spinning-prayer-wheels-daofu-monastery-daofu-sichuan

Thiền và Kinh Luân

Nếu 1 phần mục đích hoặc bản chất của kinh luân là để móc nối chúng ta với Chư Phật và tạo ra môi trường thuận lợi cho việc tu tập đức hạnh, vậy thì lẽ tự nhiên là sự nối liền thiền tập với kinh luân sẽ tăng bồi cho những kết quả thiện lành.

Ðối với tôi, pháp thiền được đề nghị trong những bài luận giải có vẻ rất sâu diệu, nó bao gồm những yếu tố quan trọng của Kinh Ðiển Thừa và Ðại Thừa (hoặc Kim Cang Thừa) trong thiền tập nhà Phật. Pháp hành chuyển kinh luân được thiết lập với chủ ý kết buộc “3 cửa” –thân, khẩu, ý– của hành giả đi kèm với đức hạnh. Với thân, hành giả quay kinh luân. Với ngữ, hành giả niệm chú của Ngài Avalokiteshvara. Và với ý, hành giả đặt ở pháp quán tưởng.

Ðính kèm là bản “Pháp Thiền Kinh Luân” trình bày 1 nghi thức thiền tập áp dụng cho kinh luân dựa theo các luận giải Tây Tạng và lời bình giảng của Ðạo sư Zopa. Những khổ đau riêng biệt của mỗi cõi trong 6 cõi giới đươc dựa trên những diễn giải theo truyền thống trong tài liệu đạo-cấp (những cấp bậc của con đường). Những ai quen thuộc với những pháp thiền trong trường phái Mật Chú Thừa hay Kim Cang Thừa của Ðại Thừa sẽ nhận thấy 1 số khía cạnh của những pháp thiền này, chẳng hạn như niệm chú và quán tưởng luồng ánh sáng để tịnh hoá và giác ngộ cho tất cả chúng sinh, có nằm trong pháp thiền kinh luân, mà nó cũng có bao gồm cả những đề mục thiền quan yếu trong trường phái Ðại Thừa nói chung. Thí dụ, khi đang hành theo nghi thức pháp thiền này, hành giả quán những đề mục về những khổ đau của 3 cõi [địa ngục, ngạ qủy, súc sinh], khổ đau của ta bà nói chung, những tai hại của 6 căn bản phiền não [tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến], 4 vô lượng tâm [từ, bi, hỷ, xả], và bồ đề tâm, loại tâm cao thượng nguyện đạt đến toàn giác để lợi lạc tất cả chúng sinh.

Ngoài ra, pháp thiền kinh luân được sắp xếp theo cách thức tương tự như kỹ thuật dũng mãnh luyện tâm gọi là nhận và cho, kỹ thuật này sẽ sinh khởi tâm đại bi và bồ đề tâm. Khi hành pháp thiền nhận-cho, đầu tiên hành giả phát khởi tâm xả, tâm từ, và tâm đại bi, rồi hành giả tưởng tượng thâu nhận tất cả khổ đau
của tất cả chúng sinh vào mình. Ðấy là phần nhận. Ở đây, cái mà hành giả thâu nhận từ kẻ khác là nỗi thống khổ của họ và những nguyên do gây khổ –những ác nghiệp, phiền não, và ô nhiễm của họ. Kiểu nhận này phát xuất từ tâm bi và rồi chính nó sẽ làm tăng trưởng tâm bi, đó là loại tâm được định nghĩa là ước nguyện giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau. Theo pháp thiền nhận-cho, tất cả những gì bất thiện lành của mọi người, hành giả quán chúng ở dạng khói đen và thu hút những luồng khói này vào mình để chúng trừ khử những ý tưởng ái ngã trong tâm. Ðại tôn sư Pabongka dạy là “hãy quán tưởng tất cả những khổ đau của họ rơi rụng như lông tóc bị dao cạo tiện lìa và chúng chuyển thành những tia hắc xạ hoà tan vào tính ái ngã trong tâm.”

