Trí tuệ siêu việt

Trí tuệ siêu việt

Nếu thiếu Trí Tuệ Ba La Mật thì dù có cả năm Ba La Mật [kia] cũng vẫn chưa đạt tới giác ngộ tối thượng. Vì vậy hãy vun bồi các phương tiện thiện xảo cùng với trí tuệ siêu việt không phân biệt ta, người và các Pháp[1]. Đó là pháp tu Bồ Tát.

Các Ba la mật của sự bố thí, trì giới, nhẫn nhục, nỗ lực [tinh tấn] và thiền định có thể giúp bạn tích lũy các công đức, nhưng chúng vẫn còn những quan niệm. Chỉ có trí tuệ mới có thể hoàn hảo sự tích lũy, điều dẫn bạn đến sự chứng ngộ giác tánh nguyên sơ, thoát khỏi mọi quan niệm. Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định có thể được so sánh với năm người mù mà, không có con mắt trí tuệ, sẽ không bao giờ có thể tìm ra con đường đi đến thành trì giải thoát. Thực ra, chỉ khi đi cùng với trí tuệ, chúng mới xứng đáng là một Ba la mật, sự siêu việt, nghĩa đen là “đi đến một bờ khác” – bờ vượt khỏi đại dương của khổ đau và ngu dốt, vượt khỏi các quan niệm của luân hồi và niết bàn.

Trí tuệ siêu việt có ba khía cạnh, là các giai đoạn trong quá trình chứng ngộ nó. Đầu tiên, trí tuệ của việc nghiên cứu nhờ lắng nghe giáo lý; sau đó, trí tuệ khởi lên thông qua việc quán chiếu về ý nghĩa của giáo lý; và cuối cùng, trí tuệ khởi lên từ thiền định[2].

Là một hành giả, trước hết bạn nên giống như con ong bay từ bông hoa này sang bông hoa khác thu lượm mật. Ở giai đoạn khi mà bạn đang lắng nghe và nghiên cứu các giáo lý, hãy nghiên cứu chúng một cách cẩn thận, cả về ngôn từ lẫn ý nghĩa. Sau đó bạn nên như con thú hoang. Không hài lòng với hiểu biết lý thuyết, hãy đi đến những vùng núi hoang vu, ở đó bạn có thể thoát khỏi mọi bận rộn của đời sống thông thường. Hãy tự mình và ổn định trong thực hành dần dần, bởi bạn trực tiếp tìm thấy ý nghĩa rộng lớn của giáo lý cho chính bản thân mình. Cuối cùng, khi bạn đưa các giáo lý vào thực hành và hòa chúng với bạn, bạn nên như cái móc gắn vào nền đất cứng. Không bị rung động bởi những ý nghĩa trong thiền định, hãy duy trì sự không rung động. Cắt bỏ mọi quan niệm về giới hạn của tồn tại và không tồn tại từ bên trong, và trực tiếp đối mặt với bản tánh tuyệt đối của mọi thứ.

Bởi vậy, ở đây chúng ta đã đi đến tinh túy của các Ba la mật. Trí tuệ không chỉ là điều quan trọng nhất trong sáu Ba la mật – nó còn là nguồn sống của tất thảy. Nhận ra trí tuệ là mục tiêu tối thượng; đó là nguyên nhân tại sao mọi nhánh của giáo lý đều được giải thích.

Với khía cạnh đầu tiên của trí tuệ, hoàn thiện trí tuệ của việc nghiên cứu đạt được nhà lắng nghe giáo lý, kinh điển cần phải nghiên cứu bao gồm tất cả giáo lý Đại thừa, vô cùng “rộng lớn và thâm sâu”. Các giáo lý thâm sâu này giải thích về tánh không và các giáo lý rộng lớn giải thích các giai đoạn khác nhau về con đường Bồ Tát – năm con đường, mười địa, và nhiều điểm khác. Các giáo lý thâm sâu được tìm thấy trong Kinh điển như là Kinh Định Vương Kinh Đại Tóm lược. Các giáo lý rộng lớn được tìm thấy trong Sức trang hoàng của Kinh điển Đại thừa, Sức trang hoàng của sự chứng ngộ chân thực và nhiều bản văn khác. Có rất nhiều các bộ luận giải thích ý định trí tuệ của những lời Phật đà theo cách dễ hiểu cho những Phật tử sau này. Bạn nên nghe tất cả những giáo lý này từ một vị thầy có đầy đủ phẩm tánh.

