last-dalai-lama-mickey-lemle-6

Khai thông sức mạnh tâm thức

Thiền định là một phép luyện tập thật cần thiết giúp phát huy tối đa các phẩm tính tinh thần như tình thương yêu, lòng từ bi và lòng vị tha. Từ bao lâu nay, tâm thức chúng ta bị phân tán quá mức, khiến nó không phát lộ toàn vẹn được sức mạnh của nó. Tương tự như một dòng nước được khai thông, nếu tâm thức được khai mở thì nó sẽ trở nên cực kỳ mạnh mẽ. Thể loại thiền định thứ nhất mà tôi sẽ trình bày với quý vị nhằm mang lại cho mình một sự an bình bao la bên trong nội tâm, thể loại thứ hai là phát huy một sự quán thấy chuyên biệt giúp mình tìm hiểu bản chất của hiện thực. Vậy trước hết chúng ta hãy bắt đầu với thể loại thứ nhất.

Nếu không thể tạo được một sự tập trung đúng mức giúp tâm thức trở nên vững vàng, trong sáng và không xao động, thì khả năng trí tuệ cũng sẽ không thể nào nhận biết được các đối tượng của nó một cách trung thực, đúng là như thế, với tất cả sự tinh tế của nó. Vì thế [trước hết] cần phải tạo cho mình một khả năng tập trung thật mạnh. Hai yếu tố bất thuận lợi chính yếu nhất ngăn chặn việc luyện tập sự tập trung là sự đờ đẫn và bồn chồn (đờ đẫn và bồn chồn là hai trong số năm chướng ngại trong việc luyện tập thiền định, kinh sách Hán ngữ gọi là năm “triền cái”.  Đờ đẫn – torpeur/torpor – hay “triền cái” thứ ba, có nghĩa là xao lãng, mơ màng, không suy nghĩ được, tiếng Pa-li là thina-middha, kinh sách Hán ngữ gọi là “thùy miên” hay “hôn trầm”. Bồn chồn – agitation – hay “triền cái” thứ tư, có nghĩa lo lắng, bất an, xao động, bối rối, tiếng Pa-li là uddhaca-kukkucca, kinh sách Hán ngữ gọi “trạo cử”. Sở dĩ nêu lên điều này là nhằm lưu ý những người tu tập theo Phật giáo Trung quốc là kinh sách Hán ngữ nói chung vừa khó hiểu – ít nhất thì cũng không phải là tiếng Việt – vừa lỗi thời, quá xưa và thường lại dịch sai hay không sát nghĩa. Nên hiểu rằng khi còn vướng mắc trong kinh sách Hán ngữ thì người tu tập sẽ còn bị bế tắc, điều này gần như là chắc chắn. Thiết nghĩ đã đến lúc cần hoàn chỉnh một nền tảng Phật giáo bằng tiếng Việt. Người chuyển ngữ sẽ không trở lại tệ trạng Hán ngữ này cho đến cuối bản dịch, để khỏi làm phiền và gián đoạn tư tưởng của người đọc). Liều thuốc hóa giải [sự đờ đẫn và bồn chồn] là sự chú tâm đúng đắn và thể dạng nội quán (nhìn vào tâm thức mình).

Vậy chúng ta hãy nêu lên thật ngắn gọn cách phát động sự tập trung đó. Muốn thiền định thì trước hết chúng ta cần chọn một đối tượng để quán xét (căn bản thiền định của Phật giáo Tây Tạng thường là một sự tìm hiểu, phân tích, quán thấy hay quán tưởng), đối tượng đó có thể thuộc vào môi trường bên ngoài, hoặc cũng có thể là tâm thức của chính mình (tức là môi trường bên trong). Trong trường hợp đối tượng quan sát là tâm thức thì việc luyện tập sẽ sâu sắc hơn.

Đối với tư thế thì phải tréo cả hai chân (tư thế hoa sen hay kiết già) hoặc một nửa (bán già, một chân gập lại gác lên chân kia). Dùng một chiếc gối để ngồi nhằm nâng cao bàn tọa, giúp tránh mỏi mệt khi phải ngồi lâu (chiếc gối vừa với tầm vóc của mình sẽ tránh không khiến mình bị bật ngửa ra sau, hai đầu gối và phần cuối xương sống được nâng cao sẽ tạo ra thế chân vạc vững chắc). Giữ cột xương sống thật thẳng như một mũi tên. Gáy hơi nghiêng về phía trước, tầm mắt hướng từ đầu mũi ra phía trước. Lưỡi dán vào nóc vọng. Môi và răng ở vị trí bình thường. Hai cánh tay hơi tách ra khỏi thân mình, không nên dán vào thân mình (mục đích là để mở rộng lồng ngực và bụng, giúp cho việc hô hấp được dễ dàng. Hai vai có thể hướng ra phía sau một chút để mở rộng thêm lồng ngực). Vị thế hai bàn tay biểu lộ sự bình đẳng trong phép thiền định: bàn tay phải đặt lên bàn tai trái, hai đầu ngón cái chạm nhẹ vào nhau. Đó là cách mà các bạn tạo ra một hình tam giác, cạnh bên dưới của hình tam giác nằm dưới rốn khoảng bốn chiều ngang của đốt ngón tay (khoảng bốn ngón tay chập lại. Theo thiền học Zen thì hai ngón cái chạm vào nhau và bên dưới là hai ngón trỏ gác lên nhau, tất cả tạo ra một vòng tròn).

