Jhado Rinpoche 3

Tổng Quan Về Mật Pháp Tây Tạng

Qui y Tam bảo là cánh cửa dẫn vào Phật Pháp, chung cho mọi pháp môn trong Phật đạo. Còn tâm bồ đề là cánh cửa dẫn vào Ðại thừa. Vậy theo lệ thường, trước khi nghe giảng về Phật pháp, xin quí vị hãy dọn tâm cho thật trong sáng để phát khởi tâm qui y Tam bảo và tâm bồ đề, lấy đó làm động cơ nghe pháp. Chúng ta hãy đọc chung với nhau ba lần lời nguyện qui y Tam bảo và lời nguyện phát tâm bồ đề. Trung tâm ở đây cũng đã chuẩn bị sẵn mọi thứ cần thiết để cúng dường mạn đà la, vậy sau khi đọc xong lời nguyện qui y và phát tâm bồ đề, chúng ta đọc thêm lời tụng cúng dường mạn đà la.

Là đệ tử sắp nhận pháp quán đảnh Kalachakra, chúng ta cần biết rõ muốn nhận pháp quán đảnh này cần hội đủ những điều điều kiện nào. Vì căn cơ của đệ tử có nhiều mức độ, sơ căn, trung căn, thượng căn, cho nên điều kiện cần có để nhận pháp quán đảnh cũng có nhiều mức, tương ứng với từng loại căn cơ của đệ tử trước khi nhận pháp.

Nói chung, khi nhận pháp quán đảnh, quí vị cần hiểu rõ sự khác biệt giữa Phật giáo và những tôn giáo không phải Phật giáo, đâu là nét đặc thù của Phật giáo so với mọi tôn giáo khác.

Ðồng thời, quí vị cũng cần hiểu rõ sự khác biệt giữa những tông phái khác nhau trong Phật giáo, hiểu rõ Phật giáo Nguyên thủy khác Phật giáo Ðại thừa như thế nào.

Chọn tu theo khế kinh Ðại thừa là đương nhiên trở thành Phật tử Ðại thừa. Lúc ấy lại cần phải hiểu vì sao Phật giáo Ðại thừa được gọi là cỗ xe vĩ đại, phải hiểu đâu là đặc điểm của Phật giáo Ðại thừa. Hiểu được tầm vóc quí giá của Ðại thừa rồi, lại còn phải hiểu rõ sự khác biệt giữa hai tông phái trong Ðại thừa là Ba-la-mật thừa và Kim cang thừa. Ba-la-mật thừa còn gọi Ðại thừa Hiển tông. Kim cang thừa còn gọi là Ðại thừa Mật tông.

Chúng ta cần tìm hiểu xem vì sao lại nói phương pháp tu Mật tông quí giá thâm diệu hơn phương pháp tu Hiển tông. Mật tông có gì đặc biệt mà gọi là thâm diệu hơn? Chắc chắc không phải vì có nhiều nghi lễ với dụng cụ đẹp đẽ như bình bát, chuông, chày kim cang, tượng ảnh hay nhạc khí. Tất tả những thứ này chỉ là hình thức bên ngoài, tự chúng không thể là nguyên do khiến Mật tông thâm diệu hơn Hiển tông, ngay cả ngoại đạo cũng có khi dùng những dụng cụ tương tự. Vậy cần hiểu rõ nội dung của giáo pháp Kim cang thừa, để thấy rõ Kim cang thừa có đặc điểm gì mà lại gọi là thâm diệu. Ðây là điều cần phải hiểu cho thật rõ.

Phương pháp tu Mật trong Mật tông được phân thành bốn bộ, bộ cao nhất gọi là Mật tông tối thượng du già. Ở đây cũng vậy, chúng ta cần hiểu rõ vì sao Mật tông tối thượng du già lại được xem là thâm diệu hơn ba bộ còn lại. Lại thêm một điều cần phải thấy cho rõ.

