0609-bubble-science

Những bài thuyết giảng của cư sỹ Buseol

Ngày xưa có một phụ nữ không nói được. Năm cô mười chín tuổi, cô gặp tỳ kheo Buseol, ngay lúc gặp ông, thình lình cô nói được lần đầu tiên trong đời. Khi ông bắt đầu rời đi, cô níu lấy ông và kêu lên, “Tôi có thể nói được vì ông! Nếu ông bỏ đi, tôi sẽ không sống được. Nếu ông không cưới tôi, tôi sẽ tự tử ngay khi ông đi.” Buseol tư nghĩ: “Ta sẽ là loại đệ tử nào của Phật nếu bỏ đi để cho cô ta chết! Ta làm ô nhục Phật và trái lời Phật dạy. Trước tiên ta nên cứu sống cô ta. Làm sao ta có thể mong tiến bộ và cuối cùng đạt được giác ngộ nếu ta không đối mặt với những vấn đề ngay bây giờ ở trước ta?” Với cái nhìn này, ông từ bỏ đời sống tu hành và cưới cô ta. Một trái tim từ ái làm sao!

Một hôm hai vị tăng đã từng tu tập với Buseol đến thăm ông. Vì ông đã kết hôn, họ coi thường và nói lời thô lỗ với ông. Tuy nhiên, ông giữ điềm tĩnh và đón nhận họ một cách ấm áp. Ông đối xử tốt với họ và không bao giờ tranh cãi những sự việc mà họ đang nói. Thật là từ bi và trí tuệ sâu xa, ý nghĩa của những hành động của ông sâu thẳm như thế đó!

Tuy nhiên, Buseol cảm thấy không thể để họ rời đi mà không làm gì với những cái nhìn sai lầm của họ. Vì thế ông đổ đầy ba bầu nước và treo chúng thành hàng. Kế đó ông bảo hai vị tăng mỗi người đập vỡ một cái. Khi mỗi vị tăng đập bầu nước của mình, bầu vỡ và nước đổ xuống đất. Nhưng khi Buseol đập bầu nước của ông, bầu vỡ, mảnh rơi xuống đất, nhưng nước thì chỉ đong đưa ở đó. Nó được treo lơ lửng trong hình dáng cái bầu, như thể bị đông cứng. Khi hai vị tăng thấy thế, họ nhận ra rằng mình đã lầm về mức độ tu tập của Buseol. Sau chút suy tư, họ xin lỗi, nói: “Từ trước tới giờ, chúng tôi chỉ lưu tâm về lý thuyết, không có cố gắng để đưa chúng vào thực hành. Hơn nữa, chúng tôi đã không bỏ sự ngoan cố và kiêu mạn khởi lên từ ý nghĩ mình đã được học với rất nhiều đại thiền sư. Hãy tha thứ cho chúng tôi.” Rồi họ cúi mình thật sâu trước Buseol, người chỉ giống như gã tiều phu nghèo nàn nào đó. Buseol bảo họ rằng thân vật chất giống chiếc bầu họ đập vỡ, trong khi bản tánh của họ giống như nước đang đong đưa trong không khí. Ông dạy họ rằng bản tánh của chúng ta tồn tại như nó là và không bao giờ bị trói buộc bởi bất cứ gì. Với việc này, hai vị tăng trở thành đệ tử của ông.

Giống như cư sĩ Buseol, những hành giả tu tâm không nên miệt thị người khác. Bất kể người bạn gặp có trí tuệ hay không, có năng lực hay không, thông minh hay không, dù là một hòn đá, một đóa hoa, hay một cây khô, hãy đối xử với chúng bằng một nụ cười và một trái tim rộng mở. Hãy tu tập miên mật, quảng đại và trí tuệ sẽ thuần thục từ đáy tim của bạn. Bạn phải nên nhìn tất cả chúng như chính mình. Bạn đã cư xử giống như họ khi bạn không biết gì tốt hơn; trong một tỉ năm tiến hóa, có nhiều khi bạn giống như họ. Họ là chính bạn. Khi bạn có lòng từ mẫn và yêu thương tất cả chúng sanh, bất kể họ là ai hay là gì, rồi thì bạn sẽ bắt đầu bước trên con đường đưa đến sự trở thành một con người chân thật, một con người đã thoát khỏi chính mình hoàn toàn.

