Đức Ringu Tulku Rinpoche

Phát triển lòng bi mẫn

Lòng bi mẫn là cốt lõi, là tinh túy của tất cả giáo lý của Đức Phật. Nếu bạn thấu hiểu lòng bi mẫn là gì và thực hành nó thì bạn thực hành Phật giáo. Không có lòng bi mẫn, bạn không thực hành Phật giáo.

Đức Phật cũng nói rằng nếu bạn có lòng bi mẫn, bạn sở hữu tất cả các giáo lý và thực hành của Đức Phật. Nếu bạn thiếu lòng bi mẫn, bạn chẳng hiểu biết gì.

Giống như ta đã phân biệt ba hình thức của lòng từ ái, cũng có ba hình thức của lòng bi mẫn:

  1. Liên quan tới chúng sinh,
  2. Liên quan tới Giáo Pháp, và
  3. Không có sự liên quan (quy chiếu).

Loại bi mẫn đầu tiên phát khởi trong ta khi ta nhìn thấy cảnh khốn khổ, những vấn đề, và những đau khổ của chúng sinh. Chúng ta mủi lòng, xúc động, và ước muốn giúp đỡ họ thoát khỏi nỗi khổ của họ. Ta muốn làm điều gì đó cho họ.

Loại bi mẫn thứ hai đánh dấu sự tăng trưởng mức độ hiểu biết của ta. Giai đoạn đầu tiên thì đầy cảm xúc, và bản thân ta đau đớn trước cảnh tượng khốn khổ của chúng sinh. Việc đi vào cấp độ bi mẫn thứ hai cho thấy sự hiểu biết của ta về Giáo pháp và về Bốn Chân lý Cao quý (Tứ Diệu Đế) – và vì thế lòng bi mẫn của ta – thì sâu sắc hơn.

Loại bi mẫn thứ ba xuất hiện với sự hiểu biết toàn hảo, sự hoàn toàn chứng ngộ chân tánh của các sự việc, của tánh Không. Khi đó ta nhận thấy thật rõ ràng là thực ra những chúng sinh quá nhiều đau khổ đó không nhất thiết phải đau khổ. Họ đau khổ do bởi mê lầm, bởi họ suy nghĩ và nhìn các sự việc theo một cách thức sai lầm. Nếu họ có thể nhìn vào các sự việc một cách khác biệt, không khái niệm hóa, thì họ có thể thoát khỏi mọi đau khổ. Lòng bi mẫn trở nên vô cùng mạnh mẽ khi ta nhận ra rằng những đau khổ, mặc dù hiện diện ở khắp nơi, thực ra không có nền tảng và dễ bị tiệt trừ. Điều tách rời chúng sinh với sự giải thoát là một bức vách mỏng manh như thế! Và tuy thế, do bởi vô minh, bởi hiểu sai chân tánh của các sự việc, đau khổ của họ thật dữ dội và hoàn toàn vô ích. Khi bản thân ta đã đi tới mặt bên kia của vấn đề, ta nhận ra sự phí phạm, là điều khiến cho một lòng bi mẫn lớn lao sinh khởi thật tự nhiên trong ta. Đồng thời, ta mất mọi điểm quy chiếu nhờ hiểu rằng trong cách thế thực sự, vững chắc, thực có thì không hề có chúng sinh đau khổ. Dĩ nhiên, ở một bình diện tương đối – nghĩa là từ quan điểm của riêng họ – họ đau khổ ghê gớm. Sự hợp nhất của trí tuệ và lòng bi mẫn phát khởi từ việc nhận ra chân tánh của các sự việc. Đây là tâm yếu của Đức Phật: lòng bi mẫn không có sự quy chiếu.

Loại bi mẫn cuối cùng này là hình thức khách quan của hai loại bi mẫn trước, nhưng dĩ nhiên là để bắt đầu, ta phải phát triển lòng bi mẫn với sự quy chiếu (bi mẫn có điều kiện) đối với chúng sinh.

Phương pháp cho phép ta phát triển lòng bi mẫn thì giống hệt phương pháp được dùng để phát triển lòng từ ái. Ta quán tưởng mẹ của ta và hình dung bà đang trải qua đau khổ ghê gớm. Hãy hình dung bà đang bị hành hạ: lòng bi mẫn của chúng ta sẽ dữ dội biết bao! Hiện nay những chúng sinh khác, như những chúng sinh bị tái sinh trong địa ngục, phải liên tục chịu đựng những hành hạ ghê gớm như thế! Theo truyền thống của chúng tôi, ta nghĩ tới bà mẹ của ta, nhưng thay vì bà mẹ, bạn có thể quán tưởng tới người mà bạn cảm thấy lòng từ ái to lớn nhất và hình dung bạn vô cùng yêu thương người ấy, làm thế nào bạn có thể đứng yên nếu có điều gì không hay xảy ra cho người ấy. Khi đã phát triển cảm xúc mãnh liệt này, bạn cố gắng trải rộng nó tới chúng sinh khác, biết rằng với tất cả những chúng sinh đó, bạn từng có mối liên hệ tương tự như mối liên hệ mà bạn hiện có với người này. Chúng ta đã lang thang trong sinh tử lâu dài tới nỗi ở một thời điểm nào đó, tất cả các chúng sinh đều là những bà mẹ, thân quyến, hay bằng hữu của ta. Tất cả những chúng sinh này đều có lòng từ ái và thiện lành đối với ta tương tự như lòng từ ái và thiện lành mà bà mẹ của ta đã trải rộng cho ta trong đời này. Vì thế cũng là bình thường khi ta cảm nhận lòng từ, bi và sự biết ơn tương tự mà ta cảm thấy đối với bà mẹ trong đời này của ta. Ý niệm căn bản là nếu ta có thể yêu thương một người một cách mãnh liệt, thì ta có thể phát triển cùng loại cảm xúc đó đối với hai, mười hay một ngàn người hoặc hơn nữa. Trước tiên, ta phát triển lòng nhân từ và bi mẫn đối với những người gần gũi ta, và sau đó ta mở rộng những cảm xúc này tới những người ta cảm thấy dửng dưng, và cuối cùng bao gồm những kẻ thù của ta.

