12573848_991079560965392_6344889389675378068_n

Tỉnh Thức Tự Giải Thoát

Đạo sư của Uddiyana nói: Hãy nghe, Tsogyal. Khi dạy những giáo huấn trực tiếp của Đại Ấn, có bốn điểm: Đại Ấn của cái thấy, Đại Ấn của thiền định, Đại Ấn của quả, và Đại Ấn của tu hành.

Trước hết, về Đại Ấn của cái thấy, một tantra nói:

Đại Ấn của cái thấy là bản tánh cơ bản của tâm,

Với không có cái gì để chứng minh hay bác bỏ.

Theo cách này, Đại Ấn không có chỗ nương tựa, không có điểm quy chiếu, bản tánh là vô sanh và không chết qua các hoàn cảnh. Trò chơi của nó là không giới hạn và là trạng thái tự nhiên, bản tánh căn bản của tất cả mọi cái có thể được biết.

Hơn nữa, những đức hạnh của nó không cần sản xuất ra và cũng không có khuyết điểm phải loại bỏ, tương tự tin một sợi dây là con rắn. Chính ý niệm con rắn là sai lầm chứ không phải sợi dây; dù ngay cái nhìn đầu tiên nó có vẻ là một con rắn, con chứng ngộ rằng nó chỉ là một sợi dây. Sợi dây không cần được chứng minh mà con rắn cũng không cần được bác bỏ, dù một chút nhỏ. Trong cách ấy, bản tánh căn bản của mọi sự vật chính nó là bản tánh của Đại Ấn. Thế nên không cần tạo ra tính tỉnh thức không có tư tưởng và cũng không có tư tưởng cần loại bỏ. Tỉnh thức không có tư tưởng là trực tiếp hiện diện khi đang tư tưởng, và như vậy – không thuộc về phạm trù như thường hay đoạn, hoặc người tri giác hay cái được tri giác – nó được biết là thanh tịnh bổn nguyên và toàn thiện.

Thứ hai, về Đại Ấn thiền định, một tantra nói:

     Hãy để cho bản tánh của bạn an trụ không bám níu;

Đó là Đại Ấn của trạng thái thiền định.

Theo cách này, Đại Ấn thiền định là cho phép bản tánh nguyên thủy của con như nó là mà không nắm giữ bất cứ cái gì trong tâm. Như thế, nó không phải là kết quả của tư tưởng, không đòi hỏi, không là cái gì có hay không; nó không xung đột và không làm gì, và không loại bỏ cái gì cả.

Hơn nữa, bằng cách để như vậy trong tính tự nhiên, không cần sửa sang bằng một phương thuốc đối trị, chỉ như đại dương và những làn sóng. Khi một làn sóng chuyển động trên đại dương, nó khởi từ và chìm lại vào đại dương. Làn sóng không khác với đại dương và đại dương không khác làn sóng. Như làn sóng trong đại dương, hãy thanh thản là vị bình đẳng. Giống như thí dụ này, trong Đại Ấn của tinh túy tâm bạn, bản tánh không dính dáng với tư tưởng (vô niệm), hãy ở hoàn toàn trong tính tự nhiên. Chớ giữ gì trong tâm. Bất cứ tư tưởng nào sanh khởi thì ngay khoảnh khắc sanh khởi, không lìa khỏi cái tỉnh thức không dính dáng gì với tư tưởng và không sai lầm. Tư tưởng sanh khởi từ con, xuất hiện với con, và tan biến trong con. Vào lúc ấy, trạng thái tự nhiên không phải là cái gì con có thể nghĩ đến, cũng không thể chỉ ra bằng lời.

Không có nhị nguyên người tri giác và cái được tri giác, nó không phải là cái gì hiện hữu. Bởi vì cái tỉnh thức bất nhị này kinh nghiệm trong mọi cách có thể, nó không phải là cái gì không hiện hữu. Và bởi vì hai cấp độ này của thực tại không thể phân chia, nó không có xung đột.

Bởi vì mọi hiện tượng bị hiểu lầm được đóng dấu với ấn của nó, nó không loại trừ cái gì. Và như vậy, vốn là tự do, nó được biết như là trạng thái bổn nguyên của tự giải thoát.

Thứ ba, về Đại Ấn quả, một tantra nói:

   Bản thân nền tảng chín thành quả

   Đó là Đại Ấn của quả.

Theo cách này, Đại Ấn quả là khi bản tánh căn bản, trạng thái tự nhiên của mọi sự có thể biết, đã được chín thành chứng ngộ. Nói cách khác, tinh túy của nó, pháp thân, là đồng nhất với tánh Không; bản tánh của nó, báo thân, được phú cho những phương tiện thiện xảo của tỉnh thức sáng tỏ; và khả năng của nó, hóa thân, là sự diễn đạt tự nhiên, không ngăn ngại của nó.

Dùng một thí dụ, khi một hạt giống đã chín thành một bông (như bông lúa), chỉ hạt giống phát triển thành bông hạt. Không có bông hạt lìa khỏi hạt giống, và ngoài bông hạt, không có cái gì do hạt giống chín thành. Như sự tương tự này, quả là tâm bổn nguyên của con, trạng thái căn bản, thanh tịnh tự nhiên – sau vô số loại biến điệu tạm thời lại chìm vào chính nó. Nó đơn giản là trạng thái tự nhiên như nó là.

