11193424_851771578229525_2336743087551400023_n

Thọ nhận bốn quán đảnh

Giờ đây, chúng ta đã học cách làm thế nào quán tưởng chính mình là Vajrayoginī với Guru Rinpoche ở trên đầu, làm thế nào cầu thỉnh các Bổn Tôn trí tuệ đến từ cõi Phật, và làm thế nào các Bổn Tôn hòa nhập vào chúng ta. Chúng ta đã học về sự tích tập công đức nhờ việc cúng dường Lời Cầu nguyện Bảy-Nhánh và nhờ các phương tiện khác nhau để phát khởi đức tin và lòng sùng mộ trong việc trì tụng thần chú Đạo Sư Kim Cương. Bây giờ, để kết thúc, chúng ta phải học cách thọ nhận bốn quán đảnh từ Guru Rinpoche và đoàn tùy tùng của ngài gồm tập hội các hiện thể vĩ đại.

Từ Phạn ngữ abhiseka mà chúng ta dịch từ “empowerment” của Anh ngữ có hai nghĩa là xé rách và làm đầy. Abhiseka xé rách hay giật tung các tấm màn vô minh và làm chúng ta tràn ngập những sự ban phước thuộc thân, ngữ và tâm của Đạo Sư. Chúng ta gọi việc này là một quán đảnh vì nhờ nó ta được cho phép trau dồi các thực hành tâm linh đặc biệt mà cuối cùng sẽ nở rộ thành sự chứng ngộ. Vì thế, quán đảnh vừa là một sự cho phép vừa là một sự ban phước. Thực hành mà không thọ nhận một lễ quán đảnh thì giống như cố gắng vắt cát để lấy dầu. Trước tiên, chúng ta phải thọ nhận sự quán đảnh từ một vị Thầy có phẩm chất, và sau đó ta có thể làm mới nó lại nhiều lần qua sự thực hành Guru yoga.

Để nhận lãnh bốn quán đảnh, chúng ta phải hướng tâm mình về Guru Rinpoche với một lòng sùng mộ mãnh liệt và khát khao. Đáp ứng lại, Guru Rinpoche sẽ hướng tâm trí tuệ của ngài về chúng ta với lòng bi mẫn và từ ái vĩ đại. Vào lúc này chúng ta có thể bao gồm lời cầu nguyện tới tất cả chư Phật và các Đạo sư của dòng Long-chen Nyingthig, nó bắt đầu bằng các từ “Emaho ! Trong cõi Phật vô hạn và trùm khắp…” và chúng ta có thể tìm thấy lời cầu nguyện đó trong bản dịch mở rộng hơn về pháp Guru yoga này ngay trong chính ngondro của dòng Longchen Nying-thig. Vào lúc cuối của sự cầu nguyện này, tất cả các Yidam, Dāka, Dākinī, các hiện thể vĩ đại, và các đấng bảo hộ tạo thành đoàn tùy tùng của ngài, tất cả các ngài tan thành ánh sáng và tan lẫn vào Guru Rinpoche. Bây giờ, còn rạng ngời và rực rỡ hơn trước, sáng chói với những sự ban phước, Guru Rinpoche tồn tại như một sự hợp nhất tối cao của tất cả chư Phật. Chính từ ngài mà giờ đây chúng ta thọ nhận các lễ quán đảnh.

Giữa cặp lông mày của Guru Rinpoche, ở chính giữa trán ngài, chúng ta quán tưởng một chữ OM trắng, giống như một thứ pha lê chiếu ra những tia sáng trắng hết sức mạnh mẽ, sáng ngời. Khi quán tưởng chính chúng ta là Vajrayoginī, các tia sáng này được hấp thu vào một chữ OM trắng tương ứng trên trán của chính chúng ta, và những ánh sáng này lan tràn khắp thân thể ta, chảy qua mọi mạch máu hay kinh mạch vi tế, tịnh hóa mọi ác hạnh của thân.

