chenrezig_mantra

Phép tu Quan Âm Bồ Tát và những lời chúc để được tái sinh vào cõi Cực lạc

Sự tu lý tưởng là sự tu làm phát triển một tâm trạng vị tha, tình thương và từ bi. Cách tốt nhất để phát triển tâm trạng ấy là phép tu Quan Thế Âm Bồ Tát, sự biểu hiện của lòng từ bi của tất cả các chư Phật. Ngài là sambhogakāya (dịch giả: báo thân) cuả sự từ bi của tất cả các chư Phật, tức là sự biểu hiện của tất cả các đức tính của các Phật hội tụ lại trong một nơi và một đối tượng. Phép tu ấy cho những kết quả lớn. Nó cho phép phát triển những đức tính tình thương và từ bi vốn ở nơi ta, không được khai thác hay hiển lộ ra và phát triển một niềm tin không thể bị phá hủy được, nơi những đức tính che chở của Bồ Tát Quan Âm, niềm tin này sẽ theo ta lúc chết. Câu chú của Bồ Tát Quan Âm vốn là sự biểu hiện bằng lời của cái thực tế từ bi ấy, hết sức mãnh liệt. Nếu một người đầy niềm tin nơi các đức tính của câu chú này, đọc nó với một lòng từ bi sâu xa đối với tất cả các chúng sinh, người ấy có thể giải thoát cho chúng sinh của sáu loài. Không phải thiếu câu chú mà là thiếu niềm tin và lòng từ bi nơi chúng ta. Nếu ta có thể tu như thế, trong ta có thể dần dần thoát khỏi sự sợ hãi trước sự chết, chết sẽ là giải thoát cho chúng ta, vì song song với phép tu Quan Âm Bồ Tát, chúng ta đã cầu chúc tái sinh vào cõi cực lạc “đất của đại lạc”. Cõi cực lạc là nơi biểu hiện của sự chứng đắc của Phật A Di Đà. Bồ Tát Quan Âm vị bồ tát của lòng từ bi, là một ứng thân của Phật A Di Đà, nhiệm vụ của Ngài là hướng dẫn và cầu xin giùm. Liên hệ ấy chúng ta phải phát triển trong khi tu tập. Chúng ta sẽ phát triển từ bi nhờ phép tu Quan Âm Bồ Tát. Chúng ta cũng xin Ngài dìu dắt ta về đất thanh tịnh của Phật A Di Đà. Chúng ta sẽ xin Ngài giúp chúng ta lúc chết, để Ngài đưa ta từ thế giới mà chúng ta từ bỏ, về thế giới đại lạc là cõi cực lạc. Phải thực sự phát triển lòng mong ước được tái sinh nơi cõi cực lạc và kết  hợp toàn bộ này trong một phép tu duy nhất: phát triển lòng từ bi bằng phép tu Quan Âm Bồ Tát và lời cầu chúc lúc chết được tái sinh nơi cõi cực lạc. Tôi nói lên điều này vì kinh nghiệm của chính tôi, đó là cách tốt nhất mà tôi tìm thấy để chống lại sự sợ chết. Nếu điều này đã giúp ích cho tôi, tôi nghĩ rằng nó cũng giúp ích cho quý vị.

