44270088_298211187443786_5956479646475223040_n

Đạo sư Liên Hoa Sinh

Trong khi Phật nổi tiếng về việc giảng dạy giáo lý Kinh thừa – mặc dù Ngài đã giảng dạy các Mật điển một cách bí mật, Đức Padmasambhava [Đạo sư Liên Hoa Sinh] đã đến với thế giới này, và đặc biệt, Ngài đến Xứ Tạng, để giảng dạy Mật thừa. Bởi thế, Phật Thích Ca Mâu Ni đại diện cho nguyên tắc của một vị Phật, yếu tố quan trọng nhất trong Kinh thừa, Đức Padmasambhava là hình mẫu của nguyên tắc đạo sư, tinh túy của Phật giáo Tây Tạng, và vì thế, được biết đến là sangye nyipa, vị Phật thứ hai.

Đức Nyoshul Khen Rinpoche giải thích rằng:

Theo cách tiếp cận Phật Pháp phổ thông, câu chuyện của vị Phật lịch sử, Đức Thích Ca Mâu Ni bắt đầu từ thời điểm Ngài thành tựu Phật quả ở Vajrasana (Dorjeden) xứ Ấn Độ, tức Bồ Đề Đạo Tràng ngày nay. Phật chuyển Pháp luân ba lần, và cuối cùng Ngài nhập diệt. Sau đó, Đức Padmasambhava tiếp tục giáo lý của Ngài, và đặc biệt đã chuyển Bánh xe Mật thừa vĩ đại. Trong khi Phật ban các giáo lý cơ bản, và thiết lập nền tảng, chính Đức Padmasambhava đã giới thiệu giáo lý Kim Cương thừa.[1]

Padmasambhava, hay Padmakara trong tiếng Phạn, Pemajungne trong tiếng Tạng, nghĩa là “sinh ra từ bông sen.” Hoa sen là biểu tượng của gia đình Padma, tức Liên Hoa Bộ, nơi mà tất thảy nhân loại đều thuộc về. Mặc dù bông sen mọc lên từ bùn, nó vẫn tạo ra một bông hoa thanh tịnh, thuần khiết. Giống như vậy, mặc dù chúng ta có những cảm xúc phiền não, chẳng hạn tham, năng lượng-trí tuệ thanh tịnh cố hữu của chúng có thể trổ hoa. Vì thế, vô minh không cần thiết phải bị từ bỏ; nó có thể được chuyển hóa thành trí tuệ. Nguyên tắc của bông sen tượng trưng cho sức mạnh chuyển hóa này.

Bởi thế, Đức Padmasambhava là hiện thân của tầm nhìn Mật thừa và sự chuyển hóa; Ngài là sự gia trì đầy sức chuyển hóa của tất thảy chư Phật. Ngài đặc biệt mạnh mẽ trong thời đại này, khi các cảm xúc tiêu cực lớn mạnh hơn, và vô minh nhiều hơn trước. Người ta nói rằng, khi vô minh và khó khăn càng lớn, Ngài càng mạnh mẽ. Khi người Tạng cần sự gia trì hay bảo hộ, phản xạ tự nhiên của họ là cầu nguyện đến Ngài, và khi gặp phải khó khăn, thậm chí các đại đạo sư cũng cầu nguyện đến Ngài, như thể Ngài là SOS của họ.

Nyoshul Khen Rinpoche nói rằng:

Bây giờ, theo con đường Đại toàn thiện phi phàm, Phật thực sự là bản tính chân thực của tâm chúng ta, Rigpa cố hữu hay giác tính thanh tịnh. Ngài giác ngộ ở đâu? Trong Pháp giới tràn khắp. Từ quan điểm này, những sự kiện như sự hóa hiện của Ngài là vị Phật lịch sử ở Kim Cương Tòa, đơn giản được nhìn nhận là sự hiển bày bên ngoài.

