tulku-pema-wangyal-rinpoche

Pháp thoại Của Đức Tulku Pema Wangyal Rinpoche năm 2015

Đức Phật đã dạy rằng: Nền tảng của hạnh phúc và khổ đau, luân hồi và Niết Bàn đều tùy thuộc vào trạng thái tâm thức của chúng ta. Ngài nói rằng tất cả chúng ta đều có khả năng quyết định về cách nhìn nhận và đánh giá sự việc của mình. Thầy tôi, Ngài Kyabje Kangyur Rinpoche đã dạy rằng: “Nếu con muốn biết quá khứ thế nào, hãy nhìn vào tấm gương của đời sống hiện tại. Nếu con muốn biết tương lai ra sao, hãy nhìn vào tấm gương của những hành động hiện tại từ thân, khẩu, ý của con”.

Nếu cuộc sống hiện tại của chúng ta vô cùng suôn sẻ, điều này có nghĩa là chúng ta đã có phước báu nhờ thực hiện những thiện hạnh trong quá khứ. Nhưng chúng ta không cần quá tự hào về điều đó. Chúng ta nên sử dụng cuộc sống hiện tại sao cho thật hữu dụng. Hãy tiếp tục tham gia vào những hành động thiện hạnh và tốt lành để tích tập phước đức, và giúp đỡ những chúng sinh khác. Giúp đỡ chúng sinh khác cũng là giúp đỡ chính mình. Nếu chúng ta thực sự thấy cuộc sống của mình khó khăn thì cũng không nên quá chán nản. Điều đó chỉ ra rằng có những điều chúng ta cần khắc phục và sửa đổi.

Làm thế nào chúng ta có thể quán xét thấy điều đó? Hãy nhìn vào trạng thái tâm thức mình. Hãy quán chiếu về những hành động hiện tại từ thân, khẩu, . của bản thân. Khi đó chúng ta sẽ nhận ra những điều cần phải thay đổi.

Nếu chúng ta thấy bản thân mình tiêu cực và hiểu rằng điều đó sẽ không đem lại gì ngoài đau khổ, khi đó ta có thể tự hỏi bản thân rằng: ta có muốn khổ đau không? Và câu trả lời sẽ thường là “không”. Khi đã không muốn khổ đau như vậy, chúng ta cần quán xét và cố gắng tiêu trừ những động cơ bất thiện và những hành động ác hại từ thân, khẩu, ý của chính mình. Hãy làm điều đó dần dần từng bước một. Đồng thời chúng ta cần phát khởi những ý nguyện tốt lành và tham gia vào bất cứ thiện hạnh nào từ thân, khẩu, ý.

Như chúng ta vẫn thường nói rằng: “Gieo nhân nào gặt quả ấy”. Ta không thể được quả lành nếu ta gieo hạt giống xấu ác. Bởi vậy, điều quan trọng là chúng ta phải thành thật và hoàn toàn nhận thức được những gì đang diễn ra trong chính mình. Khi đó chúng ta phải cố gắng mở rộng lòng mình hơn chứ đừng nên ích kỷ. Hãy cân nhắc lợi ích của tất cả chúng sinh khác trong mọi thiện hạnh của chúng ta.

Tất nhiên chúng ta vẫn thường hướng những ý nguyện tốt lành và thiện hạnh cho gia đình và bè bạn, nhưng ta cũng nên làm điều đó cho tất cả hữu tình chúng sinh. Tại sao chúng ta coi một số người là bạn bè, một số lại là kẻ thù? Với những người đã từng đối xử tốt với chúng ta và chúng ta cũng đáp lại họ tử tế, kiếp này họ xuất hiện như bạn bè, người thân của ta. Với những người đã đối xử rất tốt với chúng ta nhưng ta lại làm tổn hại họ thì trong đời này họ xuất hiện một cách lạnh nhạt hoặc như kẻ thù của ta. Bởi vậy chúng ta phải cố gắng tỉnh thức để nhận biết những gì đang xảy ra trong tâm mình. Lúc này, nếu quan sát tâm mình chúng ta có thể thấy nó không tốt cũng không xấu. Một trạng thái tâm trung tính như vậy là một sự lãng phí thời gian. Còn nếu đó là tâm tiêu cực thì điều cần thiết là phải loại bỏ và thay đổi nó. Trường hợp đó là trạng thái tâm thức tốt lành, tích cực thì ta phải cố gắng làm cho nó mạnh mẽ, phát triển hơn. Cho dù điều này không kéo dài lâu cũng nên nghĩ rằng khoảnh khắc đó là khởi đầu cho hạnh phúc, bình an và giải thoát của hết thảy hữu tình chúng sinh.

