đức phật thích ca

Lý tưởng của người Bồ Tát – Bốn dhyana phi hình tướng

Bốn dhyana trong thế giới arupaloka (tiền ngữ “a” nói lên một sự phủ nhận, rupa có nghĩa là hình tướng, loka là cõi, lĩnh vực hay thế giới, tóm lại có thể hiểu chữ arupaloka là thế giới phi hình tướng, xin nhắc lại thế giới hình tướng / rupaloka đã được nói đến trong bài 39) là các dhyana (các thể dạng thiền định) thuộc vào cõi phi hình tướng. Rất ít những người hành thiền đạt được các thể dạng cảm nhận này (hầu hết những người hành thiền chỉ đạt được cấp bậc cảm nhận trong thế giới hình tướng, có nghĩa là những gì cụ thể liên quan đến con người của mình, chẳng hạn như sự tập trung tâm thần, niềm phúc hạnh hay sự thanh thản / upeksa. Rất ít người hành thiền có thể đạt được các dhyana trong thế giới phi hình tướng, là các thể dạng cảm nhận thật sâu xa, vượt khỏi các sự cảm nhận cụ thể, liên quan đến thế giới hiện tượng). Tuy nhiên, thiết nghĩ cũng nên giải thích thật ngắn gọn các cảm nhận đó với mục đích nêu lên khả năng biến cải vô cùng sâu sắc mà phép thiền định có thể mang lại cho chúng ta. Người ta có thể bảo rằng các dhyana này (trong thế giới phi hình tướng) phát sinh từ dhyana thứ tư trong thế giới hình tướng.

    

Bầu không gian vô tận

Dhyana thứ nhất [trong bốn dhyana phi hình tướng] được gọi là “bầu không gian vô tận”. Như chúng ta đã thấy (trong bài 39), sau khi đã đạt được dhyana thứ tư trong thế giới rupaloka (thế giới hình tướng), thì chúng ta sẽ tách ra khỏi sự ý thức về thân thể của mình và cả mọi sự vật thuộc thế giới bên ngoài. Nhằm giúp mình tạo được dễ dàng hơn cảm nhận vể không gian vô tận đó, các bạn hãy tưởng tượng tất cả các vật thể chung quanh mình đều được mang đi hết, dẹp bỏ hết, từ tranh ảnh đến đèn đuốc, v.v., không để lại bất cứ một thứ gì cả. Vậy cái gì sẽ còn sót lại? Đó là không gian, một không gian hoàn toàn trống không. Và nếu mở rộng thêm nữa bằng cách loại bỏ cả xứ sở này, địa cầu này và cả thiên hà…, thì những gì sẽ còn lại? Chỉ là không gian mà thôi. Sau khi chúng ta rút ra khỏi các cảm nhận của các giác quan mà [trước đây] chúng ta đã phải dựa vào đó để nhận diện mọi sự vật [trong thế giới hiện tượng], thì [duy nhất] những gì còn lại là sự cảm nhận về không gian vô tận, một không gian trải rộng đến vô biên, tỏa ra khắp mọi hướng. Cách nói “khắp mọi hướng” thật ra cũng không được đúng lắm, bởi vì cách nói đó có thể gợi lên hình ảnh một sự tỏa rộng xuất phát từ một điểm mốc nào đó, thế nhưng sự cảm nhận về không gian vô tận không phát xuất từ “vị trí này” hay “vị trí kia” mà chỉ là sự vô tận của không gian, tất cả là không gian, cùng khắp chỉ là không gian.         

 

