The statue of Avalokitesvara with a thousand hands and eyes, along with the Eight Bodhisattvas

Sử dụng trên con đường Bốn điều bạn không muốn

Bốn điều này là, (a) sự mất mát, (b) khổ đau, (c) sự nhục nhã và (d) sự chê bai[1].

1. Sử dụng sự mất mát trên con đường

Nếu người ta bị cuốn theo lòng tham không đáy

Tước đoạt của cải của tôi, hay lôi kéo người khác làm vậy.

Hiến dâng cho họ thân thể, tài sản của tôi và các công đức quá khứ, hiện tại và vị lai

là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Có của cải và tài sản thường được nghĩ là sự tham luyến, nhưng gắn bó với chúng chính là một chướng ngại thật sự trên con đường tâm linh của bạn. Bởi thế ai đó lấy của bạn tiền bạc và tài sản, thực tế là đang giải phóng bạn khỏi gông cùm và những thứ này tạo ra trong tâm bạn, và ngăn cản bạn khỏi rơi vào ba cõi thấp hơn. Bạn không nên cảm thấy gì khác ngoài lòng biết ơn. Nếu bạn không sở hữu thứ gì, bạn được tự do. Không kẻ thù hay trộm cướp nào làm phiền bạn. Như câu thành ngữ:

Nếu bạn không có của cải, trộm sẽ không đột nhập.

Nếu bạn không mang theo túi xách, cướp sẽ không nằm đợi.

Điều quan trọng là cần nhớ rằng nếu bạn mất mọi thứ bạn có, đó chỉ là kết quả nghiệp của bạn từng lấy tài sản của người khác trong quá khứ. Vì thế không có lý do gì để tức giận với bất kỳ ai khác, ngoại trừ bạn. Nhìn từ quan điểm đó, không phải chính bạn là người đang thu hút kẻ thù bằng tài sản, danh tiếng hay địa vị? Nếu không có mục tiêu, sẽ không có chỗ nào để cung tên bắn đến. Như là kết quả của các ác hạnh trong quá khứ, bạn đã biến mình trở thành mục tiêu và mũi tên đau khổ sắp bắn.

Một Đại Bồ Tát không bao giờ tức giận với bất kỳ ai mà làm hại ngài. Thay vào đó, mối bận tâm duy nhất của ngài là hạnh phúc của người đó. Trong các đời trước của Đức Phật trong cương vị là Bồ Tát, ngài gặp một tái sinh của cùng một người, kẻ luôn cố gắng gây khó khăn cho ngài. Đáp lại, Đức Phật luôn cố gắng hết sức giúp đỡ người đó. Trong cuộc đời ngài khi là Phật Thích Ca Mâu Ni, khi ngài thành tựu Phật quả hoàn hảo, người đó sinh làm anh họ ngài Devadatta. Mặc dù Devadatta cố gắng làm hại ngài, và thậm chí cố giết ngài rất nhiều lần, Đức Phật vẫn nói rằng ngài không coi Devadatta là kẻ thù, mà là một vị thầy tốt, người dạy ngài cách hành xử như một Bồ Tát.

Một lần, trong đời trước, khi Đức Phật sinh làm con rắn, sau đó bị lũ trẻ ném đá đến chết. Mặc dù ngài có thể giết chúng bằng cách đơn giản nhìn vào chúng, nhưng ngài luôn giữ tâm tràn đầy từ bi và chết khi đang cầu nguyện có thể làm lợi lạc cho chúng trong tương lai thông qua kết nối này.

Bất cứ nguy hại nào người khác gây ra với bạn, hãy luôn cầu nguyện rằng mọi khổ đau của chúng sinh sẽ đến với bạn, chứ không phải họ. Hãy mong muốn rằng bạn luôn có thể phục vụ họ, và tâm họ sẽ tràn đầy niềm vui. Giống như vậy, trong thực hành Đạo sư Du già, bạn thiền định về vị thầy được quán tưởng trên đỉnh đầu bạn, bởi vậy hãy thiền định về tất cả chúng sinh như thể bạn đang mang theo họ trên đầu, và cầu nguyện có thể xua tan khổ đau và mang đến hạnh phúc cho họ. Như chúng ta thấy, không có sự cúng dường chư Phật nào lớn hơn thế.