Bởi vậy, để khơi dậy tâm thức tốt lành, hãy cùng khẩn cầu sự gia trì của các Đấng Giác Ngộ. Ở đây có một bài cầu nguyện được viết bởi bậc đạo sư vĩ đại sống vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Các bạn có thể thấy bài cầu nguyện này ở trang 11 trong cuốn tuyển tập thực hành. Tên của Ngài là Jampal Gyepé Dorjé, hay còn gọi là Mipham Rinpoche.

Ngài là một trong những đạo sư quan trọng nhất vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Ngài được xem như hóa thân của đức Văn Thù Sư Lợi và được mọi người xưng tụng là Đấng Toàn Giác. Thường mọi người gọi Ngài bằng cái tên Kunkhyen Namgyal Rinpoche. “Mipham” trong tiếng Phạn là Ajita có nghĩa là Bất Bại. Mipham Rinpoche là một bậc đạo sư vô cùng quan trọng đối với dòng truyền thừa Nyingma.

Tôi có rất nhiều bậc Đạo sư gốc hay còn gọi là Đạo sư chính trong suốt cuộc đời mình. Trong số những bậc thầy này, Ngài Kyabje Kangyur Rinpoche là người thầy đầu tiên. Người thầy thứ hai là Tsewang Dorje, cháu họ của Ngài Khyentse Chokyi Lodro. Thứ ba là Ngài Sherap Dorje. Thứ tư là Kyabje Dudjom Rinpoche. Sau đó tôi theo học với Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche. Tôi cũng đã từng theo học với Đức Karmapa thứ 16 và Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Rồi tôi theo học với Ngài Kyabje Trulshik Rinpoche, Kyabje Tenga Rinpoche và Đức Pháp vương Sakya Trizin. Đối với tôi, tất cả bậc thầy này đều là những vị Phật.

Tại sao Mipham Rinpoche lại vô cùng quan trọng đối với tôi? Bởi Mipham Rinpoche là một trong những bậc thầy chính của Kyabje Kangyur Rinpoche và Dilgo Khyentse Rinpoche. Ngài Kyabje Kangyur Rinpoche đã gặp Mipham Rinpoche khi mới 11 tuổi, và được Mipham Rinpoche ban cho quán đảnh Đức Văn Thù Sư Lợi. Sau khi thọ nhận quán đảnh Văn Thù, Ngài cũng được Mipham Rinpoche ban tặng cho rất nhiều Pháp bảo, ví dụ như cuốn sách do chính Mipham Rinpoche trước tác có tên là: “Xưng tán thán hồng danh Đức Văn Thù Sư Lợi” trên đó được viết chủng tự “Dhi”. Ngài cũng ban tặng cho Kangyur Rinpoche rất nhiều viên thuốc của Đức Văn Thù.

Sau khi nhận quán đảnh, Kyabje Kangyur Rinpoche đã thực hành vô cùng nghiêm mật. Ngài đã phát triển được trí tuệ và trí nhớ phi thường. Trí nhớ của Ngài tuyệt vời đến nỗi chỉ cần đọc qua một lần bất cứ điều gì, Ngài sẽ không bao giờ quên nó. Ngài có thể đọc tụng toàn bộ Kinh Điển của Đức Phật nhiều lần. Đó là lí do vì sao Ngài có danh hiệu là Kangyur Rinpoche. Bởi vì “Kangyur” có nghĩa là Tam Tạng Kinh Điển của Đức Phật. Kangyur Rinpoche cũng có rất nhiều danh hiệu. Một trong những danh xưng đó là Longchen Yeshe Dorje được ban cho bởi các bậc thầy của Ngài và đặc biệt là bởi Đạo sư Liên Hoa Sanh. Như vậy đối với tôi, Mipham Rinpoche vô cùng quan trọng bởi vì Ngài là bậc thầy của thầy tôi Kyabje Kangyur Rinpoche. Thêm nữa, Dilgo Khyentse Rinpoche cũng được gặp Mipham Rinpoche và đã nhận sự ban phước, gia trì từ Ngài.