Tuy nhiên, lắng nghe giáo lý không thì chưa đủ – thậm chí loài vật cũng có thể nghe âm thanh của Pháp được thuyết giảng. Giai đoạn thứ hai là phát triển trí tuệ khởi lên nhờ việc quán chiếu về ý nghĩa của những giáo lý này. Hãy nghĩ về điều bạn vừa nghe, và rút ra ý nghĩa trọng yếu từ nó, để giáo lý không chỉ là kiến thức sách vở. Điều quan trọng là phát triển sự tin tưởng vào ý nghĩa của Pháp, và chắc chắn rằng bạn hiểu nó một cách chính xác. Bất cứ điều gì bạn sắp thực hành cần phải được xem xét một cách cẩn thận. Hãy xua tan mọi nghi ngờ và do dự về vị thầy. Đặc biệt, hãy nhớ rõ ràng điều mà vị thầy nói về những chướng ngại có thể khởi lên và những chệch hướng khỏi con đường mà bạn có thể làm. Sau đó, khi bạn sẵn sàng đưa ra các chỉ dẫn vào thực hành, nó giống như việc bắt đầu một hành trình với đầy kiến thức về mọi điều kiện khác nhau mà bạn có thể phải đối mặt, và tất cả tiền bạc bạn cần để chi trả dọc đường.

Một vài giáo lý thuộc về kiểu phân chia, trong đó ý nghĩa được giải thích là tạm thời hay thuận tiện, hay về sự thật tương đối; số khác trong kiểu phân chia đó là trực tiếp và dứt khoát, hay về sự thật tuyệt đối. Trong hai loại này, ý nghĩa tuyệt đối là quan trọng hơn, và bởi vậy bạn cần nỗ lực để nhận ra ý nghĩa tuyệt đối đó và trở nên quen thuộc với nó. Bạn càng nghiên cứu và quán chiếu về lời dạy của Đức Phật và các giáo lý của các kho tàng được tìm thấy[3], bạn càng hiểu, và niềm tin và sự chắc chắn của bạn về ý nghĩa của giáo lý sẽ lớn dần. Khi vàng được tinh luyện, quá trình tinh chế, như là nung chảy, lấy ra vàng tinh khiết, được lặp lại nhiều lần. Giống như vậy, hãy tinh lọc sự hiểu của bạn bằng cách quán chiếu, nhiều lần, về ý nghĩa của giáo lý, để bạn có thể phát triển niềm tin rõ ràng vào ý nghĩa tuyệt đối của chúng.

Nghiên cứu và quán chiếu cắt đứt những nhận thức sai lầm tinh vi hơn của bạn. Nhưng những thứ tinh vi hơn nữa chỉ có thể xua tan nhờ thiền định, và bằng cách hòa nhập trí tuệ tuyệt đối khởi lên từ nó vào bạn. Để tạo ra nó, hãy đi đến một nơi cô tịch và thiền định càng lâu càng tốt, thực hành shamtha vipashyana – thiền định lặng và tuệ giác – để chứng ngộ tánh không, bản tánh tuyệt đối của mọi hiện tượng. Đây là trí tuệ đến từ thiền định. Nhận ra rằng mọi hiện tượng về bản chất là trống rỗng là nhận ra điểm tuyệt đối của giáo lý.

