thrangu-rinpoche

Thực Hành Thiền Cho và Nhận

Thiền giả quá hăm hở khi nắm bắt những giáo huấn thiền định đúng đắn có thể bị cuốn hút khiến lướt vội qua những đề mục về lòng sùng mộ, niềm tin, sự cầu nguyện dòng truyền thừa mà chỉ chú tâm vào các kỹ thuật chẳng hạn như làm thế nào duy trì tư thế thiền định của mình. Đây chính là bỏ quên toàn bộ tinh tuý của sự thiền định. Tinh tuý ấy là một phương cách toàn hảo để nhận chân thế giới, một phương pháp để phát triển mối tương quan của cá nhân hành giả với chính mình và với người khác. Để gặt hái tối đa những lợi lạc từ các giáo huấn này, ta phải đọc từng câu như thể nó được ghi khắc trên những trang giấy bằng vàng, đó là cách mà một vài trong số những thánh điển lúc ban đầu đã được soạn ra.

Bởi tâm thức mọi người thì dị biệt nên cách thiền định của mỗi người cũng khác nhau. Đây là lý do vì sao giáo huấn riêng cho mỗi cá nhân thì thật cần thiết. Điều cực kỳ quan trọng là trước khi thực sự bắt đầu thực hành thiền định, ta phải thỉnh ý một thiền sư có đầy đủ phẩm tính. Trung tâm Karma Triyana Dharmachakra (352 Meads Mountain Road, Woodstock, NY 12498) lưu giữ một danh sách các trung tâm thiền định Tây Tạng trên khắp thế giới dành cho những người đang tìm kiếm giáo huấn. Để biết thêm thông tin chi tiết về thiền định, ta có thể tham khảo nơi trung tâm Thiền định Shamatha và Vipashyana của Thrangu Rinpoche.

Việc học Pháp

Ta nên bắt đầu bằng cách xem xét ý hướng của ta, điều đó có nghĩa là xoay tâm vào trong và khảo xét xem thái độ của ta thanh tịnh hay bất tịnh. Bởi chúng ta chỉ là chúng sinh bình thường nên đôi khi thái độ của ta thanh tịnh và những lúc khác nó lại bất tịnh. Chẳng có gì phải ngạc nhiên về điều đó. Khi nhận ra thái độ của ta thanh tịnh, ta có thể hoan hỉ và hãy để nó an trụ trong sự thanh tịnh. Khi nhận ra thái độ của ta bất tịnh thì cũng chẳng có lý do gì để thất vọng, bởi ta có thể chuyển hoá được nó. Nếu chúng ta chuyển hoá thái độ và lập đi lập lại như thế, thì từng chút một, thái độ tiêu cực của ta sẽ tự nhiên trở nên thanh tịnh. Để phát triển ý hướng nhắm tới sự Giác ngộ này, nên suy tưởng rằng bất kỳ điều gì ta đang làm đều là để giúp đỡ chúng sinh đạt được Phật Quả.

Yếu tố cần thiết để thiền định 

Khi ta làm một hành động thuộc thân xác, hành động này có thể có một kết quả tích cực hoặc tiêu cực. Khi ta nói điều gì, nó có thể tốt hoặc xấu. Vì thế với lời nói và hành động, ta có thể thấy được những kết quả rõ ràng, nhưng với tư tưởng thì tác dụng cụ thể không được biểu lộ. Tuy nhiên, tâm thức quyết định mọi hành động thuộc thân thể và lời nói của ta, bởi bất cứ ta làm điều gì, tư tưởng luôn hiện diện ở phía sau nó. Khi tư tưởng đó tích cực, những hành động theo sau sẽ tốt lành. Khởi điểm của việc thay đổi những gì ta làm là hãy thay đổi cách thức suy tưởng của chúng ta.

Khi cố gắng thay đổi một ý hướng tinh thần, ta phải sửa đổi các tập quán của mình. Tuy nhiên, ta có thể thực hành sự thiền định này, đó là vận dụng tâm thức ta trong một phương cách cô đọng và được kiểm soát hơn nữa. Những gì đang quấy nhiễu tâm thức có thể được loại trừ bằng thiền định khiến tâm thức ta có thể hiện hữu trong sự thanh tịnh trong trẻo của nó. Nếu tâm ta bị xao lãng, thì nhờ thiền định, ta có thể chuyển hoá nó thành một tâm thức không phóng dật. Thiền định khiến ta có thể chuyển hoá những tập quán xấu thành tập quán tốt. Rồi khi ta biết cách thay đổi những tập quán tinh thần của mình, ta có thể thay đổi những hành động vật lý và cung cách nói năng của ta. Một khi đã thay đổi những điều này, ta có thể đạt được mục đích tối hậu của sự thực hành của ta, đó là Phật Quả.