“Vị Phật nguyên thủy” an trú trong bản tính Rigpa của chúng ta, cõi Akanishtha.[2] Từ Pháp giới, Ngài hóa hiện, vì lợi lạc của chư Bồ Tát, là Báo thân Phật của năm gia đình: Vairochana, Akshobhya, Ratnasambhava, Amitabha và Amoghasiddhi. Với thế giới của chúng ta, Ngài hiển bày trong một Ứng hóa thân là vị Phật lịch sử, Đức Thích Ca Mâu Ni. Thực sự, Ngài là một hóa thân của Phật Nguyên Thủy Phổ Hiền Như Lai, vị ở trong tâm chúng ta, Rigpa của chính chúng ta.

Sau đó, Ngài hóa hiện là Padmasambhava, tám mươi tư đại thành tựu giả và các đạo sư vĩ đại khác của Ấn Độ, chẳng hạn: Nagarjuna, Asanga, Aryadeva, Vasubandhu, Dignaga, Dharmakirti, Shakyaprabha và Gunaprabha, cũng được biết đến là Sáu Sức Trang Hoàng và Hai Bậc Xuất Sắc. Với các thế giới khác, Ngài hiển bày theo nhiều cách khác nhau, với từng chúng sinh theo cách riêng, xuất hiện là một con chim giữa bầy chim, một con vật hay tương tự.

Trong khi Vị Phật Nguyên Thủy Phổ Hiền Như Lai là Rigpa của chúng ta ở cấp độ tuyệt đối, bản tính hay phẩm tính của trí tuệ của Rigpa là chói ngời, giống như mặt trời với sự chói sáng bất biến và không ngừng của nó. Phẩm tính chói ngời không ngừng này của bản tính nguyên sơ là Ánh Sáng Vô Lượng [Vô Lượng Quang] hây Ánh Sáng Bất Biến mà chúng ta gọi Phật Amitabha, Opame hay Nangwataye trong tiếng Tạng [Phật Vô Lượng Quang].

Từ tim, Đức Vô Lượng Quang, vị giống như Phật Phổ Hiền, phóng ra vô số hào quang trong hình tướng chủng tự HRIH, thứ hạ xuống vùng đất Tây Bắc xứ Oddiyana,[3] và vào hồ Dhanakosha. Tương tự như cách tinh túy của cha và mẹ tạo thành một đứa trẻ và hình thành hạt giống của thân nguyên tố của chúng ta, sự chào đời của Đức Padmasambhava được tạo nên từ chủng tự gốc HRIH này.

Lúc đó, tất thảy chư Phật trong mười phương, cùng với hàng trăm nghìn dakini từ các cõi thiêng khác nhau, thỉnh cầu sự gia trì và hóa thân của tất thảy chư Phật vì lợi lạc của chúng sinh. Sự thỉnh cầu này được biết đến là “Bảy đoạn kim cương” hay “Lời nguyện Bảy dòng.” Nó là Bài Ca An Bình Tự nhiên của Pháp giới. Đây là lời cầu nguyện quan trọng nhất, bởi nó là lời thỉnh cầu mà nhờ đó Guru Rinpoche đã đến với thế giới của chúng ta.

Khi Guru Rinpoche sinh ra trong bông sen giữa hồ, chư dakini chí thành cầu khẩn Ngài và sự kêu cầu của họ tự nhiên trở thành Mật chú Kim Cương Đạo Sư. Bởi thế, Mật chú này là tâm chú của Ngài, là lực sống, tâm yếu của Ngài và trì tụng nó là triệu thỉnh Ngài.

Bài nguyện Bảy dòng và Mật chú Kim Cương Đạo Sư

Sau đó, Đức Vua Indrabodhi xứ Oddiyana nhận nuôi Ngài. Khi Đức Padmasambhava hiển bày ở cấp độ Ứng hóa thân, Ngài hành xử tương ứng, và mặc dù thực sự Ngài đã là một vị Phật, Ngài giả bộ rằng Ngài cần thọ nhận giáo lý và hoàn thành việc hành trì, để chứng tỏ rằng Ngài xuất hiện là vị kế nhiệm của Đức Phật và tiếp tục Phật sự của Phật. Khi Ngài sinh ra tám năm sau khi Phật nhập diệt, Ngài đến Vajrasana, nơi Ngài tu học với đệ tử thân thiết nhất của Đức Phật, A Nan Tôn Giả. Kế đó, Ngài tới gặp tất thảy tám đạo sư Trì Minh Vương Vĩ Đại, thọ nhận các giáo lý Mật thừa và thực hành chúng. Đặc biệt, trong một linh kiến thanh tịnh, Ngài diện kiến Garab Dorje, vị thầy Dzogchen đầu tiên trong thân người, và làm ra vẻ thọ nhận giáo pháp Đại toàn thiện. Ngài hiển bày việc thành tựu sự chứng ngộ trọn vẹn.

