2015_sc_ec_day_02_005

Tiểu sử Đức Maniwa Sherab Gyaltsen Rinpoche

Vị học giả tôn kính nhất, Đức Maniwa Sherab Gyaltsen Rinpoche sinh năm 1950 tại làng Manang, vùng Gandaki. Cha ngài là Dhondup Tsering Gurung và mẹ Ngài là Tsering Gurung. Thời thơ ấu Ngài có tên là Norbu Tsering. Nơi sinh của Ngài thuộc vùng  Bắc Nepal, nơi được bao quanh bởi phong cảnh hùng vĩ của dãy núi Himalaya. Tại đây có hang động nổi tiếng, Khila Gompo Dorje, nơi mà hành giả lừng lẫy xứ Tây Tạng, Đức Milarepa đã hành thiền, và chuyển hoá người thợ săn thành một đệ tử tràn đầy lòng bi mẫn nhờ những giáo lý quý báu của Ngài.

Khi đứa trẻ chào đời, không một ai biết trước rằng sẽ có ngày cậu phục vụ các hoạt động (giáo pháp) của Ứng thân bi mẫn, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát xứ Tây Tạng (Đấng quyền năng của ánh mắt bi mẫn). Không một ai tại thời điểm đó biết rằng, cậu bé đó sau này sẽ dẫn dắt vô lượng chúng sinh trên con đường giải thoát qua trì tụng minh chú OM MANI PADME HUNG. Chính bởi khả năng trì tụng minh chú Mani một cách đặc biệt vì lợi lạc của tất thảy chúng sinh, Ngài được tôn vinh với danh hiệu “Maniwa”, vì vậy mà ngày nay Ngài được biết đến rộng rãi với danh hiệu Maniwa Sherab Gyaltsen Rinpoche. Danh hiệu của Ngài hiếm người nào có thể đạt được vì để đạt được danh hiệu này một người phải trì tụng thần chú này nhiều hơn 100,000,000 biến.

Ngay từ thời thơ ấu, Ngài đã thể hiện lòng bi mẫn đối với mỗi chúng sinh và không bao giờ có một ý niệm gây tổn hại đến bất cứ ai dù trong bất cứ thời điểm nào. Nhờ những thiện hạnh đã được tích tập từ tiền kiếp nay đã trổ quả, Ngài có khả năng học đọc, viết và tiếp thu kiến thức mà không phải dành quá nhiều nỗ lực. Khi mới khoảng hai, ba tuổi, Ngài có thể nhớ rất rõ những lời khuyên bảo tuyệt vời từ cha mẹ. Chẳng bao lâu sau, cha Ngài qua đời, Ngài nhận thức sâu sắc rằng tất cả chúng sinh không ai thoát khỏi qui luật vô thường cho dù họ sinh ra ở cõi cao hay cõi thấp của vòng luân hồi, sinh tử. Để thúc đẩy tâm thức chán ghét và xả ly luân hồi, Ngài bắt đầu tư duy nghiên cứu và thực hành giáo Pháp tinh túy, sau đó Ngài đến Kathmandu và từ đó dần di chuyển đến Rumtek.

Đầu tiên, Ngài gia nhập tăng đoàn thuộc Tu viện Rumtek. Tu viện trưởng là Đức Karmapa thứ 16, Đức Rangjung Rigpe Dorje. Đức Karmapa ban cho ngài pháp danh Karma Sherab Gyaltsen sau khi cắt tóc qui y cho ngài. Dưới sự  hiện diện của Đức Pháp Vương và các vị thầy tâm linh, Ngài đã thọ nhận giới nguyện của một vị tu hành chân chính sau khi thọ nhận giới luật, nền tảng của mọi tri thức. Hoàn thành xuất sắc các kì kiểm tra và ghi nhớ bốn tập bản văn như nghi lễ Mahakala, Mật điển.. vv, bắt đầu từ nghi quỹ cầu nguyện của truyền thống Karma Kagyu theo Đạo sư và người dẫn chúng (Omzey) bằng tiếng Tây Tạng. Sau đó, Ngài tiếp tục đảm đương vai trò trách nhiệm của người dẫn chúng (Omzey). Bên cạnh đó, Ngài cũng nghiên cứu nghệ  thuật, cách thực hành nghi quỹ, cách làm bánh Torma, nghệ thuật vẽ tranh Phật Giáo (Thangka) và cách sử dụng các nhạc cụ trong Phật Giáo Tây tạng. Ý thức rằng nếu không sở hữu chín phẩm tính của một bậc siêu phàm, thì rất khó thực hiện những hoạt động lợi lạc cho chúng sinh và hoàng dương Phật Pháp, do đó, Ngài đã nghiên cứu thành công những môn khoa học phổ thông như Tạng ngữ, thơ ca, chính tả và nhiều bản văn tiếng Tạng từ nhiều vị học giả khác.

