Gampopa 2

Vị Thầy Tâm linh tốt lành

Có câu nói rằng: “Điều kiện đặc biệt là vị Thầy tâm linh tốt lành.” Điều này có nghĩa là cho dù ta đã có nền tảng tuyệt hảo nhưng thiếu sự khuyến khích của các vị Thầy tâm linh tốt lành (1), là người tượng trưng cho điều kiện (2) (để đạt được giác ngộ), ta sẽ khó có thể tiến bộ trên con đường dẫn đến giác ngộ. Đó là bởi những khuynh hướng xấu xa, những ác hạnh trong những đời trước và bởi năng lực của điều kiện. Vì thế sự hỗ trợ của các vị Thầy tâm linh là điều cần thiết. Chủ đề này được tóm lược như sau: “Sự hỗ trợ của các vị Thầy tâm linh được đề cập qua sáu điểm: chứng minh, phân loại, tính chất cụ thể của mỗi loại, làm thế nào để nối kết với các ngài một cách khéo léo và những lợi lạc của việc làm như thế.”

1. Chứng minh

Sự cần thiết phải có sự hỗ trợ của những vị Thầy tâm linh tốt lành được chứng minh theo ba cách – theo Kinh điển, theo luận lý và bằng cách loại suy.

1a. Chứng minh dựa trên kinh điển

Trong prajñâpâramitâsamcayagâthâ (3) (Kinh Bát nhã Ba la mật Cô đọng trong các bài kệ) có nói:

“Các đệ tử tốt lành hết lòng với các vị Thầy của họ nên luôn luôn được dẫn dắt bởi các vị Thầy tâm linh hiền trí và thiện xảo. Vì sao? Bởi đó là cách để các phẩm tính thiện xảo và trí tuệ của họ xuất hiện.”

Trong astasâhasrikâ-prajnâ-pâramitâ (4) (Kinh Bát nhã ba la mật trong Tám ngàn Đoạn Kệ) có nói:

“Như vậy các Bồ Tát-Ma Ha Tát (5) ước muốn đạt được sự giác ngộ (6) vô song, hoàn toàn thuần tịnh và viên mãn – một cách tuyệt đối và chân thực – ngay từ lúc bắt đầu, các vị ấy nên tìm kiếm, nối kết và phụng sự các vị Thầy tâm linh tốt lành.”

1b. Chứng minh dựa trên lý luận

Nó được suy luận: “…bởi bạn ước muốn đạt được sự toàn trí [chủ từ], bạn cần tạo mối quan hệ với những vị Thầy tâm linh tốt lành [vị ngữ] bởi bản thân bạn không biết cách tích tập của cải tâm linh mà cũng không biết cách xua tan các che chướng [lý lẽ].” Chư Phật trong ba thời (7) là một ví dụ minh chứng cho khẳng định này. Các vị Phật Độc giác là một ví dụ cho điều trái ngược. Điều ở trên được giải thích như sau: để thành tựu Phật quả viên mãn, ta cần phải tích tập mọi của cải tâm linh (8), được tóm tắt trong phạm vi của điều tốt lành và giác tánh nguyên sơ (9), và sự tích tập của chúng phụ thuộc vào vị Thầy của ta. Hơn nữa, sẽ cần phải rũ bỏ mọi che chướng, được tóm tắt trong phạm vi của những che chướng ô nhiễm và che chướng nhận thức (phiền não chướng và sở tri chướng). Việc tiệt trừ các che chướng này cũng tùy thuộc vào vị Thầy của ta.

1c. Chứng minh bằng sự tương đồng

Vị Thầy tâm linh tốt lành như một người dẫn đường khi đi trên con đường xa lạ, như một người hộ tống khi đang ở trong một xứ sở nguy hiểm và như một người chèo thuyền khi vượt qua một con sông hùng vĩ.

Giảng về ví dụ thứ nhất: người dẫn đường

Nếu ta du hành trong những xứ sở xa lạ mà không có người dẫn đường, ta có nguy cơ bị lạc hướng hay phải đi một đường vòng dài hay ngắn. Trái lại, nếu có một người dẫn đường đi cùng thì ta không gặp nguy hiểm nào và có thể đến đích mà không bước chân nào bị lãng phí. Tương tự như thế, khi ta khởi hành trên con đường dẫn đến giác ngộ vô song và đang hướng đến trạng thái giác ngộ viên mãn, nếu không có một vị Thầy Đại thừa tốt lành, ta có nguy cơ sử dụng một con đường sai lạc (10) hay, cho dù không trệch hướng quá xa, ta có nguy cơ đi một đường vòng lớn của các Thanh Văn hay đường vòng nhỏ của các vị Phật Độc giác.

