maxresdefault-2-640x360

Sự thiền định chữa lành của Tâm Đại Bi

Nếu chúng ta phát triển tâm bi, những kinh nghiệm tâm linh khác sẽ tự nhiên khởi lên trong chúng taTâm bi là gốc của tất cả đức hạnh. Nó giúp chúng ta thoát khỏi sự chấp ngã.

Vì Phật tánh luôn luôn hiện diện trong chúng ta, tất cả chúng ta đều có khả năng khai mở tâm bi to lớn, hào phóng và rộng lượngTâm bi mở rộng tâm thức khép kín và đông cứng của chúng ta. Nó làm an bình tâm thái hoang dã và chuyển hóa tính khí lạnh lẽo, mục nát và tiêu cực của chúng ta. Nó đem chúng ta ra khỏi tối tăm, những tù ngục ngăn che được tạo tác bởi tính ích kỷ và sự chán nản để trở thành ánh sáng ban ngày. Thay vì lôi cuốn người khác phục vụ cho bản ngã hoang dã của chúng tachúng ta có thể tìm ra trung tâm thật sự của mình nhờ lòng bi mẫn đối với những người khác. Tâm bi là bản tánh chữa lành của tâm ta, qua đó chúng ta có thể tìm thấy an bình.

Dù nếu chúng ta hiểu rằng lòng bi mẫn đặt chúng ta trực tiếp trên con đường đúng, chúng ta vẫn thấy khó ngừng sự bám chấp ích kỷ vào những mối quan tâm của mình, chừng nào chúng ta không kinh nghiệm được tâm rộng mở với người khác. Cách tiếp cận căn bản của đạo Phật là bắt đầu từ một cách đơn giản và mở rộng vòng của tâm bi ra ngoài.

Vì vậy chúng ta nên cảm thấy một cảm giác lành mạnh của tình thương cho chính mình, thận trọng với những nhu cầu và tiện ích thật sự của mình và hoan hỷ đón nhận niềm vui khi nó khởi lên trong chúng taChúng ta nên cảm kích những ai gần mình và quan tâm chăm sóc họ, đạt được kinh nghiệm trực tiếp của thái độ nồng nhiệt, hơn là chỉ dựa vào những ngôn từ hay những cảm giác mơ hồDần dầnchúng ta có thể mở rộng việc thực hành tâm bi của mình.

Tâm bi không có nghĩa là lo lắng. Nó là trí huệ chân thật cởi mở và là sự quan tâm chăm sóc. Sự lo lắngtrái lại bị mọc rễ trong sự bám chấp. Nó làm hao mòn sức mạnh của chúng ta và khả năng giúp đỡ người khác.

Thường thường, khi chúng ta quan tâm đến một ai, chúng ta lo nghĩ. Điều này là phản ứng không thể tránh được của một tâm thức bình thường. Vậy, nếu bạn có thể, hãy quan tâm, nhưng không lo nghĩ. Nếu dù sao những lo nghĩ cũng nổi lên, đừng lo lắng về sự lo nghĩ. Hơn nữa, hãy nhìn điều này như một sự tích cực, và nghĩ : “Tôi lo nghĩ vì tình thương với người này. Quan tâm là thái độ tốt nhất.” Bằng việc thấy sự lo nghĩ trong ánh sáng tích cực này và hoan hỷ vượt qua nó, sự tác động tiêu cực sẽ được chuyển hóa thành năng lực xây dựng.

Chúng ta có thể cảm nhận tâm bi hướng đến kẻ thù hay những người ta không thích như thế nào ? Sự tiếp cận có hiệu quả là thấy họ như những người mẹ, trên thực tế họ nhân từ, tử tế và có tình thương, ngoại trừ việc thật tánh của họ bị che lấp ; hay có lẽ chúng ta thấy khó khăn trong việc nhận ra Phật tánh trong họ vì cái nhìn của chúng ta bị ngăn che.