Kế đến hành giả bước sang phần thiền cho, lối cho này phát xuất từ tâm từ và ngược lại nó sẽ làm tăng trưởng tâm từ, loại tâm nguyện mong chúng sinh an hưởng hạnh phúc. Cách thức tu tập như sau, hành giả tưởng tượng đem biếu tặng tất cả những gì tốt đẹp nhất mình có –của cải, thân thể, kiến thức, trí huệ, và thiện nghiệp– cho kẻ khác hầu mang lại nguồn hạnh phúc đến với họ. Tuy rằng quán tưởng như vậy không thể giải trừ khổ đau cho kẻ khác, hoặc làm cho họ được an vui, nhưng theo kinh nghiệm của các đại hành giả từ bao thế kỷ nay thì khi thực hành pháp thiền này đến 1 lúc nào đó các phẩm hạnh từ, bi, dũng, kiên cường, và bồ đề tâm sẽ khai mở và phát triển. Và những phẩm hạnh này lại là động lực hỗ trợ cho hành giả tiến triển nhanh chóng đến quả vị toàn giác, nhờ đó hành giả có thể lợi lạc cho chúng sinh theo như ước nguyện.

Trong pháp thiền kinh luân, hành giả quán tuần tự 6 cõi giới –địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, atula, trời. Ở mỗi cõi hành giả khởi quán lấy sạch các khổ đau, ác nghiệp, phiền não, và ô nhiễm của tất cả chúng sinh nơi đó. Cũng giống như pháp thiền nhận-cho, hành giả khởi đầu với pháp nhận để làm tăng triển lòng bi mẫn. Ðiểm khác biệt chính giữa 2 pháp thiền kinh luân và nhận-cho là trong pháp thiền kinh luân, khi nhận, thay vì quán luồng khói đen mang theo những xấu ác thu hút vào mình, hành giả quán nó hút nhập vào cái kinh luân rồi bị tiêu tan trong đó. Và khi quán cho, thay vì chỉ đem cho những gì thiện lành của mình, hành giả biếu tặng tất cả chúng sinh các đức hạnh vô biên của Phật bà Quan Âm, thể hiện thành những ánh quang sắc phóng chiếu đến tất cả chúng sinh trong 6 cõi, mang họ đến toàn giác. Như vậy, pháp thiền kinh luân là phương tiện rất thực tiễn để vun bồi tâm từ, bi, và bồ đề.

Niệm Chú & Kinh Luân

Có lời khuyên hành giả là khi tay chuyển kinh luân thì khẩu nên niệm câu chú (linh ngôn, chân ngôn, minh chú [mantra]) lục tự – Om mani padme hum. Theo các chú giải Tây Tạng, thực hành cách này sự lợi ích thật không thể lường. Ðây là câu chú của Avalokiteshvara, Phật bà Quán Âm, mà đa số dân Tây Tạng
liên tục chú niệm không ngừng nghỉ. Nó được khắc trên đá, viết trên lá cờ (thánh kỳ), chạm nổi trên châu báu, và thường được bỏ vào bên trong các kinh luân. Ðối với người Tây Tạng, nó được coi như là bảo chú, và vì vậy kinh luân thường được họ gọi là bảo luân.

Chú là những chuỗi mẫu tự được gia trì do những vị đã giác ngộ với mục đích mang lại lợi ích cho chúng sinh. ‘Chú’ nghĩa là ‘bảo vệ tâm’, nó bảo vệ tâm khỏi bị lung lạc bởi những hình tướng và vọng tưởng thế tục mà hậu quả là khổ đau triền miên trong cõi ta bà sinh tử tái tục. Ðược biết những câu chú khác nhau
hàm chứa những lợi ích khác biệt của chúng, và phần nhiều chúng chỉ được bí truyền cho những môn sinh đã dự buổi lễ quán đảnh của đúng pháp hành đó. Thế nhưng đối với bảo chú này thì khác, tôn sư Kalu có nhận định là “uy lực của nó cực kỳ mạnh mẽ” và “bất cứ 1 ai cũng có thể dùng tập được” để rút ngắn con
đường đến giác ngộ. Ðạo sư Dilgo Khyentse viết, “Bảo chú này không phải chỉ là 1 câu gồm mấy chữ tầm thường, mà nó chứa đựng tất cả những ân phước cùng với lòng bi mẫn của Ngài Avalokiteshvara,” và Ðạo sư khuyến dụ chúng ta lắng nghe câu chú này, “hãy tụng, hãy đọc, và hãy viết xuống chữ bằng vàng cho thật đẹp đẽ. Bởi vì không có mảy may khác biệt giữa chính vị bổn tôn và minh chú –minh chú chính là phần tinh tuý của vị bổn tôn– nên những việc làm này sẽ mang lại lợi lạc lớn lao.”