Khi được đồng hành bởi một vị Thầy tâm linh tốt lành như một người dẫn đường, các nguy hiểm như hoàn toàn đi sai đường hay đi một đường vòng lớn hay nhỏ sẽ không còn nữa, và ta sẽ đi đến cung thành toàn trí. Vì thế trong tiểu sử của Srishambhava có nói: “Khi dẫn dắt ta trên con đường đi tới bờ kia, vị Thầy tâm linh giống như một người dẫn đường.”

Giảng về ví dụ thứ hai: người hộ tống

Khi đi tới những nơi khủng khiếp nhiều tai họa như những kẻ trộm cướp, dã thú v.v.. mà không có người hộ tống, ta lo sợ cho sự an toàn của thân thể, của cải và ngay cả mạng sống của ta. Tuy nhiên nếu có một người hộ tống đầy năng lực cùng đi với ta, ta có thể vượt qua không chút rủi ro.

Tương tự như thế, khi ở trên con đường dẫn đến giác ngộ, tích tập của cải tâm linh và hướng về cung thành toàn trí, nếu ta không có một vị Thầy tâm linh tốt lành làm người hộ tống, của cải đức hạnh của ta có nguy cơ bị những kẻ trộm cướp đánh cắp – các ý niệm và ô nhiễm tâm thức ở bên trong và những thế lực xấu ác và những ảnh hưởng sai lạc ở bên ngoài. Thậm chí ta thật liều mạng khi sống trong những cảnh giới mà hạnh phúc bị thu ngắn lại. Vì thế có câu nói rằng:

“Ngay khi băng trộm cướp – những ô nhiễm – tìm được cơ hội, chúng sẽ lấy đi đức hạnh của ta và thậm chí chấm dứt cuộc đời ta trong những trạng thái cao (11)”

Nếu ta không xa rời vị Thầy tâm linh tốt lành, người giống như người hộ tống, của cải đức hạnh của ta sẽ không bị mất mát, sự hiện hữu của ta như một chúng sinh trong các cõi giới cao sẽ không bị thu ngắn và ta sẽ đoạt được cung thành toàn trí. Vì thế trong tiểu sử của Srisambhava có nói:

“Mọi công đức của một Bồ Tát được bảo vệ bởi một vị Thầy tâm linh tốt lành.”
Ta cũng đọc được trong tiểu sử của Upasika Acala:

“Các vị Thầy tâm linh tốt lành như một người hộ tống bởi các ngài bảo đảm cho chuyến đi đến trạng thái toàn trí của chúng ta được an toàn.”

Giảng về ví dụ thứ ba: người chèo thuyền

Khi vượt qua một con sông lớn bằng một chiếc thuyền, ta có thể ở trên thuyền nhưng nếu không có người chèo thuyền thì ta không thể sang được bờ bên kia và con thuyền có thể bị chìm hay bị những dòng nước cuốn đi. Với một người chèo thuyền và nhờ nỗ lực của ông, ta sẽ đến bờ bên kia.

Tương tự như thế, khi ta cố gắng vượt qua đại dương sinh tử mà không có vị Thầy tâm linh tốt lành như người chèo thuyền, rất có thể ta có mặt trên con tàu Giáo Pháp nhưng ta bị chìm vào sinh tử hay bị những dòng nước cuốn đi. Vì thế có câu nói:

“Khi không có người chèo thuyền, chiếc thuyền sẽ không đến được bờ bên kia. Mọi phẩm tính có thể đầy đủ nhưng không có một vị Thầy thì sự hiện hữu sẽ không bao giờ chấm dứt.”

Khi ta nhận được sự hỗ trợ của một vị Thầy tâm linh tốt lành như người chèo thuyền, ta sẽ đạt được niết bàn, miền đất khô ráo bên kia bờ sinh tử. Vì thế trong Kinh Hoa Nghiêm có nói:

“Bởi vị Thầy tâm linh tốt lành giải thoát chúng ta khỏi đại dương sinh tử nên ngài giống như một người chèo thuyền.”

Vì thế ta thực sự cần được cứu giúp bởi các vị Thầy tâm linh tốt lành, là những vị giống như những người dẫn đường, hộ vệ và chèo thuyền.

2. Các loại vị Thầy tâm linh khác nhau

Có bốn loại khác nhau: vị Thầy tâm linh tốt lành là

* một con người cụ thể (12),
* một Bồ Tát đã an lập trong các trạng thái siêu phàm (13),
* một nirmānakāya (Hóa Thân) (14) của một vị Phật
* một phương diện sambhogakâya (Báo Thân) (15) của một vị Phật.