Bầu không gian của tri thức vô tận

Bản chất của arupa dhyana thứ nhất (sự cảm nhận không gian vô tận) trên đây có thể mang lại cho chúng ta một ý niệm nào đó về “bầu tri thức vô tận” (tri thức đi kèm với không gian giúp mình hình dung ra sự vô tận của không gian). Khi đã cảm nhận được một bầu không gian vô tận thì tất nhiên người ta cũng sẽ tạo được cho mình một sự nhận thức hay ý thức nào đó về không gian vô tận.  Nói một cách khác là khi hướng [sự suy nghĩ của mình] vào không gian vô tận, thì tất nhiên cũng sẽ có một tri thức vô tận (một ý niệm về sự vô tận) đi kèm với nó (hầu giúp mình có thể ý thức được sự vô tận đó của không gian), và đấy là thể dạng chủ quan (tâm thức với tư cách là chủ thể) bên trong thể dạng khách quan (không gian là đối tượng mang tính cách khách quan), và đó cũng là một sự cảm nhận (tri thức cảm nhận được không gian). Do đó nếu muốn cảm nhận được arupa dhyana thứ hai (tri thức vô tận), thì phải tách ra khỏi sự cảm nhận về không gian vô tận để tập trung vào (hướng vào) sự cảm nhận về sự vô tận của tri thức. Đó là sự cảm nhận về một tri thức tỏa rộng ra mọi hướng, tuy nhiên cũng nên hiểu rằng sự tỏa rộng đó không xuất phát từ một điểm nào cả, mà đúng hơn là tri thức trở nên cùng khắp (khi hình dung ra không gian vô tận thì tri thức cũng sẽ đi kèm với với không gian đó để ý thức được sự vô tận của nó; sau đó thì tách sự cảm nhận ấy ra khỏi không gian vô tận để hướng vào tri thức mình để ý thức và cảm nhận được sự vô tận của chính nó. Đấy là cách giúp mình vượt ra khỏi thế giới hiện tuợng, nhận biết bởi lục giác, gồm ngũ giác và tâm thần).   

 

Bầu không gian phi-cảm-nhận nhưng cũng không phải là không-cảm-nhận

Dhyana thứ ba càng trở nên tinh tế hơn nữa, đó là “bầu không gian phi-cảm-nhận thế nhưng cũng không-phải-là-không-cảm-nhận”. Với dhyana này chúng ta sẽ bay bổng một cách thật sự, dù mình vẫn còn ở trong thế giới trần tục, chưa phải là thế giới siêu nhiên. Sau khi đã chuyển từ đối tượng vô tận (sự vô tận của không gian) sang chủ thể vô tận (sự vô tận của tri thức) – nếu có thể nói như vậy – thì chúng ta sẽ vượt xa hơn cả hai thứ ấy (tri thức không còn vướng mắc vào sự vô tận của không gian và của cả chính nó, nói một cách khác thì đấy là một cách giải thoát cho tri thức) để đạt được một thể dạng mà trong đó người ta, qua một cách nói nào đó, có thể bảo rằng chẳng có ai (cái tôi tan biến) để mà nói lên là mình cảm nhận hay không cảm nhận, dù là bất cứ một thứ gì . Chúng ta không hoàn toàn vượt khỏi chủ thể và đối tượng, thế nhưng chúng ta cũng không còn cảm nhận mọi sự vật dưới hình thức chủ thể và đối tượng (chủ thể và đối tượng cùng tan biến, tạo ra một sự hòa nhập hoàn toàn với hiện thực, không còn một sự tách biệt nào giữa mình và hiện thực). 

 

Bầu không gian không-có-gì-cả hay không-có-gì-đặc-biệt-cả

Dhyana thứ tư (trong cõi phi hình tướng) là “bầu không gian chẳng-có-gì-cả” hay “chẳng-có-gì-đặc-biệt-cả”. Thật hết sức khó để có thể nêu lên bất cứ một thứ gì trong bầu không gian đó, nếu không thì đấy chỉ đơn giản là một thể dạng [tâm thần], hay một sự cảm nhận, trong đó người ta không thể chọn lựa (xác định, nhận định) bất cứ một thứ gì khác hơn với các thứ khác. Trong tình trạng cảm nhận [bình dị] của chúng ta trong lúc này (tức là chưa thực hiện được các cảm nhận thiền định), thì chúng ta không thể nào thoát khỏi sự phân biệt, chẳng hạn như trông thấy một cánh hoa thì đấy không phải là một gốc cây, trông thấy một gương mặt thì đấy không phải là một gian nhà. Thế nhưng sau khi đã cảm nhận được dhyana phi hình tướng thứ tư, thì mọi sự vật sẽ không còn là các “sự vật” mang tính cách cá biệt nữa. Điều đó không có nghĩa là mọi sự vật đều đại loại cùng một thứ như nhau, cùng lẫn lộn với nhau, mà duy nhất chỉ có sự phân biệt là không còn hiện hữu nữa. Tình trạng đó không có nghĩa là một sự vắng mặt hoàn toàn, chẳng có bất cứ một thứ gì, không có “một sự vật” nào cả, mà đúng hơn là sự cá biệt (peculiarity / cá tính, đặc tính) của mọi sự vật đã bị loại bỏ.    

