Thiền định siêu việt

Thiền định siêu việt

Biết rằng nhờ thiền tuệ giác được đặt vững chắc trên thiền tĩnh lặng. Các cảm xúc phiền não sẽ hoàn toàn bị khuất phục, thực hành thiền định hoàn toàn vượt qua Bốn trạng thái vô sắc[1] là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Hãy quán chiếu thân, khẩu và ý, và bạn sẽ thấy rằng ý [tâm] là điều quan trọng nhất trong cả ba. Nếu tâm bạn được rèn luyện cẩn thận trong thiền tĩnh lặng và tuệ giác (shamatha vipashyana), thân và khẩu của bạn sẽ tự nhiên đi theo tâm trên con đường.

Cho đến bây giờ, tâm của bạn, như con khỉ không ngơi nghỉ, đang không ngừng đuổi theo các hình dạng, âm thanh, hương vị, vị nếm, và các cảm giác bên ngoài, cùng ý nghĩ và cảm xúc bên trong. Nhưng bạn có thể học cách kiểm soát nó, bằng cách duy trì tỉnh thức và thận trọng. Khi bạn làm như vậy, hãy nghiên cứu, quán chiếu và thiền định về giáo lý, hòa chúng trong tâm bạn. Cuối cùng bạn sẽ thoát khỏi những tham luyến, hận thù và ngu dốt.

Như ngài Karak Gomchung từng dạy:

Trong tâm của người mới bắt đầu,

Có sự thấu suốt như không ổn định;

Để ngăn nó giao phó cho ngọn gió ý nghĩ,

Hãy buộc chặt lại bằng sợi dây tỉnh thức.

Để đạt được sự ổn định trong thiền định, ở nơi yên tĩnh, cô tịch, thoát khỏi những xao lãng là rất hữu ích. Trong thiền tuệ giác và thiền tĩnh lặng, thiền tuệ giác là quan trọng nhất; nhưng nó không thể khởi lên mà không có sự tĩnh lặng cơ bản của tâm. Điểm quan trọng ở đây là làm an dịu các ý nghĩ hoang dã đang không ngừng xáo trộn, không ổn định, và quyết định tâm bạn, vì những ý nghĩ như vậy sẽ làm khởi lên các cảm xúc phiền não, và bạn lại hiển bày điều đó như là các lời nói và hành động tạo ra nguồn gốc của khổ đau.

Làm tâm an bình giống như đóng lại tấm kính của đèn lồng quanh ngọn lửa, để nó có thể chiếu sáng rực rỡ và ổn định, được bảo vệ khỏi gió. Có rất nhiều cách để thực hành thiền tĩnh lặng và tuệ giác, như là “chín con đường luyện tâm” và các phương pháp khác được giải thích trong các Kinh điển Đại thừa[2]. Tất cả các phương pháp này đều hướng đến giác ngộ tối thượng. Các kỹ thuật thiền định cũng được tìm thấy trong các con đường ngoại đạo [không phải Đạo Phật], nhưng chúng không nên bị nhầm với con đường Phật Đạo bởi chúng không được thực hành với cùng một mục tiêu. Thay vì hướng đến giác ngộ chân chính, những dự định như vậy được thực hiện với ý tưởng là làm cạn kiệt mọi yếu tố, chuyển hóa hình dạng và đạt đến một trạng thái say mê trong các cõi vô sắc là mục tiêu tối thượng.

Các phương pháp dành cho thiền tĩnh lặng, shamatha, chia thành hai nhóm chính: những phương pháp mà trong đó một đối tượng thiền định được sử dụng, và những phương pháp mà trong đó không có đối tượng nào. Ở đây, tôi sẽ giải thích phương pháp đầu tiên, sử dụng đối tượng của thiền định là sự quán tưởng Đức Phật, điều mang đến sự gia trì nhiều hơn những vật thông thường khác.

Hãy ngồi trong tư thế bảy điểm Tỳ Lô Giá Na Phật – hai chân kiết già, hai tay an trụ trong ấn bình đằng, lưng thẳng, cột sống thẳng như chồng đồng xu vàng, cằm hơi cúi vào trong, mắt tập trung vào không gian trước mũi, và lưỡi chạm vào vòm trên miệng. Nếu bạn thấy tư thế này thật khó, ít nhất hãy ngồi thẳng và cân bằng trên một chiếc nệm thích hợp. Tránh dựa vào đằng sau hay sang một phía, hoặc ngồi ở tư thế lỏng lẻo.