Nếu các sự thèm muốn hay hận thù đang khuấy động tâm thức mình thì các bạn nên sử dụng phương pháp sau đây để làm cho các sự bấn loạn ấy phải lắng xuống. Đó là phương pháp thiền định dựa vào hơi thở, hãy hít vào và thở ra hai mươi mốt lần thì sẽ hóa giải được sự bấn loạn trên đây, phương pháp này rất hiệu nghiệm. Vì tâm thức không thể thực thi hai sự nhận thức khác nhau trong cùng một lúc, do đó phép thiền định trên đây (theo dõi hơi thở) sẽ khiến cho sự bấn loạn trước đây phải tan biến (vừa chú tâm vừa đếm từng hơi thở vào ra sẽ khiến mình “quên” đi các chuyện khác). Dầu sao thì cũng cần phải tạo cho mình một động cơ thúc đẩy lành mạnh, tốt nhất là lòng từ bi, lòng vị tha và ước vọng giúp đỡ kẻ khác (đây cũng là điểm khác biệt chủ yếu giữa Đại Thừa, Phật giáo Theravada và Thiền học Zen. Một cách thật tổng quát, đối với Phật giáo Theravada thì sự chú tâm sẽ hướng vào thân xác, cảm giác, các cảm nhận, các hiện tượng tâm thần và sự vận hành của tri thức; đối với thiền Zen thì không chú tâm vào bất cứ gì cả mà chỉ duy nhất “canh chừng” tư thế ngồi thật đúng, tương tự như một quả núi im lìm, bất động và uy nghi, không suy tư hay nghĩ ngợi gì cả. Trong khi đó thì phép thiền định của Tây Tạng chủ trương phải quan sát, phân tích và tìm hiểu một đối tượng hoặc quán tưởng và hội nhập với một vị thần linh hay một vị Phật nào đó).

Nhằm giúp tập trung vào tâm thức mình, các bạn không nên nghĩ ngợi gì về những chuyện xảy ra với mình trong quá khứ, cũng không đuổi bắt những gì có thể sẽ xảy đến với mình trong tương lai. Tốt nhất nên giữ tâm thức thật tỉnh táo, không tìm cách tạo dựng ra một thứ gì cả, chỉ cần cảm nhận nó là như thế. Khi đã an trú trong thể dạng ấy thì các bạn sẽ nhận thấy tâm thức mình cũng sẽ tương tự như một tấm gương soi, tất cả mọi vật thể và khái niệm đều có thể hiện lên bên trong nó, kể cả trong một số trường hợp các vật thể và khái niệm ấy có thể hiện ra [thật trung thực] tương tự như hình ảnh phản chiếu [từ một tấm gương soi] (không bị méo mó), chẳng qua vì thực chất của tâm thức mang bản thể trong sáng tinh khiết, một khả năng nhận thức tinh khiết và một sự cảm nhận tinh khiết.

Theo sự hiểu biết căn bản bằng trực giác của Phật giáo thì tâm thức nhất thiết mang bản chất rạng ngời và khả năng nhận biết. Do đó các sự vướng mắc gây ra bởi xúc cảm không thể tồn tại bên trong thể chất tinh túy của tâm thức được. Vì thế các cung cách hành xử kém xây dựng cũng chỉ mang tính cách tạm thời, hời hợt và có thể loại bỏ được. Nếu như các xúc cảm tàn phá, chẳng hạn như sự giận dữ, thuộc vào bản chất [tự nhiên] của tâm thức thì ngay từ khởi thủy lúc nào tâm thức cũng phải ở trong tình trạng giận dữ. Thật hiển nhiên là điều đó không đúng. Sở dĩ chúng ta nổi nóng là vì một số các cảnh huống nào đó xảy ra với mình, do đó nếu các cảnh huống ấy không xảy ra thì cơn giận dữ cũng sẽ không bùng lên.

