Mani mantra

Lý tưởng của người Bồ Tát – Kshanti với tư cách là một sự khoan dung

Khía cạnh khoan dung của phẩm tính kshanti phản ảnh thật rõ nét qua một câu chuyện trong lịch sử Phật giáo như sau. Vào thế kỷ XIII, có một vị sư Tây Tạng là Drogön Tchögyal Phagpa, là vị lãnh đạo học phái Sakyapa (Tát-ca), một trong bốn học phái lớn nhất của Tây Tạng, đã đưa Phật giáo vào Mông cổ. Ông là người có nhiều uy tín, uyên bác và nổi tiếng. Ông là vị thầy tâm linh của Kublaï Khan (Hốt Tất Liệt, 1215-1294, hoàng đế nhà Nguyên) là Đại đế Trung quốc và cả Mông cổ. Để tỏ lòng biết ơn thầy mình là nhà sư Phagpa, Kublaï Khan đã trao quyền pháp trị vĩnh viễn (secular jurisdiction) xứ Tây Tạng cho nhà sư này. Vị Đại đế Kublai Khan là người vô cùng nhiệt tình với học phái Skyapa và có ý đưa ra một đạo luật bắt buộc tất cả những người Phật giáo trong đế quốc của mình phải tu tập theo học phái này. Thế nhưng nhà sư Phagpa đã cố gắng thuyết phục ông nên để mọi người được tự do tu tập phù hợp với tâm tính mình, được chọn lựa hình thức Phật giáo nào tùy sở thích của họ, đấy là truyền thống từ xưa của Phật giáo.

Thái độ khoan dung nổi bật đó của những người Phật giáo Tây Tạng vẫn còn được tôn trọng cho đến ngày nay. Thật ra thái độ đó cũng là thái độ chung của tất cả những người Phật giáo dù ở nơi nào hay thời đại nào. Các trường hợp ngoại lệ thật hiếm hoi, một vài trường hợp nghiêm trọng đôi khi có thể xảy ra, thế nhưng cũng chỉ lẻ tẻ và không đáng kể. Điều đó không khỏi khiến chúng ta nghĩ đến một sự tương phản rất lớn đối với lịch sử của Giáo hội Ki-tô giáo, nhất là vào các thời kỳ Trung cổ, từng tạo ra rất nhiều trường hợp thiếu khoan dung, cuồng tín (fanatic) và ngược đãi (persecution), các chuyện đó không phải là các trường hợp ngoại lệ mà dường như là cả một chủ trương.  Chúng ta chỉ cần nêu lên một vài sự kiện, chẳng hạn như sự triệt hạ không thương tiếc nền văn hóa đa thần tại Tây Âu, sự tàn sát quy mô những người dị giáo (heretic / những người ngoại đạo, không theo Ki-tô giáo La mã), chẳng hạn như những người theo đạo Cathare (Catharism), đạo Albigeois (Albigenstanism), những người Vaudois (những người theo Tin lành giáo tại 24 ngôi làng trong vùng Luberon Đông nam nước Pháp, bị sát hại vào thế kỷ thứ XVI), lịch sử thật đau buồn về các cuộc thập tự chinh, việc truy lùng những kẻ tà giáo (witch hunts / chasse aux sorcières). Chúng ta cũng hiểu rằng các chuyện đó là chủ trương chính thức của Giáo hội và toàn thể mọi người, từ Giáo hoàng trở xuống, tất cả đều tham gia, trong số họ có vài người từng được phong thánh

Người ta có cảm giác có một cái gì đó gần như là bệnh hoạn trong cách giải thích của Giáo hội Ki-tô giáo. Một số người cho rằng các chuyện đó không hề biểu trưng trung thực cho Ki-tô giáo. Điều đó cũng tốt, dầu sao người ta vẫn có thể nhận thấy nhiều dấu vết hiển nhiên về sự thiếu khoan dung từ bên trong kinh sách Phúc âm. Sự hiển nhiên đó cho thấy Ki-tô giáo có xu hướng thiếu khoan dung ngay từ lúc đầu và ngày nay vẫn còn tiếp tục tại nhiều nơi. Điểm khác biệt duy nhất vào thời đại ngày nay là sự kiện các Giáo hội Ki-tô giáo dường như không còn đủ sức nắm giữ trọn vẹn quyền lực như trước đây nữa để gây tác hại cho những người không đồng chính kiến với mình. Nói rộng hơn thì dường như sự thiếu khoan dung và xu hướng loại trừ (exclusion), ngược đãi (persecution) và cuồng tín (fanatic) là đặc điểm chung của tất cả các hình thức [tín ngưỡng] độc thần.