Các vị Thầy này tương ứng với hoàn cảnh của ta: bởi khi ta là một người sơ học trong Pháp, ta hoàn toàn không thể nối kết với chư Phật hay Bồ Tát, ta phải nối kết với một vị Thầy tâm linh tốt lành trong thân tướng của một con người cụ thể (16). Khi ta đã tịnh hóa hầu hết các nghiệp chướng, ta có thể nối kết với một vị Thầy tâm linh tốt lành là một Bồ Tát trong những trạng thái siêu phàm. Từ cấp độ lớn hơn của giai đoạn tích tập (17) trở về sau ta có thể gắn bó với một vị Thầy tâm linh tốt lành trong thân tướng của một Hóa Thân của một vị Phật và khi ta đã đạt được những trạng thái siêu phàm thì ta có thể nối kết với một vị Thầy tâm linh tốt lành trong thân tướng Báo Thân của một vị Phật.

Đối với chúng ta loại nào trong bốn loại vị Thầy là tốt lành nhất? Vào lúc bắt đầu, khi chúng ta vẫn còn ở trong hố sâu tăm tối của nghiệp và sự ô nhiễm, nếu ta cố gắng nối kết với những vị Thầy tâm linh tốt lành thuộc ba loại sau, thậm chí ta không thể nhìn thấy diện mạo của các ngài. Chỉ nhờ những con người cụ thể là các vị Thầy đưa cao ngọn đèn soi sáng cho con đường của ta mà cuối cùng ta sẽ gặp được các ngài. Vì thế các vị Thầy tâm linh trong thân tướng của những con người cụ thể thì tốt lành nhất.

3. Các tính chất cụ thể của mỗi một trong bốn loại vị Thầy tâm linh tốt lành

Chư Phật hiện thân hình thức tối thượng và viên mãn nhất của sự tịnh hóa bởi các ngài đã tiệt trừ cả hai loại che chướng (18). Các ngài cũng hiện thân hình thức trí tuệ nguyên sơ tối thượng, viên mãn nhất bởi các ngài sở hữu hai hiểu biết (19). Các vị Thầy tâm linh tốt lành là các Bồ Tát trong những trạng thái siêu phàm sẽ có cấp độ tịnh hóa và trí tuệ nguyên sơ thích hợp với cấp độ đặc biệt của các ngài, từ cấp độ thứ nhất cho tới cấp độ thứ mười (sơ địa tới thập địa). Các Bồ Tát có tầm quan trọng đặc biệt là các Bồ Tát đệ bát địa cho đến thập địa bởi các ngài có mười năng lực để có thể chăm sóc chúng sinh: các năng lực đối với thọ mạng, tâm thức, các nhu cầu cần thiết, hành động (nghiệp), sự sinh ra, nguyện ước, các lời nguyện, những điều huyền diệu, giác tánh nguyên sơ và Giáo pháp.

Năng lực đối với thọ mạng là khả năng sống lâu dài trong một thế giới theo ước nguyện, năng lực đối với tâm là khả năng đi vào một trạng thái thiền định sâu xa (20) như ước nguyện, năng lực đối với những nhu cầu cần thiết là năng lực trút xuống một trận mưa vô hạn những vật quý báu trên chúng sinh, năng lực đối với hành động là khả năng hoàn thiện những kết quả của hành động (nghiệp) (21) – trong phạm vi của cõi giới (22), trạng thái (23), loại hiện hữu và cách sinh ra (24) – khiến các kết quả ấy được kinh nghiệm trong những cách thế ích lợi hơn, năng lực đối với việc sinh ra là khả năng sinh ra trong dục giới nhưng luôn luôn duy trì sự thiền định sâu xa và không kinh nghiệm bất kỳ hình thức suy hoại nào, không hề bị nhơ uế bởi những xấu ác của trạng thái đó, năng lực để hoàn thành nguyện ước là khả năng chuyển hóa các yếu tố (các đại) – đất, nước v.v..- thành một yếu tố khác như ước muốn, năng lực cầu nguyện là khả năng cầu nguyện và thực hiện những lời cầu nguyện để hoàn thành một cách đúng đắn nhất hạnh phúc của bản thân và chúng sinh; cũng là khả năng biến lời cầu nguyện thành hiện thực, năng lực đối với các điều huyền diệu (năng lực thần thông) là khả năng biểu lộ vô số điều huyền diệu và siêu nhiên để khơi dậy sự khát khao nơi chúng sinh, năng lực giác tánh nguyên sơ là sự hiểu biết bao gồm ý nghĩa tối thượng, theo cách thế tốt nhất có thể có, của Pháp, của các ý nghĩa, của thuật ngữ, ý nghĩa chân thật của ngôn từ và sự kiên trì khéo léo của Bồ Tát1 (25) và
năng lực về Pháp là khả năng giảng dạy chúng sinh số lượng Giáo pháp thích đáng, phù hợp với họ. Năng lực này được thành tựu bằng cách trình bày tất cả những danh từ, thuật ngữ và tính chất khác nhau của Pháp, trong các Kinh điển (26) và giáo lý khác bằng một phương pháp khiến mỗi người đều hiểu được lời dạy qua ngôn ngữ của vị Thầy và bằng một cách thức làm cho người nghe hoàn toàn hài lòng và thấu hiểu với trí lực của họ.