Có nhiều phương cách giúp mình hòa nhập vào các thể dạng arupa dhyana (dhyana phi hình tướng) và xuyên qua (vượt qua và đi xa hơn) các thể dạng đó. Chúng ta có thể hòa nhập vào thể dạng thứ nhất (trong bốn thể dạng dhyana phi hình tướng) bằng cách tách ra khỏi thể dạng rupa dhyana sau cùng (tức là dhyana thứ tư trong thế giới hình tướng). Chúng ta cố gắng thoát khỏi thể dạng đó bằng cách nhìn vào nó một cách khách quan hơn (nhìn vào dhyana thứ tư trong thế giới hình tướng như là một đối tượng cảm nhận của mình thuộc bên ngoài chính mình). Sau đó chúng ta tiếp tục làm cho cảm tính về sự tách biệt đó trở nên càng lúc càng rõ nét hơn. Sự chuyển đổi thái độ đó (tách rời dhyana thứ tư của thế giới hình tướng để cảm nhận các dhyana của thế giới phi hình tướng) phải nhờ vào một cấp bậc tri thức thấp hơn, tức là sự suy nghĩ trong lĩnh vực khái niệm về sự giới hạn của dhyana thứ tư (tức là sự thanh thản / upeksa / “xả” của dhyana thứ tư trong thế giới hành tướng)  bằng cách tự hạ thấp sự cảm nhận của mình xuống cấp bậc dhyana thứ nhất (tức là sự tập trung tâm thần và hợp nhất các luồng năng lực, tạo ra cho mình sự tỉnh giác và minh mẫn). Cung cách suy nghĩ đó có thể thực hiện được (trở lại với thể dạng dhyana thứ nhất để nhận thấy mình còn phải vượt xa hơn sự thanh thản / upeksa của dhyana thứ tư). Thế nhưng qua cách suy nghĩ đó chúng ta có thể sẽ cảm thấy ít nhiều do dự (phân vân), không hoàn toàn tin tưởng là mình đã hoàn toàn hòa nhập trở lại với thể dạng dhyana thứ tư mà mình đã đạt được trước đó. Trên đây là quá trình chủ yếu giúp chúng ta chuyển từ dhyana thứ tư (hình tướng) sang các arupa dhyana (phi hình tướng). Sự hòa nhập hoàn toàn vào dhyana thứ tư (trong thế giới hình tướng, tức là sự thanh thản tuyệt đối) có thể tạo ra cho mình một sự cảm nhận mang một sức thu hút rất mạnh khiến mình không ra thoát khỏi nó. Điều đó khiến mình có xu hướng đồng hóa mình với sự cảm nhận đó (sự thanh thản / upeksa), có thể hiểu là cả một sự bám víu vào nó (khiến mình không còn nghĩ đến là phải tiếp tục hòa nhập xa hơn vào các dhyana của thế giới phi hình tướng).  Nếu muốn hòa nhập với các thể dạng arupa dhyana (các thể dạng dhyana phi hình tướng), thì bằng cách này hay cách khác, phải thoát ra khỏi dhyana hình tướng thứ tư (sự thanh thản / upeksa). Thế nhưng một khi đã hiểu được thể dạng này sở dĩ hiện ra với mình là nhờ vào nguyên lý tương liên giữa nguyên nhân và điều kiện (lý duyên khởi / pratityasamutpada / nguyên lý tương liên, tương tác và tương tạo giữa mọi hiện tượng) thì tất nó sẽ phải tan biến đi khi các nguyên nhân và điều kiện không còn hội đủ (hầu chống đỡ cho sự hiện hữu của nó), cách suy nghĩ đó sẽ giúp chúng ta không còn bám víu vào nó nữa (tức là rời bỏ sự cảm nhận thanh thản  / upeksa / “xả” để có thể đi xa hơn. Chữ “thanh thản” trong tiếng Việt cũng chỉ là một cách tạm dịch, bởi vì không được hoàn toàn sát nghĩa. Các ngôn ngữ Tây phương dịch là equanimity, khá gần với ý nghĩa của chữ upeksa trong tiếng Phạn. Kinh sách Hán ngữ dịch chữ này là “xả” / 捨, chữ “xả” là một động từ, nếu có thể nói như vậy, do đó khiến dễ hiểu lầm là một sự “xả bỏ” “tha thứ”, “hỉ xả”, v.v., như người ta thường thấy. Trong khi đó chữ upeksa là danh từ hoặc tính từ nói lên một thể dạng cảm nhận thanh thoát, thăng bằng và bền vững của tâm thức, một sự cảm nhận ở một cấp bậc thật cao trong phép thiền định, không phải là chuyện “hỉ xả”. Các thuật ngữ tiếng Hán thường gây ra rất nhiều khó khăn và bế tắc trong việc tìm hiểu giáo lý và triết học Phật giáo là vậy. Ngoài ra chữ “hỉ”/ 喜 trong kinh sách Hán ngữ cũng là một trường hợp lạm dụng và đã trở thành khách sáo, chẳng hạn như người ta thường dùng chữ “hoan hỉ” như là một cách nói lễ phép khi yêu cầu người khác làm một việc gì đó. Trong khi đó chữ mudita trong tiếng Pali và tiếng Phạn mà kinh sách Hán ngữ dịch là “hỉ”, là một trong bốn thể dạng vô biên của tâm thức là apramana còn gọi là Brahmavihara).

