artworks-000197269937-045om8-t500x500

Giọt Cam lồ, Cuộc đời của Bồ Tát Thogme cao quý

Đại hiền triết Gyalse Ngulchu Thogme sinh ra ở Phuljung, cách tu viện Sakya một vài dặm về hướng Tây Nam, ở Tsang, miền Trung Tây Tạng. Cha của ngài, Konchog Pal, “Vinh quang của Tam Bảo”, và mẹ ngài, Chagza Bumdron, có tâm thanh tịnh và niềm tin lớn lao vào Pháp. Mẹ ngài đã có niềm hoan hỉ lớn lao và lòng từ bi sâu sắc, trong suốt thai kì. Ngài được đặt tên là Konchog Sangpo, “Sự hoàn hảo của Tam Bảo”.

Ngay khi ngài Gyalse Thogme học nói, rõ ràng ngài đã tràn đầy lòng bi mẫn. Một ngày, ngài ngồi trong lòng mẹ, nhìn thấy chiếc lá xoay tròn trong gió. Ngài bắt đầu khóc rất nhiều.

Mẹ ngài hỏi: “Làm sao con khóc?”

Ngài chỉ tay về chiếc lá đang biến mất và nói: “Một con vật đã bị cuốn vào không trung!”

Một dịp khác, sau khi ngài bắt đầu biết đi, ngài ra ngoài nhưng quay trở về vài phút sau đó, trần truồng – trước sự ngạc nhiên vô cùng của bà mẹ.

Bà hỏi: “Con đã làm gì với quần áo rồi?”

Ngài đáp: “Bên ngoài có người bị lạnh.”

Bà bước ra ngoài để xem đó là ai, và thấy rằng đứa bé đã để quần áo trên bụi cây đầy sương giá. Những viên đá được đặt ở các góc để chiếc áo khỏi bay mất.

Khi chơi với bạn, ngài Gyalse Thogme không bao giờ quan tâm đến việc thất bại. Thực tế, ngài cảm thấy buồn nếu ai đó thua thay vì là ngài. Tìm kiếm củi khô với những đứa bé khác, ngài cảm thấy vui khi chúng tìm được một ít, thậm chí ngài chẳng tìm được gì. Nhưng nếu ngài tìm thấy củi và người khác thì không, hoặc là ngài sẽ giúp họ tìm kiếm hoặc sẽ cho chúng đống củi của mình, sợ rằng cha mẹ sẽ quở mắng chúng. Một trò ngài thường chơi là làm các bảo tháp nhỏ, hay tin rằng ngài đã nhận các giáo lý hay tự mình ban ra các giáo lý.

Một vài trang trong cuốn sách linh thiêng trên tay ngài sẽ lập tức biến khổ đau thành hạnh phúc. Nhưng khi người ta để quần áo lên các bản kinh linh thiêng, hay khi họ tỏ ra sự bất kính với Kinh văn, ngài cảm thấy rất buồn.

Tóm lại, như tất cả các bậc vĩ đại, Gyalse Thogme chịu khổ đau nhiều hơn những người khác khi họ khổ đau và hạnh phúc hơn người khác khi họ hạnh phúc.

Ngài lên ba tuổi thì mẹ ngài mất, và khi ngài lên năm, cha ngài cũng qua đời. Bà nuôi ngài cho đến khi ngài lên chín, và sau đó bà cũng mất. Từ đó, cho đến khi ngài mười bốn, ngài được chăm sóc bởi cậu, Rinchen Tashi: “Viên ngọc quý”, người đã đưa ngài đến với con đường tâm linh.

Một ngày, ngài nói với cậu: “Từ này trở đi, hãy từ bỏ bám chấp vào cuộc đời và đơn giản thực hành Pháp. Cháu sẽ cung cấp cho cậu thức ăn và đồ uống bằng cách đi khất thực. Đó là cách cháu đền ơn cậu”.

Ngài đã giữa lời hứa, và đó là cách họ sống từ đó trở đi.

Mười bốn tuổi, nhận ra niềm vui của luân hồi giống như miếng than hồng rực cháy, ngài thọ giới sa di và nhận Pháp danh Sangpo Pal: “Sự lộng lẫy tuyệt vời”.

Các hành động thích hợp của một vị tăng gồm nghiên cứu, quán chiếu và thiền định, và vì thế, từ mười lăm tuổi trở đi, ngài thọ nhận giáo lý từ rất nhiều các vị thầy tâm linh của mọi trường phái[1]. Không bao giờ nhu nhược trong nghiên cứu, ngài trở nên vô cùng uyên bác. Ngài không chỉ ghi nhớ phần lớn các bản văn đã nghiên cứu – nhiều lần chỉ nhờ việc nghe một lần duy nhất – và hòa nhập ý nghĩa mà không khó khăn, mà còn có thể trả lời các câu hỏi trước đám đông về các điểm tinh tế nhất của giáo lý. Các vị thầy của ngài tuyên bố ngài là Asanga thứ hai (Asanga, tiếng Tạng là Thogme, là một đại học giả Ấn độ nổi tiếng về kiến thức rộng lớn như vũ trụ[2]) và từ đó trở đi ngài được biết đến là Thogme Sangpo, “Asanga Xuất sắc”. Ngài mới chỉ mười chín tuổi. Sự uyên bác của ngài về Kinh điển và Mật điển phát triển dần, và nhờ thiền định, ngài phát triển trải nghiệm chân chính về ý nghĩa của giáo lý. Sự chân thành, động cơ và nỗ lực của ngài đến mức mà trong một tháng nhập thất, ngài đã tiến bộ trong chứng ngộ tâm linh nhiều hơn người khác có thể đạt được trong ba năm.

Ở tuổi hai mươi chín, ngài thọ giới Cụ túc ở tu viện E. Ngài quán sát giới luật của một tỳ kheo một cách cẩn thận cho đến tận cuối đời, không bao giờ lơ đãng dù chỉ là giới nguyện nhỏ nhất. Biết được các ác nghiệp đi kèm với lông và da thú, ngài cẩn thận tránh việc mặc quần áo từ chất liệu này. Ngài bắt đầu ban các giáo lý thường xuyên về các bản văn cơ bản của Đại thừa như Nhập Bồ Tát hạnh[3] và Trí tuệ hoàn hảo siêu việt[4], và biên soạn rất nhiều các luận giải giải thích rõ ràng ý nghĩa rộng lớn của các giáo lý này[5]. Ngài Gyalse Thogme thực sự như mặt trời, chiếu tỏa ánh sáng của từ bi và trí tuệ đến tất thảy chúng sinh.

Chiếu tỏa từ mặt trời vĩ đại của trí tuệ và tình yêu thương

Tia sáng ấm áp của giáo lý, tranh luận và sáng tác

Xua tan màn đêm ngu dốt

Khiến cho vườn sen giáo lý Phật đà trổ hoa.