Vai trò của minh chú trong pháp hành nhà Phật thường không được hiểu biết 1 cách đúng đắn ở các xứ Âu Mỹ. Khoa học đã khảo nghiệm và ghi nhận rằng niệm chú làm thân tâm được thư giãn 1 cách rõ rệt, và có những thống kê phân tích vấn đề này cho thấy thiền bằng những câu chú chân truyền có làm giảm bớt sự băn khoăn lo lắng nhiều hơn các loại thiền khác (kể cả loại thiền dùng những mẫu tự Phạn ngữ chọn theo lối rút thăm hoặc tự lựa lấy những chữ tiếng Anh).

Trong sự hiểu biết của người Tây phương về pháp tập niệm chú, họ có khuynh hướng nhắm vào sự thư giãn làm mục tiêu chính. Tuy nhiên kết quả mang lại này, theo quan điểm người Tây Tạng, không phải là mục tiêu của việc niệm chú, nó là 1 phản ứng tuy tốt nhưng không đáng kể.

Tôn sư Kalu giảng rằng những vị Phật toàn giác và những vị Bồ Tát chứng ngộ cao (ở địa thứ 8 trở lên) có thể nhận biết những “linh tự” ẩn trong các đường kinh mạch của xác thân vi tế. Họ ‘nhuộm’ những linh ngôn với những năng lực riêng biệt, chẳng hạn như khả năng mang lại sức khoẻ, tăng cường trí thông minh, được sự bảo hộ, v.v… Lạtma Thubten Yeshe nhận thấy linh ngôn Kim Cang Tát Ðoả [Vajrasattva] có năng lực tẩy trừ ác nghiệp. Ông giải thích niệm linh ngôn này hàng ngày với sự chú tâm trong sáng có thể ngăn chặn không cho ác nghiệp tăng trưởng như thế nào, và nó “hữu hiệu 1 cách thần kỳ trong việc xoá tẩy các vọng tưởng và những hắc ám của những chướng ngại tâm lý” như thế nào. Lạtma Zopa cũng thường giảng rằng có 1 số linh ngôn nếu chú niệm cho những kẻ trong giờ phút hấp hối, thay vì phải tái sinh vào những đường ác [cõi địa ngục, ngạ qủy, súc sinh], sẽ có khả năng giúp họ tái sinh vào những cõi lành [cõi người, cõi trời], và giúp họ tinh tấn trên con đường đạo. Một số linh ngôn chính yếu là chỉ dùng để chú niệm, còn những linh ngôn khác được sử dụng để lợi lạc kẻ khác bằng những cách như chú niệm, viết lên những lá cờ, viết lên cửa ra vào, hoặc cuộn lại bỏ vào trong bảo tháp hay tượng. Những lợi ích được diễn tả về những linh ngôn đó thường cũng được diễn tả tương tự trong những bài kinh trên kinh luân.

Thật ra, đề tài về linh ngôn và chức năng của chúng trong pháp hành nhà Phật thì thật bao la và thâm thúy. Ðiểm quan trọng cần phải hiểu ở đây là linh ngôn không phải là lời cầu nguyện đến vị thần linh nào cả. Mà linh ngôn – dùng để niệm, hay viết, hay quay– chính là vị bổn tôn, là sự giác ngộ, hoá hiện tức thời. Như tôn sư Dilgo Khyentse từng nói, “không có mảy may khác biệt giữa chính vị bổn tôn và linh ngôn –phần tinh tuý của bổn tôn. Học giả Robert Thurman ghi nhận rằng khi người Tây Tạng niệm câu (atom)!” Việc chuyển kinh luân và niệm bảo chú là sự toan tính của hành giả chặn dứt ô nhiễm cõi ta bà, cõi được đặt trên nền tảng vô minh và thái độ vị kỷ. Với thân, khẩu, và ý hành giả khẳng định rằng Phật bà Quán Âm đang hiện diện tại nơi đây ngay giây phút này, đây là tịnh độ của Ngài, và vũ trụ thì tràn ngập ánh quang từ bi trí tuệ để thức tỉnh chúng sinh.