Trong thiền địnhchúng ta có thể bắt đầu phá vỡ bức tường ngăn cách chúng ta với những người khác. Đức Tsongkhapa nói điều này về tâm bi và thiền định :

Đặc tính của tâm bi là ý tưởng “Cầu cho tất cả chúng sanh được thoát khỏi đau khổ” và “Tôi sẽ dẫn họ đến giải thoát.” Những giai đoạn của tâm bi là trước tiên người ta thiền quán trên những người mình thương, sau đó trên người không thương, không ghét, và kế tiếp là trên những kẻ thù. Khi một người có tâm bi nhìn người thương và kẻ địch cũng như nhau, hãy thiền định tiếp trên tất cả chúng sanh trong vũ trụ.”

Tôi sắp diễn tả một thực tập tinh thần nhắm vào sự thống khổ của người khác một cách sinh động. Một số người lo lắng rằng thiền định trên những đau khổ khủng khiếp có thể làm cho tinh thần yếu đuối, nhưng trên thực tế nó chữa lành chúng ta bằng việc giải thoát sự chấp chặt bản ngã của mình. Vậy hãy mở rộng trái tim bạn, và để cho cảm giác của tâm bi lớn lên.

Hãy quán tưởng một cách sinh động và đồng cảm với một người bị hành hạ vô hy vọngkinh hoàng, đang cầu cứu. Bạn cũng có thể dùng hình ảnh của một người đang hấp hối đơn độc với những đau đớn nhức nhối không còn hy vọng sống sót, từng giây treo trên niềm hy vọng được sống, đang kêu gọi giúp đỡ và nhìn chăm chú vào thế giới của những người đang sống với những dòng nước mắt. Hoặc bạn có thể quán tưởng một ai đó đang bị những người hành hình kéo lê đến cái chết bằng những bàn tay thô bạo trước đôi mắt sợ hãi, đầy nước mắt vô vọng của những người thân. Hay thấy một con vật vô hạihiền lành đang bị giết thịt bởi con dao bén nhọn của những người đồ tể giữa những tiếng cười sấm sét hãi hùng. Hoặc hình dung một người bị kẹt trong lửa, lũ lụt hay động đất liếc nhìn thế giới yêu dấu lần cuối cùng qua những giọt nước mắt lẫn máu.

Sau đó, hiểu rằng sinh linh đau khổ đó không ai khác hơn là cha mẹ, con hay người thân của bạn. Đạo Phật tin rằng, tất cả chúng sanh đã từng là người thân của chúng ta, tại lúc này hay lúc khác trong rất nhiều kiếp quá khứ của chúng ta. Và rồi hãy nghĩ, “Lúc bà ấy là mẹ tôi, bà đã cho tôi tất cả tình thương và chăm sóc lúc tôi cần, sưởi ấm trái tim tôi với lòng từ ái và hy sinh hạnh phúc, giấc ngủ vì lợi ích cho tôi. Nhưng hôm nay không ai giúp bà ấy thoát khỏi nguy hiểm này. Bà không có cơ hội phát triển trí huệ và sức mạnh cần có tại lúc cuối cùng này. Tôi là đứa con duy nhất làm sao có thể tiêu tốn tất cả sinh lực vào những trò tiêu khiển ngớ ngẩn của cuộc sống này, thờ ơ với nỗi đau khổ và sợ hãi của bà ?” Bây giờ hãy quyết định đi theo con đường của tâm bisuy nghĩ rằng, “Ngay từ khoảnh khắc này, tôi nguyện trước toàn thể thế giớihồi hướng từng phút của đời sống tôi để phát triển tâm linh nhằm chữa lành tất cả chúng sanh những người mẹ đang đau khổ của tôi.”

