29694520_1910958588976197_33267837422272512_n

Yêu quý vị Thầy hơn chính bản thân

Nhờ sự tiến nương tựa vào một người thầy tâm linh chân chính, những lỗi lầm sẽ giảm và những phẩm tánh tốt sẽ phát triển như trăng tròn – Coi ngài thậm chí còn quý giá hơn chính thân chúng ta là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Giải thoát khỏi luân hồi và đạt đến sự toàn tri của giác ngộ sẽ là không thể nếu không theo một vị Thầy tâm linh chân chính, đầy đủ phẩm tánh. Vị Thầy như vậy luôn hành xử, nói và nghĩ hòa hợp hoàn hảo với Pháp. Ngài chỉ cho bạn thấy điều gì bạn phải làm để tiến bộ trên con đường và chướng ngại nào mà bạn cần tránh. Ngài khuyến khích bạn tập trung vào thực hành Pháp trên tất thảy, và chỉ làm điều gì tốt lành và lợi lạc. Ngài giúp bạn từ bỏ mọi hành động không thích hợp một cách chân thành, và ngài nhắc bạn nhớ về luân hồi, và không bám chấp vào luân hồi.

Một vị Thầy chân chính giống như cánh buồm lái con thuyền vượt qua đại dương một cách nhanh chóng. Nếu bạn tin tưởng lời Ngài, bạn sẽ dễ dàng thấy được con đường thoát khỏi luân hồi – và đó là lý do tại sao vị Thầy lại quý giá đến vậy. Người ta nói rằng “Công đức của việc cúng dường một giọt dầu đến lỗ chân lông của bậc Thầy còn lớn hơn rất nhiều công đức có được từ cúng dường vô số đến tất cả chư Phật”.

Khi Đức Phật là một vị Bồ Tát, vị Thầy tâm linh của ngài đã thử sự quyết tâm của ngài để thọ nhận chỉ bốn dòng giáo lý cao quý. Bởi bậc đạo sư đã bảo Ngài làm vậy, Bồ Tát không chút do dự đã chọc một nghìn lỗ trên thân thể, cắm một nghìn cái bấc đèn và châm lửa.

Tất cả các hành giả thành tựu trong quá khứ đạt được giác ngộ bằng cách theo chân một vị Thầy tâm linh. Họ bắt đầu việc tìm kiếm bằng cách lắng nghe về các hành động của nhiều vị đạo sư khác nhau. Khi các câu chuyện họ nghe về một vị Thầy đặc biệt cuốn hút, họ sẽ quán sát các phẩm tánh của ngài từ một khoảng cách trước khi giao phó bản thân. Khi họ tin tưởng Ngài hoàn toàn, họ sẽ đến gặp Ngài, phục vụ Ngài và dần đưa bất cứ chỉ dẫn nào ngài ban ra vào thực hành.

Bạn sẽ không thể đạt đến giác ngộ bằng cách dựa vào các ý tưởng của bản thân và hoàn toàn độc lập. Việc một vị Duyên Giác Phật có thể tự mình đạt được giải thoát là đúng; nhưng các ngài không có vị thầy tâm linh trong đời hiện tại không có nghĩa ngài không có trong quá khứ. Trên thực tế, các vị Duyên Giác Phật có những vị thầy tâm linh và thọ nhận giáo lý từ rất nhiều đời. Với từng thực hành Kinh và Mật, một sự giải thích từ bậc thầy chân chính là điều cần thiết.

Bây giờ, nếu bạn mong mỏi gặp được một vị Thầy chân chính, điều đó là bởi thiên hướng với Pháp của bạn từ quá khứ. Ngài Jetsun Milarepa, chỉ mới nghe đến tên ngài Marpa, đã không thể nghỉ ngơi cho đến khi gặp được ngài. Vị thầy đứng ở điểm tiếp nối của con đường, điểm mà ở đó bạn có thể đi lên hay đi xuống. Bạn nên nhận giáo lý từ ngài và để các chỉ dẫn của ngài trưởng thành thông qua kinh nghiệm trực tiếp.

Có ba cách chính để hoàn thành các nguyện ước của vị Thầy. Cách tốt nhất là đưa các chỉ dẫn của ngài vào thực hành, và giành trọn đời trải qua bản chất của giáo lý và đạt được sự chứng ngộ. Cách tốt thứ hai là phục vụ Ngài với thân, khẩu và ý tận tụy của bạn. Khi phục vụ Thầy, bạn sẽ được chuyển hóa bởi những phẩm tánh rõ ràng của ngài, như một mẩu gỗ thường trong rừng đàn hương sẽ dần thấm nhuần mùi hương của các cây xung quanh. Cách thứ ba để làm hài lòng Thầy là cúng dường vật chất cho Ngài.