Ngài cũng nghiên cứu những kiến thức nâng cao của triết học Phật Giáo như bộ luận nổi tiếng Nhập Bồ Tát Hạnh (Boddhisattvacharyavatara), của Ngài Tịch Thiên, các bản văn Luận (Vinaya) như Trisamvara và rất nhiều Kinh điển và Mật điển khác. Thông hiểu tất cả ý nghĩa của những bản văn kể trên bằng cách nghe và gạn lọc những chỗ chưa rõ ràng và suy ngẫm, Ngài chưa bao giờ có bất cứ ý niệm nào về việc đạt được sự kính trọng, danh vọng, nổi tiếng hay giàu có… ngoài mong cầu (thiện hạnh) duy nhất là được sống với Pháp như người ta thường nói: “Sự thanh đạm và bình an của tâm thức là dấu hiệu của sự lắng nghe”. Hơn nữa, để không quên ý nghĩa của những bản văn trong Kinh điển và Mật điển đã nghiên cứu, Ngài luôn cố gắng hiểu Pháp sâu hơn bằng cách lắng nghe, suy tư và thiền quán.

Trước tiên, bằng việc thiết lập nền tảng tốt dựa trên sự lắng nghe, suy tư và thiền quán, Ngài đã trở thành một nhà tu hành chân chính và chưa bao giờ vượt quá giới hạn của sự cho phép và vi phạm ba giới nguyện. Người ta chưa từng thấy Ngài mắc bất cứ một lỗi lầm nào và Ngài luôn trao tình yêu thương đến tất cả mọi người dù là họ ở địa vị nào và không bao giờ có bất cứ một ý niệm nào về việc nói xấu hay gây hại cho người khác. Chúng sinh trên nẻo đường đời đều ngưỡng mộ và ca ngợi trái tim nhân hậu của Ngài và Ngài đã trở thành hình mẫu lý tưởng trong mắt của mọi người như tục ngữ Tây Tạng có câu: “Không cần mong cầu, một người vẫn có thể trải nghiệm hạnh phúc”. Và như vậy, vào mùa nhập hạ hàng năm, Ngài dành thời gian cho việc giảng dạy, bàn luận và sáng tác cùng với sự hiện diện của nhiều học giả và hành giả, những người về sau tôn sùng Ngài và làm hài lòng các vị Thầy tâm linh của Ngài.