Cảm thấy từ bi với người đang làm hại bạn là cách tích cực để tịnh hóa các che chướng, giải phóng khỏi sân hận và phát triển khía cạnh tích cực của bản tánh của bạn rằng, trên thực tế, sự nguy hại mà người ta gây ra cho bạn sẽ đưa bạn đi trên con đường Bồ Tát. Như người ta thường nói:

Con xin nương tựa bất kỳ ai làm hại con, bởi đó là suối nguồn của mọi hạnh phúc.

Ban đầu, điều này có vẻ khó khăn để đưa vào thực hành. Nhưng có một trái tim thực sự tốt lành là điều mà mọi người đều có thể. Hãy nhận lấy mọi khổ đau của những kẻ làm hại bạn, và gửi tặng họ hạnh phúc của bạn, với lòng từ bi lớn lao. Với thái độ đó, bạn cũng nên cúng dường một torma nước, một lễ cúng dường khói sur, và thực hành quán tưởng việc hiến dâng thân thể bạn như vật cúng cúng dường lên Tam Bảo, món quà giành cho chư Hộ Pháp, quà tặng cho chúng sinh đau khổ và sự đền đáp các món nợ nghiệp với các tinh linh gây hại và những kẻ gây chướng ngại[1].

Với các thực hành này, điều quan trọng là có nền tảng vững chắc trong thực hành về bốn vô lượng tâm. Đó là từ vô lượng, ước muốn mọi người đều có hạnh phúc; bi vô lượng, ước muốn mọi người thoát khỏi khổ đau; hỷ vô lượng, ước muốn mọi người đã có hạnh phúc có thể giữ gìn và phát triển nó; và xả vô lượng, nhận thức rằng mọi chúng sinh đều xứng đáng với từ, bi và hỷ, không hơn kém chỉ bởi vì mối quan hệ tốt, xấu hay không tồn tại của bạn với họ trong bối cảnh nhỏ hẹp của hiện tại.

Vào buổi sáng, ý nghĩ đầu tiên của bạn nên là hứa nguyện sẽ làm bất cứ điều gì có thể trong cả ngày để giúp đỡ người khác và mang hạnh phúc tuyệt đối đến với tất thảy chúng sinh. Vào buổi tối, hãy hồi hướng công đức mà bạn tích lũy trong cả ngày cho tất thảy chúng sinh. Nếu ai đó cố làm hại bạn, hãy cầu nguyện rằng họ sẽ thoát khỏi hận thù và cảm xúc độc ác, và mọi lời khát nguyện tốt lành của họ sẽ được hoàn thành.

Ban đầu việc tạo ra thay đổi trong thái độ của bạn là rất khó. Nhưng nếu bạn hiểu ý nghĩ đằng sau sự rèn luyện tâm này, và liên tục cố gắng áp dụng nó, bạn sẽ thấy nó giúp bạn rất nhiều các hoàn cảnh khó khăn, giống như phương tiện thiết kế tốt nhất mà bạn có thể nhanh chóng đến những nơi xa xôi dễ dàng.

2. Sự khổ đau

Nếu, để đáp lại việc không hề sai trái nhỏ bé nhất của tôi. Ai đó có thể chặt đầu tôi xuống, nhờ sức mạnh của lòng từ bi, nhận lấy toàn bộ ác nghiệp của hắn về mình là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Bất cứ điều gì mà ai đó có thể gây ra cho bạn – dù là chặt đầu bạn hay gây ra bất cứ khổ đau khủng khiếp nào khác – điều quan trọng là hãy nhớ rằng đó là kết quả của các hành động trong quá khứ của bạn. Bạn chắc chắn đã làm điều tương tự với người khác trong một đời trước kia. Đừng giận dữ. Hãy để kẻ thù làm bất cứ điều gì hắn muốn để có thể hài lòng. Hãy tràn đầy lòng từ bi với hắn. Ngài Drom Tonpa nói rằng:

Nếu ai đó chặt thân tôi thành một nghìn mảnh,

Nguyện cho con không thấy buồn chút nào,

Mà ngay lập tức khoác trên mình vũ khí của hạnh nhẫn.

