p2030374

Biểu tượng chuyển Pháp luân

Một trong những biểu tượng phổ thông nhất trên thế giới, kể cả trong và ngoài phạm vi nhà Phật, là cái bánh xe hoặc vòng tròn dùng để tượng trưng cho mặt trời. Một học giả khẳng định rằng khái niệm bánh xe mang ý nghĩa mặt trời là 1 trong những ý niệm cổ xưa nhất đã có mặt ở khắp mọi nơi. Biểu tượng loại này đã từng hiện hành ở Ấn Ðộ thời Ðức Phật, và chắc chắn là nó có ảnh hưởng đến kiến giải về bánh xe dùng làm biểu tượng trong nhà Phật. Lạt ma học giả Tây Tạng Dagyab diễn giải về cái bánh xe, “Vòng tròn… là 1 biểu tượng phổ thông đã có trong tất cả các nền văn minh. Vào thời tiền Phật giáo ở Ấn Ðộ… [bánh xe thường được dùng] để tượng trưng cho mặt trời, hoặc, dựa theo đấy, cho thời gian hay cho bất cứ sự vận chuyển theo chu kỳ nào.”

Trong truyền thống Ấn Ðộ, thần mặt trời Surya trong bức họa đang trên cỗ xe chỉ có 1 bánh, tượng trưng cho vòng cầu mặt trời, và vị trí của ông ta cho thấy con đường băng qua bầu trời từ Ðông sang Tây mỗi ngày. Tôn giả Chandragomin, nổi danh là 1 người cực kỳ sùng kính Phật bà Quán Âm, viết về động cơ từ bi quảng đại của Bồ Tát, đặc biệt dùng hình ảnh vị thần Surya trong cỗ xe mặt trời của ông:

Thần mặt trời Surya
Bước lên cỗ xe lạ thường,
Bay băng qua bầu trời,
Thắp sáng thế gian…
Và cũng giống vậy
Hành xử của các bậc thánh
Họ không mong cầu gì
Cho riêng họ,
Cuộc đời của họ hiến dâng
Cho bài ca độc nhất:
Niềm an lạc và hạnh phúc
Của mọi chúng sinh.

Thoạt kỳ thủy, thần Surya được mô tả qua những bức tượng hình bánh xe mặt trời, và những bức tượng này rất giống những bức tượng bánh xe Pháp của nhà Phật. Ở Ấn Ðộ có một truyền thống rất cổ về vị Chuyển Luân Vương [chakravartin] mà hình như có liên hệ đến lối nhìn tôn giáo và hình tượng dính líu đến thần Surya. Ở đây bánh xe là biểu tượng của “toàn năng.” Hiển nhiên là ý nghĩa nguyên thủy của cụm từ “chuyển luân vương” là 1 ông vua với quyền năng tối cao thì đi xe đến đâu ông ta sẽ thống trị đến đó.
Vậy ta có thể nói rằng vị vua chuyển luân nổi lên ở địa vị quyền thế cũng tự nhiên như là mặt trời mọc và ông ta cai trị với quyền năng giống như ánh quang và quyền năng thiết yếu của mặt trời. Sự quan hệ các vị vua với hình tượng mặt trời là chủ đề thông thường đối với nhiều nền văn hoá. […]

Bánh xe vẫn luôn luôn là biểu tượng quan trọng trong nhà Phật. Biểu tượng bánh xe chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong suốt cuộc đời Ðức Phật Thích Ca. Tương truyền rằng khi Ðức Phật đản sinh, phụ vương ngài có tham vấn 1 nhà tiên tri nhờ tiên đoán tương lai của vị hoàng tử. Ðứa bé sinh ra với những dấu hiệu kỳ lạ và cát tường trên thân thể, kể cả những dấu vết tự nhiên hình bánh xe trong lòng bàn chân và bàn tay. Những dấu như vậy thuộc về 32 tướng hay 32 đặc tính cơ thân của người phi thường (đại nhân) – đó là kết quả của vô số thiện nghiệp. Nhà tiên tri cho biết vị Phật tương lai này có những đặc tính lạ thường; nếu cậu bé không trở thành 1 vị chuyển luân vương thì sẽ là 1 vị Phật, đấng toàn giác.

Ðến thời Ðức Phật, người ta cho rằng chiếc bánh xe của chuyển luân vương không phải chỉ trong giới hạn là thành phần của cỗ xe, mà nó đã trở thành 1 trong 7 biểu tượng tối cao. […] Khi còn là trai trẻ, Ðức Phật có sự lựa chọn: trở thành vị chuyển luân vương quyền năng hoặc rời bỏ cung điện và đi vào rừng sâu yên tĩnh để tham thiền nhập định và tìm cầu sự giác ngộ của quả vị Phật. Ngài chọn con đường thứ nhì, và sau nhiều năm thiền định, Ngài giác ngộ được bản tánh của vạn hữu. Ngay cả vị chuyển luân vương cũng không thể thoát được khổ đau của sự mất mát, bệnh, lão, và tử. Theo quan điểm nhà Phật, chỉ có trí tuệ giác ngộ mới vượt được ra ngoài những trói buộc trên. Ðức Phật từ bỏ không chọn con đường chuyển luân vương – cửa ngõ để nắm quyền lực vô giới hạn của thế gian. Theo truyền thuyết, ngay sau khi giác ngộ Ngài ngồi trong tĩnh lặng cho đến khi các chư thiên đến và nói với Ngài: “Này biển rộng của từ bi, hãy khởi dậy và chuyển bánh xe Pháp cao quý.” Chuyển Pháp luân ám chỉ sự ban phát giáo lý về chân lý, con đường đến giác ngộ của Phật. Vị Ðạtlai Lạtma đời thứ nhất ví Ðức Phật là một “vị vua của chân lý” và là một “Pháp vương.” Vậy, thay vì trở thành một vị chuyển luân vương thế tục, Ngài đã trở thành một vị vua của thế giới chân lý, và bằng cách chuyển bánh xe Pháp, Ngài đánh thức và chỉ cho chúng sinh chân tướng của vạn hữu.