Về việc nghiên cứu và giảng dạy, ngài gặp phải rất nhiều khó khăn lớn về vật chất. Rất nhiều người đề nghị ngài học cách ban quán đảnh và thực hiện nghi lễ để kiếm tiền mà không cần nhiều nỗ lực. Ngài đáp lại bằng những đề nghị có thiện chí nhưng lạc hướng đó bằng việc biên soạn Ba mươi bảy Pháp hành của một vị Bồ Tát, tổng kết toàn bộ con đường Bồ Tát.

Khi ngài Gyalse Thogme ba mươi hai tuổi, ngài chấp nhận vị trí tu viện trưởng tu viện Tara, và ở đó cho đến khi bốn mươi mốt tuổi. Nhưng khi tu viện E khăng khăng thỉnh cầu ngài làm tu viện trưởng, ngài từ chối, nói rằng họ nên kiếm ai đó tốt hơn. Người giới thiệu Đức Khenpo Wanglo nổi tiếng, người đã được bổ nhiệm đúng lúc. Mọi người đều rất hài lòng.

Trong suốt cuộc đời, vô số chúng sinh đã bị cuốn hút bởi lòng từ bi, giọng nói nhẹ nhàng, hành vi hoàn hảo của ngài Gyalse Thogme – luôn hòa hợp với những điều ngài thuyết giảng – và cách thức giảng dạy thiện xảo của ngài phù hợp với từng bản tánh và căn cơ chúng sinh.

Hãy chào đón họ với lá cờ của sự bố thí

Hãy quyến rũ họ với giọng nói nhẹ nhàng

Hãy làm họ tin tưởng bằng cách hành động với sự kiên định

Hãy hòa hợp bản thân với họ và cho họ những lời khuyên hoàn hảo.

Sự bố thí của ngài là vô cùng. Như trong Sức trang hoàng của Kinh điển Đại thừa có nói:

Không gì mà một vị Bồ Tát không thể cho: Tài sản, thân thể – tất cả mọi thứ.

Đó là cách mà ngài Gyalse Thogme, từ thuở nhỏ, thường cho đi mọi thứ mà không dè dặt, tặng bất cứ thứ gì mà ngài có cho bạn bè và những người nghèo, bất kể sự nghèo khó của ngài ra sao. Với những người một cách trìu mến cố ngăn cản ngài, nói rằng nếu ngài cho đi nhiều như vậy, ngài sẽ chẳng còn gì để sống, ngài đáp: “Tôi sẽ không chết đói. Và thậm chí nếu vậy, tôi cũng chẳng quan tâm!”.

Khi một đệ tử đến gặp ngài, thứ duy nhất mà Gyalse Thogme có để cho đệ tử là một bảo tháp quý giá. Nhưng sau đó, một trong các đệ tử của ngài, người không thể chịu đựng khi thấy đệ tử chia rời một vật linh thiêng, đã đến gặp vị đệ tử kia, mua lại bảo tháp và cúng dường lên bậc đạo sư. Nhưng đức Gyalse Thogme lại tiếp tục cho người khác, và điều này lặp lại rất nhiều lần. Từ thời trẻ ngài đã hoàn toàn cắt đứt mọi sợi dây tham luyến và bám chấp. Ngài là một người vô cùng tốt bụng.

Trong thời kỳ vô cùng thiếu thức ăn ở Ngulchu, một vài người cúng dường ngài bột lúa mạch. Chẳng mấy chốc ngài lại cho những người ăn xin đĩa đầy bột lúa mạch. Những kẻ ăn xin cứ đến cho đến khi ngài chẳng còn gì để ăn.

Một kẻ ăn xin thấy vậy và mắng những kẻ khác: “Các ông không thấy ngài không còn gì để ăn à? Chẳng phải rất bất công khi xin từ ngài như thế?”

Một ngày, Đức Gyalse Thogme cho một người ăn xin một chiếc quần trong bằng len rất đẹp từ miền Trung Tây Tạng. Và khi người đàn ông đó quay trở lại vào năm sau, ngài nhận được một chiếc áo choàng bằng len mới. Người ăn xin rất hài lòng, nhưng Đức Gyalse Thogme nghĩ rằng đáng ra có thể cho ông ta thứ gì tốt hơn và thật sai khi không làm như vậy, đã đưa cho ông ta chiếc áo choàng bằng len của mình. Nhưng người ăn xin rất ngạc nhiên, và không dám lấy nó.

Khi ai đó bảo ngài Gyalse Thogme rằng quá hào phóng với người khác và để họ lấy bất cứ thứ gì ngài có, có thể không thực sự lợi lạc cho họ, ngài đáp không hề giả dối rằng: “Tôi thực sự hạnh phúc khi người khác sử dụng tài sản của tôi nhiều như họ muốn”. Và ngài nói thêm: “Đức Pháp chủ Jamsar nói rằng: “Bởi vì tôi không có một chút cảm giác nào về việc là chủ nhân của các tài sản, ai đó lấy tất cả chúng đi làm sao có thể là tên trộm?”. Đại học giả xứ Kashmir Shakya Shri[6], Đức Gotsangpa[7] và nhiều vị hiền triết khác đều hứa nguyện không bao giờ sở hữu thứ gì. So với hạnh bố thí của ngài, tôi mới chỉ là bước đi nhỏ bé của con cáo so với cú nhẩy của sư tử. Tuy nhiên, bởi tôi cố gắng ganh đau với các ngài, tôi cảm thấy khi người khác sử dụng tài sản của tôi và lấy chúng đi, họ không bị nhơ nhuốc bởi việc trộm cắp mà hành phúc còn thực sự tăng lên”.

Rất nhiều kẻ ăn xin, từng sống gần ngài nói rằng ngài luôn nói năng hòa nhã với họ: họ không bao giờ nghe thấy dù chỉ một lời mắng nhiếc từ ngài. Chính Đức Gyalse Thogme từng nói rằng ngài không bao giờ có thể nói nặng lời với bất cứ ai.

Khi rắc rối nổ ra ở [tu viện] Sakya, Đức Jamyang Donyo Gyalten và em trai[8] phải chạy xa về phía đông ở miền Trung Tây Tạng.

Lama Rinyewa giãy bày với Gyalse Thogme rằng: “Khi tất cả những điều phiền hà xảy ra, tôi cố gắng kiểm soát tâm bằng các phương thức đối trị thích hợp. Nhưng tôi có thật nhiều ý nghĩ tham luyến và thù ghét! Điều đó có xảy ra với ngài không?”.