Tu tâm giống như trèo lên một ngọn núi

Tiến trình tu tâm có thể ví như trèo lên một ngọn núi. Trên đường đến đỉnh cao nhất, tưởng tượng chúng ta bắt gặp tất cả những loại hành lý khác nhau. Chúng ta có nên cũng mang những thứ này lên núi? Chỉ mang thân mình lên núi thôi đủ khó rồi! Chúng ta có nên vác tất cả những vật khác chúng ta bắt gặp? Không, chúng ta sẽ để lại chúng đằng sau và đi tiếp. Cũng thế, hàng ngày khi tu tâm, chúng ta phải buông bỏ mọi thứ chúng ta kinh nghiệm. Trong khi tu tâm, đôi khi người ta thấy hay nghe những việc gì đó mà người khác không thể, nhưng điều này thường khiến tăng thêm sự hãnh diện và kiêu mạn. Cũng thế, trong khi tu tâm người ta bắt đầu thấy những thứ rõ nét, nhưng điều này cũng có thể làm họ rơi vào phân biệt tốt xấu, đẹp đẽ và ghê tởm dễ dàng hơn. Những loại phân biệt này sẽ làm gia tăng nhiều tham muốn. Những việc này sẽ làm bạn khó khăn nhiều hơn để từ bỏ những cố chấp và những tư tưởng về ‘tôi’, ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’. Trừ phi bạn buông bỏ những điều này, bạn không thể đạt đến mục đích. Vì thế, bạn phải buông bỏ mọi thứ và tiến về phía trước. Ngay cả hành lý chúng ta đã có từ lúc bắt đầu trèo – thân của chúng ta – cũng nặng đến nỗi chúng ta khó nhọc dưới sức nặng của một gánh lớn. Chúng ta không cần thêm bất cứ hành lý nào nữa. Nếu bạn cứ từ bỏ mọi thứ và tiến bước thì bạn có thể đến đỉnh núi. Lần đầu tiên đứng trên đỉnh núi, bạn có thể nhìn quanh và thấy mọi vật từ một tầm nhìn cao hơn. Nhìn tất cả mọi vật với nhau như thế hoàn toàn khác với nhìn từng vật một. Vì bạn có thể thấy toàn thể, bạn sẽ hiểu rằng cái gì xảy ra ở đây vì có cái gì đó xuất hiện ở kia, rằng cái gì xuất hiện ở kia là do có gì ở đây. Bạn sẽ thấy rằng nếu bạn nhấn xuống nơi này, cái gì đó sẽ nổi lên ở kia, và rằng nếu bạn nhấn xuống chỗ kia, cái gì đó sẽ đáp ứng ở đây. Mọi vật làm việc với nhau như một toàn thể được kết hợp. Nếu bạn có thể thấy sự vật theo quan điểm này, bạn sẽ nhận ra rằng cuối cùng không có những việc như là giỏi và tồi, đàn ông và đàn bà, già và trẻ tồn tại riêng biệt, rằng Đông và Tây không tách khỏi thế giới, rằng Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Nguyên Thủy không riêng biệt nhau. Không giàu và nghèo. Xa hơn, người có quyền lực và người không quyền lực không phải luôn như thế. Bạn sẽ nhận ra tất cả những điều này khi bạn có thể thấy cả hai lĩnh vực hữu hình và vô hình chung với nhau.

 Hơn nữa, khi bạn xuống núi, tự nhiên bạn nhặt những gì cần từ những thứ mình đã để lại đằng sau, nhưng lúc này bạn nhặt mà không nghĩ gì về việc nhặt chúng. Vì lần này bạn nhặt chúng vượt khỏi những dự định nhặt, bạn có thể sử dụng chúng một cách tự nhiên, khi cần, không có tư tưởng nào về việc dùng chúng.

Thiền sư ni Daehaeng
Việt dịch: Viên Chiếu
Trích: Tỉnh Thức Và Cười – Wake Up And Laugh – NXB. Hồng Đức 2017