Nhờ việc hiểu về tánh không, bạn sẽ nhận thấy không có sự khác biệt giữa bản thân và người khác. Bạn sẽ thoát khỏi việc yêu quý bản thân, lòng từ bi sẽ tự nhiên khởi lên, và bạn sẽ làm lợi lạc người khác không mấy nỗ lực. Thậm chí một hành động Bồ Tát vĩ đại như là hiến dâng tính mạng cho người khác cũng không khó khăn với bạn, và bạn sẽ có thể làm nhiều việc vị tha không chút khó khăn trong nhiều kiếp. Mọi thứ xảy ra không cần nỗ lực bởi vì nó xảy đến trong sự liên tục của sự chứng ngộ tánh không. Ở đây, bố thí, nhẫn nhục, và các sự hoàn hảo khác thực sự là một Ba la mật, bởi chúng hoàn toàn vượt ra khỏi cõi giới vô mình. Với một vị Bồ Tát, người đã chứng ngộ tánh không, số lượng chúng sinh được giải thoát và thời gian cần thiết để giải thoát họ không gây ra cảm giác nản lòng hay tự hào. Chiếu tỏa tự nhiên trong tâm giác ngộ của bạn là lòng từ bi tràn khắp, thoát khỏi mọi quan niệm về chủ thể và đối tượng. Khi đã nhận ra sự như nhất giữa bản thân và người khác, bạn duy trì bất biến như hư không nguyên sơ.

Sự hiểu tỉ mỉ, qua trải nghiệm về tánh không là phương thức đối trị duy nhất cho niềm tin về một cái “Tôi”, một cái ngã thực sự tồn tại. Khi bạn nhận ra tánh không, mọi bám chấp vào cái ngã đó sẽ biến mất không dấu vết. Sự chứng ngộ bùng lên, như mặt trời chói sáng trên cao, biến màn đêm thành ánh sáng.

Đầu tiên, bạn cần đạt được sự hiểu về tánh không nhờ quán chiếu sâu sắc và cẩn thận về các chỉ dẫn cốt tủy của vị thầy cho đến khi bạn thực sự nhận ra nó. Sau đó, khi lần đầu tiên nhận ra, trải nghiệm của bạn về tánh không sẽ không vững chắc. Để cải thiện, hãy hòa thiền định với sau thiền định. Cố gắng đừng rơi trở lại vô minh bình phàm, mà duy trì tri kiến tánh không trong mọi hoạt động hàng ngày. Thiền định và con đường hành động sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Cuối cùng, khi bạn đạt đến một điểm mà không có sự khác biệt giữa thiền định và sau thiền định, điểm mà bạn không con tách biệt với tánh không. Đó có thể được gọi là sự chứng ngộ như nhất vĩ đại. Trong sự như nhất đó, lòng từ bi với mọi chúng sinh sẽ khởi lên tự nhiên – bạn càng nhận ra tánh không, những ngăn trở cho lòng từ bi khởi lên sẽ càng ít. Với điều này, một khả năng tự nhiên làm lợi lạc người khác không chút nỗ lực sẽ đến, giống như nếu trong một trăm người mù, một người hồi phục thị lực và có thể chỉ dẫn tất cả người khác.

Không có sự chứng ngộ tánh không, cả tình yêu thương và lòng bi mẫn đều rất giới hạn và hẹp hòi. Như Bồ Tát địa[4] có giải thích, có ba cấp độ nối tiếp của từ, bi, hỷ và xả vô lượng. Hãy bắt đầu với từ. Đầu tiên từ vô lượng tập trung vào hữu tình chúng sinh. Nhớ rằng mọi chúng sinh đều là cha mẹ của chúng ta, bạn mong muốn họ đều có hạnh phúc. Đây là kiểu tâm từ mà mọi người đều có, từ người thường đến chư Bồ Tát.

Ở giai đoạn thứ hai, từ vô lượng liên quan đến các hiện tượng. Hành giả, trong khi nhận ra rằng trong sự thật tuyệt đối, không có gì thực sự tồn tại, tuy nhiên mong muốn trong sự thực ảo mộng như mơ của sự thật tương đối, chúng sinh có thể tìm thấy hạnh phúc. Người thường không biết đến tâm từ như vậy, nhưng với các hành giả Tiểu thừa (Thanh Văn và Duyên Giác) và những hành giả Đại thừa (Chư Bồ Tát) thì biết.