Có ba kinh mạch chính: uma, hay kinh mạch trung ương; roma, hay kinh mạch phải; và kyang-ma, hay kinh mạch trái. Những kinh mạch này chạy từ dưới rốn tới đỉnh đầu, qua năm chakra, hay “bánh xe” (luân xa). Ở trán là luân xa đại lạc; ở cổ họng là luân xa hoan hỉ; ở tim là luân xa các Pháp hay các hiện tượng; ở rốn là luân xa của sự hình thành; và ở trung tâm bí mật là luân xa giữ gìn sự hỉ lạc. Từ các luân xa này nhiều kinh mạch nhỏ hơn tỏa ra chung quanh như các cây căm của một bánh xe. Trong tình trạng che chướng và mê lầm hiện hành của chúng ta, các năng lực nghiệp (Tiếng Tây Tạng là lung, “các gió”) – là những gì trói chặt chúng ta vào vòng sinh tử – chạy khắp các kinh mạch khác nhau. Để chúng ta thoát khỏi sự mê lầm, các năng lực này phải được tịnh hóa và chuyển hóa thành năng lực trí tuệ.

Khi chúng ta nhận lãnh các sự ban phước tuôn trào như các tia sáng từ giữa trán của Guru Rinpoche tới riêng ta, mọi bất tịnh trong các kinh mạch này được tẩy sạch. Đồng thời, chúng ta nhận lãnh các sự ban phước từ thân kim cương của Guru Rinpoche.

Cái đầu tiên trong bốn quán đảnh hay nhập môn là nhập môn bình chứa, là loại nhập môn chúng ta thường nhận lãnh từ vị Thầy khi quán tưởng Bổn Tôn chính yếu và toàn thể mạn đà la như đang hiện diện trong bình chứa được dùng trong lễ quán đảnh. Rồi mạn đà la tan ra thành chất cam lồ, nó làm đầy tràn bình chứa, và chúng ta nhận lãnh các sự ban phước từ bình chứa này. Ở đây, nhờ sự hấp thu các tia sáng vào trán chúng ta, ta làm mới lại nhập môn đầu tiên này. Nhờ nó, chúng ta được cho phép thực hiện các thiền định, các sādhana, và các sự quán tưởng khác nhau của giai đoạn phát triển, ví dụ những thực hành về các Bổn Tôn hòa bình và phẫn nộ. Qua sự ban phước này, hạt giống để trở thành một Vidyādhara hoàn toàn trưởng thành được gieo trồng trong ta. Với từ Vidyādhara, chúng ta muốn nói tới bậc mà tâm đã thuần thục thành trí tuệ. Mặc dù thân các ngài tồn tại như một vỏ bao được tạo bởi ngũ uẩn, nhưng nó sẵn sàng tan biến thành thân trí tuệ vào lúc chết. Từ viễn cảnh của năm con đường, nhập môn này tương ứng với các con đường của sự tích tập và hợp nhất. Sự nối kết tốt lành tất yếu để thành tựu Hóa Thân, là thân hiển lộ của Phật, được thiết lập trong chúng ta với nhập môn đầu tiên này.

