Avalokiteshvara Chaturbhuja (18)

Quan Thế Âm Bồ Tát

Quán Thế Âm Bồ Tát tiếng Phạn gọi là Avalokitesatvara, Hán dịch là Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại. Danh từ của Ngài mỗi mỗi khác biệt vì sự hoá hiện không đồng như Thế Gian Tự Tại, Đại Bi Thắng Hải, Thiên Thủ Thiên Nhãn, Lục Tự Đại Minh Tôn, Sư Tử Hống, Liên Hoa Thủ, Thế Gian Hỗ Chủ, Liên Hoa Vũ Tự Tại, Bất Không Quyến Sách … Kinh A Di Đà nói : Đức Quán Âm là Đức Phật Chánh Pháp Minh Vương Như Lai vì lợi ích hết thảy hữu tình nên hiện tướng Bồ Tát. Mật hiệu của Ngài là Chính Pháp Kim Cương, Thanh Tịnh Kim Cương theo Phẩm Phổ Môn nói rằng: Quan Thế Âm Bồ Tát có thể quan sát các Pháp, ứng cơ điều phục Thiên Long Bát Bộ cùng hết thảy chúng sinh biến hoá tự tại. Dùng thân tướng của mỗi loài chúng sinh để tiếp độ loài chúng sinh đó, tự do tự tại khiến chúng sinh thoát ly biển khổ được an lạc nên tôn xưng là Quán Tự Tại. Đức Quan Âm bốn tay là vị Bồ Tát bảo vệ cho Tây Tạng xứ tuyết. Người Tây Tạng từ trẻ đến già, mỗi nhà mỗi hộ đều niệm tụng Lục Tự Đại Minh chân ngôn

OM MANI PADME HUNG

Thần chú này được khắc trên mỗi tảng đá, mỗi bức tường, là phương tiện cho các thương nhân và khách vãng lai niệm tụng. Câu chú này thân thuộc và trọng yếu như câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật của người Trung Hoa. Đức Quan Thế Âm bốn tay cùng Văn Thù Sư Lợi – Kim Cương Thủ Bồ Tát hợp lại xưng là Tam Tộc Tính Tôn đại diện cho Đại Bi – Đại Trí – Đại Lực là Pháp môn của hành giả Mật thừa ai ai cũng phải tu.

Thân Bản Tôn màu sắc trắng như Mặt Trăng, Đầu đội mũ ngũ Phật, tóc đen kết thành búi. Hai tay ở giữa chắp ở trước ngực trong có Mani Bảo Châu, tay phải cầm tràng thuỷ tinh, tay trái cầm Hoa Sen tám cánh. Diện mạo tịch tĩnh hàm tiếu. Bồ Tát dung mắt Tuệ từ bi thương xót nhìn chúng sinh, những ai được mắt Ngài nhìn đến đều được giải thoát. Vai trái Ngài khoác hai tấm da nai, thân mặc Thiên Y ngũ sắc, quần lụa màu đỏ. Khuyên tai, vòng tay, nhẫn báu đầy đủ trang sức. Chuỗi Anh Lạc có ba vòng, vòng một ở cổ, vòng hai đến ngực, vòng ba đến bụng, toàn thân vòng hoa kết trang nghiêm. Ngồi Kết già phu toạ trên Nguyệt Luân Hoa Sen, thân phát ra vô lượng hào quang ngũ sắc rực rỡ chiếu sáng. Mỗi tướng trang nghiêm đều có ý nghĩa. – Ngài có một Mặt là nghĩa Thông đạt Pháp tánh – Bốn tay nêu biểu tứ vô lượng tâm – Thân màu trắng nêu biểu tự tánh thanh tịnh vô cấu, không bị phiền não chướng, sở tri chướng quấy động. – Đầu đội mũ ngũ Phật nêu biểu ngũ Trí – Tóc màu đen nêu biểu vô cấu – Ngũ sắc Thiên y nêu biểu Ngũ Phương Phật – Quần Lụa màu đỏ nêu biểu Diệu Quang Sát Trí của Liên Hoa Bộ – Sáu thứ trang sức từ khuyên tai trở xuống nêu biểu Lục độ – Vòng Anh Lạc thứ nhất nêu biểu Bất Động Như Lai do Thiền Định thành tựu – Vòng Anh Lạc thứ hai nêu biểu Đức Phật Bổn Sinh do Bố Thí thành tựu – Vòng Anh Lạc thứ ba nêu biểu Đức Bất Không Thành Tựu Như Lai do Tinh Tiến thành tựu

– Vòng Hoa trang nghiêm toàn thân nêu biểu vạn hạnh – Ngồi Kiết già phu nêu biểu Không Trụ Sinh Tử – Tay ấn nêu biểu Không Trụ Niết Bàn – Hai tay ở giữa chắp lại trước ngực nêu biểu Trí tuệ và Phương tiện hợp nhất song vận – Mỗi hạt Tràng thuỷ tinh ở tay phải nêu biểu cứu độ mỗi chúng sinh thoát ly Luân Hồi – Tay trái cầm Hoa Sen nêu biểu thanh tịnh hết thảy phiền não. Câu thần chú OM NA NI PAD ME HUNG là Pháp tu hợp hành nhất giữa Phương tiện và Trí tuệ. Giúp hành giả đem Thân Khẩu Ý bất tịnh của mình mà chuyển hoá thành Thân Khẩu Ý thanh tịnh tôn kính của Chư Phật. Chúng ta không nên tìm cầu Phật quả ngoài tâm, phải biết phương pháp cốt yếu thành Phật đều từ trong tự tâm của chúng ta. Công đức của thần chú Lục tự Đại Minh rất phi thường rộng lớn. Đức Phật dùng thần lực có thể đếm hết được số giọt nước mưa trong mười hai năm, nhưng công đức lợi ích của người trì niệm câu thần chú Lục Tự thì Đức Phật không thể đếm hết được. Trì Lục Tự Thần Chú, đối với bịnh khổ, hình phạt, những sợ hãi chết bất đắc kỳ tử đều được tiêu trừ. Thọ mạng tăng trưởng, Phúc đức gia tăng, của cải sung mãn, khiến lúc lâm chung không đoạ ác đạo, được sinh cõi nhân thiên, được gặp Phật Pháp công đức lợi ích không thể kể hết.

Sưu tầm