Kiểu tâm từ thứ ba và cao nhất là không phân biệt, vượt khỏi mọi quan niệm về đối tượng. Từ đầu của thiền định, hành giả biết rằng bản tánh của cả bản thân và người khác là tánh không, thoát khỏi mọi quan niệm như là hư không. Việc không hề tồn tại thực sự, tràn khắp và sống động, không ngừng chiếu tỏa tình yêu thương rõ ràng và tự nhiên. Kiểu tâm từ này, về bản chất, thoát khỏi quan niệm và không có mục đích. Nó vượt ra khỏi ba quan niệm về ba thứ: chủ thể, đối tượng và hành động. Nó chỉ có thể được tìm thấy trong Đại thừa.

Ba sự tiếp cận nối tiếp này có thể áp dụng tương tự cho bi, hỷ và xả.

Thực hành Trí tuệ Ba la mật nên được tiến hành trong nhiều giai đoạn. Đầu tiên, chia thực hành thành giai đoạn thiền định, trong đó bạn thiền định về tánh không, và sau thiền định, trong đó bạn cố gắng cải thiện sự hiểu về tri kiến tánh không bằng cách nghiên cứu hệ thống triết học Trung Đạo, cho đến khi bạn thực sự chắc chắn vào nó. Tri kiến Trung Đạo đưa đến sự hiểu về hai sự thật. Sự nhận ra chân lý tuyệt đối được trợ giúp bởi sự hiểu làm sao các hiện tượng khởi lên thông qua sự kết hợp giữa nguyên nhân và điều kiện.

Khi một hành giả trở nên ổn định hơn, sẽ không còn cần thiết để cố ý thiền định về tánh không; nó sẽ hòa quyện vào sự hiểu của bạn. Bạn sẽ đạt đến một điểm mà bạn thấy rằng tánh không và từ bi, tánh không và hiện tượng, và sự thật tuyệt đối và tương đối thực sự là một, thay vì là hai thực thể tách biệt như sừng con dê. Tri kiến của bạn về tánh không càng rộng lớn, sự hiểu về vô số các cách khác nhau mà hiện tượng có thể hiển bày theo luật nhân quả càng rõ ràng. Và chính từ tánh không không tách rời với từ bi mà một vị Bồ Tát thị hiện.

Đây là kết quả tối thượng của mọi giáo lý khác nhau của Đại thừa và Mật thừa, của Trung Đạo, Đại thủ ấn và Đại toàn thiện. Điểm quan trọng nhất của giáo lý là nhận ra chúng nhờ trải nghiệm của chính bạn, và không phải số lượng của ngôn từ có thể giúp ích nhiều cho bạn trong việc đó. Một cách đơn giản và trực tiếp, phát triển trí tuệ hoàn hảo trong dòng tâm thức là Pháp hành thực sự của chư Bồ Tát.

[1] Quan niệm về chủ thể, đối tượng và hành động.

[2] Về giải thích chi tiết của ba khía cạnh của trí tuệ siêu việt từ luận giải của Dzatrul Rinpoche và Minyak Kunzang Sonam, xem Phụ lục IV.

[3] Các giáo lý được tái phát hiện, hay terma là những giáo lý thâm sâu được cất giấu bởi ngài Đạo sư Liên Hoa Sinh vì lợi lạc của các thế hệ tương lai, được phát hiện lại theo các tiên tri của ngài vào thời điểm thích hợp bởi các thành tựu giả chứng ngộ, được gọi là những bậc Khai tạng mật, hay terton.

[4] Bồ Tát địa là một bản văn của ngài Asanga, Đạo sư vĩ đại xứ Ấn Độ thế kỷ bốn.

Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche
Trích: Trái Tim Từ Bi