xa, khiến có thể gây ra sự xáo trộn. Sự tự do không phải là một hình thức nổi loạn mà là một sự kính trọng, kính trọng chính mình và kẻ khác, kính trọng một trật tự và một sự sinh hoạt chung. Đối với sự bình đẳng cũng vậy, tất cả mọi người đều bình đẳng trên phương diện con người, tình thương, trách nhiệm và sự che chở, thế nhưng không bình đẳng trên phương diện hung bạo, độc tài và vô luật pháp. Đối với Phật giáo, sự tự do nằm bên trong nội tâm con người, và sự bình đẳng là tính cách ngang hàng của tình thương yêu đối với tất cả chúng sinh, từ một con côn trùng nhỏ bé cho đến các vị thánh nhân trên khắp địa cầu hay trong vũ trụ).

 

Nếu hiểu được tâm trạng của những người sống trong bối cảnh của giai đoạn đó (tức là trong giai đoạn xảy ra cuộc cách mạng 1789, lật đổ tất cả các hệ thống thứ bậc dù là sai lầm hay không sai lầm), thì trong những lúc an bình hơn (sau cuộc cách mạng) chúng ta cũng không nên gạt bỏ ý niệm về sự phân chia thứ bậc (sự bất đồng đều hay không ngang hàng với nhau là bản chất tự nhiên hay sự đa dạng của sự sống nói chung). Một số người tỏ ra phát triển hơn kẻ khác, thế nhưng sự nhận định theo từng cấp bậc đó không mang tính cách cố định và cứng nhắc. Những gì quan trọng hơn là tất cả mọi người đều phải được khích lệ (cổ vũ, khuyến khích) ngang hàng nhau trước mọi sự thăng tiến, không có bất cứ ai có quyền áp đặt một ý nghĩ (một sự nhận định hay đánh giá) cố định về giá trị của chúng ta với tư cách là một cá thể con người. Giá trị của chúng ta nằm bên trong sự cố gắng mà chúng ta phát động giúp mình thăng tiến. Dù ở vào một cấp nào cũng vậy, chúng ta không hề gắn liền với một vị thế cố định thuộc bất cứ một hệ thống phân chia thứ bậc nào cả. Thật vậy, một hệ thống phân chia thứ bậc đúng với ý nghĩa nguyên thủy của nó cũng chỉ là một cách nói lên một cái gì đó tương tự như một sự biểu lộ (manifestation / phát lộ) của một nhóm người thuộc vào các cấp bậc hiển lộ (expression, nhận định, bày tỏ) không đồng đều về hiện thực. Chẳng hạn chúng ta có thể nêu lên một hệ thống thứ bậc mang tính cách tuần tự từ thấp đến cao về các thể dạng khác nhau của sự sống, trong đó có một số thể dạng rất thấp, diễn đạt hay biểu lộ hiện thực một cách thô thiển, và một số khác mang các khả năng cao hơn trong sự biểu lộ hiện thực. Nói chung có một hệ thống thứ bậc mang tính cách liên tục về các thể dạng khác nhau trong sự sống: chẳng hạn như từ các con amip (sinh vật đơn bào, có thể hiểu là các con vi trùng) cho đến con người: một sinh vật ở một cấp bậc càng cao thì trình độ biểu lộ hiện thức cũng sẽ càng cao.   

 

Ngoài ra cũng còn có một hệ thống thứ bậc khác liên quan đến các thể dạng khác nhau của sự sống: đó là hệ thống phân chia thứ bậc từ một người không-giác-ngộ đến một người đã đạt được giác-ngộ, chẳng hạn như Đức Phật. Một người không-giác-ngộ có khả năng thể hiện hay biểu lộ hiện thực hay sự thật, cao hơn so với một con amip; và một người giác-ngộ có khả năng thể hiện hay biểu lộ hiện thực trong cuộc sống, trong công ăn việc làm, và cả trong từng lời nói, cao hơn so với một người không-giác-ngộ. Người giác-ngộ cũng tương tự như một cánh cửa sổ chan hòa ánh sáng; qua cánh cửa đó ánh sáng của hiện thực sẽ bừng lên thật rạng rỡ. Xuyên qua chiếc cửa sổ đó ánh sáng sẽ được trông thấy gần như trung thực với chính nó. Người ta cũng có thể xem cửa sổ đó như là một khối kim cương tập trung và phản chiếu sự rạng rỡ của ánh sáng đó.  