Nó là tinh túy trống không của tâm con, một trạng thái không giới hạn của tính tỉnh thức, đó là pháp thân. Nó là bản tánh sáng tỏ của tâm con, kinh nghiệm không thể diễn tả bằng lời, đó là báo thân. Nó là khả năng diễn đạt của tâm con, sự tự giải thoát của mỗi khoảng khắc của kinh nghiệm, đó là hóa thân.

Thứ tư, về Đại Ấn tu hành, một tantra nói:

   Để sanh ra những ban phước liên tiếp,

   Có Đại Ấn của tu hành.

Con phải thỉnh cầu những giáo huấn bằng miệng từ một vị thầy có sự trao truyền, chứng ngộ, và lòng bi. Từ ngày đó trở đi, con phải khẩn cầu ngài, nhìn ngài không phải như một sắc thân (rupakaya) mà chỉ là pháp thân. Không để cho có sự chia cách nào, hãy hoà tan vào ngài với mong mỏi sâu thẳm, để cho với những ban phước của thầy sự chứng ngộ Đại Ấn sanh khởi tự phát. Cái này – đường tắt đầy đủ phi thường mà không cần dựa vào bất kỳ phương pháp nào khác trong hai cấp độ – được biết là Đại Ấn của tu hành.

Để dùng một tương tự, khi mặt trời chiếu sáng và con có một thấu kính không bị dơ hay hư hại, rêu khô sẽ bắt lửa ngay lúc con xếp đặt đúng ba cái. Tương tự, khi những ban phước của vị thầy, sự sùng mộ của chính con, và lòng thành tâm thanh tịnh của con đều trùng hợp, cái tỉnh thức bổn nguyên là Đại Ấn tự động sanh khởi bằng cách chỉ cầu khẩn với một mong mỏi sâu thẳm.

Bây giờ là phương pháp để bảo đảm rằng thân tâm con được tịnh hoá. Sau khi nhận những giáo huấn bằng miệng, ban đầu đi đến một nơi chốn hẻo lánh và ở đó trong đơn độc. Rồi vứt bỏ mọi mục tiêu khác, hoàn toàn quy thuận – tạo thành khuôn khổ này của tâm, lập đi lập lại: “Thật là hoang phí khủng khiếp nếu ta xài phí thân thể tự do và quý báu này, chỉ được một lần này! Không có gì là chắn chắn, ta sẽ làm gì nếu tối nay phải chết hoặc ngay bây giờ! Tâm ta chưa đạt được an định vững chắc. Và sau khi ta chết, không có gì và không có ai đi cùng ta!”

Bấy giờ, quy y và nguyện Bồ đề tâm nhiều lần. Hãy dùng những phương pháp khác nhau để tịnh hóa những che ám của con và gom góp những tích tập. Nhưng đặc biệt, hãy quán tưởng bổn sư của con trong trái tim, nghĩ rằng, “Chỉ có ngài là Đại Ấn, Phật pháp thân!” Hãy khẩn cầu ngài với thành tâm mạnh mẽ, cho đến khi mệt. Bấy giờ ý thức con sẽ trở thành một trạng thái trống không, thoát khỏi tư tưởng (vô niệm), một kinh nghiệm trong sáng không thể tả hay một trạng thái lạc không có bám chấp. Hãy nhận biết, “Chỉ cái này là tâm của guru, tâm của chính ta, Đại Ấn của pháp thân!” và hãy để cho nó như vậy trong tự do tự phát của trạng thái của tự nhiên căn bản.

Trước hết, hãy tu hành trong những thời ngắn lập lại nhiều lần, và qua việc này sự suy nghĩ của con sẽ bay hơi như sương. Rồi kéo dài những thời công phu/thiền và khi làm vậy hãy ở trọn vẹn trong vô niệm. Cuối cùng, vượt khỏi những thời thiền và những thời sau thiền định, con sẽ trải rộng vào một trạng thái trong đó mọi sự là bản tánh đơn nhất của dharmata (pháp tánh).

Trong những thời sau thiền định, hãy tiến hành mọi hoạt động hàng ngày của con trong một trạng thái rộng khắp và liên tục của tính tỉnh thức trong sáng, thoát khỏi những hành động của tâm thức. Nhưng dù trạng thái tự nhiên này bây giờ là một hiện thực với con, hãy tiếp tục trau dồi một lòng bi bao la cho chúng sanh và những nguyện rằng hạnh phúc của những người khác có thể thành tựu tự phát trong cách không hành động.

Đây chỉ là một phần giáo lý “Tính tỉnh giác Tự Giải thoát: những giáo huấn trực tiếp của Đại Ấn.”

SAMAYA [ ẤN, ẤN, ẤN.]

Đức PADMASAMBHAVA

Trích: Những kho tàng từ đỉnh cây tùng xù

Giáo huấn tối hậu và kỳ diệu này, một terma khám phá lại của Drimey Kunga, được phát hiện như là một phép lạ thành tựu bởi Pema Ӧsel Do_Ngak Lingpa ở Phần thẳng đứng của Núi đá Đỏ, sau đó được trao cho Orgyen Chimey Tennyi Yungdrung Lingpa. Nguyện nó khiến dòng chân thật của chứng ngộ trải rộng và nở hoa như không gian trải khắp.(1)

(1) Pema Ӧsel Do_Ngak Lingpa là tên của Jamyang Khyentse Wangpo và Orgyen Chimey Tennyi Yungdrung Lingpa là tên terton của Jamgӧn Kongtrül Lodrӧ Thaye.