Ngoài ra, các mật pháp thuộc về Mật tông tối thượng du già cũng được phân thành nhiều loại. Có nhiều cách phân loại, tùy theo hệ cựu dịch là dòng Nyingma, hay tùy theo hệ tân dịch là ba dòng Gelug, Kagyu Sakya. Hệ cựu dịch có những phương pháp quán tưởng Bổn tôn du già đặc biệt, và hệ tân dịch cũng có một vài phương pháp quán tưởng Bổn tôn du già đặc biệt thuộc Mật tông tối thượng du già, ví dụ như Hevajra, Vajrabhairava Chakrasamvara. Trong số những mật pháp thuộc về Mật tông tối thượng du già, Kalachakra ngày nay được toàn cầu biết đến. Mật pháp này trước đây chỉ phổ biến quanh vùng Tây tạng, Mông cổ và Ấn độ, nhưng ngày nay đã lan rộng trên toàn thế giới. Ðiều này chúng ta sẽ có dịp nhắc đến trong lần nói chuyện sau.

Ðể hướng dẫn quí vị tìm hiểu thêm về Kalachakra, thầy sẽ giải thích về chức năng huân tập của pháp quán đảnh trong giai đoạn phát khởi6 và trong giai đoạn viên thành. Quí vị cần tìm hiểu trong khi nhận pháp quán đảnh mình phải quán tưởng những gì, sau đó sẽ nhận về loại ấn tượng nào, sẽ phải tu theo phương pháp nào, và tu như vậy là để thành tựu những gì. Nếu quí vị chịu khó học hỏi ghi nhớ ý nghĩa và quá trình diễn tiến của pháp quán đảnh, vậy đến khi ngồi nhận pháp, quí vị sẽ không cảm thấy ngỡ ngàng, có thể đại khái hiểu được những gì đang xảy ra trong buổi truyền pháp.

Ðặc điểm của Phật Giáo

Như đã nói trong phần đại ý, điều đầu tiên nên biết, là Phật giáo khác ngoại đạo như thế nào. Trên thế giới có nhiều tôn giáo, vậy Phật giáo có gì đặc biệt? Chắc chắn không phải đặc biệt vì nghi lễ cúng dường, cúng hoa, cúng hương, quì đảnh lễ, v.v… Việc như vậy chưa chắc đã thuận với Phật Pháp. Làm như vậy chưa chắc đã là Phật tử.

Khế kinh có nói, qui y là vì tâm nguyện cầu giải thoát mà về nương dựa nơi Phật, Pháp, Tăng. Phật Pháp Tăng là Tam bảo, là đối tượng của tâm qui y, có khả năng chở che chúng sinh thoát khỏi mọi khổ não. Chở che không chỉ trong một đời, mà cho mọi kiếp về sau và mãi mãi. Tam bảo sẽ luôn giúp chúng ta thành tựu mục tiêu cao nhất. Trong cảnh sống luân hồi, bất cứ vấn đề nào,khổ đau nào, cũng đều phát xuất từ nghiệp chướng phiền não tích lũy trong dòng tâm thức của chúng ta. Vì tích tụ nghiệp chướng phiền não trong tâm thức cho nên mới phải chịu quả, là những kinh nghiệm khổ đau mà chúng ta phải trải qua trong cuộc sống.

Qui y Tam bảo là quay về nương dựa nơi Tam bảo, nhờ đó có thể thoát được nghiệp chướng phiền não, thành tựu kết quả tối hậu là cởi thoát toàn diện mọi khổ đau và nguyên nhân của khổ đau. Quay về nương dựa Tam bảo để giải thoát khổ đau là động cơ tu hành chính của Phật tử hàng sơ căn.

Trong khế kinh, Phật dạy nên qui y tại tâm của mình, không qui y nơi nào khác. Ví dụ có người trong tâm thức tích lũy ác nghiệp nhiều đời, đời này lại để tâm tha hồ nổi tham sân si, như vậy chắc chắn sẽ phải chịu quả khổ. Còn ngược lại, mỗi khi tâm bất thiện nổi lên, nếu biết cố gắng áp dụng biện pháp hoá giải, ác nghiệp sẽ từ từ thanh tịnh, trí giác mỗi lúc mỗi thêm khai mở, tâm từ từ thuần hóa, càng lúc càng có khuynh hướng tạo nghiệp lành, càng có khả năng hóa giải ác nghiệp, cứ như vậy sẽ có lúc thành tựu cái gọi là tận diệt khổ đau, giải thoát luân hồi.