“Mọi niềm vui và khổ đau trên đời đều là sự phóng chiếu của tâm và là kết quả của nghiệp trong quá khứ”, Ngài Gyalse Thogme đáp. “Bởi tôi đã hiểu một chút rằng trong sự thật tương đối mọi thứ như là ảo mộng, và trong sự thật tuyệt đối mọi thứ hoàn toàn vượt khỏi sự giả tạo quan niệm, tôi không trải qua sự tham luyến và thù ghét chút nào”.

Ngài Gyalse Thogme nghỉ ngơi ở khu ẩn cư Ngulchu vào tuổi bốn mươi hai. Ngài ở đó cho đến khi sáu mươi lăm tuổi, hiến dâng trọn vẹn cho việc thực hành tâm linh, và cho thấy từng khía cạnh hoàn hảo trong thân, khẩu và ý. Cho đến khi mất, ngài hiếm khi nằm xuống, mà chỉ ngồi thẳng đứng, chân kiết già, suốt ngày và đêm. Tuy nhiên sức khỏe của ngài không bị ảnh hưởng, gương mặt ngài trông khá trẻ và rạng ngời.

Sự chứng ngộ bên trong của ngài được phát lộ vào rất nhiều dịp trong các hành động thần thông và tiên đoán tương lai. Một lần, khi ngài và người đồng hành trên đường đến gặp đạo sư Sonam Trakpa[9], họ đến một nơi khô hạn như sa mạc tên là Shangda.

Ngài đề nghị: “Hãy ăn ở đây”.

Những người đi cùng đoàn phản đối. Họ nói rằng: “Chẳng có chút nước nào”.

Nhưng ngài Thogme đáp: “Hãy đi và lấy một ít củi khô, ta sẽ lo vấn đề nước”.

Khi họ quay trở lại, họ thấy rằng ngài đã đào một hố lớn trong cát. Nó có đầy nước. Sau bữa ăn, nước vẫn còn ở đó, nhưng không lâu sau thì không còn dấu vết gì.

Một lần khác, khi ngài đang ban quán đảnh Amitayus (Phật Vô Lượng Thọ), khuôn mặt ngài nhìn vào một vài người ở đó với sự chói lòa như đỉnh núi tuyết. Trong khi thỉnh cầu sự gia trì, khuôn mặt ngài biến thành màu đỏ cam, và trong khi xua đuổi chướng ngại[10], nó biến thành đỏ sậm và phẫn nộ, trong khi tóc ngài dựng đứng.

Một dịp khác, vài đệ tử rất sùng mộ thấy ngài là Đức Quan Âm mười một mặt[11], vị Phật của lòng từ bi.

Khi quân đội từ miền Trung Tây Tạng đến gần Ngulchu, Đức Gyalse Thogme bảo những người dân địa phương chạy trốn. Nhưng họ không nghe. Họ nói, bởi những người miền Bắc đã chiến thắng lần trước, và không có gì xảy ra, chắc chẳng cần lo gì đến thời gian này.

Đức Thogme khăng khăng: “Đến lúc các ông phải chạy trốn rồi!”

Nhưng họ vẫn không đi, những người miền Bắc đã thất bại, và khi quân đội từ miền Trung Tây Tạng tràn xuống Ngulchu, mọi người hốt hoảng và chạy đến quanh ngài Thogme. Giống như năm vị Rakshasa không thể làm hại bất kỳ ai trong vương quốc của Vua Sức mạnh của Yêu thương[12], khi những tên lính tàn ác xuất hiện khua những thanh gươm và mác vấy máu, chúng chỉ cần nhìn thấy khuôn mặt của Đức Pháp chủ là hận thù lắng xuống và họ tràn ngập đức tin. Lễ lạy trước ngài, chúng thỉnh cầu ngài dây bảo vệ. Chúng muốn nhận được sự gia trì của ngài, nhưng không dám đến gần.

Họ nói rằng: “Chúng con là những kẻ xấu. Chúng con có thể bôi nhọ ngài”.

Đức Gyalse Thogme đáp rằng: “Ta có thể chịu được điều đó” và ban cho họ sự gia trì.

Một vài người không thể kìm được nước mắt, và khóc rất ân hận, dâng lên ngài sự hối lỗi sâu sắc. Mọi người cảm thấy tin tưởng vững chắc vào tài tiên đoán và sức mạnh gia trì của ngài.

Ngài nhận toàn bộ bệnh tật của người khác về mình một cách không nỗ lực, như đã xảy ra rất nhiều lần – đặc biệt, khi Buton Rinpoche và Khenchen Rinpoche[13] bị ốm. Đức Gyalse Thogme đã có linh kiến về nhiều Bổn tôn, như là Đức Quan Âm, Độ Mẫu [Tara] cùng nhiều vị Phật, Bồ Tát khác, và thọ nhận Pháp từ các ngài. Người ta cũng kể rằng ngài nhận được giáo lý từ bức ảnh Khasarpani[14] ở Nesar, và từ bức ảnh Quan Âm mười một mặt ở Chago Shong, thứ đã nói với ngài như thể một người đang sống.

Ngài giành nhiều ngày để lòng từ bi thấm nhuần toàn bộ thân thể. Đôi lần, ngài dường như rất yếu. Nhưng ngài đã có linh kiến về các cõi Tịnh Độ, cúng dường lên chư Phật và làm lợi lạc vô số chúng sinh.

Hoàn toàn chứng ngộ về tâm linh, ngài có thể làm người khác trưởng thành [về tâm linh] mà không mấy nỗ lực. Mọi người chỉ cần gặp ngài một lần cũng thấy tràn đầy niềm tin, sự từ bỏ, tình yêu thương và lòng bi mẫn; và phát triển bồ đề tâm – mong muốn đem mọi chúng sinh đến Phật quả. Với những người sống gần ngài trong thời gian dài, ảnh hưởng đều rất thâm sâu và rộng lớn.

Trên tất thảy, ngài có tình yêu thương giành cho chúng sinh lớn đến mức không bao giờ ngài thấy bận tâm với việc phải trải qua khó khăn vật lý, hay thậm chí cả tính mạng, nếu điều đó có thể có ích cho người khác.

Một lần, khi ngài Gyalse Thogme mười sáu tuổi, ai đó đang cho ngài một vài thứ bảo ngài đến tu viện Sakya để làm một nhiệm vụ quan trọng và trở về vào ngày sau đó. Nửa đường đến tu viện Sakya, ở miền hoang mạc, vị Thogme trẻ tuổi gặp một con chó sắp chết đói. Nó sắp ăn thịt chính mấy con chó con. Ngài cảm thấy thương xót lớn lao, và tự hỏi liệu ngài có thể giúp gì không, ngài quyết định sẽ mang chúng trở lại lại E, tu viện của ngài; ngài sẽ đi trong đêm để bù đắp thời gian bị mất. Ngài bắt đầu, mang lũ chó trên lưng, nó rất khó khăn nhưng cuối cùng ngài cũng đến tu viện E và hoàn tất việc chăm sóc chúng. Trước khi khởi hành trở lại, ngài nghĩ rằng nên uống một chút nước, và sau đó ngài gặp người đàn ông đã cho ngài vài thứ và đề nghị ngài mấy nhiệm vụ.