Là những con người cụ thể, các vị Thầy tâm linh tốt lành được mô tả là có tám, bốn hay hai phẩm hạnh tiêu biểu.

Tám phẩm hạnh Trong bodhisattvabhûmi (Bồ Tát Địa) nói: “…liên quan đến điều ở trên, nếu một người có tám phẩm hạnh thì người ấy được gọi là một Bồ Tát có đầy đủ tư cách của một vị Thầy tâm linh tốt lành. Tám phẩm hạnh là gì? Đó là:

1. có giới hạnh đúng đắn của một Bồ Tát,
2. đã nghiên cứu thấu đáo Kinh điển Bồ Tát
3. có sự chứng ngộ (27),
4. tốt lành và thương yêu các môn đồ,
5. không sợ hãi (vô úy)
6. kiên nhẫn,
7. không mệt mỏi và
8. biết cách sử dụng ngôn từ.”

Bốn phẩm hạnh Trong Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận có nói:

“Có nền tảng rộng lớn, bậc tiệt trừ hoài nghi, xứng đáng để nhớ tưởng và giảng dạy hai tính chất – những vị Thầy Bồ Tát vô cùng tuyệt hảo là như thế,” có nghĩa là:

1. Giáo lý của các ngài có nền tảng hết sức rộng lớn bởi các ngài đã nghiên cứu nhiều vấn đề,
2. Các ngài có thể giải trừ những hoài nghi của chúng sinh bởi bản thân các ngài có sự tỉnh giác sâu sắc tuyệt vời,
3. Lời dạy của các ngài đáng để nhớ tưởng bởi hành động của các ngài là hành động của các thánh nhân và
4. Các ngài giảng dạy hai tính chất, có nghĩa là các tính chất hoàn toàn ô nhiễm và tuyệt đối thanh tịnh.

Hai phẩm hạnh Trong Bồ Tát Hạnh có nói: “Các vị Thầy tâm linh tốt lành kiên định là những vị có kinh nghiệm về ý nghĩa của Đại thừa, không bao giờ từ bỏ các đệ tử Bồ Tát cao quý cho dù phải đánh đổi bằng mạng sống của mình.”

1. Các ngài có kinh nghiệm về ý nghĩa của Đại thừa và
2. Các ngài đã duy trì những hứa nguyện Bồ Tát của mình.

4. Làm thế nào để nối kết một cách khéo léo với các vị Thầy tâm linh tốt lành

Khi ta đã tiếp xúc được với những vị Thầy tâm linh tốt lành như thế, có ba cách để được các ngài hỗ trợ:
a. Bằng cách biểu lộ sự tôn kính và phụng sự,
b. Bằng cách trau dồi sự kính trọng và sùng mộ thích đáng và
c. Bằng sự thực hành và nhiệt tâm của ta.

4a. Tôn kính và phụng sự

Điều đầu tiên trong hai điều này, tỏ lòng tôn kính, cùng với sự lễ lạy, nhanh chóng đứng dậy (28), cúi chào, đi nhiễu, nói năng vào lúc thích hợp với một tâm từ ái, thường nhìn các ngài với một cách tha thiết v.v.. Điều này được minh chứng bằng cách thức mà “Đại Phú,” con trai của một thương gia đầy quyền lực, liên hệ với vì Thầy tâm linh của mình. Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói:

“Hãy nhìn vị Thầy tâm linh tốt lành của ông thật tha thiết. Vì sao? Các vị Thầy tâm linh thật hiếm thấy, hiếm khi hiển lộ và rất ít khi gặp được.”
Điều thứ hai, làm thế nào để liên hệ với các vị Thầy tâm linh của ta bằng cách phụng sự các ngài, được thành tựu bằng việc chú tâm đến nhu cầu của các ngài, có nghĩa là bằng cách cung cấp tiền bạc, các loại thực phẩm, y phục, chăn mền, ghế ngồi, thuốc men khi các ngài không khỏe v.v.. phù hợp với giáo lý của Đức Phật. Điều này được thực hiện mà không quan tâm đến đời sống hay sức khỏe của ta, như được bậc chứng ngộ (29) “Thường Đề” minh chứng. Ta đọc trong tiểu sử của Srisambhava:

“Sự giác ngộ của một vị Phật được thành tựu nhờ phục vụ các vị Thầy tâm linh.”