Niềm tin và lòng Sùng mộ

Một điều chung nhất cho mọi thực hành thiền định là thiền giả cần có động cơ đúng đắn, đó là ước muốn đem lại lợi lạc cho mọi người, chứ không chỉ cho riêng mình. Cùng với điều này, ta cũng cần có lòng sùng mộ hết sức mãnh liệt đối với Đạo sư của ta và với tất cả các bậc Đạo sư trong dòng truyền thừa. Nếu chúng ta khẩn cầu các ngài với lòng sùng mộ thực sự chân thành thì ta có thể nhận được những sự ban phước của các ngài, nhờ đó việc thiền định của ta sẽ tiến bộ rất nhanh chóng. Ta được biết rằng suối nguồn của sự phát triển bốn phái chính và bốn phái phụ trong dòng Kagyu là những ân phước được tạo nên bởi những thiền giả cầu nguyện các bậc Đạo sư của họ với lòng sùng mộ chân thực. Họ đã thọ nhận những sự ban phước và đã có thể phát triển sự thiền định và thấu suốt của mình một cách nhanh chóng.

Với thực hành thiền định, chúng ta có thể thực sự làm cho tâm được ngưng đọng, tâm thức trở nên trong trẻo hơn và an bình hơn. Truyền thống Kim Cương thừa (1) đã phát triển một phương pháp thực hành khiến ta có thể kinh qua tiến trình này còn nhanh chóng hơn những thực hành thiền định khác. Trong cách thực hành này, ta cầu nguyện Đạo sư của ta và tất cả các bậc Đạo sư tiền bối, và phát triển một lòng sùng mộ hết sức mãnh liệt – một sự mở trống để nhận lãnh những ân phước của các ngài. Nếu ta khẩn cầu bậc Đạo sư, ta sẽ nhận được sự ban phước, và nhờ sự ban phước này mà việc thiền định của ta sẽ tiến bộ nhanh chóng và tự nhiên.

Làm thế nào mà những sự ban phước có thể không được một số người cảm nhận? Chẳng phải bởi chư Phật và các bậc Thầy nghĩ tưởng: “Tốt, nó không cầu nguyện ta, do đó ta sẽ không ban phước cho nó.” Với thiện tâm và lòng từ ái không phân biệt, chư Phật và các bậc Đạo sư xử sự với tất cả chúng sinh như một bà mẹ đối với đứa con trai duy nhất của bà, nhưng chỉ có những người mở lòng ra với những sự ban phước này mới có thể cảm nhận được chúng. Ví dụ, nếu ta có một cái móc và cố gắng móc một quả trứng thì điều đó không thể thực hiện được. Nhưng nếu với cái móc ta cố câu một cái vòng lên thì thật là dễ dàng. Cũng thế, lòng bi mẫn và những sự ban phước của chư Phật vẫn luôn luôn hiện diện ở đó, nhưng điều mà chúng sinh  phải làm là mở lòng ra để nhận lãnh những sự ban phước. Niềm tin và lòng sùng mộ thì giống như một cái vòng để cái móc của lòng bi mẫn và sự ban phước của chư Phật kéo chúng ta ra khỏi vòng sinh tử. Cho dù lòng bi mẫn của chư Phật có bao la đến đâu chăng nữa, nhưng nếu không có lòng sùng mộ thì sẽ chẳng có điều gì xảy ra.