 

Giữa một người không-giác-ngộ và một người giác-ngộ, là Đức Phật, có cả một số cấp bậc trung gian, thể hiện bởi các các trình độ phát triển tâm linh khác nhau. Hầu hết mọi người dù vẫn còn ở vào cấp bậc thấp hơn sự Giác ngộ, thế nhưng cũng chỉ thấp hơn nhiều hay ít, nhưng không phải hoàn toàn không-giác-ngộ. Họ nằm vào một cấp bậc trung gian nào đó giữa thể dạng không-giác-ngộ và thể dạng hoàn toàn giác-ngộ, điều đó tạo ra một hệ thống thứ bậc tâm linh mang tính cách tuần tự từ thấp đến cao, và hệ thống đó cũng có thể được xem là hệ thống thứ bậc dành cho những người bồ-tát (một người dù không-giác-ngộ cũng hàm chứa Phật tính bên trong chính mình, do đó tất cả mọi người đều thuộc vào hệ thống thứ bậc chung dành cho những người bồ-tát, chỉ thấp hay cao mà thôi). Đến đây chúng ta đã đạt được một ý niệm khá rõ thế nào là một người bồ-tát, giúp mình hình dung ra các mức độ ước vọng và khả năng dấn thân của họ trong cuộc sống tâm linh. Tuy nhiên giữa họ với nhau cũng có các cấp bậc thành đạt tâm linh khác nhau (những người bồ-tát không những khác biệt nhau về sức mạnh của sự ước vọng nơi mỗi con người của họ mà còn khác biệt nhau về các thành quả do sức mạnh ước vọng đó mang lại cho họ).

 

Nguyên tắc phân định thứ bậc tâm linh thật hết sức quan trọng. Trên phương diện con người chúng có nhiều điểm tương đồng (resemblance / similarity) trực tiếp và cả gián tiếp với hiện thực tối hậu. Chúng ta trực tiếp tương đồng với hiện thực qua một cái gì đó tương tự như một sợi chỉ vàng thật mịn, mịn như sợi tơ của một mạng nhện; sợi chỉ đó luôn hiện hữu ở một nơi thật sâu kín bên trong con người của chúng ta, thường xuyên nối liền mình với hiện thực. Đối với một số người, sợi chỉ đó có thể to hơn và chắc hơn một tí xíu, đối với một số khác thì cũng là sợi chỉ đó nhưng to hơn và chắc hơn, tương tự như một sợi dây thừng thật chắc. Đối với những người giác-ngộ thì sợi dây nối kết đó không còn cần thiết nữa, bởi vì không có một sự khác biệt nào giữa những nơi sâu kín bên trong chính họ và những nơi sâu kín bên trong hiện thực (một người giác-ngộ là một người đã quán thấy được hiện thực, hội nhập với hiện thực và trở thành hiện thực). Đấy là cách mà chúng ta tự nối kết mình với hiện thực từ những nơi sâu kín nhất trong con người của mình, dù rằng phần đông chúng ta không hề ý thức được điều đó. Và dù không nhận biết được điều đó đi nữa, thế nhưng sợi chỉ vàng mảnh mai vẫn luôn óng ả bên trong sự u tối của chính mình, hoặc ít nhất thì nó vẫn luôn còn đó (dù Phật tính bị che khuất bởi các sự u tối trong tâm thức mình, thế nhưng nó luôn có đó, vẫn kín đáo óng ả bên trong tâm thức mình).     

 

Chúng ta gián tiếp tương đồng với hiện thực bằng hai cách. Trước hết chúng ta tương đồng với hiện thực đúng từng li từng tí với những gì là chính mình, có nghĩa là chúng ta không khác gì với thiên nhiên, với đất đá, với nước, với lửa, với các thể dạng sinh tồn của cỏ cây và muôn thú, tức là những gì ít tiến hóa hơn chúng ta (nói chung là chúng ta cảm nhận được mình cũng chỉ là đất đá, cỏ cây và muông thú, và đó cũng chỉ là một sự cảm nhận ở cấp bậc thấp). Sự liên kết đó có thể so sánh với cách nhìn ánh sáng qua một tấm vải màn. Đôi khi tấm vải quá dày – nhất là đối với trường hợp khi nhìn vào các thứ vật chất – khiến chúng ta không trông thấy được ánh sáng (nhìn vào vật chất tương tự như nhìn vào hiện thực qua một tấm vải thật dày, chúng ta sẽ không trông thấy được ánh sáng của hiện thực rạng rỡ phía sau tấm màn. Trong bài giảng tiếp theo – bài 45 – nhà sư Sangharakshi ta sẽ nói đến cách nhìn gián tiếp vào hiện thực, tức là cách nhìn ở cấp bậc cao hơn về hiện thực của những người bồ-tát đã đạt được một cấp bậc thành đạt nào đó).   

 

Đức Urgyen Sangharakshita

Việt dịch: Hoàng Phong

Nguồn: Lý tưởng của người Bồ Tát