Để đáp lại sự gây hại, một vị Bồ Tát cố gắng giúp đỡ và làm lợi lạc. Nếu bạn thấy ai đó làm điều gì xấu xa, hãy nghĩ về tất cả những khổ đau anh ta đang tích lũy, và cầu nguyện rằng thay vì việc anh ta sẽ tái sinh trong các cõi thấp hơn, các kết quả của ác hạnh đó sẽ đến với bạn; và hồi hướng cho anh ta kết quả của thiện hạnh của bạn.

Thực hành như vậy cũng giúp tiêu trừ các niềm tin vào cái tôi thật sự tồn tại. Vì, cuối cùng kẻ thù thực sự của bạn không phải một vài người tàn nhẫn đầy sức mạnh, một vài kẻ đi bố ráp ác độc hay những đối thủ vô tình, người luôn làm bạn phiền muộn, lấy đi mọi thứ bạn có, hay thậm chí đe dọa kiện tụng bạn. Kẻ thù thực sự là niềm tin vào tôi [ngã].

Ý tưởng về cái tôi lâu bền đó khiến bạn trôi lăn trong các cõi thấp của luân hồi trong vô số đời. Nó chính là thứ hiện đang ngăn cản bạn giải phóng bản thân và người khác khỏi luân hồi này. Nếu bạn có thể đơn giản buông xả ý nghĩ về “Tôi” đó, bạn sẽ thấy rất dễ dàng được giải phóng, cũng như giải phóng người khác. Nếu bạn vượt qua niềm tin về cái tôi thực sự tồn tại ngày hôm nay, bạn sẽ giác ngộ vào hôm nay. Nếu bạn vượt qua nó vào ngày mai, bạn sẽ giác ngộ vào ngày mai. Nhưng nếu bạn không bao giờ vượt qua nó, bạn sẽ không bao giờ đạt giác ngộ.

“Tôi” này chỉ là một ý nghĩ, một cảm xúc. Một ý nghĩ không sở hữu bất cứ tính rắn chắc, hình dạng, kích thước hay màu sắc. Ví dụ, khi một ý nghĩ sân hận mạnh mẽ khởi lên trong tâm, với áp lực khiến bạn muốn gây chiến và phá hủy ai đó, ý nghĩ tức giận đó có đang cầm vũ khí gì trên tay không? Nó có thể dẫn dắt một đội quân không? Liệu nó có thể thiêu cháy ai đó như lửa, ném ai đó như đá hay cuốn trôi họ như dòng sông cuồng nộ? Không. Sân, giống như bất kì ý nghĩ hay cảm xúc nào khác, không thực sự tồn tại. Nó không thể được tìm thấy ở bất kỳ đâu trong thân, khẩu và ý của bạn. Nó giống như cơn gió trong hư không trống rỗng. Thay vì cho phép ý nghĩ hoang dã như vậy quyết định điều bạn phải làm, hãy nhìn vào bản tánh trống rỗng trọng yếu của chúng. Ví dụ, tình cờ bạn thấy mình đang đối mặt với ai đó bạn nghĩ là muốn làm hại bạn, và một cảm xúc sợ hãi khởi lên. Nhưng khi bạn nhận ra, người đó thực ra chỉ có ý định tốt với bạn, sợ hãi biến mất. Nó chỉ là ý nghĩ.