Sự cầu nguyện Dòng truyền thừa

Để phát triển lòng sùng mộ, ta tưởng tượng Đạo sư của ta như hiện thân của tất cả chư Phật trong thân tướng Đức Dorje Chang (Phạn: Vajradhara.) (2) Bài cầu nguyện Đức Dorje Chang có một giá trị đặc biệt. Nó được Đạo sư của Đức Karmapa Thứ Bảy (3) sáng tác. Ngài sống trên một hòn đảo rất nhỏ giữa một cái hồ ở xứ Tây Tạng trong 18 năm và thiền định về Mahamudra (Đại Ấn.) (4) Ngài dùng tất cả thời gian đó chỉ để thiền định cho tới khi đạt được sự chứng ngộ toàn triệt về Đại Ấn. Vào thời điểm này, ngài sáng tác bài cầu nguyện Đức Dorje Chang một cách tự nhiên, và vì thế bài này được rất nhiều sự ban phước. Khi đọc bài cầu nguyện này, (5) ta phải tỉnh thức đối với ý nghĩa của các ngôn từ. Ta nên đọc nó trong khi cố gắng thực sự tập trung vào những gì ta đang nói, hết sức chú tâm, không để tâm vẩn vơ trên những sự việc khác, và trong suốt thời gian đó ta cầu nguyện với lòng sùng mộ chân thành để tưởng nhớ tới những phẩm tính của Đạo sư của ta.

Khi bắt đầu thiền định, ta cần hướng tâm tới sự Giác ngộ khiến cho những điều kiện khác cần thiết cho một sự thiền định chân thực sẽ phát sinh trong ta. Giáo lý Kim Cương thừa có nói rằng thiền định chân thực sẽ xảy ra một cách tự nhiên nếu ta thọ nhận sự ban phước của Đạo sư của ta và các bậc Thầy của dòng truyền thừa. Đó là lý do vì sao ta cầu nguyện với Đức Dorje Chang. Ta quán tưởng Ngài ở trong không gian trước mặt ta và được vây quanh bởi các bậc Thầy (Lạt Ma) của dòng truyền thừa. Nếu không thể quán tưởng nhiều đối tượng, ta có thể chỉ tưởng tượng thân tướng Đức Dorje Chang như một tích tụ của mọi phẩm tính và tinh tuý của các bậc Thầy của dòng truyền thừa.

Bài cầu nguyện Đức Dorje Chang có bốn phần. Phần thứ nhất là xoay chuyển tâm khỏi vòng sinh tử khiến ta có thể thấy được tính chất huyễn hóa của nó, phát triển tâm nhàm chán sinh tử, và thiết tha thực hành Pháp. Phần thứ hai là trưởng dưỡng lòng sùng mộ của ta đối với Đạo sư và Pháp khiến ta có thể nhận được những sự ban phước của các bậc Đạo sư và phát triển sự thiền định chân thực. Phần thứ ba là ta cầu nguyện để có được sự an bình trong tâm và không bị xao lãng, nhờ đó ta sẽ phát triển thiền định chân thực. Phần thứ tư là nỗ lực để thấu suốt bản chất của các niệm tưởng của ta là Pháp Thân (dharmakaya). Khi đã thấu suốt điều này, chúng ta thực sự trở thành Đức Dorje Chang. Sau đó, chúng ta chỉ việc an trú trong thiền định. Bất kỳ niệm tưởng nào khởi lên, chúng ta chỉ ngơi nghỉ trong bản chất của niệm tưởng này.