Sửng sốt khi thấy ngài ở đó, người đàn ông hỏi: “Này, cháu vẫn chưa đi sao?”. Khi ngài Thogme giải thích điều đã xảy ra, hắn chửi ngài và nói: “Có một vụ làm ăn quan trọng đang lâm nguy, và mày ở đây với lòng từ bi!”.

Ngài Thogme bị mắng mỏ rất cay nghiệt đến mức ngài không dám uống nước. Ngài khởi hành ngay lập tức, đi suốt đêm và hoàn thành nhiệm vụ ở tu viện Sakya vào lúc sáng sớm. Quay trở về ngay lập tức, ngài đến tu viện E trước bình minh.

Thấy vậy, người đàn ông lại rất ngạc nhiên. Hắn xin ngài tha lỗi vì đã mắng mỏ. Hắn nói thêm rằng: “Cháu đã làm một việc thật kỳ diệu”.

Một lần khác, khi ngài khoảng hai mươi, chư tăng tu viện E đang đến Chobar, ngài Thogme thấy một phụ nữ tàn tật khóc ở cửa tu viện. Ngài hỏi điều gì đã xảy ra với bà, bà giải thích bà khóc bởi vì chư tăng đang rời đi. Khi bà bị bỏ rơi, ngài đã quay lại, mọi người hỏi ngài đi đâu. Ngài đáp rằng ngài quay trở về tìm người phu nữ tàn tật, nhưng họ không tin ngài.

Tuy nhiên, khi ngài trở về E, ngài thấy rằng không thể mang theo cả người phụ nữ và đồ đạc của bà. Bởi thế, đầu tiên, ngài mang đi quần áo và tấm thảm một quãng đường nhất định, và sau đó quay trở về mang người phụ nữ. Theo cách này, cuối cùng ngài đến Chobar, mang theo luân phiên cả người phụ nữ và đồ đạc của bà. Bạn bè rất ngạc nhiên, ban đầu họ nghĩ rằng ngài đi tìm củi, nhưng điều ngài đã làm thực sự rất tuyệt vời.

Khi Gyalse Thogme khoảng ba mươi, một người ăn xin ốm thường ở bên ngoài phòng ngài. Thân thể hắn ta đầy rận, Đức Thogme thường cho hắn bất cứ thức ăn và đồ uống nào ngài có, mang nó đến một cách kín đáo vào buổi đêm để tránh việc phô bày hạnh bố thí. Nhưng một đêm, người ăn xin không ở vị trí thường lệ, và ngài bắt đầu tìm kiếm hắn. Tìm thấy kẻ ăn xin khi bình minh ló rạng, ngài hỏi sao hắn đi.

“Một vài người nói với tôi rằng tôi thật ghê tởm, khi họ đi qua tôi họ thậm chí không nhìn vào tôi và tống khứ tôi”, hắn đáp.

Nghe thấy vậy, Đức Thogme tràn ngập lòng từ bi và khóc. Đêm đó ngài mang tên ăn xin vào phòng, và cho hắn thức ăn và đồ uống. Sau đó ngài cho hắn bộ y áo mới của ngài, nhận lấy đống giẻ rách của người ăn xin, ngài Thogme mặc chúng vào và để lũ rận ăn thân thể ngài.

Chẳng mấy chốc ngài trong như thể bị hủi và một vài bệnh khác. Ngài quá yếu và ốm đau đến mức phải ngừng giảng dạy. Bạn bè và các đệ tử đến gặp ngài, tự hỏi liệu rằng ngài ốm đau ra sao. Họ nhanh chóng nhận ra tình trạng của ngài.

Họ khiển trách ngài: “Sao ông không là một hành giả tốt?”

Một vài người trích dẫn từ kinh điển: “Nếu lòng từ bị của bạn không hoàn toàn thanh tịnh, hãy hiến dâng thân thể”.

Số khác van nài ngài: “Vì lợi ích của ngài và của chúng con, đừng như thế nữa, hãy thoát khỏi lũ rận!”

Nhưng Đức Thogme đáp rằng: “Từ thời vô thủy, tôi đã sống rất nhiều đời trong thân tướng con người, nhưng chúng đều lụi bại. Bây giờ, thậm chí nếu tôi chết hôm nay, chí ít tôi cũng đã làm điều gì đó ý nghĩa. Tôi sẽ không thoát khỏi lũ rận”.

Ngài để lũ rận trong mười bảy ngày, nhưng chúng dần tự chết và ngài thoát khỏi chúng. Ngài trì tụng rất nhiều thần chú và dharani cho lũ rận bị chết, và làm tsa tsa[15] với chúng. Mọi người bây giờ rất ngạc nhiên với sự thanh tịnh của tâm ngài, lòng từ bi của ngài và khắp nơi, ngài được gọi là Gyalse Chenpo – Đại Bồ Tát. Ngài soạn lời cầu nguyện sau – điều đã thực sự phản ánh ý nghĩ của ngài:

Nguyện cầu bất cứ ai làm hại thân thể và cuộc đời tôi

Có cuộc đời trường thọ, không bệnh tật và kẻ thù

Và, vượt qua mọi chướng ngại trên con đường

Nhanh chóng đạt được Pháp thân, thoát khỏi sinh tử.

Một lần, trên đường trở về từ Sakya, nơi ngài đến nhận giáo lý từ Đức Pháp chủ Sonam Gyaltsen, ngài bị lũ cướp tấn công. Ngay khi ngài đến Nghulchu, ngài tụng rất nhiều lời cầu nguyện đến Phật Dược Sư, Độ Mẫu cùng nhiều bổn tôn khác và hồi hướng cho lũ cướp. Vì lợi lạc của chúng, ngài cũng cúng dường lên Tăng đoàn và tiến hành nhiều thiện hạnh khác. Ngài nói rằng có một tên cướp cực kỳ dữ tợn trong nhóm, và khi ngài nghĩ về khuôn mặt ấy ngài thấy thương xót và từ bi vô cùng.

Có vô số các ví dụ về lòng từ ái của ngài Gyalse Thogme. Ví dụ, khi ngài đang thuyết giảng ở Seryig, một người tên Bulwa tạo ra rất nhiều sự hiểu lầm, thứ làm phiền ngài Thogme rất lớn. Một ngày, sau khi ngài trở về Ngulchu, thị giả ngài thông báo rằng Bulwa đã đến.

