penor-rinpoche

Khảo sát và Nương tựa vị Thầy

Tính chất quan trọng của sự Khẩu truyền

Dù giáo lý hay thực hành mà chúng ta đang thảo luận trong truyền thống Phật Giáo đặc biệt tới mức độ nào, dù truyền thống đó là Tiểu thừa, Đại thừa hay Kim Cương thừa, tiến trình của việc phát triển tâm linh là tiến trình của đệ tử nương tựa một vị Thầy. Chúng ta có thể gọi vị Thầy đó là một Lạt ma, một Guru, hay bất kỳ danh hiệu gì, nhưng vấn đề trọng yếu là có một sự khẩu truyền xảy ra trong đó một vị Thầy giảng dạy đệ tử: đệ tử nghe các giáo lý, thâm nhập ý nghĩa của chúng và đưa chúng vào thực hành.

Việc chúng ta nhấn mạnh vào một sự khẩu truyền là có lý do. Từ thời đại của Đức Phật cho tới ngày nay, Phật Pháp luôn luôn được truyền dạy và có nghĩa là được khẩu truyền, bảo đảm rằng có một truyền thống sống động vẫn thấm đẫm sự ban phước và năng lực của những giáo lý nguyên thủy. Sự khẩu truyền này cũng ngăn ngừa việc có thể có những kẻ gọi là Thầy chỉ xuất phát từ những ý tưởng của riêng họ. Thay vào đó, vị Thầy phải kinh qua một truyền thống giáo lý được chứng minh.

Điều này làm cho Phật Pháp khác biệt với những loại kiến thức khác ở đó người ta có thể làm đổi mới. Trong những lãnh vực kiến thức như thế việc nảy sinh ra những hệ thống tư tưởng mới hay đưa vào những ý tưởng mới mẻ có thể là điều thích đáng. Nhưng khi ta nói về Phật Pháp thì để một giáo lý có giá trị, mỗi giáo lý phải nối kết với những giáo lý nguyên thủy của Đức Phật. Những giáo lý không thể là điều mà một người nào đó hoàn toàn phát khởi trong đầu họ. Các giáo lý là những gì vị Thầy kinh qua.

Cũng thế, trong những loại kiến thức khác của nhân loại, người ta có thể chấp nhận được việc đưa ra thông tin theo một cách càng làm vui lòng và dễ chịu thì càng tốt. Nhưng mặc dù các Giáo Pháp cần được giới thiệu trong một phương cách dễ nghe, điều tối quan trọng là những giáo lý được trao truyền có năng lực để ban phước và gây ảnh hưởng cho những người nghe chúng trong một cách thế tích cực – không chỉ trong đời này, mà còn cả những đời sau. Vì thế mặc dù việc giảng dạy Pháp cần tao nhã và được giới thiệu khéo léo, điều tối quan trọng là sự ban phước của thông điệp cốt tủy.

Những Phẩm tính của Lạt ma

Những giáo lý mà chúng ta biết là Phật giáo được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy trước tiên. Những giáo lý này đã được hộ trì nhờ một dòng truyền dạy sống động cho tới ngày nay bởi những người được hứng khởi để đi theo gương mẫu của Đức Phật và nghiên cứu con đường đó và truyền dạy nó cho những người khác. Trong bất kỳ truyền thống Phật Giáo khác nhau nào chúng ta cũng nhận ra rằng có vô số người nhờ nghiên cứu và thiền định mà trở nên vô cùng uyên bác, có năng lực và chứng ngộ tâm linh. Nhưng lý do tại sao các ngài giảng dạy và lý do vì sao những cá nhân này cam kết để trở nên uyên bác trong lãnh vực Giáo Pháp thì không nên để cho mình chìm ngập trong việc tự thổi phồng mình lên. Ta không trở nên uyên bác về Pháp để tự cho rằng bản thân ta uyên bác và để đạt được một địa vị đặc biệt nào đó. Ta cũng không giảng dạy người khác từ một cảm thức tự phụ có tính cách cá nhân. Pháp được hộ trì bởi nó mang lại những lợi ích cho những người lắng nghe giáo lý. Đó là động lực đằng sau việc giảng dạy.

