Shantideva (寂天菩萨) 23.

Bồ đề tâm nguyện

Nếu tất cả những bà mẹ, người yêu quý tôi từ vô thủy đang chịu khổ đau, hạnh phúc cá nhân có mục đích gì? Bởi thế, với mục tiêu giải thoát vô số hữu tình chúng sinh, thiết lập Bồ đề tâm là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Bản tánh tuyệt đối của mọi thứ là thanh tịnh nguyên sơ, thoát khỏi mọi điều kiện và vượt ra khỏi các quan niệm về tồn tại và không tồn tại. Nhưng trong sự thật tương đối, tôi và người khác, khổ đau và hạnh phúc, hiển bày theo vô số cách. Các hình tướng này đều không thực sự tồn tại, tuy nhiên chúng sinh tin rằng đó là thật, bởi thế trôi lăn, ảo mộng trong luân hồi.

Bồ đề tâm có hai khía cạnh: từ bi, hướng về chúng sinh, và trí tuệ, hướng về giác ngộ. Cả hai khía cạnh, chỉ có mong ước làm lợi ích cho chúng sinh hay chỉ có mong ước đạt đến giác ngộ diễn tả được Bồ đề tâm. Mặt khác, nếu bạn không đạt được giải thoát tuyệt đối, thì dù ước muốn làm lợi lạc cho chúng sinh của bạn có mạnh đến đâu, bạn cũng không bao giờ vượt ra khỏi lòng tốt bụng và từ bi bình thường. Một điều nữa là, nếu bạn mong ước giác ngộ vì bản thân, bạn sẽ chẳng bao giờ vượt ra khỏi niết bàn giới hạn của hành giả Tiểu thừa. Cả hai khía cạnh đều rất cần thiết. Điều này được diễn tả trong Sức trang hoàng của Chứng ngộ chân thật.

Bồ đề tâm là sự khao khát giác ngộ

Vì lợi ích của người khác.

Vô số chúng sinh, người trong các đời trước của bạn từ vô thủy là cha mẹ bạn, đã yêu quý và chăm sóc bạn đến mức sẵn sàng từ bỏ mạng sống vì bạn. Sẽ thật vô tâm nếu bạn quên đi lòng tốt không thể miêu tả của họ và thờ ơ với khổ đau của họ; và cũng thật vô tâm nếu thực hành Pháp vì giải thoát bản thân, thờ ơ cảnh tù đầy của người khác.

Bạn sẽ từ bỏ mọi chúng sinh đang chìm trong khổ đau đó à? Một người con trai, giàu có và hạnh phúc, sống thoải mái và ăn ngon, trong khi bố mẹ sống trong cảnh nghèo khổ, túng quẫn, đói kém và không nơi cư ngụ, sẽ bị mọi người cho là một hình tượng đáng xấu hổ và khinh bỉ. Nhưng điều đó có khác với việc không thể chăm sóc chúng sinh sáu cõi, những người đã là cha mẹ yêu quý của chúng ta lúc này hay lúc khác? Nếu bạn nuôi dưỡng thái độ tự cho mình là trung tâm nhiều như vậy và không nỗ lực vì hạnh phúc của người khác, bạn sẽ là hình ảnh đáng xấu hổ của các bậc vĩ đại, và sẽ trượt khỏi con đường Đại thừa. Như ngài Gyalse Thogme từng nói:

Nếu bạn không mang khổ đau của mọi chúng sinh trên vai.

Thì việc sử dụng giáo lý Đại thừa tối thượng là gì?

Như tất cả các vị Phật và Bồ Tát trong quá khứ khởi lên tâm bồ đề, mong ước đem chúng sinh đến giác ngộ, bởi thế bây giờ đến lượt bạn khởi lên lòng từ bi vĩ đại và tâm bồ đề đó. Cốt tủy của Pháp là giáo lý Đại thừa, và cốt tủy của giáo lý Đại thừa là Bồ đề tâm. Khi Bồ đề tâm được sinh ra trong bạn, bạn sẽ trở thành trưởng tử chân chính của chư Phật, và chư Phật sẽ luôn nhìn bạn với niềm hạnh phúc lớn lao. Trong tất cả các đời sắp tới, bạn sẽ gặp được các vị thầy Đại thừa và làm lợi lạc người khác. Các hành động của bạn sẽ gia nhập đại dương hoạt động của chư Bồ Tát, những người tràn đầy lòng từ bi và xuất hiện trong nhiều hình tướng khác nhau, thậm chí là các con chim hay động vật hoang, để làm lợi lạc chúng sinh theo nhiều cách. Thái độ giác ngộ như vậy làm lợi lạc toàn bộ vùng đất quanh bạn.