Khế kinh có nói muốn giải thoát không cần phải rời bỏ nơi này để đến một cõi đặc biệt nào khác. Khổ đau có thể tận diệt ngay trong thân tâm này. Thân tâm chúng ta đây, vốn sung mãn tiềm năng thành tựu nguồn an lạc tối thượng. Chỉ cần tìm ra đường tu chính xác, phương pháp tu chính xác, rồi nỗ lực tu hành. Phật nói như vầy: “Phật đạo, là con đường giải thoát”.

Con đường giải thoát không có trong các tôn giáo khác. Tôn giáo khác có thể dạy nếu ta tu như thế này, thiền như thế kia, sẽ được phép thần thông, tỉ như như bay trên không hay đi trong đất, sẽ được những thành tựu tâm linh như thế này hay như thế khác. Tôn giáo khác có thể dạy nhiều phương pháp nhập định rất hữu hiệu, nhưng không dạy tu để giải thoát khổ đau.

Phật giáo, ngược lại, vạch ra nhiều phương pháp tu nhắm đến sự giải thoát khổ đau, thành tựu an lạc tối thượng. Ðây không chỉ là lời nói suông, thực sự chúng ta có thể đạt đến kết quả ấy. Vọng tưởng và phiền não trong tâm thật ra chỉ là những hiện tượng sinh diệt, khi có, khi không. Nếu chịu khó tu, gặp được vị đạo sư đủ khả năng hướng dẫn, và nếu chính mình có chí tu học, có căn cơ cao, khi ấy thoát khổ đau đạt an lạc tối thượng ngay trong kiếp sống hiện tại này, với thân tâm này, là điều có thể xảy ra.

Giá trị của Phật giáo không nằm ở chỗ khi nghèo thì cầu Phật độ cho giàu, khi bịnh thì cầu Phật độ cho khỏi bịnh, hay khi làm ăn buôn bán thua lỗ thì cầu Phật độ cho phát tài. Thật sự mà nói, dù những phép lạ như vậy có thật sự xảy ra chăng nữa, cũng chẳng có gì đáng nói. Không thể dựa vào bấy nhiêu chuyện mà có thể gọi Phật giáo là quí giá. Quí vị cần hiểu rõ phần cốt tủy,để thấy được mức độ quí giá cao tuyệt của Phật đạo.

Đặc điểm của Ðại thừa

Ðiểm quan trọng thứ hai là sự khác biệt giữa hai cỗ xe Phật giáo, là cỗ xe Bồ tát và cỗ xe Thanh văn. Hai cỗ xe này còn được gọi là cỗ xe lớn – Ðại thừa, và cỗ xe nhỏ – Tiểu thừa. Vì sao lại nói rằng Ðại thừa thâm diệu hơn? Thanh văn thừa là giáo pháp dành để đáp ứng một số nhu cầu của Phật tử, chưa phải là thành tựu cao nhất. Muốn hoàn thành trọn vẹn con đường Phật dạy – nghĩa là triệt bỏ toàn diện phiền não ô nhiễm, thành tựu chức năng bồ đề – người tu cần theo con đường Ðại thừa, cần hành trì theo phương pháp tu dành cho Bồ tát.

Nói Tiểu thừa và Ðại thừa, hoàn toàn không có nghĩa là trong Phật Pháp có sự phân chia giáo pháp này xấu kém hơn,giáo pháp kia toàn hảo hơn. Giáo pháp toàn hảo là giáo pháp thích hợp với căn cơ của người tu, nên trong Phật pháp không bao giờ có thể khinh rẻ xem thường bất cứ giáo pháp nào. Thái độ như vậy sai lầm và tai hại.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện cõi thế, tu hạnh bồ đề, có nhiều đệ tử thanh văn theo tu học, điển hình là hai ngài Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất. Hai vị này tu hạnh thanh văn, đạt quả A-la-hán. Vì sao các vị đại đệ tử gần đức Thế tôn như vậy mà lại không thành tựu vô thượng bồ đề? Lý do Phật thành tựu vô thượng bồ đề, là vì khi còn trong giai đoạn mới tu học, Phật cầu giác ngộ cũng là vì lợi ích chúng sinh mà cầu. Rồi trong giai đoạn còn đang tu học, Phật tích lũy hai bồ tư lương công đức trí tuệ để thành Phật, cũng là vì lợi ích của chúng sinh mà tích lũy.

Rồi cuối cùng khi Phật thành tựu quả vị Phật, cũng chính vì lợi ích của chúng sinh mà thành tựu. Tất cả đều dựa trên căn bản của tâm bồ đề, vì lợi ích của chúng sinh. Ðến khi thành tựu vô thượng bồ đề, Phật có khả năng buông xả mọi phiền não cùng tập khí của phiền não. Nói như vậy, Phật nhờ buông xả toàn bộ mọi mê lầm phiền não mà thành tựu trí toàn giác, có được khả năng thấy biết tất cả mọi hiện tượng ở mọi nơi, trong mọi lúc.

Còn các vị A-la-hán như ngài Xá Lợi Phất hay Mục Kiền Liên, không thể nói là thành tựu của các ngài ngang với thành tựu của Phật. Các ngài chỉ mới xả bỏ được một phần, nhưng chưa xả bỏ được toàn bộ mọi chướng ngại áng ngữ trí toàn giác.

Có thể nói rằng các ngài chỉ mới thành tựu được một phần của tâm buông xả, chưa phải là tâm buông xả trọn vẹn. Nói về mức độ giác ngộ, A-la-hán không đầy đủ tánh đức của Phật đà, vì vậy mà gọi là A-la-hán, không gọi là Phật. Các ngài như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên chưa thành tựu được quả vị Phật, mà thành tựu quả vị A-la-hán.

Xét theo đó, mục đích cao nhất phải là đạt mọi tánh đức của tâm buông xả rốt ráo và tâm giác ngộ rốt ráo. Ðiều này ai cũng có thể đạt đến nếu noi theo gót chân Phật. Trước tiên phát tâm bồ đề [là tâm nguyện thành Phật vì lợi ích chúng sinh], tiếp theo tích lũy hai bồ tư lương công đức trí tuệ trong thời gian dài ba thời kỳ vô số, và cuối cùng đạt đến tâm buông xả viên mãn, thành tựu giác ngộ viên mãn. Chỉ có con đường Ðại thừa mới dẫn đến quả vị Phật như vậy. Vì vậy mà nói Ðại thừa vĩ đại hơn.

Khi mới bắt đầu thuyết Pháp, Phật dạy về Thanh văn thừa cùng nhiều phương pháp tu Giới Ðịnh Tuệ. Phần giáo pháp này là căn bản của con đường giác ngộ giải thoát.

Rồi Phật lại dạy phương pháp phát khởi lòng từ bi và tâm bồ đề, là con đường dành cho những vị bồ tát dũng mãnh, lãnh nhận trách nhiệm mang lợi ích về cho toàn thể chúng sinh. Tuần tự đường tu Phật dạy là như vậy, trước tiên tu theo căn bản Giới Ðịnh Tuệ, rồi phát tâm từ bi cùng với tâm bồ đề.

Mục tiêu rốt ráo của Phật là muốn đưa chúng ta đến vô trú niết bàn. Ở đó, tâm thức buông xả mọi mê lầm, thành tựu mọi tánh đức. Con đường vị tha này dành cho những vị bồ tát có tâm rộng lớn vô ngại, lãnh nhận trách nhiệm giải thoát cho chúng sinh, mang hạnh phúc về cho tất cả. Vì vậy mà gọi Ðại thừa là cỗ xe lớn.

Có người nói rằng đã theo Ðại thừa thì không cần phải học phương pháp tu Tiểu thừa, cho rằng Phật tử Ðại thừa chỉ cần phát tâm từ bi là đủ, không cần quan tâm đến Giới Ðịnh Tuệ. Ðiều này hoàn toàn sai. Ðại thừa không phải là con đường song song riêng biệt với Tiểu thừa. Căn bản của Ðại thừa chính là Tiểu thừa. Giáo pháp Tiểu thừa không ra ngoài Ðại thừa. Chỉ khác là, thêm vào đó, Ðại thừa đòi hỏi phải phát tâm đại bi và tâm bồ đề.

Ðặc điểm của Kim cang thừa

Trong Ðại thừa còn có hai cỗ xe chính, một là cỗ xe “tu-nhân”, gọi là Ba-la-mật thừa, hay là Hiển tông, hai là cỗ xe “tu-quả”, gọi là Kim cang thừa, hay là Mật tông. Mật tông được xem là thâm diệu hơn Hiển tông.

Từ mấy thế kỷ qua, người tu theo Mật tông có rất nhiều, nhất là ở Tây tạng. Tuy vậy, Mật tông không phải do các Lama Tây tạng tự ý sáng chế ra, mà là một hệ thống tu Phật giáo được nhiều thế hệ cao tăng đắc đạo giữ gìn và truyền lại trọn vẹn không gián đoạn từ nhiều thế kỷ qua.

Ngược dòng truyền thừa sẽ gặp những bậc thầy tuyệt cao như các ngài Long Thọ, Nguyệt Xứng , Thánh Thiên… cùng nhiều vị hiền thánh cựu học viện Na-lan-đà danh tiếng. Các bậc hiền thánh cựu học viện Na-lan-đà phần lớn song tu Hiển Mật.

Mật pháp được truyền xuống là truyền từ các bậc thầy cao trọng xứ Ấn, hoàn toàn không phải do các Lama Tây tạng nghĩ ra.

Vì sao lại nói Mật tông thâm diệu hơn Hiển tông? Chắc chắn không phải vì những phép lạ thần kỳ thường được nhắc đến khi nói về Mật tông. Ví dụ một vài bộ kinh có nói rằng cứ tụng chú Om Mani Padme Hum bao nhiêu lần thì sẽ độ thoát một số chúng sinh nào đó ra khỏi ác đạo, vãng sinh tịnh độ. Tuy nói vậy không sai, nhưng nếu chỉ bấy nhiêu, thật không đủ để kết luận Mật tông thâm diệu hơn Hiển tông. Ðiều quan trọng cần hiểu rõ, đó là Mật tông là giáo pháp do chính Phật dạy, bao gồm những phương pháp khác thường nhưng cũng chỉ để hành trì hai sắc thái chính của Phật đạo là phương tiện và trí tuệ.

Hiển và Mật giống nhau ở nội dung hành trì – là phương tiện và trí tuệ. Tuy nội dung giống nhau, nhưng phương pháp hành trì lại khác.

Hiển tông khi nói “song tu phương tiện và trí tuệ”, hay “song tu công đức, trí tuệ”, chữ song tu ở đây có nghĩa là tu hành song song, xen kẽ, dùng trí tuệ để tu phương tiện, hay dùng phương tiện để tu trí tuệ, lần lượt tích tụ hai bồ tư lương công đức trí tuệ chứ không phải trong cùng một lúc mà đồng thời tích tụ được cả hai. Mật tông cũng nói “song tu phương tiện và trí tuệ”, nhưng song tu ở đây không phải là thực hiện xen kẽ mà là đồng loạt, trong cùng một pháp tu tích lũy được cả hai bồ tư lương công đức trí tuệ. Khi quán về sắc tướng của Phật, hay khi quán tưởng thân Phật trước mắt, hành giả đồng thời quán về tánh không của thân Phật. Quán tưởng sắc thân nhiệm màu của Phật là phương tiện, nhờ vậy tích tụ được công đức. Quán tánh không của thân Phật là trí tuệ, nhờ vậy tích tụ được trí tuệ. Phương pháp này giúp hành giả cùng một lúc tích lũy được cả hai bồ tư lương công đức trí tuệ, nhờ vậy đủ khả năng mong chóng thành tựu thân Phật và trí Phật. Ðây là lý do chính vì sao lại nói Mật tông thâm diệu hơn Hiển tông.

Làm thế nào trong cùng một công phu lại có thể song hành công đức trí tuệ? Trước hết cần hiểu về cốt lõi của pháp quán tưởng Bổn tôn du già của bốn bộ mật pháp. Quán tưởng Bổn tôn du già phải phát khởi từ nền tảng tánh không. Ðầu tiên quán về trí tuệ tánh không, tiếp theo quán thân sanh diệt của mình, từ tánh không khởi hiện thành tướng Phật, nhờ vậy biết thân Phật không hiện hữu có tự tánh mà chỉ do trí tuệ tánh không hoạt hiện mà thành. Khởi hiện thân Phật, nuôi dưỡng tâm kiêu hãnh nhiệm màu, hành giả niệm niệm không rời tánh không của thân Phật đang hiện ra.

Trí tuệ tánh không hoạt hiện thành tướng Phật cũng là quả của đường tu. Vì vậy mà nói Mật tông vận dụng quả để tu hành.

Lấy kết quả để huân tập tâm thức, nhờ vậy mau chóng đạt thành tựu.

Dù vậy, tự mình hiện thành đủ loại thân Phật trong quán tưởng, như vậy không có nghĩa là mình đã thành Phật. Chỉ quán tưởng thôi, chưa phải là thành Phật thật sự. Ðồng thời cũng đừng nói là mình không thể thành Phật, vì mọi chúng sinh đều có khả năng này, mọi chúng sinh đều thuộc dòng giống Phật. Vì vậy quán tưởng thân Phật để mau chóng tích lũy bồ tư lương công đức, hiểu và quán về tánh không để mau chóng tích lũy bồ tư lương trí tuệ. Mật tông là phương pháp tu chóng vánh như vậy,nên đặc biệt quí giá.

Cũng nên tìm hiểu vì sao lại gọi Mật tông là cỗ xe “tu-quả”, là Kim cang thừa. Chữ Kim cang có nghĩa là cứng chắc đến độ không gì có thể phá vỡ hay phân đoạn. Tính chất không thể đoạn vỡ biểu hiện cho sự hợp nhất không thể phân chia giữa trí tuệ và phương tiện. Khi tu theo pháp tu Bổn tôn du già, hành giả tu trí tuệ và phương tiện không phải xen kẽ mà cùng một lúc. Quán về cảnh Phật, như tịnh độ, mạn đà la, là quán về sắc thân của Phật, về tâm hỉ lạc của Phật, về cảnh giới của Phật. Nhờ mang quả về ngay trong giây phút hiện tại, hành giả huân tập mọi tính năng của tâm mình để mau chóng đạt đến thành quả ấy. Kim cang thừa là đường tu phương tiện trí tuệ bất nhị, mang kết quả về ứng dụng trên đường tu. Vì vậy mà gọi là Kim cang thừa, là cỗ xe “tu-quả”.

Ngày nay Mật tông được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Rất nhiều người muốn bước vào Mật tông. Vì vậy chúng ta cần hiểu rõ vì sao lại gọi Mật tông là Kim cang thừa, là cỗ xe “tu-quả”, phải hiểu lý do vì sao Mật tông lại đặc biệt quí giá thâm diệu.

Ðặc điểm của Mật tông tối thượng du già

Phương pháp tu trong Kim cang thừa có thể phân thành bốn bộ.

Mỗi khi nghe nhắc đến Mật tông tối thượng du già, hay anuttarayagatantra, lập tức đôi mắt người nghe sáng rực lên. Ðó là vì nhiều người tưởng lầm rằng hễ tu theo Mật tông tối thượng du già thì mình không cần giữ giới, có thể tha hồ uống rượu, liên hệ nam nữ v.v… cho rằng phải như vậy mới thật là phương pháp tu thiền tối cao. Ðiều này hoàn toàn sai lầm. Mật tông tối thượng du già không phải như vậy.

Ðâu là tinh túy của Mật tông tối thượng du già?

Phật pháp đặc biệt chú trọng đến tính bất nhị của phương tiện và trí tuệ. Hai sắc thái này được hành trì hợp nhất trong Mật tông. Pháp tu hợp nhất này không thấy có trong Hiển tông. Hiển tông tuy kết hợp phương tiện và trí tuệ, nhưng hành trì song song, xen kẽ. Còn trong Mật tông thì hoàn toàn chỉ là một.