Để trở thành một vị Thầy đích thực của truyền thống thì sẽ không đủ nếu chỉ đọc sách vừa đủ để trở nên thật tinh thông giáo lý và sau đó tự coi mình như một vị Thầy. Đúng hơn, ta phải được vị Thầy của ta, một người chứng ngộ một cách đặc biệt, cho phép giảng dạy. Cũng có thể có trường hợp ta được ban cho một thị kiến về Bổn tôn chọn lựa của ta, trong kinh nghiệm đó Bổn tôn sẽ ban cho ta sự ban phước và thẩm quyền để giảng dạy.

Như vậy vấn đề không chỉ đơn giản là việc một người bình thường phát triển đầy đủ sự thông minh tài giỏi để có thể nói thật hay về Pháp. Lợi ích thật sự của những giáo lý không xảy đến nhờ một sự tiếp cận thông thường, bởi lẽ càng thêm sự tiếp cận thông thường thì chỉ càng tăng thêm khuynh hướng nuôi dưỡng sự tự phụ và những cảm xúc mâu thuẫn của riêng ta. Chẳng có lợi lạc nào có thể đến từ điều đó. Chỉ khi việc giảng dạy là một hành động vô ngã để làm lợi lạc người khác được đặt nền trên một sự truyền dạy đích thực thì ta mới thực sự có lợi lạc là điều cần thiết để Giáo Pháp được hộ trì.

Nếu ta chiếu cố tới tất cả những giáo lý của Đức Phật, bao gồm mọi luận giảng về những giáo lý đó của các đại thành tựu giả vĩ đại – những pundit (học giả) uyên bác của Ấn Độ, Tây Tạng và  những truyền thống Phật Giáo khác – thì một cá nhân đơn độc không thể nỗ lực và đưa tất cả những giáo lý đó vào thực hành. Điều này không có nghĩa là có phương diện nào đó của những giáo lý đó là vô ích và không có chức năng. Trong thế giới này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chuyển Pháp luân trong ba lần truyền dạy liên tiếp trong thời đại của Ngài. Trong Kim Cương thừa khi chúng ta khảo sát hàng ngàn pho sách được gọi chung là Phật Pháp, bao gồm 84.000 tuyển tập của những giáo lý của Đức Phật và 6.400.000 bản văn Tantra (Mật điển), thì rõ ràng là không một người đơn độc nào có thể thâm nhập và thực hành tất cả những giáo lý đó.

Khảo sát vị Thầy

Như thế điều này đưa chúng ta tới chủ đề guru yoga. Ta hãy xem xét từ nguyên của từ ‘lama’ trong tiếng Tây Tạng. Âm đầu tiên ‘la’ có nghĩa là ‘cái gì không thể vượt qua’ (vô song). Từ thứ hai ‘ma’ theo nghĩa đen có nghĩa là mẹ. Điều này có nghĩa là thái độ của vị Thầy thì giống như thái độ của một bà mẹ đối với những đứa con của bà. Có một hàm ý rằng mối liên hệ với Lạt ma mang theo nó rất nhiều sức nặng. Đệ tử cũng có một tiềm năng khổng lồ để được lợi lạc từ mối liên hệ đó.