Theo truyền thống Phật giáo (sự hiểu biết lưu truyền từ lâu đời) thì tám dhyana trên đây (bốn thuộc thế giới hình tướng / rupaloka và bốn thuộc thế giới phi hành tướng / arupaloka) tất cả đều thuộc vào cõi trần tục. Trong số đó không có một thể dạng siêu-tri-thức (supra-conscious state / thể dạng siêu-tinh-tấn, tức là các thể dạng vô cùng sáng suốt tạo ra bởi phép thiền định) nào là sự Giác ngộ cả. Các thể dạng đó vẫn chưa phải là siêu nhiên (transcendent), vẫn chưa tiếp xúc được với hiện thực tối hậu (ultimate reality). Ít ra thì đấy cũng là quan điểm theo truyền thống lâu đời (theo quan điểm từ trước đến nay thì cả tám dhyana đều thuộc vào thế giới trần tục, chưa phải là sự Giác ngộ, thế nhưng theo sự giải thích của nhà sư Sangharakshita trong phần dưới đây thì bốn thể dạng dhyana thuộc thế giới phi hình tướng đã là sự Giác ngộ). Dầu sao [đối với truyền thống hiểu biết từ lâu đời] thì các dhyana đó ít ra cũng không phải là các thể dạng cảm nhận thuộc vào cõi trần tục. Điều đó có nghĩa là các rupa-dhyana (dhyana trong lĩnh vực hình tướng) chỉ biểu trưng cho sự hợp nhất và tinh khiết hóa các năng lực tâm lý ở một mức độ thật cao (có thể hiểu như là thể dạng “chánh niệm”), đối với các arupa-dhyana (dhyana phi hình tướng) thì chỉ được xem là “gần-như-siêu-nhiên” (quasi-transcendental), nếu có thể nói như vậy, dù rằng thuật ngữ này có vẻ khá lạ lùng (paradoxical / kỳ quặc, khó hiểu). Hãy nêu lên thí dụ về “tri thức vô tận” trong dhyana thứ hai (trong thế giới phi hình tường) chẳng hạn, điều đó có nghĩa là gì? Trong kinh điển Pali chính Đức Phật từng nêu lên hai hay ba lần “hiện thực tối hậu” và xem đó là thể dạng “tri thức hoàn toàn tinh khiết, rạng ngời và vô tận”. Cũng vậy một số các thiền sư Du-già (Yoga) từng cho biết hiện thực cũng chính là “tâm thức tuyệt đối” (absolute spirit). Theo sự nhận định này thì có thể hiểu rằng “tri thức vô tận” cũng chính là “hiện thực tuyệt đối”, quan điểm đó tỏ ra hợp lý hơn cách xem các thể dạng đó (các dhyana của thế giới phi hình tướng) chỉ đơn giản là một sự thành đạt tâm linh hoàn toàn thuộc vào thế giới trần tục.   