Tương tự, mặc dù bạn giành rất nhiều đời để tin vào sự thực về “Tôi” này, khi bạn nhận ra nó không hề thực sự tồn tại, niềm tin của bạn sẽ dễ dàng biến mất. Bởi bạn không biết bản tánh chân thực của nó, nên ý tưởng về “Tôi” mới có sức mạnh ảnh hưởng đến bạn như vậy. Không có niềm tin vào cái tôi đó, sân hận, tham luyến, sợ hãi và nhiều điều khác sẽ không thể khởi lên. Hãy nhìn vào bản tánh thực sự của nguy hại; nó không thể nhận thức được, giống như bức tranh trên nước. Khi bạn thực sự trải qua điều đó, sự hận thù biến mất. Ngay khi các cơn sóng mạnh mẽ của ý nghĩ bị chinh phục, mọi thứ giống như hư không trống rỗng, không có gì để đạt được và không có gì để mất.

“Tôi” chỉ là cái mác mà bạn gắn vào sự kết hợp tạm thời của các quan niệm và bám chấp vào thân, khẩu và ý. Nó không phải chân lý tuyệt đối, bất biến, không thể phá hủy như là bản tánh Pháp thân của chư Phật. Hãy sử dụng bất cứ thực hành nào bạn làm để tan hòa ý tưởng về “Tôi” và các động cơ hướng về cái tôi đồng hành với nó. Thậm chí nếu ban đầu không thành công, hãy tiếp tục làm như vậy.

3. Sử dụng sự nhục nhã trên con đường

Thậm chí nếu ai đó nói đủ điều khinh bỉ về tôi và rêu rao chúng khắp vũ trụ. Đáp lại với tâm từ, Tán dương những phẩm hạnh của người đó là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Nếu ai đó bôi nhọ và làm bạn xấu hổ, đó đơn giản là kết quả của việc chỉ trích và bất kính với người khác trong quá khứ, đặc biệt là chư Bồ Tát. Thay vì cảm thấy tức giận với những người này, bạn nên biết ơn họ vì đã cho bạn cơ hội để tịnh hóa các hành động sai lầm trong quá khứ. Trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng là phải hành xử hòa hợp với giáo lý – đặc biệt là trong các dịp như vậy. Mục đích của việc thọ nhận giáo lý là gì nếu bạn không áp dụng chúng? Các nghịch cảnh là cơ hội tốt nhất để bạn đưa ra các giáo lý vào thực hành.

Khi một vị tăng thanh tịnh của tu viện Ratreng bị đổ lỗi là lấy cắp một chiếc đĩa. Ngài đến gặp tu viện trưởng và hỏi: “Con không có lỗi, con phải làm gì?”. Vị tu viện trưởng đáp: “Hãy chấp nhận sự đổ lỗi, cúng dường trà lên toàn bộ chư tăng, và cuối cùng sự trong sạch của con sẽ được chứng minh”. Vị tăng đã làm như vậy, đêm đó ông có một giấc mơ tốt lành chỉ ra sự tịnh hóa lớn lao của ông. Chẳng bao lâu sau, chiếc đĩa được tìm thấy, và vị tăng thoát khỏi sự buộc tội. Khi được thông báo về vấn đề, vị tu viện trưởng kết luận rằng: “Đó là cách hành xử tốt!”.

Bởi vậy, hãy ghi nhớ xem dù rằng bạn có một danh tiếng tốt hay xấu, nó có phải là một sự thực khách quan không. Nó có đáng để quan tâm không. Các vị thầy vĩ đại trong quá khứ không bao giờ than phiền về những điều như thế. Các ngài luôn đáp lại sự vu cáo và bôi nhọ bằng lòng tốt và hạnh nhẫn.