Phản ứng đầu tiên của ngài là tự nói rằng: “Giá mà hắn không đến”. Nhưng ngay lập tức ngài nghĩ rằng: “Hàng ngày ta hứa nguyện đáp lại những điều xâu bằng những điều tốt. Tại sao phải buồn khi Bulwa đến? Thậm chí nếu gã ở bên ta suốt phần đời còn lại, ta sẽ để hắn làm điều hắn thích”.

Ngay khi Đức Thogme hoàn thành khóa nhập thất, Bulwa đến trước ngài. Sám hối các lỗi lầm, hắn thề từ nay trở đi sẽ cư xử hòa hợp với Pháp. Tuy nhiên, những mong muốn không ngừng và vô lý của hắn là gánh nặng với mọi người, và người ta bảo với ngài rằng sẽ tốt hơn nếu để Bulwa ra đi.

Nhưng Đức Thogme đáp: “Hắn sẽ tiến bộ, và điều hắn làm thực sự giúp tôi”. Ngài để Bulwa làm điều hắn muốn, và làm lợi lạc cho hắn theo nhiều cách. Ngài dạy Bulwa bất cứ điều gì hắn có thể hiểu, và cho hắn mọi thứ hắn cần.

Đức Gyalse Thogme luôn mang hạnh phúc đến cho mọi người có kết nối với ngài, thậm chí những kẻ hại ngài. Một vài lần, ngài bỏ dở nhập thất vài ngày để dạy về rèn luyện tâm và thực hành bồ đề tâm cho những khách viếng thăm. Vào những dịp này thường có cầu vồng, mưa hoa và nhiều dấu hiệu diệu kỳ khác, khiến người ta tràn đầy niềm vui và sùng mộ.

Năm sáu mươi bảy tuổi, ngài Gyalse Thogme quyết định đến chiêm bái bức ảnh quý giá nhất của Jowo, vị Phật đội vương miện của Lhasa[16]. Ngài viếng thăm Lhasa, Phagmo Dru[17], Samye, Gungthang và rất nhiều nơi khác, ban các giáo lý về từ bi khi ngài đến. Người nói rằng, kể từ thời Đức Atisha[18] đến Tây Tạng, không ai từng mang đến nhiều lợi lạc như Đức Gyalse Thogme. Chỉ nhìn thấy khuôn mặt ngài cũng đủ cảm thấy tín tâm dạt dào và sự thúc giục không thể chối cãi giải thoát bản thân khỏi luân hồi.

Sau mười tháng, ngài trở về Ngulchu, và sau đó hối hả đến tu viện Shalu khi ngài biết rằng Buton Rinpoche[19] ngã bệnh. Ngay khi ngài cúng dường các lời nguyện và buổi lễ trường thọ, sức khỏe của Buton Rinpoche đã cải thiện. Mọi người tin rằng ngài đã nhận lấy bệnh tật của Buton Rinpoche.

Quay trở về Ngulchu, Đức Gyalse Thogme duy trì nhập thất nghiêm ngặt. Nhưng cứ ba tháng, cho đến khi ngài mất chín tháng sau, ngài đều ban các giáo lý về rèn luyện tâm và bồ đề tâm cho hàng nghìn người đến từ khắp đất nước. Phần lớn từ bỏ các mối bận tâm thế tục, hiến dâng bản thân cho thực hành Pháp, họ đạt được sự chứng ngộ tánh không và từ bi.

Lòng từ bi của ngài lớn đến nỗi ngài có thể giúp và chuyển hóa không chỉ con người, mà còn là loài vật. Những loài thù địch, như sói, cừu và nai, quên đi sự độc ác và sợ hãi. Chúng chơi đùa hòa bình trong sự hiện diện của ngài và lắng nghe giáo lý của ngài một cách kính trọng.

Một lần, một ẩn sĩ thiền định về kinh mạch và năng lượng bên trong[20], gặp phải các chướng ngại cho thực hành. Mất kiểm soát tâm, ông ta bắt đầu trần chuồng ra ngoài. Một con cừu cái hoang thấy ông ta, nó chạy quanh ông ta, đe dọa húc ông ta bằng sừng. Khi vị ẩn sĩ thấy điều này, ông ta kiểm soát trở lại, ông nhận ra điều gì vừa xảy ra. Nghe thấy tai nạn này, ngài Thogme nói một cách trêu chọc rằng con cừu này chính là một chuyên gia về việc xua tan chướng ngại cho các thiền gia vĩ đại. Khi Đức Thogme bị ốm, chính con cừu đó đã hiển bày nhiều dấu hiệu đau khổ. Ba ngày sau khi ngài qua đời, nó cũng chết ngay dưới khu ẩn cư của ngài. Ở gần Đức Gyalse Thogme giống như ở Núi Potala, cõi Tịnh Độ của Ngài Quan Âm.

Các vị thầy vĩ đại khác, như Khenpho Wanglo thường nói rằng: “Ngài là Đức Phật trong thân tướng con người!” và lễ lạy về phía khu ẩn cư của Ngài.

Ngài luôn điềm tĩnh, tự kiểm soát và tốt bụng đến mức bất kỳ ai gần ngài cũng tự nhiên cảm thấy từ bỏ các vấn đề thế tục. Và đến những tháng ngày cuối đời:

Sau khi giúp đỡ tất cả những người ngài sẽ làm lợi lạc

Xua tan niềm tin rằng mọi sự là bất biến

Và vì lợi lác của chúng sinh trong các cõi Tịnh Độ khác

Dù ngài vượt qua những đổi thay, ngài thị hiện viên tịch.

Đầu tiên ngài hiển bày các dấu hiệu bệnh chướng để sách tấn đệ tử tinh tấn tu tập – bằng cách làm họ buồn, và chỉ ra cách thức bệnh tất có thể sử dụng trên con đường tâm linh. Ngài nói rằng không biện pháp chữa trị nào có thể giúp ích cả, nhưng để làm mọi người bình tĩnh, ngài uống vài viên thuốc, và cho phép những lời cầu nguyện và buổi lễ được tiến hành vì ngài. Khi Khenchen Changtse và Pháp chủ Nishon tổ chức buổi lễ thỉnh cầu ngài trụ thế, sức khỏe ngài đã cải thiện, vì thế ngài để mọi người tích lũy công đức nhờ niềm vui lớn lao mà họ cảm thấy. Nhưng không lâu sau đó ngài lại thiện hiện các dấu hiệu bệnh chướng.