Đến đây chúng ta hãy nêu lên việc “dán nhãn” cho các cảm nhận (“dán nhãn” ở đây có nghĩa là xác định vai trò và vị trí của các thể dạng dhyana trong quá trình hành thiền đưa đến sự Giác ngộ). Cách nay nhiều trăm năm, một số các cảm nhận (các thể dạng dhyana trong phép thiền định) từng được dán nhãn thật rõ ràng, [thế nhưng sau đó] người ta lại thấy xuất hiện các nhãn hiệu khác đáng ngờ vực hơn, khiến chúng ta phải xác định lại việc này, hầu phù hợp hơn với các cảm nhận của chúng ta [ngày nay] (nhà sư Sangharakshita  cho biết Đức Phật từ lúc đầu từng nêu lên “tri thức vô tận ” tức là sự tiếp xúc với “hiện thực tối hậu” là sự Giác ngộ, thế nhưng sau đó trên dòng lịch sử diễn tiến của Phật giáo, các người sau lại cho rằng toàn thể tám thể dạng dhyana chưa đúng thật là sự Giác ngộ, mà chỉ là kết quả hay các sự thành đạt “gần như siêu nhiên”, điều đó có nghĩa là tất cả các thể dạng dhyana mà người hành thiền đạt được vẫn còn thuộc vào thế giới trần tục. Nhà sư Sangharakshita cho rằng cách “dán nhãn” đó không hợp lý vì chính Đức Phật – như đã được nói đến trên đây – qua kinh điển Pali – từng cho biết “Tri thức vô tận” cũng chính là “Hiện thực tối hậu” tức là sự Giác ngộ. Điều đó phù hợp hơn với các cảm nhận của những người hành thiền ngày nay về bốn thể dạng dhyana trong thế giới phi hình tướng). Qua sự suy diễn đó thiết nghĩ mỗi khi tìm hiểu bất cứ một văn bản Phật giáo nào, thì chúng ta cũng nên thận trọng,về cả hai phương diện: tin tưởng (belief / đức tin hay sự cả tin) và khả năng thụ cảm (receptivity / khả năng nhận thức hay cảm nhận) của mình, và nên xem sự thận trọng đó là thành phần [bất khả phân] của quá trình liên kết giữa việc học hỏi và các cảm nhận tâm linh của cá nhân mình. Nếu gác sang một bên sự cảnh báo (sự nhận định, xác định) của chúng ta về các cảm nhận arupa dhyana (có nghĩa là xem “sự vô tận của tri thức” hay “sự tiếp xúc với hiện thực tối hậu” qua các thể dạng dhyana trong lĩnh vực phi hình tướng cũng đã là sự Giác ngộ), thì theo truyền thống (tức là theo sự hiểu biết hậu Đức Phật do người xưa truyền lại) thì người ta có thể bảo rằng sự tiếp xúc của các cấp bậc thật cao trong lĩnh vực trần tục với hiện thực tối hậu (tức là sự Giác ngộ) chỉ xảy ra khi tâm thức ở thể dạng dhyana – dù là cao hay thấp – và hướng thật ý thức (chủ tâm) vào sự chuyển tiếp từ trần tục đến siêu nhiên, và đúng vào lúc mà nó bắt đầu chiêm nghiệm về hiện thực tối hậu, và chỉ đúng vào thời điểm đó thì các thể dạng dhyana trần tục mới khởi sự trở thành sự quán thấy xuyên thấu (vipassana) trong lĩnh vực siêu nhiên (câu trên đây khá khúc triết, xin mạn phép tóm lược như sau: theo truyền thống hiểu biết từ lâu đời của người xưa truyền lại thì các thể dạng dhyana dù là ở cấp bậc tối thượng hiện lên trong lúc hành thiền vẫn chưa phải là sự Giác ngộ, mà chỉ là một sự “chuẩn bị”, một hình thức “trung gian” trước khi chuyển sang “thế giới siêu nhiên” tức là sự Giác ngộ đích thật. Sự chuyển tiếp đó chỉ xảy ra khi tâm thức đạt được các thể dạng dhyana thật cao và đúng vào lúc mà nó “bắt đầu” chiêm nghiệm và tiếp xúc với hiện thực tối hậu . Thế nhưng theo nhà sư Sangharakshita thì các thể dạng dhyana phi hình tướng tạo ra cho người hành thiền một tri thức vô tận và một không gian trống không phi cảm nhận cũng đã là sự Giác ngộ, bởi vì sau đó sẽ không còn một thể dạng nào khác siêu nhiên và tuyệt đối hơn).

Đức Urgyen Sangharakshita

Việt dịch: Hoàng Phong

Nguồn: Lý tưởng của người Bồ Tát