Shantideva (寂天菩萨) 23.

Những chỉ dẫn cốt tủy về Bồ đề tâm

Giáo lý Phật Đà miêu tả rất nhiều con đường và thừa. Theo những cách khác nhau, tất cả đều dẫn đến giải thoát khỏi khổ đau luân hồi và đạt đến giác ngộ. Nhưng chính giáo lý Đại thừa mới là rộng lớn nhất trong tất thẩy. Và trong giáo lý các Đại thừa, mặc dù rất nhiều và rộng lớn, ý nghĩa trọng yếu có thể được tìm thấy trong các chỉ dẫn cốt tủy của các vị thầy tâm linh vĩ đại, trong các chỉ dẫn cốt tủy của các vị thầy tâm linh vĩ đại, trong dạng vắn tắt để dễ dàng đưa vào thực hành. Các chỉ dẫn cốt tủy đặc biệt được giải thích ở đây giải quyết vấn đề tâm bồ đề – sự quyết tâm giác ngộ vì lợi ích của người khác.

Vào bất cứ một dịp nào khi một giáo lý được ban ra, chúng ta – cả vị thầy và các thính giả của ngài – nên bắt đầu bằng cách tụng đọc các lời cầu nguyền đến tất cả các vị Phật của quá khứ, hiện tại và vị lai cùng nhau, và nhận sự gia trì của chư vị. Sau đó chúng ta nên cầu nguyện để nhận sự gia trì của các vị đạo sư vĩ đại của Tám cỗ xe vĩ đại[1], các truyền thống Phật giáo chính yếu được mang đến Tây Tạng từ Ấn Độ. Là người lắng nghe, các bạn nên chắc chắn rằng bản thân đã có động cơ thích hợp để thọ nhận giáo lý nhằm có thể đạt giác ngộ vì lợi lạc của người khác. Tạo ra thái độ như vậy trong mọi điều bạn làm là nền tảng của tâm bồ đề.

Chúng sinh nhiều như hư không. Nhưng chúng ta cũng sống vô số đời – bởi vậy tựu lại tất cả các đời, chúng ta đều chắc chắn có tất cả các kiểu kết nối với chúng sinh khác. Trên thực tế, mỗi chúng sinh đều ít nhất là mẹ bạn một lần. Từ con côn trùng nhỏ nhất, điều mà mỗi chúng sinh muốn và cố gắng làm là tận hưởng hạnh phúc và tự do chân thực, và tránh những khổ đau. Nhưng phần lớn trong số họ hoàn toàn không biết hạnh phúc là kết quả của các hành động thiện lành, và khổ đau là kết quả của các hành động xấu xa. Trong nỗ lực đạt đến hạnh phúc, họ giành tất cả thời gian trong các ác hạnh, điều vì thế chỉ mang đến nhiều khổ đau hơn, đối lập với ý định của họ. Khi bạn nghĩ về tình thế của các vấn đề này, một cảm xúc từ bi sẽ tự nhiên khởi lên trong bạn.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc bạn cảm thấy từ bi với họ thì chẳng giúp ích gì cho chúng sinh. Bởi thế, bạn có thể làm gì để thực sự giúp đỡ họ? Hiện giờ bạn đã có một thân người với đầy đủ mọi tự do và thuận duyên, và đặc biệt vận may to lớn là được biết đến và bắt đầu thực hành Chánh Pháp. Bạn đã gặp một vị thầy tâm linh chân chính và đang trong quá trình thọ nhận giáo lý, điều sẽ giúp bạn đạt đến Phật quả chỉ trong một đời. Để tận dụng cơ hội quý giá này, bạn không những cần lắng nghe giáo lý, mà còn cần đưa chúng vào thực hành. Theo cách đó, cảm xúc từ bi của bạn sẽ được hiện thực, đến mức mà cuối cùng bạn sẽ có thể mang mọi chúng sinh đến giác ngộ. Với những thứ hiện tại, dù bạn có mong muốn giúp người khác mãnh liệt đến đâu, bạn mới chỉ là người bắt đầu và thiếu đi khả năng để làm nhiều điều cho họ. Bởi thế, bước đầu tiên rất hữu ích với người khác mà bạn cần làm hướng về họ là hoàn thiện bản thân, bằng cách tu tập và chuyển hóa tâm.