4b. Kính trọng và sùng mộ

Xác tín rằng Thầy của ta là một vị Phật, ta coi tất cả những điều ngài nói là giáo huấn và không bao giờ vi phạm những lời dạy đó, luôn luôn trau dồi sự kính trọng, sùng mộ và niềm tin hỉ lạc. Điều này được minh họa bằng cách thức Đại thành tựu giả Naropa liên hệ với vị Thầy của mình. Trong “Bà Mẹ của các Đấng Chiến Thắng” (Bát nhã ba la mật đa) (30) có nói:

“Con nên trau dồi sự kính trọng đối với những vị Thầy tâm linh tốt lành, đi theo các ngài và có niềm tin hỉ lạc.”

Ngoài ra, ta nên từ bỏ những tư tưởng tiêu cực về cách hành xử cá nhân của vị Thầy mà trong thực tế đó là bởi các ngài đang sử dụng kỹ thuật thiện xảo (31), và thay vào đó hãy trau dồi lòng sùng mộ cao quý nhất đối với cách hành xử đó. Điều này được minh họa trong tiểu sử của Vua Anala.

4c. Thực hành và nhiệt tâm

Ta tu tập ba lãnh vực thực hành: nghiên cứu Pháp dưới sự dẫn dắt của vị Thầy, suy niệm ý nghĩa của nó và khiến nó trở thành một thực tại được kinh nghiệm. Ta nên làm điều này với nhiệt tâm và trong tất cả mọi sự, chính các tu tập này sẽ được vị Thầy cảm kích nhất. Trong Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

“Liên kết với các vị Thầy bằng cách thực sự thực hành thật đúng đắn những gì ngài đã dạy là điều làm các ngài hài lòng nhất.”

Khi các vị Thầy của ta hài lòng, ta sẽ đạt được Phật quả: trong tiểu sử của Srisambhava có nói:

“Nếu ta làm vui lòng vị Thầy, ta sẽ đạt được giác ngộ của tất cả chư Phật.”
Về việc khẩn cầu Giáo Pháp từ các vị Thầy, có ba giai đoạn: sự chuẩn bị, giáo huấn thực sự và kết luận. Sự chuẩn bị là có thái độ Bồ Tát – Bồ đề tâm – khi khẩn cầu giáo lý. Trong khi nhận giáo huấn thực sự, ta nên xem mình như người bệnh, Pháp như một phương thuốc, vị Thầy như bác sĩ của ta và sự thực hành Pháp một cách tha thiết là phương pháp tuyệt hảo và nhanh chóng nhất để hồi phục. Kết luận là tránh ba sai lầm: giống như một chiếc bình lật úp, một chiếc bình lủng hay một chiếc bình bị nhiễm độc.

5. Những lợi ích của việc được các vị Thầy tâm linh tốt lành hỗ trợ

Trong tiểu sử của Srisambhava cũng nói:

“Con cái tốt lành của ta! Một Bồ Tát được một vị Thầy tâm linh tốt lành chăm sóc đúng đắn sẽ không rơi xuống các trạng thái thấp. Một Bồ Tát được một vị Thầy tâm linh tốt lành che chở sẽ không bị lạc hướng bởi bạn bè hư hỏng. Một Bồ Tát được một vị Thầy tâm linh tốt lành dạy dỗ đầy đủ sẽ không rời bỏ con đường Bồ Tát. Một Bồ Tát được nâng đỡ tuyệt hảo nhất sẽ hoàn toàn siêu vượt hoạt động của những người tầm thường.”

Bát nhã ba la mật đa nói thêm: “Một Bồ Tát ma ha tát được chăm sóc đúng đắn nhất sẽ nhanh chóng đạt được giác ngộ vô song, hoàn toàn thanh tịnh và viên mãn.”