Bạn cũng có thể bắt đầu tu tập tâm bi bằng việc an trú vào những hình ảnh tích cực. Nghĩ về lòng nhân từ và bi mẫn của một bậc cha mẹ, một người bạn hay một cố vấn tinh thần đã bộc lộ cho bạn, và gợi lên cảm giác tuyệt diệu của những ký ức ấm áp đó với bạn. Sau đó tự bảo mình phải chuyển tặng phẩm lớn lao đó của lòng đại bi đến những người khác, và cho không một cách rộng rãi, giống như ánh sáng sưởi ấm toàn thể thế giới và vũ trụ.

Hoặc bạn có thể dùng cảm giác đau khổ và sợ hãi sâu xa của mình để phát sinh tâm biĐa số chúng ta cố gắng che dấu một cách vô ích khi đau khổ đến với chúng ta, nhưng nó có thể là một tài nguyên vô giá. Với thái độ đúng đắnmùi vị cay đắng của đau khổ khiến dễ dàng hiểu hơn sự đau khổ của người khác.

Thấy và cảm nhận đau khổ đem lại một sự hiểu biết mạnh mẽ về sanh tử luân hồihiện hữu trần thế ngắn ngủi của chúng ta. Điều này có thể phát sinh một năng lực đầy sức mạnh, không chỉ thương xót hay mong muốn tốt cho người khác, mà là một nguyện vọng và cam kết hết lòng nhận trách nhiệm giải thoát cho tất cả chúng sanh khỏi hầm lửa của sanh tử.

Bằng việc phát triển tâm bi mạnh mẽ cho tất cả chúng sanh là người mẹ, chúng ta sẽ mất đi sự thù hận, ghen tỵđố kỵ và thèm khátTâm bi làm tiêu tan bức tường phân cách bạn bè và kẻ thù, anh và tôi, tốt và xấu. Nó cung cấp khoảng không cho hạnh phúc và an bình.

Ngài Asanga (Vô Trước) một triết gia Đại thừa vĩ đại của Ấn Độ thời xưa, đã thiền định về Đức Phật Di Lặc (Maitreya) vị Phật của lòng từ ái, trong một hang động mười hai năm. Tuy nhiên Ngài đã thất bại để thấy bất cứ dấu hiệu của thành tựu thực sự nào cho đến ngày rời hang động, và thấy một con chó rên rỉ gần chết trên đường. Khi Ngài cố gắng giúp đỡ con vật, đột nhiên tâm bi vô biên bùng mạnh và con chó chuyển thành thân chói lọi của Đức Di Lặc. Ngài Asanga than khóc, “Đức Phật Ngài ít lòng bi với con, tại sao đã lâu Ngài không cho con thấy mặt.” Đức Di Lặc nói : “Ta luôn luôn ở cùng với con không ngăn cách. Nhưng con không thể thấy ta vì những chướng ngại tâm thức của con. Tâm bi đã tịnh hóa tất cả chúng.”

Khi tâm bi của ta tăng trưởng, nó dễ dàng buông bỏ hơn sự vật lộn của tâm phân biệt liên tục của chúng ta. Trong sự rộng mở của tâm bichúng ta có thể chuyển hóa những mê lầm của mình thành tri giác thanh tịnhtrí huệ bổn nguyên của tâm. Phần lớn chúng ta khó quan niệm về sự chứng ngộ sự rỗng rang trường cửu, toàn triệt. Tuy nhiên nếu chúng ta thực hành tâm bi, những ảo giác, bám chấp, và những thói quen của nghiệp xấu sẽ bắt đầu rơi rụng.

Khi chúng ta thành Phậttâm bi tự nhiên khởi lên trong chúng ta như một sức mạnh tỏa khắp, hiện diện khắp của Phật tánh. Như Ngài Longchen Rabjampa nói :

Từ bản tánh chân thật (Phật tánh),
Trong tất cả mọi hướng, khởi dậy sức mạnh của đại bi,
Hoàn thành sự lợi lạc cho mọi người qua sự hiển bày của nó.