(xin lưu ý, các bài giảng này của nhà sư Sangarakshita là dành cho người Tây phương, trong khung cảnh văn hóa và lịch sử Tây phương. Chúng ta chỉ là những người ngoại cuộc, tìm hiểu một tín ngưỡng hình thành trong thế giới đó. Quyển sách này được ấn hành lần đầu vào năm 1999, sau đó đã được tái rất bản nhiều lần, ấn bản mới nhất là năm 2019, do nhà xuất bản Windhorse Publications tại Hoa kỳ. Độc giả có thể xem quyển sách này dưới dạng eBook, hoặc nghe đọc bằng tiếng Anh:
https://www.freebuddhistaudio.com/browse?th=Bodhisattva_Ideal

Ngoài ra Trung tâm Phật giáo Triratna Paris / Centre bouddhiste Triratna de Paris cũng có đưa lên mạng bản dịch tiếng Pháp của quyển sách  này:
http://www.centrebouddhisteparis.org/Bouddhisme/Ideal_bodhisattva/ideal_bodhisattva.html)

Hãy hình dung trường hợp nếu phải thuyết giảng Phật giáo trong các nước Hồi giáo, kể cả vào thời buổi này, thì nhất định không sao tránh khỏi phải trả một giá rất đắt, bởi vì Phật giáo không phải là một tín ngưỡng độc thần, không quảng bá sự tin tưởng về một vị trời với tư cách một cá thể, một đấng tối cao, không cho rằng tín ngưỡng là một sự tùng phục (obedience / soumission / sự ngoan ngoãn) đối với vị ấy, cũng không chủ trương một đức tin nào hướng vào vị ấy cả. Đối với giáo huấn Phật giáo, mỗi cá thể hoàn toàn chịu trách nhiệm về đường hướng [tu tập] tâm linh của mình, do đó nếu không được tự do lựa chọn hình thức tu tập nào thích hợp với mình, thì mình cũng không thể nhận lãnh trách nhiệm được. Chính vì vậy nên có rất nhiều hình thức tu tập Phật giáo khác nhau. Trên phương diện tổng quát, các hình thức Phật giáo đó không phải là các giáo phái kình chống nhau, cũng không hề tự cho rằng mình độc quyền nắm giữ sự thật về Phật giáo. Mỗi hình thức Phật giáo đó chỉ biểu trưng, nếu có thể nói như vậy, cho một thể dạng đặc biệt nào đó của toàn bộ một tín ngưỡng duy nhất mà thôi.

Phật giáo chủ trương sự khoan dung không những đối với tất cả các hình thức Phật giáo mà còn đối với tất cả các tôn giáo khác nữa, thế nhưng sự khoan dung đó không hề là một ý niệm mơ hồ (mập mờ, “vơ đũa cả nắm”, người ta thường nói tôn giáo nào “cũng vậy”, điều đó không có nghĩa là một sự khoan dung mà chỉ là một sự mù tịt về tín ngưỡng), một đám mây mù che lấp sự phân biệt. Sự khoan dung của Phật giáo không mang tính cách bán-toàn-cầu (pseudo-universalis) (một sự bao hàm, một hình thức vơ quàng vơ xiên, xem tất cả mọi thứ đều như nhau). Nói một cách thẳng thắn hơn, Phật giáo không áp đặt cho kẻ khác sự thật của mọi sự vật. Đôi khi người ta cũng có thể nghĩ rằng một người nào đó càng tin tưởng vào sự thật mà mình đặt hế(kể cả đối với một số những người Phật giáo chỉ biết tu tập xoay quanh các phương tiện thiện xảo, không cố gắng tìm hiểu sâu xa hơn triết lý và trí tuệ Phật giáo) quan điểm của mình vềt lòng tin vào đó thì mình cũng càng có quyền áp đặt lòng tin đó của mình cho kẻ khác, thế nhưng kẻ khác thì lại quá đỗi đần độn, không tin vào những gì kẻ khác nói với mình (đấy chính là một trong các nguyên nhân đưa đến sự xung đột tín ngưỡng). Đối với Phật giáo mọi sự không diễn tiến như vậy. Người tu tập Phật giáo phải tự phát huy cho mình một sự hiểu biết thật minh bạch về các điều giảng dạy (các khái niệm) khúc triết hơn, chẳng hạn như Bốn sự thật cao quý (Tứ diệu đế), Con đường cao quý gồm tám yếu tố (Bát chánh đạo), Sự tạo tác do điều kiện mà có (Lý duyên khởi), Sunyata,( Sự trống không / Tánh không), v.v… và đồng thời để cho người khác được hoàn toàn tự do suy nghĩ khác hơn với mình.  Người Phật giáo không nên – và thật ra cũng không được phép – chống lại, hoặc cảm thấy phật ý hay bị hăm dọa bởi ý nghĩ có những người không chấp nhận những gì mình chấp nhận, không tin rằng Đức Phật là một đấng Giác ngộ, cũng không tin rằng Con đường cao quý gồm tám yếu tố có thể đưa đến nirvana (niết-bàn) hoặc bác bỏ tất cả các thứ ấy.