Tổ Gampopa
Việt dịch: Thanh Liên

(1) vị Thầy tâm linh tốt lành – thuật ngữ Tây Tạng dge.ba’i.bshen.gnyen thật biểu cảm, có nghĩa là bằng hữu và người thân thuộc thiện lành. Nó mang lại những cảm xúc của sự thân thiết, tốt lành và sự dẫn dắt nơi một điều gì cao quý, ở một người mà với ngài ta có một nối kết sâu xa (vì thế “thân thuộc.” Thuật ngữ này đôi khi được dịch là “thiện tri thức” – một thuật ngữ hay nhưng có thể bị – và đã từng – bị hiểu lầm trong các bài giảng. Vị Thầy tâm linh: “cố vấn kinh nghiệm và tin cậy.”

(2) điều kiện – điều này tiếp tục chủ đề toàn diện của quyển sách, nơi sự truy cầu giác ngộ được trình bày qua một sự tương đồng hầu như là nhân quả. Sau khi đưa ra nguyên nhân chính yếu cho việc nỗ lực đạt được giác ngộ vànền tảng, có nghĩa là hình thái sống, nơi nền tảng đó có thể được kích hoạt tuyệt hảo nhất, chương này chỉ rõ những hoàn cảnh hay các điều kiện phải có để sự kích hoạt vận hành. Minh họa một bông hoa là minh họa đơn giản và cổ điển cho những yếu tố căn bản của một sự tiến hóa được đặt nền trên nhân quả: nguyên nhân chính yếu là hạt giống, nền tảng là đất phì nhiêu và các điều kiện (duyên) là ánh sáng, hơi nóng, nước, phân bón v.v..

(3) Một bản ngắn của Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa.

(4) Kinh Bát nhã ba la mật trong Tám ngàn Đoạn Kệ.

(5) Bồ Tát-Ma Ha Tát – xem các chương sau về ý nghĩa tổng quát của Bồ Tát. Các Bồ Tát-Ma Ha Tát là những Bồ Tát đã đạt được sự chứng ngộ kiên cố chân thực về tánh Không (xem các chương 18 & 19 về các giai đoạn và cấp độ của con đường.)

(6) giác ngộ vô song, hoàn toàn thuần tịnh và viên mãn – ở đây, thuật ngữ giác ngộ (nghe giống “sự toàn giác” hơn trong tiếng Tây Tạng, diễn tả hai ý nghĩa chính của gốc bodh trong Phạn ngữ) được bổ nghĩa bằng một chuỗi các tĩnh từ. Điều này có lý do. Thuật ngữ sự giác ngộ (TT. byan.chub, Phạn: bodhi) và động từ thành tựu giác ngộ (TT. ‘tshang.rgya.ba, Phạn: bodh) được dùng trong các Kinh điển Phật giáo Bắc Tông để mô tả những trạng thái khác nhau, được thành tựu từ lúc đạt được sự chứng ngộ chân thực bất thối chuyển về tánh Không trở đi (quả vị thứ 1 trong 10 quả vị Bồ Tát). Khi ta đọc rằng sự giác ngộ là “giác ngộ viên mãn” – hay giác ngộ “vô song” hay “tuyệt đối thuần tịnh” hay, như ở đây, cả ba điều này – ta hiểu với sự xác tín rằng người ta đang nhắc đến sự giác ngộ của một vị Phật, sự thành tựu tối thượng.

(7) ba thời – quá khứ, hiện tại và tương lai.

(8) tích tập của cải tâm linh (TT: tsogs.bsags) – đôi khi được dịch sát nghĩa là “thâu thập các tích tập.” Hai phương diện chính của của cải này là trí tuệ và lòng bi mẫn. Lòng bi mẫn là từ đồng nghĩa với đức hạnh (là năm ba la mật đầu tiên – xem Chương 11).

(9) giác tánh nguyên sơ (TT. ye.śes, Phạn: jñâna) Một bộ từ Phạn ngữ được đặt nền tảng quanh chữ jñâ, nó có nghĩa đại khái là “giác tánh.” Người Tây Tạng trung thành với chữ này, tạo nên một bộ thuật ngữ tương đương chung quanh chữ śes. Cho đến nay các cách dịch Anh ngữ thuờng không cố gắng duy trì sự kiên định này và đã nỗ lực tìm ra thuật ngữ Tây phương gần gũi nhất với ý nghĩa riêng của mỗi thuật ngữ Tây Tạng hay Phạn ngữ. Trong một cố gắng vụng về để duy trì tính chất kiên định, các cách dịch dưới đây được đề nghị:

Phạn ngữ Tây Tạng Anh ngữ
jñâ na ye. Śes primordial awareness (giác tánh nguyên sơ)
pra jñâ śes. rab supreme awareness (giác tánh siêu việt)
sam jñâ ‘dus. śes ideating awareness (giác tánh quan niệm = nhận thức)
vi jñâ na r nam. śes specific awareness (giác tánh riêng biệt = ý thức)
jñâ na śes. pa awareness (giác tánh)