Khi quán tưởng Đức Dorje Chang, ta tưởng tượng Ngài có mầu xanh dương, một mặt và hai tay cầm chày và chuông. Ngài ngồi trong tư thế kim cương. (6) Ta có thể quán tưởng Ngài đang ở trên đầu ta hoặc ở trong không gian trước mặt. Ta thường quán Ngài ở trước mặt ta và nếu có thể được, quán tưởng Ngài được tất cả các Đạo sư của dòng truyền thừa vây quanh. Ta không quán tưởng các Đạo sư trong hình tướng bình thường với thân thể thịt xương thô nặng, bởi nếu quán tưởng như thế, những hình tướng ấy sẽ làm phát sinh những tư tưởng tầm thường trong tâm ta. Việc nảy sinh những tư tưởng tầm thường trong khi thiền định là dấu hiệu cho thấy ta không có lòng sùng mộ mạnh mẽ. Vì thế ta quán tưởng Đạo sư trong thân tướng Đức Dorje Chang để phát triển một thị kiến thanh tịnh trong ta và để thấy Ngài không như thân xác thịt xương bình thường, mà trong một cách thế thanh tịnh. Ta biết rằng đó là Đạo sư của ta, nhưng ngài ở trong thân tướng Đức Dorje Chang. Nếu không thể quán tưởng tất cả các bậc Đạo sư này thì ta chỉ đơn giản quán tưởng Đức Dorje Chang và suy tưởng rằng Ngài tượng trưng cho mọi phương diện của Tam Bảo. Trong khi cầu nguyện, ta gắng tưởng nhớ tới tất cả các phẩm tính tốt đẹp của Đạo sư của ta và của các bậc Đạo sư dòng truyền thừa Kagyu, và nỗ lực cảm nhận lòng sùng mộ chân thực trong mức độ có thể. Ta cố gắng cảm nhận càng nhiều càng tốt niềm tin từ tận đáy lòng ta. Cảm nhận niềm tin ấy, ta đọc bài cầu nguyện dòng truyền thừa, (7) và khi điều này xảy ra, ta suy tưởng: “Tôi đã nhận lãnh mọi sự ban phước về thân, khẩu, ý của tất cả chư Phật và Đạo sư.” Cuối bài cầu nguyện, ta tưởng tượng rằng Đạo sư của ta và tất cả các bậc Đạo sư khác tan thành ánh sáng, rồi ánh sáng này được thâu rút qua đỉnh đầu và đi vào tim ta. Trong khoảnh khắc đặc biệt này, ta tưởng tượng đã nhận lãnh mọi sự ban phước về thân, khẩu, ý của Đạo sư của ta và của tất cả các bậc Đạo sư khác. Ta quán tưởng ta đã nhận được một cách đúng đắn cũng những phẩm tính mà các ngài có, bởi giờ đây tâm ta và tâm các ngài là một. Vì thế, mọi phẩm tính của sự hoàn toàn giải thoát khỏi những che chướng và của sự chứng ngộ viên mãn của các ngài giờ đây là của chúng ta, như thể các ngài đã in một tấm ảnh những phẩm tính giác ngộ của các ngài lên chúng ta. Ta suy tưởng rằng ta đã thâu thập toàn bộ sự ban phước, và bất kỳ sự chứng ngộ nào có trong tâm Đạo sư của ta thì giờ đây cũng có trong tâm ta.

Thiền cho và nhận

Mục đích của ta là sự phát sinh thiền định chân thật. Do đó ta phải khơi dậy lòng sùng mộ trong ta, là điều không nhất thiết phát khởi tự nhiên trong hầu hết mọi người. Vì thế ta phải tiếp tục làm việc đó bằng cách cầu nguyện với Đức Dorje Chang, Pháp Thân, Ngài là sự kết hợp của Đạo sư của ta và tất cả các bậc Đạo sư khác và của mọi khía cạnh của sự quy y.

Nếu ta mong muốn sự ban phước đến với ta thì việc thiền định của ta phải được trợ giúp bởi một động cơ đúng đắn. Động cơ này phải là vì sự Giác ngộ, nghĩ tưởng rằng ta đang thực hành điều này là vì lợi lạc của tất cả chúng sinh; rằng ta có thể đạt được Phật Quả là để giúp đỡ tất cả chúng sinh. Động cơ này được gọi là “động cơ căn bản,” và ta phải có nó trước khi bắt đầu thực hành. Nó cũng là “động cơ trực tiếp, ” điều ta luôn luôn có khi ta đang thực sự thực hành.

Thông thường thì ta không quá quan tâm tới người khác. Vì thế ta đã phát triển niềm tin hết sức mạnh mẽ này vào cái “tôi.” Từ niềm tin này phát sinh mọi cảm xúc tiêu cực. Để giải trừ tất cả cảm xúc tiêu cực và các tư tưởng về cái “tôi,” ta phải học cách tu tập tâm thức bằng thiền định về Cho và Nhận. Thiền định về Cho và Nhận (Tây Tạng: tonglen) giúp ta phát triển một thái độ thuần tịnh bằng cách giảm thiểu sự dính mắc vào chính mình và gia tăng việc nghĩ tưởng tới người khác. Thiền định về Cho và Nhận sẽ giúp ta phát triển Bồ Đề Tâm (bodhicitta), lòng khao khát chứng ngộ Phật Quả vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Trong thực hành này ta hoán chuyển hạnh phúc của ta với sự bất hạnh và đau khổ của chúng sinh khác. Thiền định này cũng được liên kết với hơi thở.