Một vị Bồ Tát làm lợi lạc cho tất thảy chúng sinh bình đẳng, không phân biệt giữa kẻ thù và bạn bè. Cho thức ăn, quần áo và những thứ khác chỉ có thể đem đến sự xoa dịu tạm thời và hạn chế; nó không thể giúp đỡ họ vào lúc chết, cũng như sau khi chết. Nhưng nếu bạn có thể thiết lập mọi chúng sinh trong Pháp, bạn sẽ giúp họ theo cách mà vừa lợi ích ngay lập tức và lợi ích trong các đời tương lai. Thực hành Pháp giúp họ giải thoát bản thân khỏi luân hồi và đạt đến giác ngộ – vì thế đó là cách thức để đền đáp lòng tốt của cha mẹ bạn. Không còn cách nào khác.

Đừng tích trữ tất cả sự nghiên cứu, tài sản và bất cứ điều gì bạn có thể đạt được vì lợi ích riêng. Thay vào đó, hãy hiến dâng mọi thứ cho tất thảy chúng sinh, và mong ước rằng họ đều có thể lắng nghe, quán chiếu và thiền định về Pháp. Đơn giản với lời cầu nguyện như thế cũng rất lợi lạc. Mọi thứ được làm với ý định thanh tịnh, thậm chí mong ước xoa dịu chúng sinh khỏi cơn đau đầu, cũng có công đức lớn lao. Bởi vậy công đức sẽ lớn hơn nếu bạn cầu nguyện nhằm giải phóng mọi chúng sinh khỏi luân hồi. Bởi có vô số chúng sinh, công đức của lời cầu nguyện cũng sẽ vô cùng lớn.

Dù bạn đang thực hành giai đoạn phát triển và hoàn thiện, Đại thủ ấn hay Ati Yoga, chừng nào thực hành của bạn thấm nhuần Tâm Bồ Đề thì lúc đó nó mới thực sự là một thực hành Đại thừa. Nhưng không có Tâm Bồ Đề, thực hành của bạn sẽ chỉ đình trệ.

Với người bình thường hiểu chi tiết trí tuệ tuyệt đối là vô cùng khó. Đó là lý do tại sao cần phải tiến bộ dần dần trên con đường. Để tiến bộ trên con đường đúng đắn, thực hành của bạn phải luôn quán sát cái được gọi là “ba điểm tối thắng”:

(1) bắt đầu với thái độ dựa trên Bồ đề tâm, nói cách khác là với mong muốn thực hành đạt đến giác ngộ vì lợi ích của tất thảy chúng sinh;

(2) khi bạn tham gia vào phần chính yếu của bất cứ thực hành nào, hãy thoát khỏi mọi quan niệm và xao lãng; và

(3) lúc kết thúc, hãy kết thúc phần thực hành bằng phần hồi hướng.

Thực hành như vậy sẽ biến thực hành đơn giản nhất với hành động tốt lành nhỏ bé trở thành nguyên nhân giác ngộ, và sự hồi hướng sẽ bảo vệ công đức của bạn có được nhờ việc thực hành khỏi bị phá hủy bởi sự giận dữ và các cảm xúc phiền não khác.

  • Bắt đầu với mong ước làm lợi lạc người khác là sự chuẩn bị hoàn hảo cho bất cứ thực hành nào bạn sắp tiến hành, và một cách khéo léo để chắc chắn rằng thực hành của bạn sẽ đạt được kết quả và không bị cuốn trôi bởi dòng chảy của các nghịch duyên và chướng ngại.
  • Với phần thực hành chính, tập trung và thoát khỏi những quan niệm và xao lãng có rất nhiều cấp độ khác nhau. Về cơ bản, nó nghĩa là giải thoát khỏi mọi kiểu tham luyến – và đặc biệt là sự tự hào. Dù bạn uyên bác, kỷ luật hay hào phóng đến đâu, chừng nào bạn còn cảm thấy tự kiêu và tự hào về điều đó và cùng lúc lại khinh thường người khác, không điều gì tốt đẹp có thể đến từ thực hành của bạn. Sự tích lũy hai phần của công đức và trí tuệ thực sự là con đường dẫn đến Phật quả, nhưng nếu nó bị làm giả bởi sự bám chấp giả mạo và sự hạ mình chiếu cố, thì sẽ chẳng có kết quả gì.