Hãy để tâm an trú tự nhiên, và quán tưởng Đức Thích Ca Mâu Ni Phật trên bầu trời phía trước bạn. Ngài ngồi trên đĩa mặt trăng, bên trên một bông sen, mà ở trên một ngai, được khiêng bởi tám con sư tử vô úy. Thân của ngài có ánh sáng màu vàng. Tay phải ngài chạm đất gần đầu gối phải trong ấn xúc địa[3], còn tay trái, trong ấn bình đẳng, với chiếc bát khất thực chứa đầy cam lồ trong lòng. Ngài ngồi kiết già[4], mang ba y Pháp. Thân của ngài có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, nhục kế nhô cao trên đỉnh đầu[5], các bánh xe hay dharmachkra trong lòng bàn tay, bàn chân ngài, và lông mày dài, cuốn cong ngược chiều kim đồng hồ như vỏ ốc trắng. Từ thân ngài chiếu ra vô số ánh sáng trí tuệ tràn khắp hư không. Ngài ở ngay phía trước bạn trên bầu trời, nhìn xuống bạn với lòng từ bi. Hãy quán tưởng Đức Phật thật sống động, chứ không phải bất động như bức tượng bằng đất sét hay đồng, hay bức tranh hai chiều. Các màu sắc và chi tiết trên thân ngài rất rõ ràng và sống động, nhưng ngài không phải là vật chất mà trong suốt như cầu vồng. Ngài không làm bằng xương và thịt, mà xuất hiện trong thân trí tuệ trống rỗng mà chói ngời, không sinh của chư Phật, tràn đầy từ bi và trí tuệ.

Hãy cố gắng tập trung dần dần vào quán tưởng, nhận thấy mọi chi tiết càng rõ ràng càng tốt. Hãy tin tưởng chắc chắn rằng Đức Phật thực sự ở đó, nhớ một điều là với những kẻ có niềm tin, Đức Phật luôn hiện hữu. Khi bạn quán tưởng Đức Phật, mọi ý nghĩ lang thang cuối cùng sẽ lắng xuống. Giữ tâm tập trung theo cách này trong sự quán tưởng rõ ràng và vững chắc là shamatha, thiền tĩnh lặng.

Để thiền định ổn định hơn, bạn cần ngăn chặn những thứ gây phiền hà cho thiền định khi chúng khởi lên. Nếu tâm bạn hoang dã và ý nghĩ bắt đầu chạy đua, ngăn cản bạn khỏi việc quán tưởng rõ ràng, hãy nhìn xuống phía dưới trong không gian phía trước mũi bạn và tập trung vào các phần thấp hơn của quán tưởng, chân kiết già của Đức Phật, ngai sư tử, và tòa liên hoa. Điều này sẽ rất giúp ích.

Nếu tâm bạn rơi vào trạng thái buồn ngủ, lười biếng hay thờ ơ ảm đạm, hãy hướng con mắt lên trên, vào không gian phía trước mặt và thiền định về phần phía trên của quán tưởng, khuôn mặt hoàn hảo của Đức Phật, đôi mắt của ngài, lông mày của ngài. Điều này xua tan những cảm giác chìm xuống của sự ảm đạm và lười biếng.

Chừng nào tâm bạn còn cân bằng, không hoang dã cũng không ảm đảm, hãy thiền định thẳng về trái tim của Đức Phật, nút thắt bên ngoài của kho tàng trí tuệ thuần khiết bí mật[6]. Nếu sự quán tưởng vẫn chưa rõ ràng, hãy cố gắng lặp lại để nó rõ ràng và chính xác hơn. Nếu đã rõ ràng, hãy giữ tâm tập trung vào nó theo cách tự nhiên, không ép buộc.

Hãy tập trung vào nhận thức về sự hiện hữu của Đức Phật trước mặt bạn, tin tưởng rằng ngài thực sự ở đó. Khi sự quán tưởng của bạn trở nên ổn định hơn và các ý nghĩ không thường xuyên, hãy quán tưởng nhiều chi tiết hơn trong hình tướng đẹp đẽ của Đức Phật, như thể bạn là một họa sĩ tài ba. Hãy quán tưởng mạn-đà-la hoàn hảo của mặt ngài, hai mắt ngài nhìn xuống chúng sinh với trí tuệ từ bi, mũi và tai cân xứng hoàn hảo, nụ cười của ngài, vô số ánh sáng chiều tỏa từ ngài, và dần dần mở rộng sự quán tưởng ra toàn thể các chi tiết của cả phần trên và dưới của ngài. Điều này làm cho sự quán tưởng trở nên sống động.

Khi sự quán tưởng của bạn rõ ràng và tâm an bình, hãy hòa trạng thái của thiền tĩnh lặng với thiền tuệ giác. Đầu tiên, xem xét ai hay cái gì đang nhìn nhận sự quán tưởng. Bạn sẽ nhận thấy đó là tâm. Bạn cũng sẽ thấy hình ảnh bạn đang quán tưởng tự nó không phải Đức Phật, người thị hiện trong thế giới này, mà là một sự phóng chiếu được tạo ra bởi tâm bạn để phát triển thiền định.

Tâm có thể tập trung vào một đối tượng, tuy nhiên khi bạn tìm kiếm tâm, bạn không thể thấy nó. Như trước kia chúng ta biết, nếu bạn nhìn vào bên trong tâm, và cố gắng định vị nó hay nhận ra hình dạng của nó, màu sắc, nó đến từ đâu, hay nó sẽ đi đâu, bạn sẽ không tìm thấy gì. Hãy hỏi những biết giáo lý và đã trải qua thiền định, và xem liệu ai trong số họ đã từng chỉ ra thứ gì là “tâm”. Và giống như bạn không bao giờ tìm thấy thực thể đặc biệt nào mà có thể gọi là tâm, điều tương tự cũng đúng với thân. Các chúng ta gọi là “thân” là tập hợp rất nhiều nguyên tố cộng lại. Chúng ta gọi là “đống” với một tập hợp ngũ cốc; “bó” với tập hợp rơm khô; “đám đông” với tập hợp nhiều người, nhưng không gì trong đó là các thực thể thật sự. Giống như vậy với tập hợp những thứ mà ta gọi là thân, nếu ta lấy đi da và thịt, tủy, xương và các bộ phận khác, khi chúng bị tách ra, không còn một thực thể nào khác mà ta có thể gọi là “thân”.