Ngài Langri Thangpa là một đạo sư như thế. Một lần, trong vùng có hang động nơi ngài thiền định, có một đôi vợ chồng mà đứa con thường chết yểu. Khi một đứa trẻ khác được sinh ra, họ hỏi một nhà tiên tri, người nói rằng đứa trẻ chỉ có thể sống nếu họ tuyên bố rằng nó là con trai của một vị Đạo sư tâm linh. Bởi thế người vợ đã mang đứa bé trai đến động của ngài Langri Thangpa và đặt em bé xuống trước bậc hiền triết. Bà nói: “Đây là con của ngài”, và bỏ đi. Vị ẩn sĩ nói gì về điều đó ngoại trừ việc bảo người phụ nữ tận tụy mà ngài biết nuôi dưỡng và chăm sóc đứa bé. Chắc chắn, ngài Langri Thangpa một tỳ kheo, và những lời đồn về việc ngài có con lan ra. Một vài năm sau, cha mẹ đứa bé đến với vật phẩm cúng dường lớn lao, và kính trọng thưa với ngài: “Xin hãy tha thứ cho chúng con. Mặc dù ngài chẳng có lỗi gì, chúng con đã để lời đồn đại sai trái về ngài lan ra. Đứa bé sống sót chỉ vì lòng tốt của ngài”. Nhẹ nhàng như thường lệ, ngài Langri Thangpa đưa trả cậu bé cho cha mẹ nó không nói lời nào.

Một vài người giành toàn bộ sức lực, và thậm chí cuộc đời để đạt danh tiếng. Tiếng tốt và tiếng xấu đều không gì hơn là tiếng vọng trống rỗng. Danh tiếng của bạn là ảo vọng hấp dẫn có thể dễ dàng dẫn bạn đi sai đường. Hãy từ bỏ nó không cần suy nghĩ, như nước mũi bạn xì ra.

4. Sử dụng sự chê bai trên con đường

Thậm chí nếu giữa một đám đông, ai đó vạch trần những lỗi lầm che giấu của bạn với sự xúc phạm. Kính lạy người đó một cách kính trọng, coi đó là một người bạn tâm linh, là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

 Nếu bạn muốn trở thành một đệ tử chân chính của Đức Phật, đừng bao giờ trả thù khi bạn bị hại. Luôn ghi nhớ bốn nguyên tắc của sự tu tập[1], đó là: nếu ai đó nói xấu bạn, đừng nói xấu lại anh ta; nếu ai đó tức giận với bạn, đừng tức giận lại anh ta; nếu ai đó vạch trần các lỗi lầm che giấu của bạn, đừng vạch trần anh ta; và nếu ai đó tấn công bạn, đừng tấn công lại anh ta.

Nếu ai đó chỉ trích bạn, chê bai vài điểm nhạy cảm nhất của bạn, hay điên cuồng lăng mạ bạn bằng thứ ngôn ngữ khó chịu nhất, đừng đáp trả lại tương ứng, dù chịu đựng khó khăn đến đâu. Hãy thực hành hạnh nhẫn, và đừng bao giờ để sân hận khởi lên. Hãy chấp nhận nó một cách tích cực, và sử dụng nó làm cơ hội để buông bỏ sự tự hào. Hãy thực hành bố thí và từ bi bằng cách cho người khác chiến thắng là một đặc điểm của mọi con đường trong Đạo Phật. Trên thực tế, ở đây điều gì để được hay mất [thắng hay thua]? Từ quan điểm tuyệt đối, không có điểm khác biệt nhỏ nhất giữa thắng và thua.

Rất nhiều vị thầy Phật Giáo bị chỉ trích, bị đối xử như tội phạm và đánh đập khi người Trung Quốc đến Tây Tạng. Thay vì hận thù, các ngài cầu nguyện rằng các ác hạnh của mọi chúng sinh sẽ được tịnh hóa thông qua sự tấn công nhằm báo thù chống lại họ [các vị thầy Phật giáo]. Giống như các ngài, khi bạn bị chỉ trích hay lăng mạ, hãy cầu nguyện rằng, sử dụng kết nối mà bạn đã tạo ra với những người lăng mạ bạn, bạn sẽ có thể đưa họ đến giải thoát.