Đặc biệt hơn, thoát khỏi tham luyến và các quan niệm cũng nghĩa là thoát khỏi mọi bám chấp vào bất cứ thực hành nào bạn có thể đang làm như là một sự thật cố hữu. Hãy xem ví dụ về việc cúng dường lên chư Bồ Tát. Các vị Bồ Tát xuất hiện dưới hình tướng là những người bạn tâm linh với người chí thành, hay là sự gia trì, các kinh điển quý giá, các bức tượng và nhiều kiểu khác; nhưng những sự hiển bày này chỉ như giấc mơ, hay sự huyễn hoặc diệu kỳ, không hề tồn tại thực sự. Mọi thế trong thế giới hiện tượng này cũng thế, bởi vậy không chỉ đối tượng của sự cúng dường, mà còn là các món cúng dường của bạn đều là hư ảo. Bất kỳ kết quả nào cũng là sự huyễn hoặc – điều này không phải là không có kết quả nào, nhưng kết quả không phải một thực thể rắn chắc. Việc tràn ngập trong tham luyến và tự hào về kết quả của các hành động ảo mộng thì có ý nghĩa gì? Khi một vị Bồ Tát làm một việc lợi lạc, ngài hoàn toàn thoát khỏi sự bám chấp vào quan niệm về chủ thể hành động, đối tượng, tức người nhận được lợi lạc từ hành động và chính hành động đó. Sự buông bỏ hoàn toàn này làm cho công đức trở nên vô tận.

  • Hãy hồi hướng tất cả công đức và các hành động thiện lành mà bạn đã làm hay sẽ làm trong quá khứ, hiện tại và tương lai, để tất thảy chúng sinh, đặc biệt là kẻ thù của bạn, có thể đạt đến giác ngộ. Hãy cố gắng hồi hướng các công đức giống như cách chư Đại Bồ Tát thường làm. Bất cứ công đức nào các ngài hồi hướng trong sự trải rộng vô bờ của trí tuệ đều không cạn. Sự hồi hướng giống như thêm một giọt nước vào đại dương. Đại dương rộng lớn đến mức một giọt hòa thêm vào sẽ không thể cạn.

Không một lời cầu nguyện nào biến mất. Hồi hướng công đức của tất cả các việc thiện bạn làm với tâm thanh tịnh sẽ tạo ra kết quả tốt đẹp cho đến khi bạn giác ngộ. Như Vua của các khẩu nguyện vì Hành động hoàn hảo có đoạn:

Cho đến khi tất thảy chúng sinh thoát khỏi mọi phiền não,

Nguyện cho các lời cầu nguyện của con không bao giờ vơi cạn.

Thái độ của một vị Bồ Tát cần phải rộng lớn, luôn giữ trong tâm tất thảy chúng sinh và nguyện ước đưa họ đến Phật quả. Nếu tâm bạn rộng lớn, sức mạnh của các lời cầu nguyện sẽ bất tận. Nếu tâm bạn hẹp hơn, sự tích lũy công đức và tịnh hóa các che chướng cũng sẽ bị giới hạn.

Đừng để bản thân bị nhụt chí bởi ý nghĩ kiểu như không đáng để hồi hướng điều bạn cho là sự tích lũy khó nhọc các công đức, bởi vì nó chẳng thể làm ai lợi lạc, hay bởi ý nghĩ như với bạn giúp đỡ người khác chỉ là chuyện nhảm, bởi bạn sẽ không bao giờ có thể làm họ lợi lạc. Nếu bạn giữ tâm rộng mở, tác dụng của tâm bồ đề sẽ tăng lên và những lợi lạc của tất thảy lời nói và hành động của bạn cũng vậy.

Trong đời sống và thực hành hàng ngày, bạn cần giữ sự phát triển Bồ đề tâm hoàn hảo. Bạn sẽ thấy sự cuốn hút trong các lời cầu nguyện cốt tủy, rộng lớn của chư Bồ Tát được tìm thấy trong đại dương các bộ Kinh điển Đại thừa, như:

Cầu mong Bồ đề tâm cao quý và tối thượng,

Phát khởi nơi những người chưa sinh khởi

Cầu mong Bồ đề tâm không suy tàn nơi nó đã sinh khởi

Mà tiếp tục tăng trưởng càng lúc càng xa rộng hơn!