Mọi hiện tượng trong sự đa dạng của chúng khắp vũ trụ, trên thực tế đều xuất hiện là kết quả của nguyên nhân và điều kiện đặc biệt đến với nhau một cách tạm thời. Bạn cho rằng các hiện tượng là những thứ thực sự tồn tại bởi bạn không quán sát chúng thích hợp. Trên thực tế, chúng không hề tồn tại tự nhiên, vững chắc.

Khi nó trở nên rõ ràng hơn là thân của bạn, hình ảnh của Đức Phật mà bạn đang quán tưởng và mọi hiện tượng đều là sự hiển bày của tâm và rằng bản tánh của tâm là trống rỗng, đơn giản hãy duy trì trong nhận thức về bản tánh đó mà không lang thang, duy trì sự chú ý đến việc ý nghĩ có làm gián đoạn nhận thức này hay không. Đây được gọi là thiền tuệ giác, vipashyana. Như ngài Gyalse Thogme từng nói:

Mọi hình tướng là tâm của bạn;

Tâm vốn vượt khỏi các thái cực quan niệm.

Không xao lãng bởi các quan niệm chủ thể-đối tượng nhị nguyên,

Duy trì định được gọi là thiền định là hoàn hảo.

Hợp nhất thiền tĩnh lặng và tuệ giác theo cách này là phương pháp quan trọng để hoàn hảo thiền định siêu việt[7].

[1] Bốn trạng thái vô sắc là: (1) phạm vi của hư không bất tận; (2) phạm vi của thức bất tận; (3) phạm vi của không gì cả; (4) phạm vi của không phải quan niệm cũng không phải không quan niệm. Chúng tương ứng với các trạng thái được trải qua bởi các vị trời trong bốn cõi vô sắc, là kết quả của sự đam mê được duy trì trong định mà không có thiền tuệ giác.

[2] Tại điểm này trong luận giải của Dzatrul Rinpoche, Chiếc bình Cam lồ, có một giáo lý chi tiết hơn về thiền tĩnh lặng và tuệ giác, mà một đoạn trích nằm trong Phụ lục III.

[3] Tư thế biểu tượng mà Đức Phật, đáp lại sự hoài nghi của Ma Vương, lấy đất làm nhân chứng cho công đức mà ngài tích lũy trong vô số đời để chuẩn bị cho giác ngộ. Khi ngài bắt ấn, trái đất rung động và mở ra, và Nữ thần Đất xuất hiện và tuyên bố sự hoàn hảo của Đức Phật.

[4] Hai chân kiết già là biểu tượng của sự như nhất giữa luân hồi và niết bàn trong tánh không tràn khắp.

[5] Ushnisha hay nhục kế là một trong các tướng tốt của một vị Phật toàn giác, thường xuất hiện trong các bức tranh hay tượng là phần nhô lên trên đỉnh đầu, nhưng trên thực tế được cho là khởi lên từ đỉnh đầu một vị Phật đến toàn thể hư không. Tuy nhiên, với mức độ trọn vẹn, chỉ có thể được nhìn thấy bởi một vị Bồ Tát đạt đến địa thứ nhất. Trong mật điển Kalachakra, nhục kế tương ứng với Luân xa Bầu trời, Luân xa thứ sáu, mà trải rộng lên trên không giới hạn và đại diện cho trí tuệ vô tận của giác ngộ. Trong thực hành thogal của Đại toàn thiện, nhục kế tương ứng với linh kiến về ánh sáng năm màu và các cõi tịnh độ, hiển bày trên đỉnh đầu là sự hiển bày bất tận của chứng ngộ Báo thân.

[6] “Nút bên ngoài” được đề cập ở đây liên quan đến trí tuệ thuần khiết bất biến của chư Phật, thay vì hình dạng đặc biệt nào (như là hình ảnh về nút thắt bên ngoài) mà có thể quán tưởng.

[7] Song song với các ba la mật khác, có ba kiểu thiền định được miêu tả trong các bản văn: “thiền định được thực hành bởi các chúng sinh bình phàm”, “thiền định nhận thức rõ ràng” và “thiền định xuất sắc của các Đấng Thiện Thệ”. Trong giáo lý này, Dilgo Khyentse Rinpoche chọn không đề cập đến chúng, nhưng một bản tóm tắt có thể tìm thấy trong đoạn trích từ Sự trao truyền của Các Đấng Thiện Thệ của ngài Shechen Gyaltsap trong Phụ Lục III.

Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche
Trích: Trái Tim Từ Bi