Đây là lý do tại sao trong con đường thần chú bí mật của giáo lý Kim Cương thừa, điều được nhấn mạnh ngay từ lúc khởi đầu là việc vị Thầy và đệ tử khảo sát lẫn nhau thì rất quan trọng. Hẳn đó phải là một tiến trình phê phán nhờ đó người này chọn lựa người kia. Ví dụ như các Mật điển có nói rằng nếu một Lạt ma hám lợi, tham vọng, bị lệ thuộc vào những cảm xúc mâu thuẫn, tràn đầy kiêu ngạo, ganh tị hay tranh đua, thì việc một đệ tử nương tựa vào một vị Thầy như thế sẽ không thích hợp cho dù Lạt ma đó là ai. Lạt ma phải có những phẩm chất đúng đắn, kể cả phẩm tính của lòng bi mẫn. Nếu vị Thầy không có những phẩm tính căn bản này thì một Lạt ma như thế sẽ rất khó ban phước cho đệ tử – sự ban phước là điều cần thiết để mối liên hệ Thầy/trò mang lại kết quả tốt đẹp.

Trong việc khảo sát những phẩm tính của một Lạt ma, một người bình thường khó có thể đánh giá được những phẩm tính của dòng tâm thức của Lạt ma đó, đặc biệt là khi mới gặp vị Thầy này. Nhưng một yếu tố quyết định được cân nhắc là dòng truyền thừa mà vị Lạt ma hộ trì và dòng truyền đó có được duy trì với samaya thanh tịnh hay không.

Ta không thể xác định một cách đơn giản dựa vào mức độ hiểu biết của một vị Thầy để xem ông có năng lực tâm linh có thể trao truyền ân phước chân chính hay không. Nếu dòng tâm của vị Thầy không được thúc đẩy bởi một phẩm tính vị tha và bi mẫn – phẩm tính của Bồ đề tâm – mà đúng hơn bị kích động bởi một phẩm tính kiêu ngạo và những cảm xúc phiền não, thì điều đó sẽ không phải là một mối liên hệ lợi lạc cho dù vị Thầy đó rất uyên bác. Đây là bởi động lực của vị Thầy không đúng đắn.

Vì thế vào lúc đầu, điều quan trọng đối với đệ tử là khảo sát một vị Thầy tương lai. Một khi đệ tử đi tới chỗ quyết định nương tựa một vị Thầy nhất định thì không còn gì để thảo luận nữa. Quyết định đã được lập ra. Vào lúc đó điều quan trọng đối với đệ tử là nương tựa toàn tâm toàn ý nơi vị Thầy. Nếu ta trải qua tiến trình khảo sát để kiểm tra những phẩm tính của vị Thầy và quyết định rằng vị Thầy này thích hợp đối với bản thân ta, thì ta sẽ có thể duy trì một sự tôn kính và một niềm tin nơi vị Thầy.

Khi ấy, miễn là đệ tử duy trì một thái độ tin tưởng và sùng mộ đối với một Lạt ma được chọn lựa theo cách này, sẽ không đệ tử nào không được trực tiếp nhận những sự ban phước của Đức Phật trong dòng truyền thừa sống động này. Điều này thì hoàn toàn không thể sai lầm.

Câu chuyện của Lạt ma-Chăn cừu

Ở Tây Tạng có một gia đình du cư chăn nuôi gia súc. Họ sinh sống bằng nghề nuôi và bán thú vật và tuyệt nhiên không hiểu biết gì về Pháp. Công việc của họ có bản chất thế tục.

Một người chăn gia súc làm thuê cho gia đình này được cho thực phẩm khi anh ta đưa đàn thú ra ngoài mỗi ngày. Vào lúc giữa trưa, anh đi tới một bờ sông, để mặc đàn thú gặm cỏ, anh ngồi xuống uống trà và dùng bữa trưa của mình. Ở nơi anh ngồi có một tảng đá nhô lên. Mỗi ngày anh dùng những thực phẩm dư thừa gồm thức ăn và trà và để chúng trên tảng đá. Anh ta làm điều này mà không suy xét rằng việc đó là tốt hay xấu. Việc để thức ăn thừa trên tảng đá chỉ là một tập quán lười nhác của anh.