Vậy những cảnh huống nào sẽ dễ đưa đến sự giận dữ và hận thù? Mỗi khi chúng ta nổi giận thì đối tượng của sự nổi giận đó có vẻ thật đáng ghét, thế nhưng bình thường thì nó không đến nỗi đáng ghét đến như thế. Sở dĩ chúng ta nổi nóng là vì có một người nào đó làm một điều gì sai trái, gây ra tai hại cho mình hay một người bạn của mình.

Vậy thì cái tôi nào đang bị người khác gây ra tai hại cho nó?

[Nêu lên thắc mắc trên đây] là cách cho thấy là mình vừa cảm nhận được chủ thể của sự giận dữ tức là tôi và đối tượng của nó tức là kẻ thù, cả hai đều hiện ra rất thật và hoàn toàn độc lập với nhau. Chẳng qua vì chúng ta cho rằng các sự hiển hiện đó mang bản chất tự tại, thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là hậu quả phát sinh từ cơn giận dữ mà thôi (“cái tôi” và “kẻ thù” là hậu quả phát sinh từ sự giận dữ, không phải là bản chất tự tại của tôi và của kẻ mà tôi cho rằng là kẻ thù của tôi. Tất cả các thứ ấy chỉ là những biểu hiện bên ngoài. Xin nhắc lại trên đây Đức Đạt-lai Lạt-ma cho biết là “bản thể của tâm thức là trong sáng” trong khi đó “các xúc cảm tàn phá là những gì tạm thời và hời hợt bên ngoài”). Do đó, khi cơn giận vừa mới chớm loé lên thì chúng ta nên sử dụng ngay cách lý luận trên đây để tự hỏi:

Cái tôi ấy là ai? Ai là người bị kẻ khác làm thương tổn? Kẻ thù là ai? Có phải là thân xác [của kẻ ấy]? Hay là tâm thức [của kẻ ấy là kẻ thù của mình]?

[Sau khi tự hỏi như thế] thì các bạn cũng sẽ khám phá ra rằng kẻ thù có vẻ hiện hữu rất thật mà trước đây mình tạo dựng ra nó để làm đối tượng cho sự giận dữ của mình, dường như tự biến mất, và cả cái tôi của mình cũng vậy, do mình tạo dựng ra nó và xem nó như là có thật một cách tự tại để gánh chịu sự thương tổn [do kẻ thù của mình gây ra] cũng theo đó mà biến mất (xin lưu ý là cách lý luận trên đây thuộc vào một phép luyện tập thiền định rất đặc thù của Phật giáo Tây Tạng gọi là “Thiền định phân giải”/Analytical meditation, không thấy có trong thiền học Zen. Phép thiền định của thiền học Zen nói chung dường như chịu ảnh hưởng của khái niệm “vô vi” – không làm gì cả –  trong Lão giáo).

Hãy suy nghĩ về những điều trên đây. Sở dĩ chúng ta nổi giận đối với một người nào đó là vì người này ngăn cản các sự thèm muốn của mình. Sự giận dữ đó được kích động bởi các ý niệm sai lầm đối với đối tượng [của sự giận dữ] và cả cái tôi của mình, với tư cách là kẻ thù và nạn nhân, đúng là như thế và tự tại là như thế. [Thế nhưng] hận thù không phải là thành phần căn bản của tâm thức, mà đơn giản chỉ là một cung cách hành xử không dựa vào một nền tảng vững chắc nào cả (“cái tôi” dưới hình thức “chủ thể” và “kẻ thù” dưới hình thức “đối tượng” không mang tính cách tự tại).

Tình thuơng yêu trái lại được xây dựng trên sự thực. Từ muôn thuở, một thái độ hành xử xây dựng trên một nền móng vững chắc, khi phải đối đầu với một thái độ thiếu hẳn nền móng đó, thì tất nó sẽ thắng thế. Do đó, các phẩm tính thuộc tâm thức có thể thăng tiến bất tận (tâm thức đích thật mang bản chất tinh khiết và trong sáng do đó sẽ luôn thắng thế và thăng tiến bất tận giúp mình trở thành một vị Phật, trong khi đó các xúc tàn phá chỉ là bên ngoài và tạm thời và do đó có thể loại bỏ được), đồng thời sức mạnh của các liều thuốc hóa giải càng lúc càng gia tăng, và các xúc cảm tàn phá càng lúc càng yếu dần và sau cùng sẽ tan biến hết. Vì tâm thức nhất thiết mang bản chất rạng ngời và khả năng hiểu biết nên tất cả chúng ta đều được trang bị một nền tảng thiết yếu giúp mình đạt được Giác Ngộ.

Đức Dalai Lama XIV