(10) sai lạc – một cách dịch không chính xác của thuật ngữ Tây Tạng mu.stegs.pa, là cách dịch của từ Phạn ngữtirthika, đôi khi được dịch một cách đáng ngờ sang Anh ngữ là heretic (dị giáo). Đôi khi thuật ngữ này được một vài Lạt ma Tây Tạng có thẩm quyền giải thích với sự tán thán hơn là xem thường: nó ám chỉ những người có ý hướng tâm linh tốt lành và tìm kiếm chân lý, nhưng đã chọn một quan điểm triết học không nhận biết chân lý tự nhiên – sự vô ngã. Thuật ngữ có thể chuyên chở một ý nghĩa gần với “những người giữ cửa,” “không chính thống” hay “những người ở trên những bậc thang chân lý” – nó áp dụng cho những người tốt lành mà sự hiểu biết có chút ít khiếm khuyết. Mặc dù thế, quả thực thuật ngữ này được những người Tây Tạng sử dụng nhiều hơn theo ý nghĩa “dị giáo.”

(11) các trạng thái cao – ba trạng thái, trong bối cảnh sáu phạm vi hiện hữu có hạnh phúc tương đối, tức là cõi thiên (trời), bán-thiên và cõi người.

(12) con người cụ thể (TT: so.so’i.skye.bo) – một thuật ngữ được sử dụng có thể hoán đổi với “người chưa thuần thục” để chỉ tất cả chúng sinh chưa thành tựu cấp độ (quả vị) đầu tiên trong các cấp độ hiểu biết sâu xa của Bồ Tát, có nghĩa là sự chứng ngộ xác thực về tánh Không.

(13) các trạng thái siêu phàm – mười cấp độ (quả vị) chính yếu (thập địa) của sự tiến hóa của một Bồ Tát nhờ sự chứng ngộ tánh Không: xem chương sau về các cấp độ và giai đoạn.

(14) Hóa Thân (Phạn: nirmanakâya, TT: sprul.sku) xem chương sau. Đây là những hình thức của tâm giác ngộ có thể được kinh nghiệm bởi những “con người cụ thể” (xem ở trên).

(15) Báo Thân (Phạn: sambhogakâya, TT: lons.spyod.rdzogs.pa’i.sku) – xem chương sau. Đây là các phương diện của tâm giác ngộ mà chỉ những tâm thuần tịnh của các Bồ Tát trong các trạng thái siêu phàm mới nhận thức được (xem chú thích 2 ở trên).

(16) Điều này có nghĩa là các vị Thầy tốt lành mà đối với chúng ta có vẻ là những con người cụ thể. Điều nằm sau hình tướng này có thể là cái gì đó từ một con người cụ thể xác thực trở thành một hiện thân của Phật. Xem đoạn văn sau.

(17) cấp độ lớn hơn của giai đoạn tích tập – xem các chương 19 và 20 về các giai đoạn và con đường. Đây là cấp độ thứ ba trong ba cấp độ của giai đoạn thứ nhất trong năm giai đoạn của con đường dẫn đến giác ngộ. Cấp độ này chủ yếu liên quan đến việc củng cố mạnh mẽ sự tốt lành nơi hành giả nhờ sự kiên cố đến từ thiền an định.

(18) che chướng ô nhiễm và che chướng nhận thức (phiền não chướng và sở tri chướng). Che chướng nhận thức là một quan niệm nhị nguyên, sai lầm về thực tại. Che chướng ô nhiễm là các tâm thái mê lầm mà sự sai lầm này nuôi dưỡng – sự tham luyến và bám chấp, sân hận và chối từ, si mê và lầm lạc v.v..

(19) hai hiểu biết – các hiểu biết về chân tánh của mọi sự, như nó là, và hiểu biết (đa tạp) về vô số phương cách mà chân tánh hiện diện trong sự tương đối. Xem Chương 20.

(20) thiền định sâu xa (TT. ting.nge.’dzin, Phạn: samâdhi) – trạng thái an bình và định tĩnh của tâm, không bị xáo trộn bởi sự thô thiển trong tâm thức, là kết quả của thiền định. Có những cấp độ khác nhau của thiền định sâu xa, mỗi cấp độ có đặc điểm là những yếu tố trong tâm vẫn cần được loại bỏ và tự bản chất là sự tập trung. Hành trình căn bản qua những cấp độ này được mô tả trong hệ thống Nguyên Thủy nhờ jhana (Pali = Phạn: dhyâna). Vì ở đây chúng ta đang thảo luận về các quả vị Bồ Tát thứ 8 đến thứ 10 vì thế ta cũng phải duy trì trong tâm sự bao la của kinh nghiệm Bồ Tát và sự hiện diện của sự hiểu biết về sự trống không của hiện tượng và trống không
của con người (pháp vô ngã và nhân vô ngã).