Tảng đá nhô lên đặc biệt này có ba mặt trên đó anh ta thường đặt thức ăn. Khi sự việc đó xảy ra, những tảng đá này có một vài tinh linh địa phương tới cư ngụ. Trong số đó có một  tinh linh rồng, một tinh linh ma quỷ và một tinh linh khác được gọi là tsen. Ba tinh linh phi nhân này rất tán thưởng những “vật cúng dường” này mà người có vẻ là một con người tâm linh và hành giả thành tựu này đang ban tặng họ mỗi ngày. Họ thảo luận với nhau: “Để tỏ lòng biết ơn, ít nhất là một người trong chúng ta phải làm điều gì đó. Ai sẽ làm việc ấy?” Và họ đi tới kết luận là tinh linh ma sẽ là người giúp đỡ người chăn cừu. Và vì thế tinh linh ma nhập vào người chăn cừu khiến anh ta bị thay đổi toàn diện. Anh thực sự trở thành một người rất thông thái và tài giỏi.

Khi từ cánh đồng trở về nhà, anh là một người khác. Thay vì chỉ về nhà như thường lệ, anh trở về nhà và bắt đầu nói về Pháp, anh bắt đầu thuyết giảng. Trải qua một thời gian, anh có tới hàng ngàn đệ tử. Anh tạo được một ấn tượng sâu sắc như một vị thầy tâm linh đến độ tập họp được quanh mình một nhóm đệ tử khổng lồ. Anh cũng viết nhiều quyển sách và nổi danh là người rất uyên bác về Pháp. Điều này tiếp diễn trong nhiều năm và danh tiếng của anh tiếp tục phát triển.

Anh ta đang tiếp tục những hoạt động này thì một Lạt ma khác đang du hành trong vùng nghe nói về anh. Nhờ những năng lực tâm linh đích thực, vị Lạt ma chân chính này hiểu rõ là Lạt ma-chăn cừu không phải là người thực sự có những phẩm tính chân chính. Ngài nhận ra rằng một tinh linh ma ám nhập đã truyền cho Lạt ma-chăn cừu khả năng giảng dạy.

Và vì thế Lạt ma chân chính nói với một tu sĩ thị giả của ngài: “Ta muốn ông để hương trầm xuống những nơi Lạt ma này giảng dạy và đốt nó, làm khói thoảng khắp vùng để Lạt ma này và tất cả những đệ tử đều ngửi thấy mùi khói. Ông có thể làm được điều đó cho ta không?”

Vị sư nói: “Chẳng có vấn đề gì,” và ông để hương trầm xuống và đốt. Ông đi qua đám đông hàng ngàn người đang lắng nghe người chăn cừu biến thành vị Thầy này. Ngay khi người chăn cừu ngửi thấy mùi khói hương, tinh linh ma xuất ra khỏi thân thể anh ta. Người chăn cừu khốn khổ ngồi trên ngai nhìn quanh đám đông và nói: “Cừu của tôi đâu?”

Trọng tâm của câu chuyện này là cho dù một vị Thầy có thể tài giỏi, nổi tiếng và có biện tài về Pháp, nhưng điều đó không quyết định tính chất xác thực. Bạn cần khảo sát rõ ràng những gì bạn đang tìm kiếm ở một vị Thầy.

Khi bạn đã trải qua tiến trình khảo sát này với tư cách một đệ tử và đi tới quyết định rằng bạn muốn nương tựa một vị Thầy nhất định, thì với một cảm thức của niềm tin và thị kiến thanh tịnh, bạn sẽ không gặp rắc rối gì liên quan tới vị Thầy đó. Như thế, khi bạn nhận các giáo lý từ vị Thầy, bạn hoàn toàn tiếp thu được những gì vị Thầy ban cho.