Về ý nghĩa của câu bảo chú thì được biết rằng ngay cả 1 vị Phật cũng không cách nào diễn giải cho đầy đủ được! Ðiểm quan trọng cần thấu rõ là mani thường được hiểu là “bảo châu” và padme thường được hiểu là “liên hoa.” Một diễn dịch thông thường về 2 chủng tự này là chúng biểu tượng cho phương tiện (mani) và trí tuệ (padme). Sự kiện chúng được đặt cạnh nhau như thế nói lên rằng phương tiện và trí tuệ cần phải được sát cánh thi hành để có thể tiến triển 1 cách hữu hiệu trên con đường Ðạo. Hành giả Ðại Thừa cũng giống như con chim ưng, muốn bay cần phải có đủ cả 2 cánh; vị bồ tát bay đến bến bờ giác ngộ
bằng cặp cánh phương tiện và trí tuệ. Ngài Ðạt lai Lạt ma có viết,
Như vậy lục tự chân ngôn này, om mani padme hum, có nghĩa là tùy thuộc ở con đường, sự kết hợp mà không thể tách rời của phương tiện và trí tuệ, mà hành giả có thể chuyển hoá từ thân-khẩu-ý bất tịnh thành thân-khẩu-ý thanh tịnh, cao quý của 1 vị Phật.

Chữ Om thường được giải thích là nó bao gồm 3 âm –A, U, M– và chúng biểu tượng cho thân-khẩu-ý bất tịnh của hành giả mà có thể được thanh tịnh hoá nhờ pháp hành để chuyển biến thành thân-khẩu-ý cao quý của 1 vị Phật. Ngài Ðạt lai Lạtma giảng rằng chữ Hum mang ý nghĩa không thể cách biệt – tức là phương tiện và trí tuệ được phát khởi thành 1 hợp thể bất khả phân ly trong tâm hành giả Ðại thừa.

Mỗi chữ trong câu Om Mani Padme Hum còn được hiểu là nó tương ứng riêng với những thứ phải thanh tịnh hoá hoặc được thành tựu. Thí dụ như, 6 chữ này tương ứng với 6 cõi (cần phải được thanh lọc), tương ứng với 6 căn bản phiền não (tham-sân-si-mạn-nghi-tà kiến, cần phải chế ngự), và tương ứng với 6 loại ngăn che (cần phải được thanh lọc). Chúng cũng được hiểu là tương ứng với 6 độ ba la mật cần phải thành tựu trên con đường, tương ứng với 6 trí tuệ cần phải chứng ngộ, và tương ứng với 6 Phật bộ cần phải thấu đạt.

Bảng sau đây liệt kê vài dữ kiện tương ứng cần thiết cho pháp quán của kinh luân.
Lục Tự – Màu Sắc  – 6 Cõi phải thanh lọc – 6 Căn Bản Phiền Não – 6 Ba la mật
OM          Trắng                  Thiên                         Kiêu Mạn                      Ðịnh
MA          Xanh lá cây        Atula                          Ðố Kỵ                            Giới
NI            Vàng                   Người                         Tham ái                         Tinh tấn
PAD        Xanh da trời      Súc sinh                     Si                                    Tuệ
ME          Ðỏ                       Ngạ quỷ                     Tham                              Bố thí
HUM      Chàm                  Ðịa ngục                     Sân                                 Nhẫn nhục

Các kinh sách khác có liệt kê thêm 1 số tương ứng. Như trong bản dịch của David Molk về giáo lý của vị vua TâyTạng, Songtsen Gampo,
Lục Tự –                 Thần Thông [tt] –                           Avalokiteshvara
OM                        tt siêu phàm                                  đạt được thân Ngài
MA                        tt thông thường                             đạt được khẩu Ngài
NI                          tt trừ bệnh tật, đuổi tà ma           đạt được ý Ngài
PAD                      tt tăng tuổi thọ và công đức        đạt được đức hạnh của Ngài
ME                       tt kiểm soát người,tài sản             đạt được hành xử của Ngài
HUM       tt diệt trừ kẻ thù, kẻ gây chướng ngại,    đạt được nghiệp của Ngài