Cầu khẩn Đức Phật của Tâm đại bi để mở rộng trái tim ta

Thiền định trên bất cứ nguồn sức mạnh nào cũng có thể giúp chúng ta rộng mở tâm bi, giống như gieo hạt trên mảnh đất màu mỡ. Đặc biệt mạnh mẽ là thiền định về một vị thiêng liêng, như hình ảnh của sự cảm hứng. Bài tập đặc biệt tôi sẽ mô tả việc cầu khẩn Ngài Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), đức Phật của tâm đại bi. Sự tiếp cận và nội dung của sự quán tưởng này tương tự với những bài tập khác có thể dẫn chúng ta đến sự rộng mở. Điều then chốt ở đây là ý định mở rộng tâm chúng ta. Dù đôi khi chúng ta khó cảm nhận tâm bi trong cuộc sống hàng ngày, thì tự thân ý định đã là sự chữa lành hiệu quả.

Khởi dậy quán tưởng này với càng nhiều chi tiết nếu bạn có khả năng, thiền quán về hình ảnh với một sự thư giãn nhưng tập trung nhiệt thành. Hiến mình vào thiền định, sao cho tỉnh giác và hình ảnh là một.

Hãy tưởng tượng bạn ở một chỗ cao như là ngọn núi, nhìn vào bầu trời vô hạn. Hít một hơi thở sâu, và an trú với sự rộng mở này trong bao nhiêu lâu tùy bạn muốn, giải thoát khỏi tất cả những căng thẳng tâm lý và lo nghĩ.

Đức Quán Thế Âm hiện ra từ bầu trời rộng mở trước bạn, trong sự an bình và tạo cảm hứng nhất, và trong một hình dạng đẹp đẽ cho bạn có thể tưởng tượng được. Thân Ngài màu trắng, chiếu sáng rực rỡ, giống như một núi tuyết hay pha lê chiếu sáng hàng ngàn tia sáng mặt trời.

Ngài trang hoàng bằng lụa và châu ngọc, ngồi trên một đĩa mặt trăng giữa một hoa sen đẹp đẽĐức Phật ngồi vững chãibiểu tượng trạng thái bất động của Phật tánh.

Trong sự thiền quán này, đức Phật có bốn tay, rải từ bi vô biên cho tất cả chúng sanh trong vũ trụ. Hai bàn tay thứ nhất của Ngài chấp lại ở ngực trong một cử chỉ biểu tượng nhất thể của niết bàn và luân hồi – sự hợp nhất giữa giác ngộ và đau khổ của thế gian, sự hoàn thiện của mọi sự vốn như vậy, bao gồm những đấu tranh và sự vô thường thế gian. Trong hai bàn tay chắp lại Ngài giữ một viên ngọc như ýtượng trưng cho “những phương tiện thiện xảo” thỏa mãn những nhu cầu cho tất cả chúng sanh rộng mở với cơ hội. Bàn tay phải thứ hai cầm một tràng hạt pha lê biểu tượng tính kiên định của tâm đại bi của Ngài với tất cả. Tay trái thứ hai của Ngài cầm một bông sen trắng biểu tượng trí huệ và hiểu biết vô biênvô nhiễm của Ngài.

Đôi mắt Ngài tràn đầy lòng quan tâm và từ ái vô biên, nhìn chăm chăm không nháy mắt vào mọi người trong một tình thương vô điều kiện và không ngừng nghỉ, Ngài là cả hai sự trẻ trung và không tuổi tác, vượt trên tất cả đau khổ, và khuôn mặt đang mỉm cười đầy hoan hỷ giải thoát đau khổ cho mọi người.