Kế tiếp, từ giữa cổ họng của Guru Rinpoche, chúng ta quán tưởng một chữ ĀH màu đỏ. Các tia sáng chói lọi tuôn ra từ đây, như thể từ một viên rubi (hồng ngọc) sáng rực. Các tia sáng này được hấp thu vào giữa cổ họng của riêng ta, ở đó chúng ta quán tưởng một chữ ĀH tương ứng. Ánh sáng đỏ này đổ vào thân thể chúng ta, lan tỏa ra và tẩy sạch tất cả kinh mạch của ta, như thế tịnh hóa tất cả các ác hạnh đã mắc phạm qua ngữ, như nói dối, phỉ báng, nói tầm phào, và nói ác. Nó cũng tịnh hóa các năng lực nghiệp mà các ác hạnh về ngữ cưỡi lên đó. Đồng thời chúng ta thọ nhận sự ban phước từ ngữ kim cương của Guru Rinpoche, cũng như nhập môn thứ hai hay nhập môn bí mật, thường được vị Thầy ban cho từ chiếc ly bằng sọ người đựng đầy amrita, chất cam lồ bất tử. Với nghi lễ này chúng ta được cho phép thực hiện các sự trì tụng khác nhau, và chúng ta nhận lãnh hạt giống để đạt tới cấp độ của bậc Vidyādhara có quyền lực đối với đời sống. Đây là cấp độ ở đó cả tâm lẫn thân được chuyển hóa thành trí tuệ và mối nối kết tốt đẹp khiến cho chúng ta thành tựu cấp độ Báo Thân được thiết lập trong con người chúng ta.

Sau đó, giữa trái tim Guru Rinpoche, chúng ta quán tưởng một chữ HŪNG xanh dương như màu xanh da trời trong trẻo của bầu trời thu, nó phát ra ánh sáng chói lọi và ánh sáng này được hấp thu vào chữ HŪNG ở giữa trái tim của riêng ta. Một lần nữa, ánh sáng này lan tỏa khắp thân ta và chảy qua mọi kinh mạch, tịnh hóa ba ác hạnh của tâm – tham muốn, hiểm ác, và tà kiến. Nó cũng tịnh hóa các tinh chất trắng và đỏ, hay thigle, là những thứ tạo nên sự nâng đỡ của tâm. Vào lúc này chúng ta thọ nhận những sự ban phước từ tâm kim cương của Guru Rinpoche, cũng như nhập môn thứ ba hay nhập môn trí tuệ. Chúng ta thường nhận sự nhập môn trí tuệ này trong khi quán tưởng vô số các tia sáng, phát ra từ thân tướng của tất cả các Bổn Tôn của mạn đà la, được hấp thu vào chúng. Điều này khiến cho chúng ta chứng ngộ trí tuệ đại lạc, thành tựu cấp độ Pháp Thân, và trở thành một Vidyādhara mahāmudra (Vidyādhara Đại Ấn). Khi Guru Rinpoche ban lễ quán đảnh Vajrakīlaya cho các đệ tử của ngài, ngài mang hình tướng của Vajrakīlaya ở trung tâm mạn đà la của ngài. Năng lực như thế cho sự phô diễn vô hạn các hình thức trí tuệ là quả hay đặc tính của cấp độ Vidyādhara này, được gọi là Mahāmudra vì mahā nghĩa là “lớn” và mudrā nghĩa là “phô diễn.”

Bây giờ một chữ HŪNG màu xanh thứ hai xuất hiện từ chữ HŪNG ở giữa tim Guru Rin-poche và giống như một ngôi sao băng xuyên vào giữa trái tim ta để hòa lẫn không thể chia cắt với tâm chúng ta, làm tràn ngập toàn thân chúng ta bằng ánh sáng. Điều này hoàn toàn tịnh hóa các ô nhiễm vi tế của thân, ngữ, và tâm ngăn che sự nhận thức và nền tảng mê lầm của chính các ô nhiễm, là kunshi. Được gọi là ālayavijnāna (a lại da thức) trong Phạn ngữ, trong thực tế đây là kho chứa mọi khuynh hướng thông thường, cũng như nghiệp tốt và xấu. Đối với hai che chướng, sự nhập môn này xé toang loại che chướng ngăn trở sự giác ngộ hay sự thấu suốt tối thượng. Màn che này là kết quả của việc quan niệm một chủ thể, hành động, và đối tượng, tiếng Tây Tạng gọi là ba khái niệm bao vây. Qua nhập môn này chúng ta cũng thọ nhận sự ban phước của thân, ngữ và tâm của Guru Rinpoche được làm thành một sự hợp nhất.