Nương tựa vị Thầy

Một số vấn đề trong những điều quan trọng nhất mà bạn nên tự hỏi chính mình là: “vị Thầy này có kinh nghiệm giải thoát khỏi đau khổ và vô minh để có thể truyền đạt loại tự do đó cho tôi không? Vị Thầy này có được thúc đẩy bởi Bồ đề tâm hay không? Vị Thầy này có thực sự từ bi khi quan tâm tới tôi như một đệ tử không?” Đây là điều chúng ta tìm thấy trong tất cả những giáo lý của Kinh điển, các Tantra (Mật điển) và đặc biệt là trong những giáo lý tâm của những trường phái Mahamudra (Đại Ấn) và Dzogchen (Đại Viên mãn): Điều cực kỳ quan trọng là phải khảo sát những phẩm tính của một Lạt ma để xác định rõ những phẩm tính ấy trước khi nương tựa vị Thầy đó.

Toàn bộ vấn đề của tiến trình khảo sát là không xét đoán một vị Thầy trong một diễn đàn công cộng hay trong một ý nghĩa trừu tượng. Thay vì thế, đó là việc đánh giá vị Thầy ngay trên một bình diện cá nhân để xác định xem mối quan hệ với vị Thầy đó sẽ có lợi ích cho bạn với tư cách một đệ tử hay không. Vị Thầy này có những phẩm tính và giáo lý để hiến tặng khiến cho bạn có thể được lợi lạc khi thọ nhận những giáo lý ấy hay không? Việc khảo sát hoàn toàn xuất phát từ quan điểm của riêng bạn chứ không từ viễn cảnh có tính chất khái niệm.

Việc nương tựa một vị Thầy thì tuyệt đối cần yếu đối với đệ tử để thọ nhận một cách thuần tịnh sự trao truyền các giáo lý. Điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp các giáo lý Đại Viên mãn. Bạn chỉ có thể nhận sự trao truyền thuần tịnh của Đại Viên mãn từ một vị Thầy còn sống. Không có nguồn mạch trao truyền nào khác ngoài suối nguồn của việc bạn làm việc với một vị Thầy đích thực.

Và thêm nữa, điều quan trọng là Lạt ma hay các Lạt ma  mà bạn nương tựa không phải là những cá nhân bị thúc đẩy bởi những tham muốn vị kỷ cho những lợi lạc cá nhân; về mặt nào đó họ không phải là người thủ đoạn hay lừa dối; cách họ nói Pháp không mâu thuẫn và phản tác dụng; họ không kiêu ngạo về những phẩm tính của riêng mình và thường xuyên nói về hay phô bày những phẩm tính của họ trong một cách thế tranh đua hay tự khoa trương. Tất cả những loại phẩm tính này nơi một vị Thầy cần phải được tránh xa.

Trái lại, khi bạn gặp một Lạt ma hay vị Thầy có một tính cách cao quý, những phẩm tính tuyệt vời, thiện xảo và quan tâm sâu sắc tới thực hành Phật giáo nói chung và con đường Kim Cương thừa nói riêng, có dòng tâm thức được Bồ đề tâm thúc đẩy, hết sức từ ái và bi mẫn khi quan tâm tới người khác, và bản thân đã chứng ngộ bản tánh nền tảng của các hiện tượng trong một cách thế rất đáng tin cậy và trực tiếp, thì khi bạn gặp một người nào đó hiện thân tất cả những phẩm tính này, bạn đang có cơ hội lý tưởng để nương tựa người ấy như một vị Thầy. Người này hội tụ tất cả những phẩm chất của một vị Thầy tốt lành và đích thực.

Vì thế, khi ta nói về một người nào đó là một Lạt ma đích thực, ta không chỉ đang nói về một người có danh hiệu hay được coi là một Lạt ma theo một ý nghĩa nói chung hay thông thường. Chỉ khi nào ta nói về một người thực sự có những phẩm tính đáng tin cậy này thì ta mới đang thực sự nói về một Lạt ma có phẩm chất và đích thực, có nghĩa là người mà nếu bạn nương tựa vào họ bạn sẽ chỉ nhận được những lợi lạc. Thực hành và kinh nghiệm của bạn trong Pháp sẽ chỉ phát triển như kết quả của một sự nối kết với người thực sự xứng đáng với danh hiệu “Lạt ma.”