Và,

Nguyện cầu tất thảy chúng sinh tìm thấy hạnh phúc;

Nguyện cầu tất thảy các cõi thấp đều trống rỗng;

Nguyện cho các lời cầu nguyện của chư Bồ Tát

Sẽ thành tựu hoàn hảo.

Hay,

Bất cứ ở đâu hư không kết thúc,

Đó là nơi kết thúc của vô số chúng sinh

Bất cứ nơi nào số mệnh và cảm xúc của chúng sinh kết thúc

Thì các lời nguyện của tôi mới kết thúc.

Ba điểm tối thắng này bao gồm toàn bộ thực hành và thái độ của Đại thừa. Đó là lý do tại sao các vị thầy Đại thừa giải thích chúng rất nhiều lần. Nhưng nghe giải thích như vậy thì chưa đủ. Bạn cần thấu triệt và hòa nhập với chúng. Ngày qua ngày, hãy xem liệu bạn có hành xử hòa hợp với chúng. Nếu không, hãy cảm thấy ăn năn, và cố gắng sửa chữa. Đừng để tâm bạn bị xao lãng và chỉ chạy theo những thiên hướng của nó.

Nếu bạn biết rằng bạn đã thành công ở một mức độ nào đó trong việc hòa tâm mình với Pháp, hãy hồi hướng công đức cho tất thảy chúng sinh, và hứa nguyện làm nhiều hơn nữa. Nếu bạn liên tục quán sát các lỗi lầm, hãy tiêu trừ những gì bạn phạm phải, và ngăn cản những lỗi lầm mới; và cũng lúc đó hãy cố gắng không ngừng phát triển các phẩm tánh tốt lành bằng cách làm cho những điều mới khởi lên, và tăng trưởng những điều bạn đã có, bạn sẽ dần tiến bộ trên năm con đường và các cấp độ dẫn đến Phật quả, con đường của sự tích lũy, con đường của sự gia nhập, con đường của sự thấy, con đường thiền định và con đường vượt khỏi sự nghiên cứu.

Cho đến khi bạn nhận ra tánh không, bạn không nên rời xa thái độ giác ngộ của Bồ đề tâm. Khi bạn nhận ra tánh không, chẳng cần nỗ lực nào mà tâm từ bi không điều kiện hiển bày, bởi vì từ bi là sự hiển bày của tánh không.

Giống như chính bạn mong muốn hạnh phúc, bạn cũng nên mong muốn như thế cho người khác. Giống như chính bạn muốn thoát khỏi luân hồi, bạn cũng nên cầu mong điều tương tự cho người khác. “Nguyện cầu tất thảy chúng sinh được hạnh phúc, thoát khỏi khổ đau và nguồn gốc của khổ đau. Nguyện cho họ đạt đến hạnh phúc hoàn hảo, duy trì trong đó và sống trong sự xả bỏ. Nguyện cầu họ duy trì tình yêu thương cho tất thảy người khác không phân biệt”. Nguyện ước này được gọi là Bồ đề tâm.

Tâm bồ đề sẽ phát triển không nỗ lực nếu bạn có thái độ thanh tịnh này. Một tâm tốt có sức mạnh tự nhiên làm lợi lạc người khác. Bất cứ công đức nào đến từ thái độ rộng lớn này, thay vì cảm thấy nó thuộc về bạn, hãy hồi hướng cho chúng sinh, nhiều như hư không vô tận. Hãy thoát khỏi những bám chấp vào sự thật về chủ thể, đối tượng, và hành động, và ngày sẽ đến khi thân và khẩu của bạn trở thành nô lệ của tâm, và mọi thứ bạn làm và nói sẽ tự nhiên làm lợi lạc người khác.

Hiện tại, giống như ngọn cỏ đổ theo chiều gió thổi, bạn dễ bị tổn thương bởi các cảm xúc tổng hợp và tinh tế. Cố gắng giúp đỡ người khác trong điều kiện như vậy thì chẳng thể đem lại lợi lạc cho họ, mà chỉ là nguồn gốc xao lãng của bạn.

Hy vọng một vụ mùa mà không gieo hạt chỉ mang đến nạn đói,

Hy vọng làm lợi lạc cho người khác khi chưa trưởng thành chỉ đem đến rắc rối.

Nếu bạn tiếp tục giữ sự ổn định trong thực hành, nếu bạn tiếp tục làm việc với thái độ và phát triển lòng vị tha không điều kiện, tâm bồ đề sẽ phát triển. Dần dần, bạn sẽ có thể biến tình yêu thương và từ bi thành hành động theo cách mà thực sự làm người khác lợi lạc.