Sự thành tựu của kiếp sống tu hành này, của tất cả niềm tin này, của tất cả mong ước này mà chúng ta đã phát triển là lúc chúng ta chết. Lúc đó sẽ không phải là một lúc buồn, mà ngược lại là một lúc vui, lúc giải thoát. Trong những lúc sau cùng ấy, chúng ta sẽ cởi bỏ tất cả những gì giữ chúng ta lại thế gian này, tất cả những gì, rốt cuộc có thể làm chúng ta xa lìa sự cầu chúc tái sinh vào cõi cực lạc. Trước hết chúng ta cúng dường sự luyến ái thân của ta. Chúng  ta rời bỏ nó khi chúng ta cúng nó cho Phật A Di Đà. Nếu ta cũng có thể chia sẻ vật chất cho chúng sinh, phân phát của cải, những gì ta có cho họ, và làm cho họ hưởng được những hành động thiện của chúng ta thì tốt. Nhưng điều quan trọng nhất là rời bỏ gắn bó với của cải mà ta có thể có trong đời này. Đó là điều quan trọng nhất, chúng ta sẽ cúng hết cho Phật A Di Đà, kể cả sự luyến ái đối với gia đình, thân nhân, chúng ta sẽ rời bỏ tất cả những gì xung quanh ta, và tự đặt dưới sự bảo vệ của Phật A Di Đà. Như vậy không có gì can thiệp vào sự hướng tới cõi cực lạc ấy. Không có gì ẩn ý phía dưới thu hút ta chỗ này hay chỗ kia. Chúng ta hoàn toàn giải thoát mọi sự rằng buộc, ép buộc ta gắn liền với thế gian này. Như vậy tâm ta hướng về cõi cực lạc, về Phật A Di Đà. Kết quả là vào lúc chết, việc ấy xảy ra một cách tự nhiên. Có một sự chuyển tâm thức trong khi chúng ta thực hành một phép tu, tâm ta vẫn chuyển đến cõi cực lạc một cách tự nhiên, nếu nó vẫn hướng về cõi ấy. Sự sinh ra nơi cõi cực lạc được tượng trưng bằng một sự xuất hiện kì diệu trong một hoa sen, điều này có nghĩa là ta thăng hoa sự sinh thông thường, thoát khỏi các điều kiện thông thường của cuộc sống này, như đi vào một tử cung. Khi chúng ta xuất hiện nơi cõi cực lạc, ta không mang hình tướng một trẻ nhỏ sẽ lớn lên dần đến trưởng thành. Chúng ta tức khắc có ngay một thân giống như thân Phật A Di Đà. Điều đó có ý nghĩa gì? Có nghĩa là sự biểu hiện của chúng ta là sự biểu hiện của thân ảo huyễn, của nirmāṇakāya, thân ảo huyễn giác ngộ. Về bản chất chúng ta không tách rời Quan Âm Bồ Tát, tâm ta mang những đức tính trí huệ và từ bi của Ngài. Vậy, tâm sáng suốt trong lúc cuối cuộc đời, sẽ hết sức quan trọng, và vì thế, chúng ta phải chuẩn bị cho lúc đó suốt cuộc đời này.

“ Cõi cực lạc” thực sự duy nhất. Ở giữa là Phật A Di Đà biểu hiện hoạt động giác ngộ của Ngài theo nhiều cách. Từ tim Ngài, từ bàn tay mặt và bàn tay trái của Ngài tỏa ra lần lượt những tia sáng, những tia ấy biến thành Guru Rinpoche (dịch giả: Ngài còn được gọi là Padmasambhava hay còn gọi là Phật Liên Hoa Sanh) thành Quan Âm Bồ Tát và Ta-ra, vị giải thoát cho chúng sinh (dịch giả: Phật mẫu Ta-ra). Số lượng ứng thân cơ bản ấy gia tăng vô hạn và tỏa ra trong mọi thế giới để làm việc cho lợi ích của tất cả các chúng sinh. Ngay trên đất đó là biểu hiện của hoạt động giác ngộ của Phật A Di Đà, chúng ta có thể dần dần bỏ đi các màng che lấp tâm ta còn lại cho đến khi thành Phật. Đó là một nơi đại lạc, vì đại lạc là đặc tính của tâm giác ngộ. Nơi đó không có một dấu vết của sự đau khổ. Cả cái tiếng khổ cũng không được nhắc tới. Trong chỗ đó, tất cả các ước nguyện của ta đều được thành tựu ngay lập tức, không có bất mãn. Ví dụ nếu chúng ta cần có chỗ để sống, những nhà tự nhiên xuất hiện. Bàn ăn luôn được dọn ra, chúng ta có thể ăn bất cứ lúc nào. Và tất cả những gì ta thấy cần đều có ở đó một cách tự phát. Và từ cõi cực lạc, người ta có thể  đi về những “đất” khác, nơi biểu hiện của các Phật khác. Chúng ta có thể đến các nơi ấy để nhận lãnh các sự giảng dạy và chỉ dẫn, hầu tiếp tục con đường tâm linh, phát triển tâm linh của mình. Ở cõi cực lạc, sự biểu hiện của sự thực được cảm nhận ở mọi thứ. Điều đó có nghĩa là Dharma có ở mọi nơi. Chúng ta có thể hưởng được sự biểu hiện của thực tế một cách trung thực, trong mọi tình huống. Chúng ta có thể hưởng Dharma luôn luôn. Trong hoàn cảnh đó không khó khăn hay đau khổ. Luôn có sự giảng dạy, sự hiểu biết của thực tế. Chúng ta tiến bộ rất nhanh trên con đường giác ngộ. Chúng ta thoát khỏi những màng che cuối cùng và hoạt động của chúng ta vì lợi ích của tất cả các chúng sinh phát triển cho đến khi giác ngộ.

Lama Gendun Rinpoche

Nguyên Tác: Thầy và Đệ tử

Ani Ngawang Kuntchok Dreulma Viên Huệ

Nhà Xuất bản Phương Đông