Hiện giờ, tâm bạn bị ảnh hưởng bởi sự gắn bó với bạn bè, họ hàng, và bất kỳ ai mang đến cho bạn sự thỏa mãn, và bởi những cảm xúc thù địch hướng về người có vẻ đi ngược lại với mong ước của bạn, tất cả những người ngăn cản bạn đạt được giàu có, hài lòng và thích thú, và bởi thế người bạn coi là kẻ thù với lòng thù ghét. Trong vô minh, bạn làm bất cứ điều gì có thể để lợi lạc cho bản thân và những người bạn thích,  và cố gắng vượt qua và tiêu diệt mọi người bạn cho là kẻ thù với sự thù hằn đến mức bạn không thể chịu đựng được dù chỉ là nghe tên chúng. Qua vô số đời, bạn bị kéo vào luân hồi, đại dương ác độc, và bị cuốn đi bởi những dòng chảy mạnh mẽ của sự gắn bó và thù ghét. Gắn bó và thù ghét là nguyên nhân chính của luân hồi, nguyên nhân cho sự trôi lăn vô tận của chúng ta trong vòng sinh tử.

Hãy xem xét một cách cẩn thận điều bạn định nghĩa là bạn và thù. Khi bạn quán sát nó, hiển nhiên là không có gì bất biến, không bạn bè hay kẻ thù bất biến. Những người bạn nghĩ là bạn không phải mãi là bạn. Thực tế là, họ có thể là kẻ thù của bạn trong quá khứ, hay có thể là kẻ thù của bạn trong tương lai. Tại sao bạn cứ buộc phải gắn bó với những người đặc biệt? Chẳng phải tất cả các mối quan hệ đều chỉ là tạm thời? Cuối cùng, dù điều gì xảy ra trong cuộc đời bạn, cũng sẽ đến lúc bạn phải chết. Khi đó bạn sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc rời xa mọi người, bất kể bạn gắn bó hay thù ghét họ ra sao. Nhưng mọi thứ bạn làm trong cuộc đời, mọi hành động này được thúc đẩy bởi sự gắn bó và thù ghét, sẽ tạo ra trong bạn lực đẩy là sau đó đẩy bạn vào các đời tiếp theo, ở đó, bạn phải gánh chịu kết quả của chúng.

Bởi thế, nếu bạn muốn du hành trên con đường đến Phật quả, hãy từ bỏ sự gắn bó với bạn bè và họ hàng, và lòng thù ghét với kẻ thù. Hãy coi tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Nếu ta hiện giờ có vẻ là bạn hay thù, đó chỉ là kết quả các mối liên kết và hành động trong quá khứ. Việc gán cho bất cứ một sự thực vững chắc nào với cảm xúc gắn bó hay thù ghét, khởi lên từ việc họ gây ra lỗi lầm hay nhận thức sai lầm chỉ là vô minh. Nó giống như nhầm một sợi dây thừng, nằm trên đường đi của bạn lúc chạng vạn là một con rắn – bạn có thể cảm thấy sợ, nhưng điều đó không có nghĩa bạn sợ bất cứ một nền tảng thực sự nào. Sợi dây thừng không bao giờ có thể là con rắn.

Tại sao bạn cảm thấy gắn bó và thù ghét, và chúng đến từ đâu? Về cơ bản, nguồn gốc của chúng nằm ở ý tưởng bạn có về một chúng sinh thực sự tồn tại. Khi ý tưởng đó hiện hữu, bạn phát triển các loại quan niệm, như là “thân của tôi”, “tâm của tôi”, “tên của tôi”. Bạn đồng nhất với ba điều này, và bất cứ điều gì có vẻ thuận theo chúng, bạn gắn bó với nó. Bất cứ điều gì không dễ chịu hay đáng ghét với chúng, bạn muốn thoát khỏi nó. Khổ đau nhỏ nhất, như là bị gai đâm hay tàn lửa chạm phải, cũng làm bạn buồn. Nếu ai đó làm gì sai với bạn, bạn trả đũa bằng cách làm hại họ như vậy. Thiện hạnh bé nhỏ nhất bạn có thể làm cho người khác khiến bạn tràn đầy tự hào. Chừng nào thái độ tự chăm sóc còn ngự trị trong bạn, sẽ không có cách nào để bạn đạt đến giác ngộ. Ý tưởng về một cá nhân thực sự tồn tại là sự ngu dốt ở cấp độ cơ bản nhất, mà từ đó tất cả các cảm xúc tiêu cực khởi lên.

Thậm chí khi bạn thấy bản thân trong điều kiện tốt nhất, bạn không bao giờ thấy nó là đủ. Bạn luôn muốn nhiều hơn. Bạn chẳng nghĩ gì đến mong muốn và ước nguyện của người khác, và chỉ muốn hoàn cảnh thuận lợi cho mình. Nếu bạn làm điều gì đó giúp người khác, bạn cảm thấy đã làm được một điều phi thường. Việc bạn quá bận rộn với hạnh phúc của bản thân, và thờ ơ người khác là nguyên nhân bạn trôi lăn trong luân hồi. Như ngài Shantideva[2] từng nói:

Tất cả niềm vui thế giới chứa đựng

Đều đến từ mong muốn hạnh phúc cho kẻ khác.