Nhập môn thứ tư này hay nhập môn ngôn từ là sự dẫn nhập vào trạng thái tự nhiên của mọi hiện tượng; qua đó chúng ta trở thành một pháp khí đích thực đối với thực hành Dzogchen, Đại Viên Mãn. Hạt giống cũng được gieo trồng trong chúng ta để đạt tới cấp độ của vidyādhara thành tựu tự nhiên, nó khiến ta thành tựu tự nhiên năm kāya,(40) là cấp độ của chính Guru Rinpoche. Đây là Phật Quả tối thượng, sự không thể phân chia của ba thân (kāya), hay svabhāvikakāya, Thân Chân Tánh. Vào lúc này thân, ngữ và tâm chúng ta trở nên không thể phân cách và đồng một vị với thân, ngữ, và tâm của Guru Rin-poche. Sau đó, an trụ trong sự xả bỏ, trong trạng thái nhất vị này, chúng ta tiếp tục trì tụng thần chú. Trạng thái này được gọi là “cái thấy khuôn mặt đích thực của Đạo Sư tuyệt đối.” Như vậy, nếu chúng ta chứng ngộ được tâm ta chính là Pháp Thân thì điều đó đồng với việc được nhận lãnh quán đảnh của tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại, và tương lai.

Có năm cấp độ có thể được thừa nhận trong sự thực hành Guru yoga. Cấp độ bên ngoài, để tích tập công đức, bao gồm sự quán tưởng Đạo Sư và đoàn tùy tùng của ngài trong không gian trước mặt ta, sự quy y, phát khởi Bồ đề tâm, cúng dường bảy nhánh, và v.v…, trong khi ghi nhớ rằng các Bổn Tôn chỉ là sự hiển lộ của tâm trí tuệ của Đạo Sư. Cấp độ bên trong, để tịnh hóa những tri giác của ta, bao hàm sự quán tưởng Đạo Sư ở trên đầu mình và thọ nhận các sự ban phước của ngài. Cấp độ bí mật, để cho trí tuệ đột nhiên xuất hiện trong ta, bao hàm sự quán tưởng Đạo Sư trong tim ta. Cấp độ bí mật nhất, trong đó ta nhận biết Bổn Tôn là chính mình, bao hàm sự quán tưởng chính mình như một Bổn Tôn, chứng ngộ rằng thân, ngữ, và tâm mình không hề phân cách với thân, ngữ và tâm của Đạo Sư, và xuất hiện trong hình tướng của Bổn Tôn. Ở cấp độ tuyệt đối, khi đã hòa nhập tâm mình với tâm Đạo Sư, ta chứng ngộ bản tánh tối hậu của Đạo Sư, sự mở trống tuyệt đối không có các khái niệm và điều kiện, và an trụ không chút nỗ lực trong trí tuệ chói sáng không thể nghĩ bàn này.

SỰ CHUYỂN DI VÀO LÚC CHẾT

Sau bốn nhập môn, và trước khi kết thúc sự thực hành, chúng ta cầu nguyện với bài kệ này :

Khi cuộc đời con tới lúc chấm dứt,
Thân tướng nguyên thủy của con, Vajrayoginī,
Chuyển hóa thành một khối cầu ánh sáng chói ngời
Và hòa lẫn bất khả phân với Đấng Quý Báu Liên Hoa Sanh,
Cầu mong con đạt được Phật Quả, trạng thái hợp nhất vĩ đại,
Trong núi Huy Hoàng Ngayab tự xuất hiện,
Cõi Phật hóa hiện không hai.