(Người Phật giáo không ép buộc người khác phải bước theo cùng một hướng trên con đường mà mình đã chọn, Người Phật giáo phải luôn giữ thái độ phi bạo lực tuyệt đối: phi bạo lực đối với thiên nhiên, với chúng sinh và cả chính mình, từ trên thân thể đến bên trong tâm thức mình. Thái độ phi bạo lực đó bao gồm toàn bộ năm giới luật: không sát sinh, không lấy những gì mà người khác không đồng ý cho mình, không tà dâm, không nói dối, không dùng những chất độc hại. Thế nhưng thái độ phi bạo lực đó hay năm giới luật đó không phải là một thái độ hành xử nhu nhược mà phản ảnh một sự quyết tâm, một sức chịu đựng, một lòng khoan dung thật lớn, và đó cũng là các khía cạnh của phẩm tính kshanti.

Ngoài ra các nhận xét trên đây của nhà sư Sangarakshita về lịch sử phát triển của các tín ngưỡng trong thế giới Tây phương, cho thấy ít nhiều tính cách cực đoan. Sự cực đoan đó dường như bắt nguồn từ một khái niệm thuộc lĩnh vực tâm lý gọi là “đức tin”. Tất cả các tôn giáo đều cần có đức tin, nếu không thì không thể nào tu tập được. Phật giáo cũng có đức tin, thế nhưng đức tin đó của Phật giáo dừng lại ở cấp bậc tin tưởng, có nghĩa là một sự hiểu biết có thể chứng nghiệm được bằng lý trí và các kinh nghiệm cảm nhận cụ thể và khách quan.

Sự sinh hoạt của tâm thức con người vô cùng phức tạp. Đức tin là một xúc cảm – nếu có thể nói như vậy – thuộc lĩnh vực vận hành của tri thức nhận biết (conscious mind), thế nhưng trong lĩnh vực vô thức hay tiềm thức (unconscious mind, Phật giáo gọi là alayavijnana / a-lại-da thức) thì có thể là một xúc cảm trái ngược lại. Thí dụ tình trạng “thương yêu” và “ghét bỏ” hay “ghét bỏ” và “thương yêu” là một thể dạng xung đột thường xuyên trong sự sinh hoạt của tâm lý con người nói chung. Cũng vậy “đức tin” và sự “không tin” cũng là một hình thức xung đột xúc cảm, chỉ sâu kín hơn đôi chút mà thôi. Bên trong tình “thương yêu” thường ẩn chứa một sự “ghét bỏ” thật kín đáo – hoặc cũng có thể là ngược lại – và chúng ta thường có xu hướng phát động một tình thương yêu thật mạnh để trấn áp sự ghét bỏ, hoặc phát động một sự ghét bỏ thật gay gắt để tìm cách xóa bỏ tình thương yêu âm ỉ và dai dẳng của mình. Cũng vậy, đức tin trong lĩnh vực tri thức nhận biết cần có một sức mạnh để trấn áp tình trạng không tin trong tiềm thức. Nhu cầu đó, sự đòi hỏi đó khiến một người có đức tin có thể trở thành cực đoan, muốn có thật nhiều người cùng tin giống như mình để củng cố đức tin của mình, giúp mình vững tin hơn vào những điều mà mình cố gắng tin. Đó là nguyên nhân sâu xa nhất đưa đến tình trạng hăng say cải đạo kẻ khác, tạo ra các sự xung đột tín ngưỡng).       

Đc Urgyen Sangharakshita
Vit dch: Hoàng Phong

Ngun: The Bodhisattva Ideal – Lý tưởng của người Bồ Tát