Đức Padmasambhava đến với thế giới này với ba mục đích chính. Nói chung, Ngài đến để giúp đỡ chúng sinh sáu cõi. Sau đó, nhiệm vụ lịch sử của Ngài là mang ánh hào quang Phật Pháp và giáo lý Dzogchen đến vùng đất Tây Tạng. Chính nhờ tâm từ và nỗ lực của Ngài mà giáo lý ở Tây Tạng đã tồn tại hơn một nghìn năm qua. Hiện nay, giáo lý của Đức Padmasambhava đã đến với phương Tây, nơi mà Ngài chưa từng được biết tới, và đây thực sự là dấu hiệu cho thấy ân phước của Ngài với lòng bi mẫn và sức mạnh lớn lao. Thứ ba, mỗi vị Phật có một nhiệm vụ riêng, và với Đức Padmasambhava, đó là thị hiện vào thời đại đen tối này, thời đại của những suy đồi, kaliyuga.

Giáo lý Dzogchen được trao truyền ở Tây Tạng chủ yếu bởi Đức Padmasambhava, Vimalamitra và Vairochana, và sự trao truyền này xảy ra chủ yếu nhờ lòng tốt của Đại Sư Liên Hoa Sinh. Dưới sự chỉ dạy của Ngài, tại ẩn thất ở Chuwori được bảo trợ bởi Vua Trisong Deutsen, trong một trăm hành giả nhập thất, chín mươi chín người đã thành tựu thân cầu vồng; người duy nhất còn lại là Palgyi Dorje. Đức Padmasambhava có hai mươi lăm đệ tử chính, đây là những đại thành tựu giả đầu tiên của Tây Tạng và trong số đó, tất cả đều đắc thân cầu vồng, ngoại trừ Vua Trisong Deutsen. Ở Drak Yerpa, tám mươi đệ tử trở thành đại thành tựu giả, chứng thân cầu vồng và không bao giờ rời khỏi thất; có ba mươi thành tựu giả ở Yangzom, những vị chứng ngộ; năm mươi lăm tokden (bậc chứng ngộ) ở Sheldrak, hai mươi lăm dakini đắc thân cầu vồng, và cũng có bảy thành tựu giả ở Tsang. Tất cả các vị này và nhiều vị khác, đắc thân cầu vồng và chứng ngộ nhờ sức mạnh và sự gia trì của Đức Padmasambhava. Và điều này là bởi Ngài là vị Phật của thời đại này; Ngài chuyên về việc đối trị những ác nghiệp của thời đại này, ở đó, Ngài là nhanh chóng nhất về hành động và oai hùng nhất.

Đến thời điểm phải rời xứ Tây Tạng, Đức Padmasambhava đến vùng đất Ngayab Ling ở Tây Nam, và Núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ Zangdokpalri. Đức Dudjom Rinpoche nói rằng, “Ở đây Ngài hiển bày Cung điện Liên Hoa Quang thậm thâm, và trở thành vua, với một trong tám hóa thân ở mỗi lục địa của loài La Sát, ban giáo lý như Tám Phương Pháp Vĩ Đại Thành Tựu Kagye, và bảo vệ dân chúng cõi Nam Diêm Phù Đề khỏi những sợ hãi trong đời. Thậm chí cho đến ngày nay, Ngài vẫn là vị nhiếp chính của Đức Kim Cương Trì [Vajradhara], ‘Trì Minh Vương với sự thành tựu tự nhiên con đường tuyệt đối’; và như thế Ngài sẽ mãi an trụ cho đến tận cùng của vũ trụ.”