Ai đó không thể nuôi dưỡng những hoài nghi, hay tính cách không tế nhị, có thể thấy rằng bản thân đang phát triển những tà kiến về vị Thầy nếu anh ta ở gần Thầy. Nếu điều này xảy ra, tốt hơn là thọ nhận chỉ dẫn và đi thực hành ở một nơi khác. Ở gần một bậc đạo sư giác ngộ giống như là gần một ngọn lửa. Nếu bạn có đủ niềm tin nơi Ngài, Ngài sẽ thiêu đốt sự ngu dốt và che chướng của bạn. Nhưng nếu niềm tin chưa đủ, bạn sẽ tự thiêu cháy mình.

Khi đã cẩn thận áp dụng các chỉ dẫn của Thầy, bạn sẽ có thể tiến bộ trên con đường mà không mấy chướng ngại, như người mù tìm thấy một kẻ dẫn đường hoàn hảo dẫn anh ta vượt qua các vách đá nguy hiểm. Nhưng không có lời khuyên của vị Thầy chân chính, cố gắng thực hành ở nơi cô tịch sẽ chẳng giúp gì bạn; bạn sẽ không khác gì lũ chim và động vật hoang.

Thậm chí chỉ một vài lời chỉ dẫn từ bậc đạo sư cũng có thể mang bạn đến giác ngộ. Bởi thế hãy chú ý, và đánh giá cao từng lời nói ngài dậy. Hãy quán chiếu về ý nghĩa của chúng, và thiền định về chúng. Luôn quán sát cẩn thận xem liệu rằng các bạn hiểu giáo lý và đưa chúng vào thực hành có trở thành phương cách đối trị vô minh bên trong không. Hãy giữ lòng sùng mộ không ngừng và không giao động – vị thầy là ngọc báu hoàn thành mọi ước nguyện.

Khi ai đó nói rằng “Ngài Atisaha, xin hãy ban cho con giáo lý. Đức Atisha đáp rằng:

Ha! Ha!

Nó có vẻ tốt!

Nhưng để ban những chỉ dẫn cốt tủy

Ta cần ở con một thứ:

Niềm tin! Niềm tin!

Niềm tin là điều tiên quyết chính cho con đường. Nếu bạn không có niềm tin, thậm chí theo một vị Phật cũng chẳng giúp gì. Tiến bộ trên con đường Đại thừa phụ thuộc vào vị thầy, bởi thế đừng bao giờ tách rời khỏi ngài cho đến khi bạn đạt được mục tiêu tối thượng. Ngài là người sẽ giúp bạn nhận ra chân lý về tánh không không sinh.

Nếu bạn có niềm tin vào vị thầy, bạn sẽ nhận được sự gia trì từ thân, khẩu và ý giác ngộ của ngài. Đừng bao giờ chán việc nhìn ngài, bởi một vị đạo sư chân chính thì rất hiếm có trên đời và việc gặp được một vị thì còn hiếm hơn. Liên tục quán tưởng ngài trên đỉnh đầu bạn, và cầu nguyện đến ngài với lòng sùng mộ khẩn thiết. Đây là thực hành rộng lớn và trọng yếu nhất trong các Kinh điển và Mật điển. Theo chân một vị thầy là nguồn gốc của mọi giác ngộ. Nếu bạn thấy vị Thầy là một vị Phật thật sự, giác ngộ sẽ không còn xa nữa.

Yêu quý vị thầy hơn chính bản thân, và hơn tất thảy người khác là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Về chi tiết các phẩm tánh của một vị thầy chân chính và giả mạo, như được chỉ ra trong luận giải của ngài Dzatrul Tendzin Norbu về đoạn này, xem Phụ lục 1. Xem thêm Lời vàng của thầy tôi, chương 6.

Duyên Giác Phật, “những bậc tự mình đạt đến Phật quả”. Cùng với các vị Thanh văn, họ tạo thành tăng đoàn Tiểu thừa.

Marpa Lotsawa Chokyi Lodro, 1012 – 1097, bậc tổ sư truyền thừa Kagyu, sinh ra ở Lhodrak, miền Nam Tây Tạng. Đầu tiên ngài nghiên cứu với Drogmi Lotsawa, sau đó du hành Ấn Độ ba lần để gặp vị đạo sư gốc của ngài, Đại thành tựu giả Naropa, cũng như nhiều vị đạo sư khác như Maitripa, Kukuriapa và Jnanagarbha, Jetsung Milarepa, Shepai Dorje, 1040 – 1123, đệ tử xuất sắc nhất của ngài, có lẽ là tấm gương nổi tiếng nhất của một đệ tử, một hành giả và một vị thầy tâm linh.

Một thực hành Đạo sư Du già [Guru Yoga] liên quan đến giáo lý nằm trong phần B của Phụ luc I.

Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche