GDVN_DucPhapvuongGyalwangDrukpagiaoducnetvn

Chuyển Hóa Cảm Xúc

Hầu hết chúng ta đều bị cảm xúc chi phối. Khi giận dữ một ai đó thì chúng ta luôn không ngừng đổ lỗi cho người đó và chẳng bao giờ suy xét tường tận về những cảm xúc, những lầm sai hay những tà kiến lệch lạc của chính mình. Thay vào đó, chúng ta luôn hoàn toàn hướng sự chỉ trích và lỗi lầm về phía người khác, chúng ta tự nói rằng: “Chính hắn ta đã làm điều này và chính hắn ta nói với tôi điều đó. Đây là lý do tại sao tôi giận dữ”, rồi sau đó chúng ta tiếp tục nổi sân giận tới cực độ; không có khoảng trống cho bất kỳ sự sáng suốt nào. Rồi nữa, nếu một ai đó cố gắng hòa giải mâu thuẫn thì thậm chí chúng ta còn giận dữ hơn, cứ cố chấp rằng, không phải lỗi tại mình và người kia hoàn toàn là một anh chàng tồi, luôn làm mọi điều sai trái. Còn chúng ta thì luôn luôn đúng và luôn luôn tốt đẹp!
Loại si mê này luôn khởi hiện, diễn ra trong bạn nếu bạn không có nền tảng vững chắc của sự tu tập tâm linh. Tuy nhiên, nếu đã tu tập một cách đúng đắn thì trong những trường hợp đó, bạn vẫn có thể có đôi chút sân giận. Tuy nhiên, bạn có thể tự nói với mình là: “Anh ta đã đánh vào mặt tôi bởi vì tập khí anh ta còn đầy sân hận, nhưng anh chàng thô lỗ này không có sự lựa chọn nào khác, anh ta chẳng có thể làm gì khác được là phải tấn công tôi”. Bạn có được sự kiến giải đúng đắn này bởi đã nhận ra rằng, chính bạn cũng từng trải nghiệm, từng bị chi phối ảnh hưởng bởi những cảm xúc đó – những xúc tình si mê, sân hận, ái dục và ghen tị của chính mình; chúng là nguyên nhân mang lại khổ đau phiền não cho bạn. Bây giờ, nếu nhìn vào người đang đứng trước bạn, vừa mới tấn công bạn thì bạn sẽ thấy là anh ta cũng hoàn toàn bị thúc đẩy bởi những xúc tình tương tự và bởi vậy, anh ta không còn sự lựa chọn nào khác. Bạn hãy thấu suốt điều đó và hãy phát khởi lòng từ bi với những việc làm của anh ta đã đối xử với bạn.
Tuy nhiên, trong trường hợp của chúng ta, thông thường thì khi một ai đó làm điều gì sai trái, ví như tấn công chúng ta chẳng hạn thì chúng ta chắc chắn ngay lập tức sẽ tấn công trở lại hay thậm chí giết hại người đó bởi vì chúng ta luôn sân hận. Phiền não sân hận đã làm tâm ta bất an, và đã thúc đẩy chúng ta tấn công trở lại. Những hành vi như thế không phải là của đệ tử Phật giáo chân chính.
Trong trường hợp như vậy, đệ tử Phật giáo phải thấu hiểu rằng, đối phương không có sự lựa chọn nào khác, anh ta phải tấn công, phải làm tất cả những điều tồi tệ này. Đạo Phật chỉ cho chúng ta rằng, trong đời sống, chúng ta nên thấu hiểu những cảm xúc tự kỷ của mình và nhân quả của những xúc tình đó. Một khi đã thấu hiểu những giáo huấn này thì tâm đại từ đại bi sẽ tự nhiên sinh khởi trước tất cả những hành động, việc làm và cách cư xử của người khác với mình.
Thật không công bằng nếu bạn cho rằng, mình được phép mắc sai lầm khi đang nổi giận, trong khi tất cả những người khác thì lại không được phép. Sau đó, bạn có thể tha thứ cho chính mình bằng việc nhận lỗi là mình còn bị chi phối bởi bản ngã – nhưng nếu vậy thì tại sao lại không thể tha thứ cho người khác trong trường hợp tương tự? Chính họ cũng chịu sự chi phối của bản ngã – bản ngã là căn nguyên những lầm sai, và trường hợp này của họ cũng chẳng khác gì bạn. Nếu không dùng tâm bình đẳng đối xử với người khác theo cách như vậy thì bạn thật là không công bằng và khi ấy, bạn đang chấp trước hai loại tiêu chuẩn.
Bởi vậy, bạn hãy trải rộng tâm đại từ, đại bi khi đang là đối tượng của những chỉ trích, phê bình. Đó là sự hóa giải cao cả của bạn. Còn như cứ sân hận kẻ thù thì chính bạn đang tự thiêu đốt mình trong ngọn lửa hận thù và ngay đó, bạn đã tự đánh mất chính mình.
Đôi lúc tôi thấy rất khó hiểu tại sao hầu hết mọi người cứ cho rằng, họ có quyền sân hận người khác trong khi những người khác thì không được quyền sân hận. Họ có quyền nói những điều vô nghĩa và làm cho cuộc sống của người khác trở nên tồi tệ nhưng những người khác lại không được phép làm những điều như vậy. Tôi thực sự không thể hiểu được những điều này.
 Phát khởi từ bi
Khai phát từ bi là giáo nghĩa tối trọng yếu trong triết học Phật giáo, không chỉ trong Phật giáo mà trong cả những tôn giáo khác. Từ bi trong triết học Phật giáo là “Vô duyên từ bi” (lòng từ bi vô điều kiện) mà không phải là “Từ bi thế tục” (lòng từ bi có điều kiện).
Tất cả chúng ta, hết thảy chúng ta đều có tâm từ bi có điều kiện. Tôi lấy ví dụ, nếu một ai đó làm một điều tốt cho chúng ta thì chúng ta mới phát khởi từ bi đối với người đó, nhưng nếu người đó không làm gì lợi ích ta thì chúng ta không có cách nào phát khởi lòng từ bi. “Nếu bạn đối xử tốt với tôi thì tôi sẽ đối xử tốt với bạn”, thái độ này là “từ bi thế tục”, đó không phải là từ bi đạo Phật. Lòng từ bi của Phật giáo là vô duyên từ bi, phải được khai phát trưởng dưỡng một cách vô điều kiện.
Tuy nhiên, từ bi vô điều kiện rất khó khai phát và trưởng dưỡng. Để có thể thấu hiểu bản chất của từ bi và trưởng dưỡng từ bi vô điều kiện, chúng ta cần nhiều phương tiện thiện xảo nâng đỡ. Trước hết, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu sắc về tâm từ bi (sự chí thành). Nói cách khác, chúng ta cũng cần phải có hiểu biết về từ bi có điều kiện như vậy sẽ giúp thấu hiểu đáo từ bi là như thế nào và trưởng dưỡng từ bi ra sao v.v…Khi đó, chúng ta sẽ tự nhiên hiểu rõ được tầm quan trọng của tâm đại từ bi.
Thấu hiểu luân hồi khổ não
Tiếp đến, bạn phải hiểu rõ luân hồi khổ não đã mang lại đau khổ cho tâm mình và thế giới xung quanh như thế nào. Khi ấy, bạn sẽ tự nhiên khởi phát vô duyên từ bi vô điều kiện tới hết thảy chúng sinh. Ngay khi bạn hiểu rõ luân hồi khổ não thì chắc chắn bạn sẽ tự nhiên khởi phát vô duyên từ bi tới hết thảy chúng sinh vì bạn thấy rằng, mình và hết thảy chúng sinh đều trầm luân trong biển lớn luân hồi, khổ não bất tận. Đối với chúng ta, sinh khởi từ bi không còn khó khăn nữa! bởi vậy, hiểu rõ khổ não luân hồi là phương pháp khai triển vô duyên từ bi.
Lòng từ bi không phải là chỗ khai sáng bởi đức Phật (do đức Phật khai sáng) mà đó là bản chất của chân lý cứu kính. Nhờ sự chứng ngộ của đức Phật về bản tính tâm và cũng chính là sự chứng ngộ thực tướng chân lý vũ trụ mà Ngài thấy rằng, chúng ta trước hết phải thấu hiểu được khổ não của chính mình để khai mở lòng từ tới vô lượng chúng sinh. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là trong chính cuộc đời mình, chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội thấu hiểu những khổ đau phiền não mà mình đang kinh qua. Chúng ta luôn cho rằng, mọi thứ là tốt đẹp nhưng thực sự không phải như vậy. Thực chất, tâm chúng ta vẫn đang tán loạn, phiền nhiễu. Chúng ta đã quá vô minh về những khổ não đang diễn ra trên thế giới này và chính ngay trong cuộc đời của mình.
Ngay lúc này đây, chúng ta đang sống trong cảnh biến dịch vô thường, trải qua muôn vàn khổ đau. Vô thường là hiện tượng và tiêu biểu của khổ não. Dù cho chúng ta có hiểu rõ vô thường hay không thì chúng ta vẫn đang chịu khổ não chi phối 24 tiếng mỗi ngày, bởi vì chúng ta đang sống trong sự biến dịch luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, ngay khi chúng ta thấu hiểu được khổ não thì hầu hết những rắc rối sẽ tự nhiên được giải quyết, tất nhiên không nhất thiết có thể được giải quyết ngay lập tức; có thể mất thời gian nhiều hay ít phụ thuộc vào năng lực hay trí lực của mỗi người. Mặc dù vậy, một sự hiểu biết đúng đắn về luân hồi khổ não ít nhất cũng sẽ giúp bạn tinh tiến tu tập trên con đường tâm linh.
Ngay khi bạn có sự hiểu biết đúng đắn về khổ não của chính mình và bắt đầu trưởng dưỡng trí tuệ bằng cách nỗ lực chuyển hóa thành một người tốt thì sự tinh tiến, phát triển tâm linh sẽ không gặp bất kỳ một trở ngại nào. Ngay khi bạn hiểu rõ được rằng, mình đang khổ đau thì bản ngã của bạn đang dần được thanh lọc.
Mặc dù ngay lúc này, do đang chấp ngã kiên cố nên bạn có thể tự đắc cho rằng, mình có quyền lực, có sức khỏe, có năng lực và sự giàu sang. Bởi vì sự chấp ngã kiên cố nên bạn đã nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa của tất cả điều này. Tất cả điều này biểu thị một điều là: Chúng ta không biết rõ chính mình đang trầm chìm trong khổ đau phiền não.
Còn ngay khi hiểu rõ chính mình đang trầm luân trong khổ đau phiền não thì chấp trước, ngã mạn và tà kiến của bạn cũng dần được thanh lọc. Không chỉ vậy, những tật khổ, phiền não cũng sẽ dần được tiêu trừ. Khi bạn hiểu tường tận nguồn gốc khổ não nơi chính mình thì đó là điểm khởi đầu cho nền tảng tu tập tâm linh.
Khi đã thấu hiểu luân hồi khổ não thì bạn có thể tu tập đoạn trừ chấp trước, ngã mạn, xúc tình tiêu cực, và những bất tịnh nhiễm ô…Sự tu tập sẽ giúp bạn hiểu rõ và có thể cảm thông chia sẻ khổ đau phiền não với hết thảy chúng sinh. Lòng từ bi mà bạn đang trau dồi sẽ tăng trưởng và có ý nghĩa gấp bội so với “từ bi thế tục”.
Tất thảy những chúng sinh như chó, lừa hay ngựa cũng đều có đôi chút lòng từ có điều kiện, rất hạn hẹp và không có cơ hội được đón nhận giáo pháp tu tập tâm linh. Lòng từ bi với sự hiểu biết đúng đắn là vô duyên từ bi; vô duyên từ bi chỉ có thể được trưởng dưỡng và tu tập thông qua sự hiểu biết đúng đắn về khổ não của chính mình và người khác. Điều này là vô cùng trọng yếu.
Một khi đã có nền tảng hiểu biết này, thì sẽ không còn những khó khăn trở ngại nào cho bạn khi tu tập Bồ Đề Tâm. Nếu không thì bạn sẽ không thể tu trì Bồ Đề Tâm hay Đại Thừa v.v… và cũng không thể tu tập Kim Cương Thừa. Trước hết, bạn phải chú tâm nhiều tới việc xây đắp nền tảng bền vững cho sự tu tập tâm linh – đó gọi là thực hành Tiểu Thừa.
Hết thảy các Pháp tu tập đều hồi hướng lợi ích chúng sinh
Khi bạn đã thực hành khai triển tâm đại từ đại bi thì sự tu tập thực hành với tâm nguyện lợi tha tự nhiên hướng về tất cả mọi người; dù bạn có tu tập Pháp tu gì thì cũng đều mong nguyện được mang lại phúc lợi cho hết thảy chúng sinh. Ví dụ như, trong tu tập thiền định và tụng niệm chúng ta đều hồi hướng tất cả công đức vì lợi ích chúng sinh. Tất cả những công hạnh, sự tu trì sẽ tự nhiên lợi ích hết thảy chúng sinh. Bạn sẽ không phải tự miễn cưỡng bởi vì bạn đã hiểu rõ rằng, luân hồi là khổ não, mỗi chúng ta ai ai cũng đều chịu khổ não như nhau. Khi đó, bạn có thể tu tập hồi hướng công đức một cách vô ngã vị tha và hạnh nguyện Bồ Đề Tâm sẽ nhậm vận hiển diện. Đồng thời, việc chứng ngộ tính không và trí tuệ sẽ tự nhiên sinh khởi trở thành sự tu tập của bạn. Như vậy, ba pháp tu cơ bản: “thấu hiểu khổ não, khai phát từ bi , chứng ngộ tính không và trí tuệ” có thể dùng làm ba thứ lớp để tiến tu. Đây là toàn bộ tinh túy bí mật của pháp tu Đại Thừa.
Tuy nhiên, ngay lúc này đây, thật bất hạnh là chúng ta chưa tu tập vô duyên từ bi bởi vậy, chúng ta đối mặt với rất nhiều rắc rối và chướng ngại.
 Dùng động cơ vô ngã vị tha để tu trì từ bi
Theo truyền thống Bồ Đề Tâm, nếu bạn có động cơ vị kỷ thì có nghĩa là bạn đang không tu trì vô duyên từ bi. Ví dụ như, nếu bạn quá sân giận và chấp ngã sâu dày, thêm nữa lại có thái độ tự kỷ thì dù bạn có làm bất kỳ điều gì cũng chỉ chuốc lấy đau khổ phiền não. Điều này dẫn đến hỗn loạn trong bạn và tất cả những gì xung quanh. Chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến những hỗn loạn đó diễn ra khắp mọi nơi trong xã hội của chúng ta.
Trong việc thực hành Bồ Đề Tâm, bạn phải suy xét xem mình đã thực sự có tâm đại từ đại bi hay chưa, hay tâm từ bi của bạn vẫn còn dính mắc thái độ vị kỷ. Ví dụ như, khi bạn bố thí 10 USD cho người khác thì bạn cần phải suy xét xem mình có động cơ vị kỷ hay không, có phải bạn đang cầu danh hay mong được tán dương vì đức bố thí.
Trên đây là sự tu hành và quả là một thách thức. Rất thú vị là chúng ta sẽ phát giác rằng, chấp ngã của mình còn quá sâu dày; chúng ta và chúng sinh đều như vậy. Do đó, chúng ta cần phải dùng cơ hội này tu tập để tiêu trừ chấp ngã của mình, vì chấp ngã là điều chúng ta không trông đợi. Đó quả thực là một thách thức.
 Vương quốc của ngã chấp
Sân hận và dục vọng là hai phiền não căn bản, là khởi nguồn của tất cả hàng ngàn những phiền não mà bạn trải qua. Chấp ngã là căn bản của sân hận và dục vọng.
Chấp ngã giống như một vị Quốc Vương với hai Bộ Trưởng ở bên cạnh trong nội các – sân hận và dục vọng. Tuy nhiên, nếu vị Quốc Vương đó không có thành viên nội các, không có tùy tùng và quân đội hỗ trợ thì dù ông ta có là người hung ác cũng chẳng có thể làm được những việc “xấu xa”. Tương tự như vậy, nếu ngã chấp mà không có sân hận, dục vọng, nhiễm ô, ghen tị, hay nghiệp thì nó không thể tạo nghiệp xấu vì nó không có những tùy tùng hỗ trợ nào cả.
Trong trường hợp của chúng ta, chấp ngã thật kiên cố bởi vì nó có rất nhiều tùy tùng trợ giúp. Ví như, nếu vị Quốc Vương nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ thần dân của ông ta thì tất cả những kế hoạch, những sắp đặt của ông ta sẽ được thực hiện thành công tốt đẹp dưới sự hỗ trợ của hai vị Bộ Trưởng. Khi đó, vị Quốc Vương này trở nên rất hùng mạnh. Tương tự như vậy, chấp ngã của chúng ta trở nên rất kiên cố bởi sự tiếp tay của tất cả những cảm xúc tiêu cực; chấp ngã của chúng ta có một đội quân oai mãnh phục vụ, đó là hàng trăm ngàn những xúc tình được chỉ huy bởi sân hận và dục vọng.