Mipham Rinpoche đã để lại rất nhiều tác phẩm trong hàng loạt các đề tài như: triết học, siêu hình học, y học, chiêm tinh… Ngài cũng có nhiều bình giảng về triết lý của Đức Phật. Rất nhiều bản văn của Ngài đã được nhóm dịch thuật Padmakara chuyển dịch sang Anh ngữ.

Các bạn có thể thấy một trong những bản văn được trước tác bởi Mipham Rinpoche ở trang 1, đó là “Bài kệ Tám Đấng Cát Tường”. Đây là một bản văn rất quan trọng với chúng ta.

Nếu bạn có thể đọc bản văn này mỗi ngày một lần thì rất lợi lạc. Nếu đọc nó trước khi bắt đầu những hành trình, công việc hay bất kì nhiệm vụ nào thì sẽ nhận được rất nhiều sự gia trì và thành công tốt đẹp. Đây chính là tinh túy của Kinh Cát Tường.

Như các bạn thấy ở đây, chúng ta đảnh lễ tới tám vị Phật, tám vị Đại Bồ Tát, tám vị Thiên Nữ Cát Tường và tám vị Hộ Pháp. Chỉ cần đọc những danh hiệu này đã làm cho mọi sự được cát tường và thuận lợi. Nếu bạn muốn công việc được hoàn thành tốt đẹp thì nên đọc bản văn này.

Là một hành giả đã quy y với Đức Phật thì 4 câu kệ đầu tiên rất quan trọng. Đảnh lễ Tam Bảo – Phật, Pháp, Tăng là thực sự quan trọng. Nếu như cuộc sống của chúng ta có nhiều khó khăn thì chúng ta càng nên đọc bản văn này. Khi đọc, chúng ta nên đọc với một trái tim vô cùng tốt lành, nhân hậu. Hãy có nguyện ước mong cho sự cát tường đến với tất cả hữu tình chúng sinh. Bởi vì những chúng sinh khác có khả năng đáp ứng những nguyện vọng thiện lành của chúng ta. Tại sao ta phải cầu nguyện cho những chúng sinh khác? Bởi vì họ đã từng rất quan trọng với chúng ta, đang rất quan trọng với chúng ta và cũng sẽ rất quan trọng với chúng ta trong tương lai.

Dễ nhận thấy rằng mỗi chúng ta chỉ là một cá nhân đơn lẻ, ta không thể nào tồn tại nếu như không có những chúng sinh khác. Một trong những điều quý giá nhất đối với chúng ta đó chính là sinh mạng, thân thể. Thân thể này không tự nhiên từ trên trời rơi xuống cũng không phải từ dưới đất mọc lên. Nhờ ơn những chúng sinh khác, nhờ ơn cha, ơn mẹ mà chúng ta có được thân thể này, và nhờ sự bi mẫn, tử tế của người mẹ đã chăm sóc chúng ta. Đầu tiên bà chào đón chúng ta vào trong cơ thể bà. Sau đó bà nuôi dưỡng chúng ta trong cơ thể suốt 9 tháng 10 ngày mặc dù phải trải qua rất nhiều khó khăn. Việc sinh nở dễ dàng với bản thân chúng ta nhưng không dễ dàng đối với người mẹ. Tuy vậy bà đã có can đảm để sinh chúng ta ra đời. Tất cả là nhờ vào tình yêu thương, sự tử tế của bà. Vừa mới chào đời, chúng ta chưa tự làm được gì. Chưa kể, chúng ta còn luôn la hét, đòi hỏi thứ này thứ nọ mà không biết rằng chúng ta có thể tồn tại và lớn lên là nhờ ơn cha mẹ.

Ngay lúc này nếu quán xét thật kĩ càng, chúng ta sẽ thấy rằng nhờ ơn những chúng sinh khác mà ta có được rất nhiều thứ chúng ta muốn và cần. Bởi vậy, những chúng sinh khác là vô cùng quan trọng.

Chúng ta không thể thành Phật nếu như không có những chúng sinh khác. Để thành Phật, chúng ta trước hết phải trở thành Bồ Tát. Và muốn trở thành Bồ Tát, chúng ta cần có những bà mẹ chúng sinh. Tại sao lại như vậy? Làm sao một vị Bồ Tát có thể trở thành Bồ Tát nếu như không có cách nào trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn với chúng sinh. Bởi vậy hữu tình chúng sinh vô cùng quan trọng với các vị Bồ Tát.