Khi thở ra, ta tưởng tượng ta gởi một luồng áng sáng rất chói lọi đi tới mọi chúng sinh. Ánh sáng trắng này tượng trưng cho tất cả hạnh phúc của ta, mọi sự tốt lành trong đời ta. Ta cũng nghĩ tưởng rằng nó chứa đựng những hạt giống của hạnh phúc, là tất cả những đức hạnh của ta. Vì thế ánh sáng trắng này đi tới mọi chúng sinh và khi chạm vào họ, nó đem tới cho họ hạnh phúc và niềm vui lớn lao. Ngược lại, khi ta thở vào, ta tưởng tượng đang nhận một luồng ánh sáng rất tối ám đem lại cùng nó tất cả những đau khổ, những vấn đề, những khó khăn và mọi nguyên nhân của những vấn đề đó. Ta thực hành thiền định này hoàn toàn theo nhịp thở tự nhiên. Ta biết rằng ta mong muốn hạnh phúc và với thực hành Cho và Nhận (tonglen) ta nhận thức rằng những người khác cũng mong muốn hạnh phúc này. Do đó bất kỳ những gì ta có, ta hiến tặng nó cho họ. Bất cứ bất hạnh và đau khổ nào họ không mong muốn, ta tưởng tượng mình nhận lãnh nó. Thực hành Cho và Nhận là một khí cụ tuyệt hảo để tăng trưởng Bồ Đề Tâm rộng lớn hơn nữa, và Bồ Đề Tâm chính là động cơ cho sự Giải thoát.

Thật là một điều tốt đẹp khi nghĩ tưởng tới việc chấp nhận nỗi đau khổ của ta và cố gắng thực sự mở lòng ra với người khác trong một cách thức bi mẫn. Nhưng để làm điều này một cách đúng đắn, trước tiên ta phải tu hành tâm thức. Ta cố gắng nghĩ tưởng rằng ta thực sự mong muốn hiến tặng những người khác điều gì đó và thực sự muốn nhận lãnh và làm nhẹ bớt nỗi khổ của họ. Chỉ nhờ sự tu hành bản thân mà động lực thuần tịnh đích thực mới có thể sinh khởi trong ta. Một khi đã có động cơ thuần tịnh này, ta mới có thể thực sự giúp đỡ những người khác. Ta không thể chuyển đổi nghiệp của người khác, nhưng có thể thay đổi những điều kiện (duyên) trực tiếp ảnh hưởng tới họ. Nếu ta có lòng bi mẫn chân thực thì ta sẽ có thể làm rất nhiều việc. Có một động cơ thuần tịnh là một việc hết sức quan trọng. Khi ta chân thành mong ước muốn giúp đỡ chúng sinh khác, ta sẽ thực sự có thể giúp đỡ họ. Ta sẽ nhận ra rằng nếu cố gắng giúp đỡ họ khi ta không sẵn sàng thì sau này ta sẽ hối tiếc.

Ví dụ, khi ngài Xá Lợi Phất quyết định đạt tới Giải thoát để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, ngài quyết định bố thí bất cứ điều gì nếu có ai yêu cầu. Một hôm một con quỷ muốn quấy nhiễu nên đi đến và nói: “Hãy cho tôi bàn tay phải của ông.” Bởi ngài Xá Lợi Phất không muốn từ chối nên với lòng can đảm lớn lao, ngài chặt bàn tay phải cho con quỷ. Con quỷ chỉ cười và nói: “Tôi không muốn bàn tay phải của ông. Tôi muốn bàn tay trái.” Dĩ nhiên sau đó ngài Xá Lợi Phất nghĩ rằng món bố thí đó quá nhiều và ngài hối tiếc về điều ấy.

Khi thực hành pháp Cho và Nhận, ta không nên sợ rằng mình sẽ nhận những khó khăn của người khác, vì ta đang tưởng tượng ta đang nhận lãnh những phiền não của mọi người. Nhưng đừng nên nghĩ rằng sự thiền định này không có tác dụng gì bởi lẽ ta không thực sự nhận bất kỳ nỗi khổ nào hay cho đi bất kỳ hạnh phúc nào. Thực hành này rất quan trọng vì trong khi thực hành thiền định Cho và Nhận, ta đang tu tập tâm ta để dần dần biến đổi thái độ rất ích kỷ của ta thành một mối tương quan cởi mở và từ ái với người khác khiến ta có thể phát triển ý hướng chân thật đi tới Giác ngộ.


Đức Thrangu Rinpoche

Hướng dẫn vào Thiền Định Samatha

Thanh Liên dịch Việt Ngữ