Tuy nhiên, khi đã thành tựu giác ngộ, bạn sẽ nhận ra rằng, hai xúc tình sân hận và dục vọng thực chất là hai phương diện của trí tuệ. “Diệu quan sát trí” là bản chất trí tuệ của dục vọng và “Đại viên cảnh trí” là bản chất trí tuệ của sân giận. Chừng nào chưa hiểu rõ được dục vọng và sân hận thì chúng vẫn còn là căn nguyên của khổ đau phiền não. Như vậy, sự chứng ngộ của bạn sẽ quyết định bạn mãi xoay vần trong luân hồi khổ não hay trong cảnh giới an lạc Niết Bàn.
 Khái niệm về “Ngã”
Quan niệm về “Ngã” thực sự tồn tại là, vô minh tà kiến từ vô thủy tới nay. “Ngã” thực sự không tồn tại. Khi chúng ta nhắc tới tính không chính là chúng ta luôn nói về tất thảy sự vật từ quan điểm “vô ngã”. “Vô ngã” có nghĩa là “Ngã” không tồn tại từ vô thủy đến nay. Mặc dù vậy, “Ngã” là chủ đề vô cùng trọng yếu đối với chúng ta.
Chúng ta cần phải khai triển trí tuệ để nhận rõ rằng, “Ngã” về mặt bản lai không tồn tại từ vô thủy tới nay và “Ngã” là nguyên nhân của dục vọng và sân hận. Ban đầu, chúng ta có quan niệm về “Ngã” rồi sau đó, quan niệm này nói với chúng ta: “Đó là tôi”, “Tôi muốn tới đó”, “Tôi muốn anh ta hay cô ta”, hay “Tôi muốn điều này, điều kia”. Quan niệm của chúng ta về “Ngã” luôn luôn kích động những ham muốn và sự ghét bỏ trong mỗi người.
Tất cả những xúc tình, đặc biệt là dục vọng của chúng ta đều bắt nguồn từ “Ngã”. Mặc dù cứ luôn nói về “Ngã”, nhưng chúng ta không biết là nó bắt nguồn từ đâu và chúng ta đang nói về cái gì, mà chúng ta chỉ biết rằng, ngã là một cái gì đó nằm trong luôn song hành cùng chúng ta. Đây là một chủ đề vô cùng trọng yếu.
Tôi thấy rằng, điều này vô cùng thú vị bởi vì “Ngã” ảnh hưởng chi phối đời sống của chúng ta nhưng chúng ta lại không có ý niệm “Ngã” là gì?
Tôi xin lấy ví dụ, chúng ta không thể bắt đầu một buổi nói chuyện mà không nói về “Ngã”, chúng ta phải nói: “Tôi nghĩ như vậy”, “Tôi nghĩ theo cách đó”, “Tôi đã ở đó”, “Tôi đang ở đây”, “Tôi đang làm điều này”. Không có “Ngã” thì chúng ta không thể tồn tại trong thế gian. Vậy nên, “Ngã” là khởi nhân của hết thảy xúc tình trong luân hồi sinh tử.
Dục vọng khởi sinh từ “Ngã”. Ví dụ, nếu chúng ta muốn một cái gì đó, một người nào đó, bởi vì chúng ta thấy rằng, nó có lợi ích cho mình. Tuy nhiên, nếu nó không đúng như mong muốn của chúng ta thì chúng ta sẽ trở nên sân hận và phiền não. Dục vọng sinh ra sân hận, bởi vậy, sân hận do “Ngã” gián tiếp dẫn tới. “Ngã” dẫn khởi dục vọng và dục vọng dẫn khởi sân hận.
Sự ghen tị là một nhánh của dục vọng, còn ngã mạn là một nhánh của sân hận và vô minh không chỗ nào không có mặt. Dục vọng, ghen tị, sân hận, ngã mạn và vô minh là “năm độc”; từ năm độc này dẫn đến những tính cách, tập khí của chúng ta, sinh ra hết thảy các loại cảm xúc tiêu cực. Chúng trở thành một phần cố hữu trong cuộc sống của chúng ta.