Ba trụ cột Kiến, Thiền, Hành được dựa trên giáo lý nổi tiếng của trường phái Nyammay Dhagpo Kagyu. Để làm chủ cuộc đời có ý nghĩa bằng cách chuyển hóa tâm thức và giải thoát luân hồi, người ta cần phải làm chín muồi dòng tâm thức liên tục thông qua các quán đảnh để bước vào cánh cửa Kim Cương Thừa, con đường nhanh nhất để đạt được giác ngộ. Đối với thực hành này, người đó cần phải tìm được một vị Lama đầy đủ phẩm tính. Đức Kama Sherab Gyaltsen đã tìm đến Đạo Sư chứng ngộ cao cấp như  Đức Karmapa thứ 16, hóa thân của Đức Kim Cương Trì trong thân tướng con người và Đức Bokar Rinpoche, từ hai vị Thầy tâm linh đầy đủ phẩm tính này, Ngài đã thọ nhận các quán đảnh chín muồi dòng tâm thức, giáo lý giải thoát, và sự trao truyền của những kho tàng giáo lý cũ và mới chủ yếu là Năm kho tàng vĩ đại và Mật điển. Ngài cũng thọ nhận quán đảnh, các trao truyền, giảng giải, đặc biệt là những khẩu truyền về giáo lý của Đức Phật và những bình giảng của các học giả uyên bác Ấn Độ, và từ rất nhiều hành giả và các học giả cũ và mới khác. Chỉ thọ nhận các giáo lý là chưa đủ, một người cần phải thực hành những giáo lý đó. Chính vì vậy, Ngài đã quyết tâm nhập thất ba năm. Hoàn thành thực hành các pháp tu nền tảng bốn lần, Ngài đã thực hiện thành công khóa nhập thất Mật điển thâm sâu và nỗ lực lớn để đạt được sự xác quyết trong các giai đoạn Phát triển và Thành tựu của con đường. Sau đó, Ngài nhận được sự giảng dạy về toàn bộ giáo lý sáu pháp du già của Naropa, một phương thức thâm sâu để đạt được trạng thái Phật quả chỉ trong một đời từ Đức Bokar Rinpoche và Ngài đã lần lượt thực hành các pháp tu với sự tín tâm và sùng mộ mãnh liệt. Sau khi hoàn thành đợt nhập thất 3 năm, Ngài cảm nhận rằng sẽ dành phần đời còn lại để nhập thất ẩn tu. Tuy nhiên, do thỉnh cầu của cộng đồng Manang và giáo huấn của Đức Karmapa thứ 16, Ngài quyết định đến Nepal để phát triển và nhân rộng các hoạt động giáo Pháp vì lợi lạc chúng sinh. Ngài đã tái thiết lập Tu viện cổ ở Manang vùng Pokhara để các tu sĩ có đời sống ổn định. Ngài đã ở đó trong bảy năm. Sau đó, Ngài được cộng đồng những người sùng mộ Manangi ở Kathmandu thỉnh cầu và Ngài đã quay lại Kathmandu để đảm đương vai trò quản lý tu viện cộng đồng người Manang tại Swayambhu.

Tại tu viện này, hàng năm vào tháng đầu tiên theo Tạng lịch, Ngài tổ chức lễ cầu nguyện trì tụng 1 tỷ thần chú sáu âm của Đức Phật của lòng bi mẫn, đây là tháng kiết tường cho những thực hành tâm linh. Hơn 2000 người tham dự lễ cầu nguyện này và phần lớn trong số họ là những người sùng mộ Manang. Tính tới thời điểm hiện tại, 28 lễ cầu nguyện như thế này đã được tổ chức thành công.

Do đó, những hoạt động lợi ích cho chúng sinh của Ngài tuôn chảy một cách tự nhiên trong dòng tâm thức tràn đầy lòng bi mẫn. Tất cả chúng ta, những người theo bước chân Ngài luôn cầu nguyện cho Ngài được trường thọ và tất cả những hoạt động tâm linh của Ngài lan tỏa khắp hư không vì lợi lạc của tất cả hữu tình chúng sinh và Giáo pháp. Cầu nguyện cho âm vang thần chú OM MANI PADME HUNG của Ngài trì tụng dẫn dắt tất cả chúng sinh đến thế giới của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, thế giới của lòng bi mẫn.

Hiệu đính : Giác Nhiên

Việt dịch : Nhóm Rigpa Lotsawas

Nguồn: Tiểu sử Đức Maniwa Sherab Gyaltsen Rinpoche

Mọi sai sót đều do người dịch và người hiệu đính. Có chút phước đức nhỏ nhoi nào xin hồi hướng cho những ai có duyên với Đức Maniwa Sherab Gyaltsen Rinpoche đều được Ngài dẫn dắt sớm liễu thoát sinh tử và cầu mong nhờ công đức này Ngài sớm quang lâm đến Việt Nam.