Tất cả khổ đau thế giới chứa đựng

Đều đến từ mong muốn hạnh phúc cho bản thân.

Nếu bạn đủ may mắn để nhận ra rằng hạnh phúc duy nhất trường tồn, chân thực là hạnh phúc của Phật quả, và hành động với động cơ luân hồi chỉ dẫn đến khổ đau, thì bạn cần giúp đỡ mọi người nhận ra điều này. Nếu bạn tu tập và điều phục tâm, mọi bám chấp vào các ý niệm của “bạn bè” và “kẻ thù” sẽ biến mất, và bạn sẽ coi mọi người là cha mẹ, anh chị em của bạn.

Tri kiến của Bồ Tát – những bậc dấn thân vào thực hành con đường Đại Thừa – là buông bỏ toàn bộ ý tưởng về cái tôi thực sự tồn tại. Khi sự bận rộn của cái tôi không còn hiện hữu, sẽ không có hận thù, gắn bó ích kỷ, tự kiêu, ích kỷ hay ngu dốt.

Các giáo lý khác nhau của Đức Phật có thể được chia ra thành hai sự tiếp cận chính ở các cấp độ khác nhau: thừa cơ bản, hay Tiểu thừa và thừa lớn, tức Đại Thừa. Hai thừa này không mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, khi được thực hành một cách chính xác, Đại Thừa sẽ bao gồm các giáo lý Tiểu thừa một cách tự nhiên. Trong Đại Thừa có vô số các chỉ dẫn rộng mở, nhưng bản chất của tất cả chúng là bạn cần rèn luyện tâm – thoát khỏi sự gắn bó và thù ghét, xua đuổi mọi thứ mà che chắn nó khỏi việc nhận thức một cách rõ ràng, và hồi hướng mọi kết quả của các thiện hạnh vì lợi ích của mọi chúng sinh.

Tâm đặt trên giác ngộ, bồ đề tâm là việc coi bất cứ điều gì bạn làm – dù bạn lễ lạy một lần, trì tụng một chuỗi thần chú hay khởi lên một ý nghĩ thiện lành – cũng vì lợi ích của mọi hữu tình. Đây là mong ước quý giá nhất, đạt được Phật quả vì lợi ích của người khác.

Trong tất thảy các giáo lý rộng lớn và thâm sâu về bồ đề tâm, bản chất được tìm thấy trong các chỉ dẫn gọi là Ba mươi bảy Pháp hành Bồ Tát Đạo của ngài Gyalse Thogme Zangpo, người chính là Đức Quan Âm thị hiện dưới hình tướng một vị thầy tâm linh vào thế kỷ mười bốn ở Tây Tạng. Khi bạn nghiên cứu và quán chiếu về những giới nguyện này, nếu bạn khởi lên ý nghĩ vị tha chân chính, tâm bồ đề sẽ khởi lên từ đó không mấy nỗ lực. Và khi tâm bồ đề được thiết lập một cách thích hợp trong tâm, bạn sẽ sở hữu gốc rễ đích thực của mọi giáo lý của Kinh thừa, Đại thừa, Mật thừa, Đại thủ ấn và Đại toàn thiện.

Hãy liên tục quán xét các hành động và ý định của bạn với từng đoạn trong bản văn này, lần lượt từng đoạn, và bất cứ thực hành nào mà bạn tham gia sẽ tiến bộ và thu được kết quả. Hãy hòa tâm bạn với các giáo lý này ngày qua ngày, qua nhiều tháng, và không gặp khó khăn bạn sẽ dần tỉnh thức và phát triển tất cả các phẩm tánh của một vị Bồ Tát, như con ong bay từ bông hoa này sang bông hoa khác để hút mật, tạo ra mật ong.

[1] Tám Cỗ xe lớn của sự trao truyền: (1) Ngagyur Nyingma, (2) Kadam, (3) Kagyu, (4) Shangpa Kagyu, (5) Sakya, (6) Cho và Shiche, (7) Kalachakra và (8) Orgyen Nyendrub.

[2] Shantideva (shi bal ha), một trong tám mươi tư đại thành tựu giả xứ Ấn Độ. Ngài biên soạn tác phẩm nổi tiếng Nhập Bồ Tát Hạnh, và Bộ Các giới nguyện [hay Tập Bồ Tát học luận], hai tác phẩm chính miêu tả lý tưởng và các thực hành của một vị Bồ Tát.

Tác giả: Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Nguyên tác: Trái Tim Từ Bi