Hãy phát triển cảm nhận trong tâm bạn rằng điều này không chỉ là một hình tướng do tâm thức tạo ra, mà là hình tướng thanh tịnhchân thật của đức Phật đại bihiện thân của tất cả chư Phật và những bậc giác ngộ. Hãy tin tưởng vào hình ảnh này như là sự phản chiếu của bản tánh thanh tịnh của tự tâm bạn, xuất hiện như đức Phật. Hãy cảm nhận sự hiện diện của Ngài trong trái tim, thân và tâm bạn. Hoan hỷ với những ban phước Ngài đem đến nơi bạn đang sống, đến những người đang sống với bạn, và toàn thể vũ trụ.

Trên mặt đất đối diện Đức Quán Thế Âm, hãy quán tưởng tất cả mọi loại chúng sanh vui mừng khôn xiết được hiện hữu trong sự hiện diện của đức Phật. Bây giờ, với một cảm nhận nồng nhiệt, hãy nghĩ rằng tất cả chúng sanh trên trái đất hợp cùng với bạn tụng ca chân ngôn sau đây :

OM MANI PADME HUNG HRI
hay
OM MANI PADME HUNG

Chân ngôn này có thể dịch là “Đức Phật của ngọc báu và hoa sen, chúng con cầu khẩn Ngài”, hoặc rộng hơn là “Ôi, đức Phật nắm giữ ngọc báu và hoa sen của đại bi và trí huệ, mong Ngài ban cho chúng con những ban phước.”

Hãy hiến mình trọn vẹn vào âm thanh của sự tụng ca ; nói hay hát chân ngôn nhiều lần, trong một cách mà bạn tìm thấy sự hứng khởi. Khi bạn làm như vậy, hãy làm tươi mới lại sự quán tưởng của bạn. Với lòng nhiệt thành và sùng mộ, hãy hình dung tất cả chúng sanh ở mọi nơi đều nhìn chăm chú vào đức Phật với đôi mắt mở rộng và hoan hỷÂm thanh êm dịu của chân ngôn tràn đầy trong vũ trụ như một bản giao hưởng làm chuyển hóa mọi sắc tướngâm thanh và ý niệm trở thành sự tán thán đức Phật Đại Bi.

Bây giờ, trong tâm bạn nghe giọng nói êm dịu của đức Phật lập đi lập lại rằng : “Tất cả những hành vi và cảm nhận độc hại của con đều hoàn toàn được chữa lành. Bây giờ con thanh tịnh và hoàn thiện. Hãy cảm nhận hạnh phúc và an bình.” Hãy để cho ý nghĩa của những lời này thấm sâu vào lòng bạn, không chỉ như là ngôn từ đến và đi mà là một quán đảnh và ban phước thật sự và được cảm nhận sâu sắc.

Bây giờ những tia sáng rực rỡ của ánh sáng chữa lành chiếu ra từ đức Quán Thế Âm và khi tia sáng chạm vào bạn, lòng bạn hoàn toàn rộng mở tới những người mẹ-chúng sanh chung quanh đức Phật. Những ánh sáng không những có sắc tướng đẹp đẽthanh tịnh mà còn là năng lực an bình, ấm áp, phúc lạc và rỗng rang. Ánh sáng từ đức Phật tuôn chảy qua bạn, tới tất cả chúng sanh, xua tan tất cả đau đớn, khổ sở. Hãy để cảm nhận về tĩnh lặng và rỗng rang lan tràn qua bạn. Cảm nhận rằng toàn thể thế gian trở thành một trong tâm đại bi. Sự rắn chắc và lạnh lẽo như băng giá trong tâm thức chưa thuần hóa của bạn được tan chảy, và bằng sức mạnh ánh sáng của Phật Đại Bi, thân bạn được chuyển hóa thành ánh sáng thanh tịnh. Ánh sáng của đức Phật giống như một ngàn mặt trời, nhưng không bao giờ làm tổn thương cặp mắt của bất cứ ai ; trái lại còn đem đến một cảm giác an bình và giải thoát. Khi ánh sáng vô tận chiếu sáng rực rỡ trong tất cả các phương, vũ trụ hòa tan trong an bình nhất thể.