 Chứng đạt vô ngã, khai triển trí tuệ
Nếu chúng ta không thấu hiểu bản chất của xúc tình thì không có cách nào để chứng đạt trí tuệ dù chỉ thoáng qua. Trí tuệ không bao giờ có thể được khai triển nếu chúng ta chưa thấu rõ bản chất của xúc tình. Chúng ta cần phải thấu hiểu rằng “Ngã”- chấp ngã không thực sự tồn tại. Trong Nhập Bồ Tát Hạnh (Bodhisattvacharyavatara), đức Shantideva đã tìm ra bản chất của “Ngã” như thế nào. Ngay khi bạn hiểu thấu “Ngã” – ngã chấp thì tất cả những xúc tình sẽ được chuyển hóa hoặc bạn sẽ có thể hiểu rõ được bản chất của ‘Ngã’. Khi đó, những cảm xúc này sẽ không bao giờ còn gây phiền nhiễu cho sự an bình nội tâm bạn.
Nói cách khác, bạn sẽ thấu rõ được tất cả những xúc tình đó là biểu trưng trí tuệ Ngũ Bộ Phật. Ngay khi bạn thực chứng được trí tuệ của mình – cảnh giới vô ngã của hết thảy hiện tượng thì sẽ tự nhiên chứng ngộ được bản chất của “Ngũ Trí” hay Ngũ Bộ Phật. Ở đây “Bộ” nghĩa là trí tuệ hết thảy chư Phật; Ngũ Bộ Phật là tinh túy, hội tụ hết thảy chư Phật.
Khi vẫn chưa thấu đạt được “Ngã” thực sự là gì, thì chúng ta không thấy được Phật và không đón nhận được ân phúc gia trì của đức Phật. Điều này mang lại cho chúng ta rất nhiều ưu lo, phiễn não bởi vì không tỉnh giác, không thiền tu chân chính. Nếu không tinh tiến phát triển kỹ năng thiền tu thì chúng ta không thể thấy được Phật – tự tính chân thật của mình. Bởi vậy, chúng ta sẽ không thể thành tựu giác ngộ và vĩnh viễn trầm luân trong luân hồi phiền não khổ đau vô cùng tận.
 Bồ Đề tâm là thần dược đối trị

Bồ Đề tâm là thần dược đối trị cho những xúc tình khổ não của chúng ta.

Bồ Đề tâm – tâm giác ngộ bao gồm tất cả khía cạnh của trí tuệ và từ bi. Từ bi là phương diện của “Đại Trí Tuệ”.
Tu tập Bồ Đề tâm thật không dễ bởi vì đòi hỏi bạn phải dấn thân trong luân hồi và lợi ích chúng sinh. Bạn phải đối mặt với vô vàn những thách thức trong đại nghiệp hoằng dương giáo hóa chúng sinh. Bạn không chỉ phải tu Sáu Ba La Mật mà là hàng ngàn Ba La Mật. Ví như, dù mọi người có nói về bạn như thế nào, dù mọi người có đối xử với bạn ra sao thì bạn vẫn phải nhẫn nhục tu trì bố thí và trì giữ giới luật. Đặc biệt, những người kình chống bạn – kẻ thù của bạn trở thành đối tượng tu trì Ba La Mật, nhờ lòng từ bi vô điều kiện bạn đem lại lợi ích họ.
Bạn phải nỗ lực hoạt động giống như một chiếc máy ủi hay như một chiếc máy đầy công năng. Ngay khi chiếc máy được khởi động thì dù có đá to ngáng đường, nó vẫn cứ không ngừng tiến lên phía trước; có thể đôi lúc bị tụt lùi phía sau một chút nhưng nó sẽ vẫn cứ tiến lên phía trước và không bao giờ ngừng nghỉ. Đây là một phần tinh trọng của Bồ Đề tâm và Bồ Tát đạo.
Những hành giả Bồ Tát đạo cần có Bồ Đề tâm. Tất cả pháp tu tập Bồ Tát đạo đều phải tinh tiến giống như kiểu chiếc xe ủi đầy công năng này, nếu không thì những rắc rối, chướng ngại sẽ xuất hiện. Đây là một thách thức to lớn và chính vì thế được gọi là “Đại Thừa” hay Mahayana. “Maha” có nghĩa là “Vĩ đại”, còn “Yana” có nghĩa là “Chiến luân”. Bồ Đề tâm cũng giống như một đại chiến luân có thể mang chở vô số người và đưa họ đạt tới cảnh giới giác ngộ.
Đức Gyalwang Drukpa
Nguồn: Dealing With Emotions, “The Dragon”, Autumn 2001, Biannual Issue.