Có rất nhiều hình tướng khác nhau của Đức Padmasambhava. Đầu tiên được gọi là Totreng De Nga: năm gia đình của Đức Padmasambhava: Vajra Totreng, Ratna Totreng, Padma Totreng, Karma Totreng và Buddha Totreng. Sau đó, có tám hóa thân của Đức Padmasambhava: Tsokye Dorje, Padmasambhava, Loden Chokse, Pema Gyalpo, Nyima Ozer, Shakya Senge, Senge Dradok, và Dorje Drolo. Có sáu Guru Rinpoche hiển bày để giúp đỡ cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, A Tu La và chư thiên. Sáu vị Guru Rinpoche này chống lại sáu cảm xúc tiêu cực. Cũng có mười hai hóa thân của Guru Rinpoche (Nam trul Chu Nyi) chống lại những chướng ngại và sợ hãi khác nhau khởi lên trong đời chúng ta và nhiều hóa thân khác.[4]

Trong thực hành Sampa Lhundrupma (Tự Nhiên Viên Thành Mọi Ước Nguyện), có mười ba hóa thân của Guru Rinpoche: chống lại chiến tranh, bệnh tật, nạn đói và nghèo khổ, Guru Rinpoche là vị yidam [bổn tôn thiền định], bảo vệ sự du hành, chống lại vật hoang, các yếu tố, trộm cắp, tấn công, lời khắc lâm chung, bardo, bệnh tật về tâm và khổ đau trong thế giới nói chung.

Đức Phật dạy rằng: “Ta sẽ đến theo cách thức hư huyễn và giảng dạy Pháp hư huyễn, nhưng thực sự, Ta không dạy gì hết, mọi thứ khởi lên đơn giản vì sự cần thiết của chúng sinh.” Giống như bất cứ thứ gì đứng trước gương đều bị phản chiếu trên nó, giáo pháp xuất hiện đáp ứng sự cần thiết của chúng sinh. Tương tự, Tám Hóa thân của Đức Padmasambhava không phải là các vị Padmasambhava khác nhau, mà phản ánh khả năng thị hiện theo căn cơ và nhu cầu khác nhau của Ngài. Thực sự, chúng được gọi là Guru Tsen Gye trong tiếng Tạng, tức Tám Danh hiệu của Đạo sư. Bởi vậy, với các học giả, Ngài xuất hiện là học giả uyên bác Guru Padmasambhava; là một vị Phật vĩ đại Guru Shakya Senge, Ngài thuyết giảng Đại thừa; là hoàng tử điều hành vương quốc với tài năng chính trị lớn lao, Ngài hiển bày là Guru Pema Gyalpo; là một vị yogi, Ngài thị hiện là Guru Nyima Ozer và tương tự: mỗi hóa thân cho thấy một nguyên tắc khác nhau.

Đức Nyoshul Khen Rinpoche nói rằng, “Nếu các bạn cầu nguyện đến Guru Rinpoche một cách chí thành, chẳng nghi ngờ gì, Ngài sẽ thực sự xuất hiện trước bạn. Bởi chẳng có vị Phật nào khác đã xuất hiện trong nhiều linh kiến với các hành giả như Guru Rinpche. Một số vị terton vĩ đại,[5] ví dụ Ratna Lingpa đã có hai mươi lăm linh kiến về Guru Rinpoche. Các vị terton chính yếu khác có hai mươi, mười, sáu linh kiến, và tất thảy một nghìn vị terton có ít nhất ba linh kiến, tạo thành hàng nghìn linh kiến cả thảy.

Các chi tiết về những linh kiến này được ghi chép lại chính xác, ví dụ: ngày tháng, địa điểm và cách thức chúng xảy ra, cũng như giáo lý và những tiên tri mà Đức Padmasambhava ban ra. Những giáo lý này sau đó được ghi lại rõ ràng và được hành trì bởi những đạo sư khác, rất nhiều các vị đó đã chứng đắc thân cầu vồng nhờ sức mạnh chân chính của chúng. Điều này chứng tỏ sự oai hùng của Guru Rinpoche, và việc Ngài nhanh chóng hành động ra sao. Nếu bạn thực hành Ngài, thành công trên con đường sẽ đến nhanh chóng hơn. Không vị Phật hay đạo sư nào xuất hiện nhiều lần như Guru Rinpoche; Ngài dường như là tích cực nhất trong tất thảy.”