(21) hành động – thuật ngữ này có một ý nghĩa rộng lớn trong Phật giáo, bởi nó kéo dài thời gian để bao gồm cáckết quả mà người hành động chắc chắn sẽ phải kinh nghiệm bởi những gì người đó đã làm, cũng như tự thân hành vi lúc ban đầu, có nghĩa là nó nối liền nhân và quả, coi toàn bộ không phải là hai mà là một. Điều này thật dễ hiểu nếu ta xem xét việc gieo trồng và phát triển của một hạt giống. Từ khi có sự hiện hữu của hạt giống trở đi, đó thực sự là một câu chuyện dài về sự phát triển. Theo quan điểm của người nông dân thì có một giai đoạn thuộc về nhân (gieo trồng hạt giống) và một giai đoạn thuộc về quả (cây trái xuất hiện) – đối với họ thì tiến trình đó có vẻ là hai giai đoạn riêng biệt, mỗi giai đoạn biệt lập ở một lúc nào đó và tùy thuộc lẫn nhau.

(22) cõi giới – ba cõi giới của sự hiện hữu là dục giới (bao gồm sáu cõi: thiên (trời), bán-thiên, người, súc sinh, ngạ quỷ và các chúng sinh địa ngục), sắc giới (có nền tảng là thiền định) và vô sắc giới (có nền tảng là thiền định vô sắc).

(23) trạng thái – chín trạng thái hiện hữu: dục giới, bốn phương diện của sắc giới và bốn phương diện của vô sắc giới.

(24) những cách sinh – có bốn cách: tự nhiên (hóa sanh), từ trứng (noãn sanh), từ một thai tạng (thai sanh) và từ hơi nóng và ẩm (thấp sanh).

(25) Cần phải có ít trang để giảng rõ câu này. Nhờ trí tuệ nguyên sơ, ta hiểu rõ bản tánh đích thực của các sự việc (Pháp), ý nghĩa của mỗi sự việc (các ý nghĩa), cách thức ý nghĩa được diễn tả qua ngôn ngữ (thuật ngữ), cách thức để ngôn ngữ đó được diễn tả tốt nhất cho các cá nhân (ngôn từ) và làm thế nào để kiên trì một cách khéo léo cho đến khi điều đó được hiểu rõ (kỹ năng).

(26) Kinh điển (sutra) – một từ bao gồm một cách tổng quát những giáo lý phổ thông (hiển giáo) do Đức Phật truyền dạy (loại giáo lý thứ hai là tantra bí mật – mật điển). Khi được dùng có tính cách kỹ thuật hơn, nó ám chỉ một trong ba tuyển tập (tripitaka, tam tạng), trong đó giáo lý của Đức Phật được phân loại, hai tạng kia là vinaya (Luật) và abhidharma (Luận).

(27) chứng ngộ (TT: rtogs.pa) – một thuật ngữ được dùng để chỉ sự hiểu biết và thuần thục lợi lạc, kiên cố, trái ngược với những kinh nghiệm thoáng qua (TT: nyams), chúng đến và đi.

(28) khi các ngài đến gần hay đi vào phòng hay vào chùa.

(29) bậc chứng ngộ (TT: ‘phags.pa, Phạn: arya) – các vị đã giũ sạch sự tái sinh do nghiệp và có kinh nghiệm chứng ngộ thường xuyên, xác thực về tánh Không; trong Đại thừa thì đây là các Bồ Tát thập địa.

(30) ekâksarîmâtâ-nâma-sarvatathâgata-prajnâ-pâramitâ

(31) kỹ thuật thiện xảo (TT: thabs.mkhas, Phạn: upâya) – những cách giảng dạy đặc biệt của Bồ Tát được dựa trên sự quán chiếu con người và các hoàn cảnh. Đôi khi những cách giảng dạy này khiến cho vị Thầy Bồ Tát hành động theo một cách thức dường như không chính thống, nếu đó là điều cần thiết, để làm cho người nào đó hiểu một vấn đề, nghĩa là các ngài có thể có vẻ giận dữ đối với hành vi xấu xa của đệ tử để làm cho người ấy nhận ralà hành động của họ sai lầm, có hại hay không thích đáng ra sao.