Khi ai đó hỏi ngài liệu có cách nào kéo dài cuộc đời ngài, ngài nói rằng: “Nếu thân thể ốm yếu của tôi có thể làm lợi lạc chúng sinh, nguyện cầu tôi được bệnh tật! Nếu thân thể chết dần của tôi có thể làm lợi lạc chúng sinh, nguyện cầu tôi được chết! Nếu thân thể khỏe mạnh có thể làm lợi lạc chúng sinh, nguyện cầu tôi khỏe lại!”. Đây là lời cầu nguyện tôi dâng lên Tam Bảo. Có được sự chắc chắn hoàn toàn vào bất cứ điều gì xảy đến là sự gia trì của Tam Bảo, tôi vui và tôi sẽ nhận lấy bất cứ điều gì xảy ra trên con đường mà không cố gắng thay đổi.”

Các đệ tử thân cận của ngài khẩn cầu ngài xem xét liệu rằng các chữa trị y học hay bất kỳ điều gì khác có thể đem lại lợi ích không.

Nhưng Đức Thogme đáp rằng: “Ta đã đến giới hạn của cuộc đời và bệnh tật thì rất nghiêm trọng. Thậm chi sự chú ý của các thầy thuốc giỏi với thuốc như cam lồ cũng không thể làm gì”. Và ngài nói thêm:

Nếu thân huyễn hoặc này, thứ mà tôi bám chấp là của tôi bị ốm – hãy để nó bị ốm!

Bệnh tật này làm tôi kiệt sức

Nghiệp xấu tích lũy trong quá khứ

Và hành động tâm linh tôi có thể tiến hành sau đó

Giúp tôi tịnh hóa hai loại che chướng[21].

Nếu tôi khỏe, tôi cảm thấy vui

Bởi vì thân và tâm đều tốt

Tôi có thể cải thiện thực hành tâm linh

Và khiến thân người thực sự ý nghĩa

Bằng cách biến thân, khẩu và ý trở nên đức hạnh,

Nếu tôi nghèo, tôi cảm thấy vui

Vì tôi không có tài sản để bảo vệ

Và tôi biết rằng mọi thâm cừu và thù ghét

Đều đến từ hạt giống tham lam và bám chấp.

Nếu tôi giàu, tôi cảm thấy vui

Bởi vì với tài sản này tôi có thể làm nhiều thiện hạnh

Và cả hạnh phúc tạm thời và tuyệt đối

Đều là kết quả của các hành động tốt lành.

Nếu tôi chết sớm, điều đó thật tuyệt

Bởi, nhờ vài tiềm năng tốt lành, tôi tự tin rằng

Tôi sẽ bước vào con đường không thể sai lầm

Trước khi chướng ngại có thể cản ngăn.

Nếu tôi sống lâu, tôi cảm thấy vui

Bởi vì không rời khỏi cơn mưa chỉ dẫn tâm linh ấm áp đầy lợi lạc

Qua thời gian tôi có thể làm chín muồi

Mùa màng của những trải nghiệm nội tâm.

Vì thế, bất cứ điều gì xảy ra, tôi đều sẽ vui!

Và ngài tiếp tục: “Tôi đang dạy những chỉ dẫn cốt tủy này cho người khác và chính tôi cần phải thực hành chúng. Như người ta thường nói “Cái được gọi là bệnh tật vốn không tồn tại, nhưng trong sự hiển bầy của ác hiện tượng ảo mộng xuất hiện như là kết quả không thể tránh khỏi của các ác hạnh. Bệnh tật là vị thầy chỉ ra bản tánh của luân hồi và cho chúng ta thấy các hiện tượng hiển bày như chúng là, nhưng không hề tồn tại hơn những ảo mộng. Bệnh tật cung cấp cho chúng ta nền tảng để phát triển hạnh nhẫn với các khổ đau của bản thân, và từ bi với khổ đau của người khác. Chính trong các hoàn cảnh khó khăn như vậy mà thực hành tâm linh mới được thử thách”. Nếu tôi chết, tôi sẽ giảm bớt cơn đau vì bệnh tật. Tôi không thể nhớ lại bất kỳ nhiệm vụ nào mà tôi chưa hoàn thành, và điều mà tôi nhận ra về sự hiếm có của cơ hội này là có thể chết với sự kết thúc hoàn hảo của thực hành tâm linh. Đó là lý do tại sao tôi không hy vọng chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, trước khi tôi chết, các ông có thể hoàn thành mọi buổi lễ”.

Lúc này, các đệ tử tuyên bố rằng họ sẽ tiến hành các buổi lễ kéo dài ba năm vì ngài.

Nhưng Đức Thogme đáp lại đơn giản: “Nếu nó có ích cho các con, ta sẽ chịu ba năm đau đớn. Nhưng nếu không, ta sống lâu làm gì?”.

Chúng đệ tử khẩn nài “Xin hãy trụ thế dài lâu!” họ nói: “Chúng con không có mong ước gì hơn được tiếp tục gặp thầy và nghe thầy nói”.

Ngài đáp: “Một cái muỗng, không có cái bình để múc có thể cung cấp thứ gì. Tuy nhiên, mặc dù ta không có những phẩm tánh, niềm tin của mọi người và lòng từ bi của Tam Bảo sẽ giúp ta làm lợi lạc cho chúng sinh. Ta hy vọng, thậm chí sau khi chết, những lợi lạc ta giành cho họ vẫn không suy giảm”.

Một lần nữa các đệ tử khẩn nài: “Thậm chí nếu thầy tiếp tục làm lợi lạc cho chúng sinh trong cõi Tịnh Độ, chúng con cũng mất đi đấng bảo hộ. Xin hãy trụ thế dài lâu”.

Ngài đáp: “Nếu ta không có sức mạnh để giúp đỡ, thì không cần thiết phải ở bên các con lâu dài. Mong ước của ta là giải thoát chúng sinh, bởi nếu ta có bất kỳ sức mạnh nào, làm sao ta dám từ bỏ những người nương tựa vào ta. Tuy nhiên, giống như đơn thuốc không thể chữa cho bệnh nhân, nếu con không cầu nguyện chí thành đến các Đấng Chiến thắng và áp dụng các giáo lý, sẽ rất khó khăn để các ngài có thể bảo vệ con, chứ đừng nói gì là ta. Vì thế, hãy thực hành mọi chỉ dẫn con nhận được một cách chính xác và con sẽ có thể giúp người khác, giống như con đã làm. Bởi vậy, con không cần cảm thấy đau đớn với ý nghĩ rằng chúng ta sẽ phải chia ly. Thậm chí nếu chúng ta phải chia ly, hãy nương tựa vào Tam Bảo và cầu nguyện đến các ngài – liệu còn có nơi quy y nào tối thắng hơn?”.

Khi các đệ tử thân cận thỉnh cầu ngài ban Pháp thoại cuối cùng cho đại chúng đến dự, ngài từ chối, nói rằng khuôn mặt gầy nhom, thân thể ốm yếu, và giọng nói ngắt quãng của ngài chỉ gây ra đau buồn. Và sau đó, ngài ban một lời khuyên cuối cùng, kết thúc với những lời sau:

Giữ ba giới nguyện

Từ bỏ mọi bám chấp và niềm tin vào sự tồn tại thực sự

Và làm lợi lạc cho người khác với hành động, lời nói và ý nghĩ

Là Pháp hành thực sự hoàn hảo.