Khi thái độ của đệ tử đối với Lạt ma của họ là một thái độ tin tưởng và sùng mộ đến nỗi người đệ tử thực sự thấy vị Thầy là một vị Phật thực sự, hay là hiện thân đích thực của Pháp Thân Vajradhara (Kim Cương Trì), hay là hiện thân đích thực của Bổn tôn của đệ tử – khi đệ tử có loại tin cậy và niềm tin đó mà không có chút nghi ngờ và do dự nào – thì những sự ban phước và phẩm tính của thân, ngữ và tâm giác ngộ của tất cả chư Phật và Bồ Tát được trao truyền qua Lạt ma tới đệ tử.

Cũng có những trường hợp trong đó ta gặp một Lạt ma mà với ngài ta có một mối liên hệ trong nhiều đời. Dấu hiệu bạn sẽ có trong trường hợp này là chỉ nghe nói tới danh hiệu của vị Thầy thì cũng đã là một kinh nghiệm thật cuốn hút đối với bạn: mọi lông tóc trên thân thể bạn liên tục dựng đứng lên. Đó là một điều gì xảy ra hoàn toàn tự nhiên và không phải là một kinh nghiệm giả tạo.

Khi có một sự xác quyết trong tâm bạn rằng đây chính là một vị Phật, đây đích thực là Pháp Thân Kim Cương Trì, hay đây thực sự là Guru Rinpoche mà bạn đang gặp và nương tựa vào Lạt ma của bạn, và khi bạn cầu nguyện với sự xác quyết đó trong tâm bạn, thì chắc chắn là bạn sẽ nhận được những sự ban phước từ mối liên hệ đó. Nhưng điều này cũng hàm ý rằng bạn, với tư cách là một đệ tử, hãy giữ gìn thái độ của riêng bạn đối với vị Thầy và bảo đảm rằng bạn luôn luôn tôn kính và lĩnh hội dễ dàng những gì vị Thầy đang nói. Đừng nhượng bộ những tập quán thông thường của sự kiêu ngạo hay khoa trương hay trong một cách thế làm suy yếu mối liên hệ với vị Thầy bằng cách phủ nhận những gì Thầy nói hay bằng cách cố gắng ngăn trở những nỗ lực của Thầy. Tất cả những thái độ này cần phải né tránh bởi chúng không hỗ trợ cho mối liên hệ đáng tin cậy và cởi mở rất cần thiết để những sự ban phước tuôn chảy từ vị Thầy tới đệ tử.

Các Tantra (Mật điển) lập đi lập lại tầm quan trọng của việc nương tựa Lạt ma như suối nguồn của những sự ban phước trong thực hành của ta. Bất luận lời cầu nguyện đặc biệt mà đệ tử dâng lên Lạt ma, bất luận nó có thể có vẻ tầm thường và nhỏ bé ra sao, nếu lời cầu nguyện đó được đặt nền trên sự tin cậy và niềm tin trọn vẹn nơi Lạt ma, thì những sự ban phước của Lạt ma sẽ luôn luôn đến được với người đệ tử. Trong Tantra Đại dương Giác tánh Phi Thời gian có nói rằng một lời cầu nguyện nhỏ bé tới vị Thầy với niềm tin và lòng sùng mộ thanh tịnh thì tốt hơn nhiều nếu so với việc thực hiện hàng trăm triệu lần trì tụng các thần chú Bổn tôn. Kết quả của lời cầu nguyện sẽ mãnh liệt hơn nhiều khi nó thực sự là một biểu lộ của niềm tin và lòng sùng mộ của ta nơi Lạt ma.