Thay vì hình dung bà mẹ của ta hay người nào thân thiết với ta, ta cũng có thể hình dung những gì ta sẽ kinh nghiệm nếu bản thân ta phải chịu đựng những hành hạ không thể chịu đựng nổi ở các cõi địa ngục khác nhau, và theo cách này phát triển một lòng bi mẫn to lớn đối với tất cả chúng sinh đang phải đau khổ như thế. Tất cả chúng sinh đều tìm kiếm sự sung sướng, hạnh phúc, yên bình, và an ổn, nhưng bởi vô minh nên họ làm điều hoàn toàn trái ngược với những gì bảo đảm cho hạnh phúc lâu dài mà họ tìm kiếm. Họ đã tích tập ác nghiệp và liên tục thâu thập nguyên nhân của những đau khổ theo sau – giống như những người mù đi loanh quanh giữa một sa mạc nóng cháy, không biết cách nào ra khỏi nơi đó. Chúng ta khao khát hạnh phúc và sợ hãi đau khổ, và ở điểm này thì chúng sinh khác cũng không có gì khác biệt chúng ta. Khi ta nhận ra sự hiển nhiên này, ta ước muốn cứu giúp họ một cách tự nhiên.

Ta càng phát triển lòng bi mẫn thì nó càng trở nên tự nhiên hơn. Khi ta thiền định sâu xa và liên tục về lòng bi mẫn, ta đi tới một cấp độ ở đó ta lòng bi mẫn, và mọi sự ích kỷ, mọi tánh duy ngã sẽ biến mất. Đây là cái ta gọi là sự hoàn toàn thành tựu lòng bi mẫn.

Gampopa trích dẫn Bản văn Bàn về sự Chứng ngộ của Đức Quán Thế Âm, trong đó nói: “Nếu có một thứ có thể đặt trong bàn tay ta để tượng trưng cho những phẩm tính của Đức Phật, cái đó là gì? Đó là lòng đại bi!” Ngài cũng trích dẫn Kinh điển Bí mật của các Đấng Như Lai, trong đó nói: “Trí tuệ cốt tủy nguyên sơ thấu biết tất cả được bắt rễ nơi lòng bi mẫn.”

Nếu bạn đã phát triển lòng từ ái ước muốn hạnh phúc cho tất cả chúng sinh, và lòng bi mẫn thúc đẩy bạn giải thoát tất cả khỏi sự đau khổ, có thể là bạn sẽ không còn quan tâm đến việc giải thoát riêng một mình bạn nữa và một cách tự động, dù bạn có muốn hay không, trong thực tế bạn đã trở thành một Bồ Tát.

Để trở thành một vị Phật toàn giác, trước hết bạn cần trở thành một Bồ Tát.  Vì thế sự phát triển lòng từ và bi là con đường chân thật, trực tiếp dẫn tới giác ngộ.

Ngay cả trên một bình diện tương đối, việc có một trái tim tràn đầy lòng từ và bi có thể giúp chúng ta giải quyết những khó khăn nhất thời của ta. Nếu ta chỉ nhân từ và bi mẫn, làm thế nào ta có thể có những vấn đề về tinh thần hay tâm lý? Những vấn đề như thế phát sinh từ lòng vị kỷ, từ sự bám luyến vào cái ngã của ta và sự sợ hãi là kết quả. Không bám luyến thì không có sự sợ hãi, và không sợ hãi thì không có các vấn đề!

Lòng khoan dung có thể là bước đầu tiên hướng tới lòng bi mẫn. Khoan dung có nghĩa là tha thứ, không ôm giữ sự hận thù, cố gắng hiểu biết sâu xa hơn những động lực của người khác, và không lấy oán báo oán, một thái độ căn bản từ đó lòng bi mẫn có thể phát khởi. Lòng bi mẫn cố gắng giải quyết các vấn đề trên căn bản này. Điều này có nghĩa là nếu có người muốn làm hại bạn, bạn không dùng sự thù ghét để đáp lại thù ghét, và ở tuyệt đỉnh của nó, bạn ước muốn giúp đỡ những đối thủ của bạn thoát khỏi hận thù và những nguyên nhân của nó.

Tuy nhiên ta không nên lẫn lộn khoan dung với sự thụ động. Khoan dung không có nghĩa là chịu đựng mọi sự, để cho ta bị lợi dụng và bị đánh đập. Ta nên bi mẫn và làm những điều tốt lành cho người khác – và bản thân ta. Cũng có một vài điều ta không nên khoan dung, chẳng hạn như những độc chất trong tâm. Khoan dung không thích hợp với sự sân hận của ta: ta không nên để cho sân hận phát triển và chế ngự ta. Khoan dung không thích hợp với những người giết hại và áp bức những người khác, và ta không nên để họ làm điều đó. Ta không nên dùng đến bạo lực, vũ khí hay sự xung đột, nhưng ta cũng không chấp nhận mọi sự một cách thụ động. Ta nên kiên quyết bảo vệ những gì ta cân nhắc đúng đắn, nhưng tránh làm hại người khác càng nhiều càng tốt.

Đức Ringu Tulku Rinpoche