Mật tông thường nói đến nền tảng, đạo và quả. Ðạo là công phu tu hành, quả là thành tựu sẽ đạt tới. Còn nền tảng trong Mật tông, chính là thân người. Thân người có cả một hệ thống khí mạch, khí, và nhiều loại tinh chất được gọi là tinh khí bồ đề.

Những điều này không phải là tưởng tượng mà thật có trong thân và tâm của chúng ta. Con người sinh ra đã có sẵn một hệ thống khí mạch, bên trong có khí và nhiều tinh chất khác luân chuyển,ví dụ như cái gọi là máu đến từ mẹ và tinh khí đến từ cha.

Mật tông nói rằng mỗi loại khí trong cơ thể (Tạng ngữ gọi là lung) tương ứng với một tầng tâm thức. Tâm và khí có nhiều tầng thô lậu và vi tế khác nhau. Mỗi loại khí kết hợp với một tầng tâm thức, phát sinh thành hình ảnh và ý tưởng trong tâm. Như khi đi ngủ, chúng ta từ từ chìm sâu vào giấc ngủ, tâm thức càng lúc càng trở nên vi tế, phần tâm và khí thô lậu lúc tỉnh dần dần thu về hội tụ ở vùng tim, làm hiển lộ các tầng tâm và khí càng lúc càng vi tế. Vì vậy dần dần chúng ta mất tri giác, bắt đầu nằm mơ v.v… Khi thức dậy, các luồng khí tán ra khỏi vùng tim,tâm thức càng lúc càng trở nên thô lậu, cho đến khi thức giấc. Chúng ta đã từng nhiều lần trải qua những kinh nghiệm như vậy với các tầng tâm khí thô-tế khác nhau.

Hiển tông và ba bộ mật pháp dưới của Mật tông vận dụng lớp khí và tâm thô lậu để thiền quán tu tập. Chỉ riêng các mật pháp trong Mật tông tối thượng du già là không làm như vậy mà chủ động thâu nhiếp các tầng tâm và khí thô lậu để làm hiển lộ tầng tâm và khí vi tế nhất, rồi vận dụng tầng tâm thức vi tế nhất để thiền quán về tánh không và về thân Phật, nhờ vậy có thể triệt bỏ mọi phiền não thô-tế, cùng với tất cả mọi tập khí phiền não, đồng loạt thành tựu tam thân Phật.

Phương pháp này chỉ có trong Mật tông tối thượng du già, vì vậy mà nói Mật tông tối thượng du già thâm diệu nhất. Ðó là vì ở đây có cả một hệ thống trình bày về khí, khí mạch, cùng những thành phần luân chuyển trong đó. Khi chạm tới điểm tinh túy nhất của thân kim cang, hành giả thu nhiếp hết những tầng tâm khí thô lậu để hiển lộ phần tâm khí vi tế nhất, lấy đó làm nền tảng thiền quán tánh không và thiền quán thân Phật.

Ðọc lại cuộc đời của đức Phật, thấy nói Phật đi qua nhiều vùng đất Ấn độ, làm nhiều thiện hạnh để giáo hóa đệ tử đủ loại căn cơ. Ở thành Sarnath có một nơi trên đá còn khắc lại nhiều thiện hạnh mà Phật đã làm. Trong đó có chỗ ghi lại sự kiện Phật thi triển thần thông để hóa độ người ngoại đạo đến thách thức. Trên đá khắc lại hình hai đóa sen phóng ra từ tim Phật, trên mỗi đóa sen lại có thêm một đức Phật.

Khế kinh diễn tả về loại thần thông này, thật không thể nghĩ bàn. Từ tim Phật hiện ra hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỉ hóa thân.

Hóa thân của thân, ngữ, ý, tất cả đồng loại hiện ra đầy khắp không gian vô tận. Ðiều này khế kinh có ghi rõ. Ngoài ra, trong hạnh nguyện vương của Phổ Hiền, có một câu tụng rằng: “trên đầu mỗi sợi tóc có vô lượng quốc độ Phật, trong mỗi quốc độ có hàng triệu Phật đà và quanh mỗi Phật đà là hàng triệu bồ tát”.