Khi một vài người hỏi về cõi Tịnh Độ nào ngài sẽ đến trong đời tiếp theo, ngài nói rằng: “Ta sẽ hạnh phúc đi đến cõi địa ngục, nếu điều đó có thể giúp đỡ chúng sinh[22], và ta không muốn đến cõi Tịnh Độ nào hết, nếu điều đó không thể giúp đỡ người khác, bởi vậy ta đơn giản cầu nguyện chí thành đến Tam Bảo để tái sinh là người có thể làm lợi lạc cho người khác. Đó là mong ước duy nhất của ta”.

Một buổi sáng lúc bình minh, vào ngày tám tháng mười, Gyalse Thogme bảo các đệ tử giúp ngài ngồi thẳng và quay người ngài lại. Sau đó ngài để tay ở trái tim và cầu nguyện rất kính trọng. Ngài khóc, một lúc lâu. Các đệ tử hỏi tại sao ngài khóc, và ngài đáp rằng ngài đã có một vài linh kiến. Họ thỉnh cầu ngài nói về nó. Ngài bảo rằng, Đức Tara đã xuất hiện, và vì bà hướng về phía Nam, ngài thấy không thích hợp khi cầu nguyện đến bà bằng lưng, và vì thế ngài bảo đệ tử giúp ngài quay lại. Sau đó, nhớ đến khổ đau của chúng sinh ngài cảm thấy xúc động và khóc rất nhiều.

Hai ngày sau ngài nói một cách vui vẻ: “Hôm nay, ta có thể giúp đỡ nhiều cho học giả xứ Kashmir, và ngài thực sự rất hài lòng”.

Chúng đệ tử hỏi: “Ngài ấy ở đâu vậy?”.

Ngài đáp rằng: “Ở cõi Tushita”.

Đức Gyalse Thogme có rất nhiều linh kiến và các giấc mơ tốt lành, và nhận thức thanh tịnh về môi trường của ngài như là cõi Tịnh độ không bao giờ rời bỏ ngài. Cũng rất rõ ràng là ngài có sức mạnh làm chủ cuộc đời. Một lần, khi nhịp đập của ngài gần như biến mất, ngài nói rằng ngài vẫn chưa đi, và trên thực tế, ngài sống thêm ba tháng nữa.

Sau đó một ngày, khi nhịp đập tốt dần lên, và mọi người hoan hỷ, ngài nói: “Mạch của ta, như miệng, là một người nói chuyện khôn ngoan, nhưng lần này ta sẽ không ở lại”. Ngài rời bỏ thế gian hai ngày sau đó.

Vào ngày mười chín tháng đó, lúc bình minh, ngài bảo đệ tử giúp ngài ngồi thẳng lên một chút và nói răng: “Ta cảm thấy thật sự ổn như thế này, đừng di chuyển thân ta nữa”.

Từ sáng đó đến đêm hôm sau, ngài duy trì trong tư thế liên hoa; tâm ngài dần dần duy trì trong sự an bình, và trong trạng thái đó, ngài đạt đến hỷ lạc.

Trong thời gian đó, các đệ tử của ngài có nhiều linh kiến và trải nghiệm khác nhau. Một vài người nhìn thấy chư thiên đến thỉnh mời ngài đến cõi Akanishta, cõi Tịnh Độ vô song; một số thấy chư Daka, Dakini đến thỉnh mời ngài về cõi Cực Lạc của Phật Vô Lượng Quang, hay cõi giới Tịnh Độ màu xanh lam của Đức Arya Tara.

Giữa thời điểm ngài xả bỏ thân tứ đại đến khi bảo trà tỳ của ngài được mở ra để thu thập xá lợi, trái đất rung động[23], cầu vồng xuất hiện, và mặc dù bầu trời hoàn toàn quan đãng, mưa hoa rơi xuống, và những tiếng động được nghe thấy khắp nơi. Khi cuộc đời ngài kết thúc, không chỉ con người mà cả động vật đều cảm thấy thất vọng, và thậm chí trái đất cũng thương tiếc ngài – hoa tàn úa, suối nước khô cạn và mặt đất mất đi sự tráng lệ tự nhiên.

Chín ngày sau khi ngài mất, lễ trà tỳ được tiến hành bởi rất nhiều các vị đạo sư tâm linh từ khắp đất nước, và các buổi lễ được tiếp tục bảy ngày sau đó. Kế đó, bảo tháp trà tỳ được mở ra, và xá lợi được tích tập.

Theo nghiệp lực, một vài đệ tử tìm thấy các xá lợi nhỏ quý giá; số khác tìm thấy các viên xá lợi xoáy tròn sang bên phải; và một số tìm thấy xương trên đó có hình dạng chư bổn tôn. Chúng đệ tử mang xá lợi về nhà và để chúng trong những chiếc hộp và tượng quý giá như đối tượng để cúng dường và kính trọng.

Những trích đoạn này được rút ra từ cuộc đời của Gyalse Thogme, “được viết bởi Palden Yeshe trễ nải ở khu nhập thất trên núi Pangkhan Gahden”. Lo lắng rằng nó có thể sai khi chỉ dịch vài đoạn trích thay vì cả bản văn, chúng tôi đã thỉnh cầu lời khuyên từ Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche, người từ bi nói rằng không có điều gì sai trong việc cung cấp những điểm quan trọng trong cuộc đời của ngài Gyalse Thogme theo cách này, và đó, giống như mảnh vỡ từ bình mật lớn thì cũng ngọt và ngon như tất cả, những trích đoạn này sẽ vô cùng giá trị trong việc thổi bùng lên niềm tin của độc giả.

 [1] Ví dụ, bao gồm Lopon Kunga Gyaltsen, Khenchen Changchup Sempa Sonam Trakpa, Pang Lodro Tenpa, Jonang Kunkhyen Dolpopa Sherap Gyaltsen, Buton Rinpoche, Rinchen Lingpa, và khoảng ba mươi vị Đạo sư nổi tiếng khác. Ngài thọ nhận sự trao truyền các giáo lý quan trọng của cả bốn trường phái chính – Nyingma, Kadam, Sakya và Kagyu – cũng như từ Kalachakra và nhiều dòng truyền thừa khác.

[2] Một trong Hai Đấng Tối Thắng trong Sáu Trang hoàng xưa Ấn Độ.

[3] Bodhicaryavatara của ngài Shantideva.

[4] Prajnaparamita.