Lục Tự –                      Tính Chất Con Ðường
OM              đạt được tính chất con đường của tích tụ
MA       —————————————– chuẩn bị
NI         —————————————- sự thấy
PAD     —————————————- thiền định
ME       —————————————- vô học
HUM   —————————————- tâm toàn giác

Theo như kinh sách giảng, nhờ chuyên tâm niệm lục tự chân ngôn nên ngay khi hành giả lìa trần là lúc vãng sanh Tịnh Ðộ và, đến khi Ngài Avalokiteshvara trở thành vị Phật danh hiệu Rasimamamudrata Srikutraraja hành giả sẽ tái sinh (với cấp bậc bất thối địa), 1 cách kỳ diệu, từ trong 1 hoa sen thuộc về nhóm thánh chúng đầu tiên của Ngài.

Rõ ràng là ý nghĩa của câu bảo chú thật đa diện. Theo kinh nghiệm của riêng tôi [tác giả], đôi khi tôi có cảm tưởng minh chú là 1 sự diễn bày thật cô đọng và đầy thi vị mà qua đó các vị giác ngộ muốn chia sẻ phần nào cái kinh nghiệm bất khả tư nghị của họ –1 bài thơ gói ghém trong đó lòng từ, trí tuệ, và hỷ lạc.

Cách thức chính để gặt hái lợi ích của câu bảo chú không phải là chỉ nghiên cứu suông, mà phải chú niệm nó. Cũng như 1 người có thể cảm được vào 1 bài thơ hay bằng cách đọc đi đọc lại, thì hành giả có thể thâm nhập được vào ý nghĩa và những lợi lạc của minh chú bằng cách chú niệm nhiều lần.

Ngài Tôn sư Dilgo Khyentse viết,
Trong cả 2 hoàn cảnh hạnh phúc lẫn khổ đau, nếu con dùng bảo châu (mani) làm nơi ỷ dựa … Ngài [Avalokiteshvara] sẽ luôn luôn ở bên con, con sẽ cảm thấy tâm sùng kính ngày càng gia tăng mặc dù không phải nỗ lực, và sự nhận thức của con đường Ðại thừa sẽ tự động sinh khởi trong con.

Những nhà luận giải Tây Tạng đều phát biểu rằng xoay chuyển kinh luân và niệm bảo chú sẽ khiến cho chỗ ở của hành giả trở thành nơi chốn như tịnh độ Phổ đà sơn, và “cơ đồ” của họ trở nên “tương đương với ngàn vị Phật” và “có nghĩa lý đối với bất cứ 1 ai có duyên với họ” như thế ngay cả “những chúng sinh
được chạm vào cái bóng của họ sẽ được thoát ra khỏi các cõi ác.”

Lạtma Zopa cũng giảng giải tương tự, nếu hành giả niệm bảo chú tối thiểu 1.000 biến mỗi ngày thì cơ thể họ sẽ được thánh hoá và như vậy sẽ lợi ích cho những ai đụng chạm họ. Ðiều được nêu lên ở đây là khi dấn thân vào pháp hành chuyển kinh luân và niệm bảo chú, hành giả thật sự trở thành điểm giao tiếp cho những người muốn tiếp xúc năng lực của vị giác ngộ. Theo 1 nghĩa nào đó, cơ thể của hành giả trở thành giống như 1 thánh địa hay giống như 1 bảo tháp –nơi mà pháp thân toàn giác của Phật hoá hiện để lợi lạc chúng sinh.

Ðể ý những phản ứng của mọi người và của chính tôi đối với những lời khẳng định về lợi ích của pháp tập này thì thấy khá thú vị. Từ quan điểm tân thời có tính cách máy móc về thực tại thì những lợi ích như thế có vẻ rất đáng ngờ. Nhưng theo lối nhìn của nhà Phật, khi năng lực tâm và giác ngộ khả đắc được thấu rõ thì những lợi ích kể trên không phải là chuyện hoang đường.