Một vị Bồ Tát làm sao có thể tiến triển nếu không có tình yêu thương (Từ) và lòng bi mẫn (Bi). Một vị Bồ Tát sao có thể trở thành Bồ Tát nếu không thực hành sự tùy hỷ (Hỷ) vàkhông thiên vị (Xả). Làm thế nào một vị Bồ Tát có thể thực hành Sáu Ba La Mật: bố thí, trì giới, kham nhẫn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Tất cả những hạnh này được phát triển cũng là nhờ những chúng sinh khác. Mỗi Ba La Mật này đều có thể chia làm ba khía cạnh. Ví dụ như hạnh bố thí bao gồm ba khía cạnh. Đầu tiên, chúng ta cho đi những thứ mà những chúng sinh cần như là những món quà về mặt vật chất (Tài thí). Nhưng nếu không có chúng sinh, chúng ta không thể trao tặng cho ai cả. Khía cạnh thứ 2 quý báu hơn của hạnh bố thí đó là chia sẻ giáo pháp (Pháp thí). Nhưng nếu không có chúng sinh, ta biết chia sẻ với ai. Khía cạnh thứ ba là khía cạnh quan trọng nhất của hạnh bố thí, đó là bảo vệ sinh mạng của những chúng sinh khác (Vô úy thí). Tất cả những khía cạnh này của hạnh bố thí có thể thực hiện được là hoàn toàn nhờ vào những chúng sinh khác. Cũng tương tự vậy, thực hành hạnh trì giới, kham nhẫn… cũng hoàn toàn phụ thuộc vào chúng sinh khác. Vì vậy, các Ba La Mật là những thực hành quan trọng để trở thành một vị Bồ Tát thực sự. Chúng ta không thể thành Phật nếu như chưa trở thành một vị Bồ Tát.

Để bắt đầu con đường Bồ Tát đạo, chúng ta phải phát triển tình yêu thương, lòng bi mẫn cùng với nguyện ước đạt giác ngộ để làm lợi lạc cho chúng sinh khác. Bởi vậy, những chúng sinh khác vô cùng quý báu. Hãy luôn nghĩ đến những chúng sinh khác. Nếu muốn được hạnh phúc, chúng ta hãy hạnh phúc vì sự lợi lạc của chúng sinh khác. Nếu gặp phải khó khăn, chúng ta hãy nguyện ước giải thoát khỏi khổ đau và cội nguồn của khổ đau vì lợi lạc của chúng sinh khác.

Tại sao đức Quan Thế Âm có thể trở thành một vị Đại Bồ Tát? Bởi vì Ngài có lòng bi mẫn, tình yêu thương cho những chúng sinh khác. Tất cả chúng ta đều có tiềm năng để trở thành như Bồ Tát Quan Thế Âm. Điều khác biệt duy nhất là đức Quan Thế Âm đã trải qua sự thực hành, rèn luyện để trở thành một vị Đại Bồ Tát. Chúng ta chưa cố gắng thực hiện đầy đủ được những điều cần thiết để trở thành một vị Đại Bồ Tát như đức Quan Thế Âm.

Đức Phật và chúng sinh không có gì khác biệt về tiềm năng. Khi đã thành Phật thì Phật quả của chúng ta hay của Ngài không khác biệt. Sự khác biệt đó là con đường. Chúng ta chưa có sự rèn luyện còn Đức Phật và các vị Bồ Tát đã thực hiện hết những điều này. Đức Phật và các vị Bồ Tát đã biết tận dụng những tiềm năng của mình. Tiềm năng này trong tiếng Phạn được gọi là “Sugatagarbha”, nghĩa là Phật Tánh, tinh túy bên trong của mỗi người. “Su” có nghĩa là an lạc; “Gata” có nghĩa là đạt tới. “Sugata” có nghĩa là đạt tới sự an lạc. “Garbha” có nghĩa là tinh túy, trong tiếng Tạng gọi là “nyingpo”.

Như vậy, về mặt tiềm năng chúng ta không có chút nào khác biệt. Đó là tiềm năng sẵn có để đạt đến sự giải thoát và tỉnh thức. Một khi đạt đến giác ngộ thì tất cả chúng ta đều sở hữu từ bi, trí tuệ và năng lực hoàn toàn giống nhau. Tất cả 112 phẩm tánh của Đức Phật (32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp) đều đã sẵn có trong chúng ta.

Đức Tulku Pema Wangyal Rinpoche