Điều này ám chỉ lúc chết. Mọi hiện tượng và tri giác của cuộc đời này tan biến, trong khi các hiện tượng và tri giác của đời sau bắt đầu ló dạng. Bị Thần Chết tóm bắt mà không hay biết, chúng ta không thể quả quyết rằng mình sẽ được miễn trừ khỏi nỗi đau khổ to lớn trong các đời sau của ta. Vì vậy, chúng
ta cần khẩn cầu Guru Rinpoche một cách nhiệt thành :

Guru Rinpoche, vào giây phút này khi cái chết đến, xin thương tưởng tới con với lòng đại bi của ngài. Không có thiện tâm bền bỉ của ngài thì việc giải thoát khỏi sự lang thang trong vô minh của luân hồi sinh tử sẽ không bao giờ tới!

Vẫn tự quán tưởng mình là Vajrayoginī, khi chúng ta khẩn cầu với lòng sùng mộ mãnh liệt, Guru Rinpoche nhìn xuống chúng ta với lòng từ bi vĩ đại và ngài mỉm cười. Từ trung tâm tim ngài phát ra những tia ánh sáng đỏ, chói sáng như mặt trời mọc, nồng ấm những sự ban phước, và tràn đầy lòng bi mẫn và phúc lạc. Những thứ này tan lẫn vào tim ta. Ánh sáng này giống như một sứ giả tới mời thỉnh và đưa chúng ta tới Núi Huy Hoàng Màu-Đồng-Đỏ. Rồi chúng ta tan ra thành ánh sáng và từ từ hòa tan từ đỉnh đầu và gót chân đến giữa trái tim ta, biến thành một trái cầu nhỏ có ánh sáng đỏ chói lọi rồi vụt lên bầu trời. Trái cầu ánh sáng đỏ này giống như tinh túy của lòng sùng mộ của chúng ta, tung lên, bay vút lên bầu trời để hòa tan vào trái tim Đạo Sư. Sau đó chính Guru Rinpoche, như một cầu vồng tan biến trong bầu trời, hòa tan thành ánh sáng và tan lẫn với pháp giới tuyệt đối. Rồi chúng ta ở trong một trạng thái bất nhị, không phân biệt giữa tâm Đạo Sư và tâm của chúng ta. Nếu có thể, chúng ta nên an trú trong sự đơn giản tự nhiên này, trong một trạng thái nơi chúng ta không đi theo các tư tưởng sinh khởi cũng không cố gắng ngăn chặn sự xuất hiện của chúng. Đây là cách tốt nhất trong mọi cách thức để kết thúc thực hành Guru yoga. Đây cũng là phương pháp sâu xa và thiết yếu để thực hiện phowa, sự chuyển di tâm thức vào lúc chết: nếu bất ngờ hay không trông đợi, chúng ta bị đối diện với cái chết của chính mình, chúng ta nên quán tưởng thật rõ ràng chính mình hòa tan vào trái tim bậc Đạo Sư và tâm ta hợp nhất với tâm ngài.

Đây là phương diện giai đoạn thành tựu của pháp Guru yoga này. Sau đó chúng ta lập lại câu kệ cuối của bài nguyện ta đã nói ở trước đó:

Con cầu nguyện ngài từ đáy lòng con chứ không từ môi miệng, xin ban cho con những sự ban phước từ phạm vi bao la của trái tim ngài khiến mọi ước nguyện của con có thể được đáp ứng.

Tâm Guru Rinpoche và tâm chúng ta trở thành một, và chúng ta an trụ một lúc trong trạng thái Không-lạc không bị ô nhiễm bởi những tạo tác của tâm thức – là sự đơn giản tự nhiên của tâm Đạo Sư.

Khi chúng ta tỉnh thức từ trạng thái này, chúng ta nên nhận thức rằng mọi hình tướng là sự hiển lộ của Đạo Sư, mọi âm thanh là thần chú, và mọi tư tưởng là sự phô diễn của trí tuệ. Sau đó, với lòng từ và bi rộng lớn, chúng ta nên hồi hướng công đức sự thực hành của ta cho tất cả chúng sinh không ngoại trừ ai và đem lại cho mọi hoạt động của chúng ta sự thấu suốt mà ta đã đạt được trong thực hành này. Để hồi hướng, chúng ta có thể dùng các lời cầu nguyện được tìm thấy trong ngondro hay các thực hành chuẩn bị mở rộng của dòng Longchen Nyingthig.