Ðại hành giả Lạtma Thubten Yeshe giảng rằng trong Kim Cang Thừa nhà Phật thì biểu tượng và sự quán tưởng có công hiệu như thế nào trong việc “giới thiệu chúng ta với bản tánh”, cái siêu nhiên và vô giới hạn. Ngài chỉ cho ta thấy rằng chúng ta bị giam hãm bởi chính cái ngã kiến hạn hẹp và tù túng, và bị nô lệ bởi “sự áp chế của hình tướng và vọng tưởng.” Ông nói mật tông nhà Phật thách thức chúng ta giải toả cái ngã kiến khiếm khuyết này và mở rộng tầm nhìn để thừa nhận rằng chúng ta “đẹp đẽ 1 cách phi phàm –không khác gì thiên thần, tiên nữ,” và như vậy ta nhìn nhận “cái kinh nghiệm tỉnh giác tiềm ẩn trong nội tâm.”

Theo kinh nghiệm của riêng tôi, kinh luân có khả năng khuyến khích chúng ta vượt thoát ra ngoài cái khuôn ngã kiến chật hẹp và áp bức, và nó cũng nhắc nhở ta là điều này có thể thực hiện được. Khi nào cảm thấy xuống tinh thần hoặc hơi khắc nghiệt quá đối với chính mình, tôi lại đọc lại bài giảng về lợi ích của pháp hành kinh luân. Có lần Lạtma Zopa cho tôi xem miếng giấy viết tay ghi những lợi ích được buộc vào kinh luân. Sự kiện này đã khuyến khích tôi đối diện với thử thách về sự giới hạn của mình, và cố gắng vui vẻ với sự can đảm nhìn nhận rằng tôi là nguồn lợi lạc lớn lao cho chúng sinh cũng như có khả năng phụng sự họ chu đáo.
Trong khi suy nghiệm về vấn đề này, tôi may đọc được 1 câu chuyện kỳ thú trong quyển sách của Delog Dawa Drolma –1 vị lạtma có tầm nhìn xa rộng và cũng là thân mẫu của Chagdud Tulku. Quyển sách kể lại cuộc hành trình của bà qua các cõi giới trong lần chết hụt, nó có nét giống như những gì Dante mô tả về chuyến đi của ông qua thiên đàng và địa ngục. Có nhiều lúc, nhất là khi du hành qua địa ngục, bà kể rằng thấy có những người quay chuyển kinh luân và cất giọng ngọt ngào hát câu bảo chú hay lời cầu nguyện bi mẫn nào đó; nhân những dịp này, có những chúng sinh đang chịu thống khổ dưới địa ngục bốc lên và theo những người này về những cõi tịnh độ. Có lần 1 sư cô dẫn cả ngàn chúng sinh ra khỏi địa ngục đi về hướng tịnh độ của Phật mẫu Tara. Bà Dawa Drolma để ý thấy vị sư cô có thể làm được việc này nhờ những chúng sinh “được móc nối với sư cô qua câu chú hay đụng chạm.” Ðiều này có nghĩa là, vị sư cô đang hành pháp tập này có thể cứu giúp những chúng sinh đó chỉ vì họ đã từng chạm sư cô hoặc đã được nghe lời sư cô nói trong kiếp trước.
Khi còn trẻ, những truyền thuyết anh hùng thời vua Arthur làm tôi rất lý thú. Có những vị anh hùng đi lùng kiếm và tìm thấy những vật cụ kỳ diệu như Holy Grail (ly thánh) và Excalibur (gươm báu) dùng để cứu giúp kẻ khác. Theo truyền thuyết, kinh luân được vị đại sĩ Bồ tát Long Thọ (Nagarjuna) mang đến cõi người từ cõi rồng nagas; kinh luân rất đặc biệt ở chỗ nó cũng là vật thần diệu hoặc thiêng liêng có năng lực khuyến khích hoặc, có lẽ, thách thức ta trực nhận bản tánh, cái khả năng tiêu biểu có thể giác ngộ và cái tâm bi mẫn huyền diệu.

Đức Lama Zopa Rinpoche

 Wheel of Great Compassion