Trích: Dzogchen và Padmasambhava, Sogyal Rinpoche

Bản dịch Việt ngữ của Pema Jyana

Mọi sai sót là lỗi của dịch giả, xin sám hối trước Đức Đạo sư Liên Hoa Sinh, Tam Bảo và dòng truyền thừa. Mọi công đức có được xin hồi hướng tất thảy hữu tình chúng sinh.

* Các chương khác trong cuốn Dzogchen và Padmasambhava, Sogyal Rinpoche đã được dịch sang tiếng Việt gồm:

– Nguyên tắc Đạo sư http://nyingmapavietnam.com/Sogyal%20Rinpoche%20Nguyen%20tac%20Dao%20su.html

– Sự trao truyền cổ xưa của dòng Nyingmapa http://nyingmapavietnam.com/Su%20trao%20truyen%20co%20xua%20cua%20Nyingmapa.html

[1] Từ một bài giảng của Nyoshul Khen Rinpoche được ban ở Rigpa, Paris, ngày 12 tháng Tư năm 1986.

[2] Akanishtha, Omin trong tiếng Tạng, nghĩa là cõi thiêng “cao nhất.”

[3] Oddiyana, Orgyen trong tiếng Tạng, được chấp nhận bởi mọi truyền thống là nơi những giáo lý Mật thừa này khởi nguồn. Nó là địa điểm chào đời của cả hai đạo sư Garab Dorje và Padmasambhava, và cũng là vương quốc của Vua Dza. Ở Tây Bắc xứ Oddiyana là Hồ Dhanakosha, nghĩa là “kho tàng của cải.” Oddiyana được cho là tọa lạc trong thung lũng Swat ở Pakistan.

[4] Mười hai hóa thân liên quan tới pho giáo lý được biết tới là Barche Lamsel (Tiêu Trừ Tất Thảy Chướng Ngại).

[5] Về các vị terton hay “khai tạng mật,” xem thêm Chương Sự trao truyền cổ xưa của dòng Nyingmapa.

Guru Tsokye Dorje được bao quanh bởi Tám Hóa thân của Đức Padmasambhava

Guru Tsokye Dorje – Đạo sư Hồ Sanh Kim Cương

Guru Shakya Senge – Đạo sư Thích Ca Sư Tử

Guru Nyima Ozer – Đạo sư Nhật Quang

Guru Padmasambhava – Đạo sư Liên Hoa Sanh

Guru Loden Chokse – Đạo sư Thánh Chủng Trí

Guru Pema Gyalpo – Đạo sư Liên Hoa Vương

Guru Senge Dradok – Đạo sư Sư Tử Hống

Guru Dorje Drollo – Đạo sư Kim Cương Drollo

Đôi lời của dịch giả:

Bản dịch này xin dâng tặng các vị Guru trong cuộc đời của tôi, có vị tôi đã gặp, có vị tôi chưa gặp, nhưng tất cả đều đã truyền cảm hứng dạt dào, cũng như ân phước mạnh mẽ của dòng phái để tôi thực hiện những Phật sự vừa qua.

Bản dịch này cũng sẽ không thể hoàn thành nếu không có sự giúp đỡ của Đại Đức Thích Trí Không, với những lời động viên, nhắn nhủ, chỉ dạy, cùng với bản Việt ngữ Tám Danh Hiệu Của Đức Padmasambhava của Thầy.

Xin dâng tặng tất cả những huynh đệ kim cương của tôi, các bạn hữu Drukpa, DRIKUNGPA và Nyingmapa, những hành giả chí thành với dòng phái và Thầy Tổ, những người đã hết lòng quan tâm và động viên tôi trong 2 năm vừa qua. 

Sarva Mangalam!

Pema Jyana kính bút