Sẽ không có sự chỉ trích hay lăng mạ nào quá lớn mà bạn không thể chịu đựng. Nếu bạn từng cảm thấy nó rất hợp lý khi đáp trả một cách ác độc, sự trao đổi các lời nói cay nghiệt và những lời buộc tội gây ra sẽ làm cho cơn sân hận bị kính thích và leo thang trong cả hai bên. Đây là cách mà người ta bắt đầu đánh và giết nhau. Giết người và chiến tranh đều bắt đầu chỉ từ ý nghĩ sân hận. Như ngài Shantideva từng nói:

Không xấu xa nào giống như sân hận,

Không sự đơn giản nào sánh bằng hạnh nhẫn.

Vì thế đừng để sân hận khởi lên. Hãy nhẫn – và, hơn thế nữa hãy biết ơn người lăng mạ bạn, vì họ đang cho bạn cơ hội quý giá để tăng cường sự hiểu và thực hành Bồ đề tâm của bạn. Đức Jigme Lingpa vĩ đại từng nói:

Đối xử tệ bạc bởi đối thủ

Là chất xúc tác cho thiền định của con;

Những lời quở trách xúc phạm mà con không đáng nhận

Thúc đẩy các thực hành tiến lên;

Những kẻ gây hại là các vị thầy

Thử thách sự gắn bó và thù ghét của con –

Làm sao con có thể đền đáp lòng tốt của họ?

Thực sự, bạn không thể tiến bộ nhiều trên con đường tâm linh nếu bạn thiếu đi lòng dũng cảm đối mặt với các lỗi lầm ẩn giấu. Bất cứ người hay hoàn cảnh nào mà giúp bạn nhận ra lỗi lầm, dù không thoải mái và lăng mạ ra sao, cũng đang giúp bạn rất nhiều. Như tổ Atisha từng dạy:

Người bạn tâm linh tốt nhất là người tấn công vào những lỗi lầm giấu kín của con.

Những chỉ dẫn tốt nhất là đánh thẳng vào lỗi lầm giấu kín của con.

Sự khích lệ lớn nhất là kẻ thù, chướng ngại và khổ đau của bệnh tật.

Và vị đạo sư Kadampa, Ngài Shawopa[2] thường răn các đệ tử khi họ gặp ngài, nói rằng: “Ta sẽ chỉ chỉ ra các lỗi lầm ẩn kín của các con. Nếu con có thể không trở nên bực tức, hãy ở lại; nếu không, hãy đi!”.

Trong tám mối bận tâm thế tục, bởi thế, từ quan điểm tương đối, có rất nhiều cách để tiêu trừ sự khác biệt giữa tốt và xấu, những gì bạn muốn xảy ra và không muốn xảy ra. Từ quan điểm của chân lý tuyệt đối, không có sự khác biệt nào giữa được và mất, hài lòng và đau đớn, tiếng tốt và tiếng xấu, tán dương và chê bai. Chúng đều bình đẳng, trống rỗng về bản chất. Như ngài Shantideva từng nói:

Bởi thế, với những thứ không hề tồn tại,

Cái gì là được và mất?

Ai là người ở đó để cho tôi sự hài lòng và thanh danh,

Và ai ở đó để kinh bỉ và mắng nhiếc tôi?

Đau đớn và thỏa mãn, chúng khởi lên từ đâu?

Và cái gì cho tôi niềm vui và nỗi buồn?

[1] Bốn nguyên tắc của sự tu tập tốt lành: trong tiếng Tạng, chúng gồm: (1) ghse Yang slar mi gshe bar bya, (2) khros kyang slar mi khro bar bya, (3) ’tshang brus kyang slar mtshang ’bru bar bya, (4) brdeg kyang slar mi brdeg par bya.

[2] Shawop, hay Shawo Gangpa, 1067 – 1131, một đệ tử của ngài Langri Thangpa, và của Ba Anh Em, Putowa, Chengawa, và Puchungwa, ba đệ tử chính yếu của ngài Drom Tonpa.

[1] Xem thêm chú thích về thực hành Chod

Tác giả: Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Nguyên tác: Trái Tim Từ Bi