Hãy cảm nhận sự bao la và rỗng rang của vũ trụ. Để cho tất cả tư tưởng và cảm nhận của bạn tan biến vào trong an bình và ấm áp vô tận của đức Phật, trong tâm bi của Ngài không có phân biệt đau khổ và hạnh phúc, xấu hay tốt, đây hay kia, anh hay tôi. Tất cả là một và như nhau trong an bình vĩ đại. Hãy an trú trong sự rỗng rang của tâm chữa lành của bạn. Sau đó bạn có thể lập lại sự thiền định này nhiều lần khi thích hợp.

Sự thiền định này có thể đổi khác bằng việc sử dụng những dạng của năng lượng chữa lành khác như đã thảo luận trong phần đầu sách này. Ngài Karma Chakme, một đại sư về nghi lễ, cô đọng nhiều thực hành của và những kinh điển phổ thông và thiêng liêng, cũng như những lời dạy bí truyền, trong cách thiền định về đức Phật Đại Bi có thể dùng để chữa lành những bệnh tật thông thường.

Hãy quán tưởng đức Phật ở trên đầu của người bệnh, có thể là bạn hay người nào khác. Đức Phật Đại Bi có hai tay, tay phải đưa ra trong cử chỉ che chở, tay trái nắm một hoa sen trắng tại trái tim. Trong nhiều khía cạnh xuất hiện kỳ diệu của Ngài là hình ảnh chân ngôn, OM MANI PADME HUNG, chuyển động trong một vòng tròn quanh trái tim Ngài. Từ chân ngôn, ánh sáng quang vinh chiếu ra rực rỡ.

Hãy cầu nguyện đức Phật Đại Bi, vị Đại Bồ tát ban cho vô úy. Cầu cho được giải thoát khỏi bệnh tật, và tin tưởng rằng lời cầu nguyện này sẽ được đáp lại.

Phần sau của sự thiền định được Ngài Karma Chakme mô tả như sau :

Từ thân của đức Phật, một dòng cam lồ chảy xuống và cuốn trôi đi mọi bệnh tật và những ảnh hưởng xấu của người bệnh và sau đó cam lồ phúc lạc tràn đầy thân thể người bệnh.

Sau đó lập lại nhiều lần chân ngôn sau đây càng tốt : “OM MANI PADME HUNG SARVA SHANTING KURUYE SOHA.” (Có nghĩa : Đức Phật của đại bi và trí huệ, mong sao tất cả (bệnh tật đó) được bình lặng.)

Bấy giờ đức Phật ở trên đầu người đó tan biến thành ánh sáng và hòa tan vào người bệnh.

Hãy nhớ rằng bạn luôn có thể đem cảm nhận và năng lực từ bất cứ sự thiền định về đại bi nào vào trong đời sống hàng ngày của bạn ; nó là một ban phước luôn luôn sẵn sàng cho chúng ta. Hãy chào đón tất cả mọi sự mà đời sống đem lại cho bạn – tất cả là một cơ hội để chúng ta chứng ngộ thật tánh của mình.

Khi bạn hạnh phúc, hãy cảm nhận nó trọn vẹn như năng lực ban phước của đức Phật, mà không bám chấp vào nó. Khi bạn đau khổ, hãy nghĩ : “Mong sao sự đau khổ này là một vật chuộc để giảm nhẹ đau khổ cho tất cả những người mẹ-chúng sanh”, và xem sự đau khổ như một lực tích cực đem lại nguồn cảm hứng và tỉnh giác tâm linhmục đích tối thượng của đời người.

Tác giả: Tulku Thondup Rinpoche

Nguyên tác: Năng lực chữa lành của Tâm – Những thực tập đơn giản chữa lành bệnh thân để có sức khỏe và chữa lành bệnh tâm để giải thoát và giác ngộ

Việt dịch: Tuệ Pháp

Nhà xuất bản Thiện Tri Thức