[5] Các trước tác của ngài bao gồm luận giải về Nhập Bồ Tát hạnh, Sự liên tục tối thắng, Sức trang hoàng của Kinh điển Đại thừa, ba giáo lý Đại thừa cơ bản giải thích các thực hành, con đường và cấp độ của chư Bồ Tát, về chân lý tương đối và tuyệt đối. Ngài cũng xem xét việc biên soạn các luận giải về Bát Nhã và Luận, nhưng, sợ rằng chúng sẽ phủ bóng lên những luận giải của Pháp chủ Choje Wanglo, ngài quyết định không làm như vậy. Ngài còn viết các giải thích cho cuốn Bảy điểm luyện tâm của Serlingpa (các giải thích có thể được tìm thấy trong Kho tàng các chỉ dẫn tâm linh cuốn 4 của ngài Jamgon Kongtrul Lodro Thaye); một bản văn về sự trao truyền Bồ Tát giới; các lời cầu nguyện và tán thán chư Bổn tổn; rất nhiều các lời khuyên để sách tấn thực hành; và rất nhiều các chỉ dẫn tâm linh khác về thực hành từ bi và sự chứng ngộ trí tuệ, được kết tập trong Các trước tác góp nhặt của ngài.

[6] Học giả xứ Kashmir, Shakya Shri (1127 – 1225), người khởi xướng sự trao truyền “cao hơn” của dòng truyền thừa giới luật tu sĩ ở Tây Tạng, để phân biệt với dòng “thấp hơn” được khởi xướng bởi Đại Tu Viện trưởng Shantarakshita, người, vào năm 827, đã truyền giới tỳ kheo cho bảy người đàn ông trẻ tuổi đầu tiên ở Tây Tạng. “Cao hơn” và “Thấp hơn” [hay “thượng” và “hạ”] liên quan đến phạm vi địa lý, bởi hai dòng này ban đầu được truyền bá từ vùng Thượng (miền Tây) và Hạ (Miền Trung và Nam) Tây Tạng.

[7] Pháp chủ Gyalwa Gotsangpa Gonpo Dorje (1189 – 1258), một trong các vị Thánh vĩ đại nhất của truyền thừa Drukpa Kagye, người đã giành nhiều năm để nhập thất trong các hang động, thiền định về lòng từ bi, sùng mộ chí thành và nhận thức thanh tịnh. Ngài phô bày nhiều thần thông và để lại nhiều trước tác hấp dẫn về khía cạnh của đời sống thiền định.

[8] Jamyang Donyo Gyaltsen (1310 – 1344), con trai thứ hai của người vợ thứ sau của Danyi Chenpo Sangpo Pal. “Em trai ngài” liên quan đến Lama Dampa Sonam Gyaltsen (1312 – 1375), người con trai thứ ba.

[9] Changchup Sempa Sonam Trakpa, cũng được biết đến là Khenchen Changchup Sempa, một hành giả vĩ đại của giáo lý luyện tâm, ngài sinh ra ở Nyemo và trở thành tu viện trưởng của Cholung.

[10] Ở đầu buổi lễ quán đảnh, Đạo sư quán tưởng ngài là vị bổn tôn phẫn nộ, xua tan các khó khăn và chướng ngại khỏi mạn-đà-la.

[11] Tiếng Tạng spyan-rasgzigs, tiếng Phạn Avalokiteshvara.

[12] Về câu chuyện này, xem luận giải liên quan đến đoạn 18.

[13] Khenchen Changtse, tức Lochen Changchup Tsemo (1303 – 1380) là tu viện trưởng tu viện Bodong và là một học giả và thiền gia vĩ đại, đặc biệt trong truyền thống Kalachakra. Ngài là đệ tử của Pang Lotsa Lodro Tenpa (1276 – 1342), và Tu viện trưởng Jonang, ngài Chole Namgyal, mà từ vị này ngài thọ nhận giáo lý Kalachakra. Ngài nhận được trao truyền Con đường và Quả từ Đạo sư Sakya vĩ đại Lama Dampa Sonam Gyaltsen (1312 – 1375).

[14] Khasarpani là một hình tướng của Đức Quan Âm.

[15] Một tsa tsa là một bảo tháp nhỏ, biểu tượng của tâm giác ngộ của Đức Phật, có thể được làm bằng đất sét hay chất liệu khác. Một số có xá lợi bên trong, như trong trường hợp này, được làm với hỗn hợp đất sét và xương hay những gì còn lại của người chết hay động vật với lời cầu nguyện rằng họ được giải thoát khỏi các cõi thấp hơn và nhận ra Phật tánh.

[16] Bức tượng nổi tiếng và được tôn kính nhất của Tây Tạng, được gia trì bởi Đức Phật, và mang từ Trung Quốc bởi Công chúa Gyasa Konjo, khi công chúa đến Tây Tạng để kết hôn với Vua Songtsen Gampo (609 – 649)

[17] Nơi ngài được thỉnh mời và vinh danh bởi Situ Changchup Gyaltsen (1302 – 1371), vị đầu tiên trong bảy vị vua Phagdru, người cai trị Tây Tạng sau khi kết thúc sự cai trị của dòng Sakya.

[18] Jowo Je Atisha Dipamkara Shri Jnana (982 – 1054). Sinh ra ở Bengal trong gia đình hoàng gia, đầu tiên ngài nghiên cứu ở Ấn Độ với các đại Đạo sư Kim Cương thừa như ngài Maitripa, Rahulagupta, Virupa, Guru Dharmaraksita, một Đạo sư vĩ đại của lòng từ bi, người đã bố thí chính thịt của mình, và Maitriyogin người thực sự nhận lấy khổ đau của người khác. Sau đó ngài đã vượt biển đến Kshitigarbha, Pitopa, Dharmakaramati, Mitraguhya và Jnanamati, và ở Tây Tạng là ba vị Khu, Ngo và Drom, đó là Khuton Tsondru Yudrung, Ngo Choku Dorje và Drom Tonpa, cũng như Gonpapa và bốn vị yogi.

[19] Buton Rinpoche (1290 – 1364): một học giả uyên bác, người viết ba mươi bộ luận giải và hiệu chỉnh sự sắp xếp Tangyur, 213 bản luận giải về những lời dạy của Đức Phật bởi các Thành tựu giả và Học giả Ấn Độ.

[20] Các thực hành du già tập trung vào kinh mạch tâm linh, năng lượng và tinh túy.

[21] Hai che chướng: che chướng được tạo ra bởi phiền não và che chướng che lấp kiến thức tuyệt đối.

[22] Xem câu chuyện về một vị Đạo sư Bồ đề tâm vĩ đại khác, ngài Langri Thangpa, trong luận giải cho đoạn 11.

[23] Động đất nhẹ được xem là dấu hiệu tuyệt vời khi một vị Đại Bồ Tát sinh ra hay rời bỏ thế giới này.