Khi ta đã thiết lập một mối liên hệ với Lạt ma dựa trên sự tin cậy, niềm tin và lòng sùng mộ, thì có những cách thức khác nhau để nương tựa mối liên hệ ấy nhờ đó những loại thành tựu khác nhau có thể xảy ra. Nếu một đệ tử có ý định đạt được thành tựu giác ngộ cao cả nhất, đệ tử đồng nhất Lạt ma với Đức Vajradhara (Kim Cương Trì) – Đức Phật Pháp Thân.  Nếu đệ tử được đặc biệt thúc đẩy để phát triển trí tuệ sâu xa hơn, đệ tử đồng nhất Lạt ma với Đức Manjushri (Văn Thù), Bồ Tát của trí tuệ. Để khuyến khích lòng từ và bi của họ, đệ tử thiền định về Lạt ma như bất khả phân với Đức Avalokitesvara (Quán Thế Âm), Bồ Tát của lòng bi mẫn. Để thâu đạt năng lực tâm linh vĩ đại hơn, đệ tử tập trung trên Lạt ma như bất khả phân với Đức Vajrapani (Kim Cương Thủ), Bồ Tát của năng lực tâm linh. Để chiến thắng những loại sợ hãi và phiền muộn khác nhau, ta nương tựa Lạt ma như hiện thân đích thực của Đức Tara tôn quý. Để tăng trưởng sự trường thọ của ta, ta thiền định về Lạt ma bất khả phân với Đức Amitayus (Đức Phật Vô lương Thọ). Để chiến thắng bệnh tật, ta thiền định Lạt ma là Đức Phật Dược Sư. Để tăng trưởng tài bảo và sự thịnh vượng của ta, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Vaishravana, Jambhala, hay bất kỳ Bổn tôn tài bảo nào. Để tịnh hóa hậu quả của những ác hạnh và những che chướng  của thân, ngữ và tâm ta, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Phật Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa). Để tăng trưởng sự vinh quang, của cải, và cơ hội của ta, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Phật Ratnasambhava (Bảo Sanh), Đức Phật của Bảo Sanh bộ. Để phát triển năng lực của ta – khả năng để sử dụng ảnh hưởng mạnh mẽ và lợi lạc trên thế giới – ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Amitabha (Đức Phật A Di Đà) hay một Bổn tôn như Kurukulla. Nếu ta ước muốn thực hiện hoạt động phẫn nộ, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Vajrabhairava (2) hay những Bổn Tôn phẫn nộ hơn nữa.  Nếu ta muốn theo cách tiếp cận kết hợp tất cả những phẩm tính này trong một thân tướng duy nhất, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Guru Rinpoche. Trong mỗi một trường hợp này, quan điểm của ta là: Lạt ma gốc của ta là hiện thân đích thực của một hay những phương diện khác của đấng Giác ngộ.

 

H.H. Penor Rinpoche

Trích Nguyên tác: “Guru Yoga Teaching”

Chokyi Nyima (Richard Barron) dịch sang Anh ngữ.

Bill Speckart biên tập.

http://palyul.org/eng_teachings-guruyoga.htm#pema

Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

 

Chú thích:

(1) H.H. Penor Rinpoche sinh năm 1932 tại miền Powo thuộc tỉnh Kham, Đông Tây Tạng. Ngài là vị Hộ trì Ngai tòa thứ 11 của Dòng Palyul của phái Nyingma. Ngài được coi là một trong những Đạo sư xuất sắc nhất của truyền thống Phật Giáo Tây Tạng.

(2) Vajrabhairava: Hiện thân phẫn nộ của Đức Manjushri (Văn Thù). Ngài là Bổn tôn chính của phái Gelupa. Là một Hộ Pháp, ngài giải trừ mọi chướng ngại của hành giả trên con đường.

(3) Ba cội gốc: Lạt ma, Bổn tôn, Dakini (hay những vị Bảo trợ).

(4) Vajrakilaya: Một trong những Bổn tôn chính của phái Nyingma thuộc về Các Giáo lý Tám Sadhana.

(5) Heruka: Nghĩa đen là ‘người uống máu.’ Một Bổn tôn phẫn nộ; người uống máu của sự chấp ngã.