Lấy thân và tâm thô lậu như của chúng ta đây mà nói, điều này chỉ có thể là chuyện hoang đường. Nếu thật sự thân và tâm của Phật cũng thô lậu như thân và tâm chúng ta đang có đây, đừng nói chi ngần ấy Phật và bồ tát, chỉ một vị thôi cũng không thể đặt lên đầu ngọn tóc.

Thân và tâm của Phật đang nói đây là phần thân và tâm cực kỳ vi tế, hoàn toàn không bị vật thể áng ngữ, vì vậy hàng triệu đức Phật có thể tụ họp trên đầu một sợi tóc. Nói ví dụ trên đầu một sợi tóc có cái gì mà mọi người đều muốn xem, vậy tâm của tất cả mọi người đều đổ về tụ hội về đầu ngọn tóc ấy. Chỉ có thân và tâm của chúng ta mới có giới hạn. Còn Phật thì tâm là thân và thân là tâm, sắc thân của Phật là khí và tâm vi tế, vì vậy thân tâm của Phật có thể tự tại về ngự trên một chấm nhỏ bằng đầu sợi tóc.

Phật giáo làm sao giải thích được hiện tượng như vậy? Xét theo Mật tông, đây là điều có thể giải thích được và cũng có thể thành tựu được nếu tu theo phương pháp tu mật. Vì vậy mà nói thần thông của Phật không phải là điều huyền bí đòi hỏi lòng tin mù quáng. Chúng ta có thể tìm hiểu xem bằng cách nào Phật làm được như vậy, và nếu hành trì đúng cách, chúng ta cũng có thể làm được điều Phật làm. Phật pháp không đòi hỏi Phật tử nhắm mắt tin theo, mà luôn đưa ra phương pháp tu cụ thể cho Phật tử tìm hiểu và thực hành.

Làm hiển lộ và vận dụng thân tâm vi tế, đó là đặc điểm của Mật tông tối thượng du già. Còn về những lãnh vực khác trên đường tu, như tâm bồ đề và tánh không, Mật tông không nói gì khác hơn Hiển tông. Tâm bồ đề và tánh không chỉ có một nghĩa, hoàn toàn không có cái gọi là tâm bồ đề hay tánh không dành riêng cho Mật tông.

Khi tu theo mật pháp, có người tưởng rằng mình phải thay đổi hình dáng bên ngoài, chẳng hạn phải ăn bận khác đi, hay phải lập gia đình vì tưởng rằng thiếu kinh nghiệm tình dục sẽ không thể tu theo Mật tông. Nghĩ như vậy là sai lầm rất lớn. Cứ thử nhìn vào một trong những mật pháp cao thâm nhất là Guhyasamaja, các vị truyền thừa mật pháp này toàn là những bậc tỷ kheo giữ giới nghiêm mật. Lại có rất những bậc cao tăng như Long Thọ, Thánh Thiên hay Nguyệt Xứng, đã từng viết bao nhiêu bộ luận lừng danh về tánh không trong cả Hiển lẫn Mật, là tổ sư truyền thừa rất nhiều mật pháp, các vị đều là tỷ kheo, luôn giữ phạn hạnh sống kiếp độc thân trong suốt cuộc đời hành đạo,không từng một phút giây thị hiện sắc tướng cư sĩ.

Vậy quí vị đừng nghĩ mình phải thay đổi hình dáng bên ngoài để tu theo Mật tông, vì đây là lầm lẫn tai hại nhất. Một ví dụ điển hình khác là Lama Tông Khách Ba, pháp tu chính của ngài là Guhyasamaja, vua của mật pháp. Ðể vận dụng năng lực của tâm và khí, hiển lộ phần tâm và khí vi tế nhất, quí vị không cần thay đổi hình tướng bên ngoài, cũng không cần rời bỏ đời sống xuất gia mà lập gia đình. Ðây là điểm cực kỳ quan trọng cần phải hiểu.

Đức Jhado Rinpoche

Đường Vào Kalachakra (Introduction to Kalachakra)

Việt dịch: Hồng Như