Nói chung, chúng ta cần liên tục thực hiện những lời cầu nguyện rộng lớn cho sự lợi lạc của tất cả chúng sinh rằng: “Cầu mong các bậc Thầy được trường thọ; cầu mong các giáo lý trường tồn và lan truyền khắp thế giới; cầu mong con trở nên lợi lạc vô hạn cho chúng sinh và cho các giáo lý.” Khi rơi vào giấc ngủ chúng ta nên nghĩ: “Cầu mong tất cả chúng sinh thành tựu trạng thái tuyệt đối”; khi thức dậy: “Cầu mong tất cả chúng sinh tỉnh thức trạng thái giác ngộ”; khi đứng dậy: “Cầu mong tất cả chúng sinh thành tựu thân tướng của một vị Phật”; khi mặc quần áo: “Cầu mong tất cả chúng sinh có đức khiêm tốn và cảm thức hổ thẹn”; khi nhóm lửa: “Cầu mong tất cả chúng sinh thiêu rụi củi cảm xúc rối loạn”; khi ăn: “Cầu mong tất cả chúng sinh được dùng thực phẩm thiền định”; khi mở cửa: “Cầu mong tất cả chúng sinh mở toang cánh cửa vào thành phố giải thoát”; khi đóng cửa: “Cầu mong tất cả chúng sinh đóng lại cánh cửa đi vào cõi thấp”; khi đi ra ngoài: “Cầu mong con khởi hành trên con đường để giải thoát tất cả chúng sinh”; khi đi lên dốc: “Cầu mong con đưa tất cả chúng sinh lên các cõi giới cao”; khi xuống dốc: “Cầu mong con ra đi để giải thoát chúng sinh khỏi các cõi thấp”; khi thấy điều hạnh phúc: “Cầu mong tất cả chúng sinh thành tựu hạnh phúc của Phật Quả”; khi nhìn thấy nỗi đau khổ: “Cầu mong nỗi khổ của tất cả chúng sinh được lắng dịu.” Ta được biết rằng cách thức mà cuối cùng chúng ta sẽ có thể làm lợi lạc chúng sinh thì tùy thuộc vào tầm mức rộng lớn của những lời cầu nguyện mà ta thực hiện khi ở trên con đường. Một trong những lời cầu nguyện này được Đức Gyalwa Longchenpa sáng tác là :

Trong mọi cuộc đời, bất kỳ con sinh ra ở đâu,
Cầu mong con có được bảy phẩm tính cao quý của các cõi giới cao.
Khi sinh ra, mong cho con được gặp Pháp
Và được tự do thực hành Pháp trong một cách thế đúng đắn.
Rồi, làm vui lòng bậc Đạo sư linh thánh,
Cầu mong cho con thực hành Pháp ngày lẫn đêm.
Khi đã chứng ngộ Pháp và thành tựu mục đích cốt yếu,
Trong đời đó, mong cho con vượt qua đại dương sinh tử luân hồi.
Khi dạy Thánh Pháp cho thế giới,
Cầu mong con không bao giờ mỏi mệt trong việc hoàn thành ích lợi của chúng sinh.
Nhờ con sóng lớn lợi lạc vô phân biệt cho những người khác,
Cầu mong tất cả chúng sinh đồng thành tựu Phật Quả.

Như vậy, điều cốt yếu là phải niêm phong sự thực hành của chúng ta bằng cách hồi hướng công đức cùng với những nguyện ước rộng lớn.

Đức Dilgo Khyentse Rinpoche

Viên Ngọc Như Ý

Bản Dịch Từ Tiếng Tây Tạng Sang Anh Ngữ Của Konchog Tenzin

Bản dịch Việt ngữ của Liên HoaHiệu đính 5/2006