Bồ đề tâm có sức mạnh rộng lớn đến mức khi nó khởi lên, bạn sẽ bước vào gia đình cao quý của chư Bồ Tát. Nếu bạn có tâm bồ đề, bạn sẽ miễn dịch với các thế lực xấu, và khi chúng hiển bày, cũng chẳng có cách nào để gây hại hay tạo ra chướng ngại.

Điều này được minh họa bởi câu chuyện về cuộc đời của ngài Jigme Gyalwai Nyugu[1], bậc thầy gốc của ngài Patrul Rinpoche[2]. Một lần, tinh linh hận thù quyết định kết liễu cuộc đời ngài Jigme Gyalwai Nyugu. Tràn đầy ý nghĩ nguy hại, tinh linh đến cửa động của ngài Gyalwai Nyugu. Hắn nhìn thấy một người đàn ông già điềm tĩnh ngồi nhắm mắt, rất an bình, tràn đầy tình yêu thương và từ bi, với mái tóc bạc trên đầu. Khung cảnh đủ để ý nghĩ xấu xa của tinh linh biến mất ngay. Hắn sợ hãi khi nhìn người đàn ông. Tâm bồ đề khởi lên trong hắn, và hắn hứa sẽ không bao giờ sát sinh nữa. Sau đó, bất cứ khi nào cơ hội hại người khởi lên, hình ảnh về một người đàn ông già điềm tĩnh tóc bạc xuất hiện ngay trong tâm trí hắn. Tinh linh mất đi sức mạnh làm hại người khác.

Khi tổ Atisha ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, để tỏ lòng kính trọng ở phía đông của Kim Cương Tòa, ngài thấy hai vị nữ thần xinh đẹp phí trước.

Người trẻ hơn nói với người kia: “Nếu ai đó muốn nhanh chóng đạt giác ngộ, cách tốt nhất là gì?”

Vị kia đáp: “Tu tập trong việc khởi lên Bồ đề tâm”.

Người phụ nữ trẻ là Đức Arya Tara tốn quý, và người già hơn là Đức Chandamaharoshana[3], Bậc Đại Cau mày.

Nếu Bồ đề tâm chưa khởi lên trong bạn, hãy cầu nguyện để nó khởi lên. Và nếu nó đã khởi lên, hãy cầu nguyện để nó tiếp tục phát triển. Nếu công đức của việc phát Bồ đề tâm có hình tướng, toàn bộ thế giới này cũng không đủ để chứa nó.

[1] Jigme Gyalwai Nyugu, một hóa thân của Đức Quan Âm, và một trong hai đệ tử chính của ngài Kunkhyen Jigme Lingpa. Ngài là thầy của Đức Jamyang Khyentse Wangpo và Patrul Rinpoche.

[2] Patrul Rinpoche, Orgyen Jigme Chokyi Wangpo, 1808 – 1887, là hiện thân của ngài Shantideva, và hóa thân về khẩu của ngài Jigme Lingpa. Ngài hiển bày cuộc đời hoàn hảo của sự chứng ngộ tâm linh và từ bỏ. Ngoại trừ vài năm ở Shri Singha, trường tu của tu viện Dzogchen ở tỉnh Kham, ngài giành phần lớn cuộc đời trong các hang động, khu rừng và các khu nhập thất cô tịch, đi từ nơi này đến nơi khác. Mang trên mình trang phục của dân du mục bình thường, ngài du hành mà không bị nhận ra trong phần lớn thời gian. Thời trẻ, ngài đã thuộc lòng phần lớn các luận giải quan trọng (ví dụ, Bảy kho tàng của ngài Longchenpa), vì thế ngài có thể giảng các chủ đề phức tạp trong nhiều tháng mà không cần sử dụng sách vở, như ngài từng làm ở trường tu Shri Singha. Khi ngài qua đời, tài sản duy nhất của ngài là một bản sao cuốn Nhập Bồ Tát hạnh của ngài Shantideva và một chiếc bát khất thực. Ngài là đệ tử của Đức Jigme Gyalwai Nyugu, Gyalse Shenphen Thaye, Dzogchen Mingyur Namkhai Dorje và nhiều vị khác. Luận giải của ngài Minyak Kunzang Sonam về Ba mươi bảy Pháp hành Bồ Tát Đạo được viết lại theo khẩu truyền của ngài Patrul Rinpoche.

[3] Tiếng Phạn là Candamaharosana.

Tác giả: Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Nguyên tác: Trái Tim Từ Bi