Một số nhà luận giải Tây Tạng cho rằng chuyển kinh luân tức là “chuyển Pháp luân.” Một vị nói rằng khi tập chuyển kinh luân, “hành giả móc nối được với [1 vị Phật] đang chuyển Pháp luân.” Các luận giải cũng đồng ý rằng thực hành đến mức độ rốt ráo hành giả sẽ trở thành 1 vị Phật – vị vua của chân lý chuyển Pháp luân cho chúng sinh.

Trong những suy tư của riêng tôi về đề tài này, tôi liên tưởng đến 4 loại nghiệp quả. Một hành động ác như giết hại có thể bao gồm: hậu quả chín mùi đưa đẩy tái sinh đến các cõi ác, quả phù hợp với nhân thí dụ như thọ mạng ngắn ngủi, hành động phù hợp với nhân thí dụ như tiếp tục giết hại trong kiếp này hoặc/và những kiếp tới, và hậu quả môi trường chẳng hạn như phải sinh sống ở những nơi bạo động.

Những lợi ích của nghiệp báo mang lại do tu tập kinh luân tuy khó hình dung được, nhưng ta có thể tìm thấy trong các luận giải có bao gồm 4 loại nghiệp quả này. Thí dụ, hậu quả chín mùi đưa đẩy tái sinh trở lại vào cõi người hoặc cõi thiên. Quả phù hợp với nhân có thể là đạt được những chứng ngộ và những đức tính mà hành giả đã quán tưởng phóng chiếu đến kẻ khác, và sẽ được nhận lãnh giáo lý trực tiếp từ 1 vị Phật khi Ngài chuyển Pháp luân. Hậu quả môi trường có thể là được sinh sống ở nơi chốn đẹp đẽ thanh tịnh như cõi tịnh độ. Hành động phù hợp với nhân trong các kiếp sau này có thể tâm từ bi sẽ rộng lớn, tiếp tục tu tập kinh luân, và ngay cả chuyển Pháp luân cho kẻ khác.

Thật ra chi tiết về nghiệp quả chín mùi như thế nào thì nằm ngoài tầm lý trí của phàm nhân, song sự nhận biết của biểu tượng liên hệ với bánh xe trong truyền thống nhà Phật có thể rất hữu ích cho hành giả khi suy nghiệm về ý nghĩa và lợi ích của pháp hành kinh luân. Suy nghĩ đến những lợi ích này có thể giúp hành giả hoan hỷ thi hành các việc thiện và như vậy năng lực của chúng sẽ được gia tăng.

Nhận biết về những âm hưởng biểu tượng trong nghi thức kinh luân có thể giúp ta thấu hiểu được là nghi thức khơi lên những gì. Nếu như chư Phật liên lạc với tâm hiện – thức (conscious mind) qua giáo lý về những đề tài như vô thường, từ bi, và tánh Không, thì y như thế, các Ngài liên lạc với tiềm thức (subconscious) qua những nghi thức và biểu tượng để đánh thức những khả năng còn tiềm ẩn.

Ðến đây tôi sẽ bàn về 3 đức tính tiêu biểu của biểu tượng mặt trời có thể liên hệ đến pháp tập kinh luân như thế nào. Việc bàn luận này là 1 nỗ lực của tôi, trên cương vị 1 người Tây phương hiện đại, trong việc tìm hiểu sự việc mà những người ở thời đại và nền văn hoá khác có thể đã trực nhận được. Tôi mong rằng những gì tôi bàn ở đây có thể giúp các bạn đả thông được vấn đề mà có vẻ mù mờ do loại ngôn ngữ xa lạ của biểu tượng. Tuy nhiên tôi không có ý khẳng định những suy nghiệm sau đây bảo đảm là đúng đắn đối với pháp tập kinh luân.

1/ Một loại biểu tượng mặt trời tiêu biểu được kinh luân gợi lên là hình ảnh siêu thời gian của mặt trời ban phát sự bảo hộ chống lại các ảnh hưởng tà ma của bóng tối. Có những chỗ trong các luận giải Tây Tạng nói rằng chuyển quay kinh luân sẽ bảo vệ hành giả khỏi những tà lực như atula, dạ xoa, quỷ mara, những kẻ quấy rầy, và “những hành tinh ma quỷ.” Ở Ấn Ðộ thời cổ cùng những nơi khác, họ tin rằng mặt trời có khả năng “xua đuổi bóng tối và ma quỷ rời xa các vị trời trên không trung cũng như ra khỏi quả địa cầu.” Họ cũng tin rằng tính chất thần linh của mặt trời cũng có thể giải trừ được ảnh hưởng của các sao xấu trong tử vi. Thường được mô tả trong các bức họa (như trong các hang động ở Bhaja) là thần Surya chạy xe của ông và “tiêu diệt các tà lực (được nhân cách hóa thành ma quỷ) của bóng tối.” Thế nhưng, dù những luận giải Tây Tạng đề xướng rằng các nghi thức kinh luân có thể xua đuổi được những tà lực bên ngoài, họ vẫn nhấn mạnh rằng việc tu tập chính yếu là để tận diệt các tà ma nội tâm như tính vị kỷ, kiêu mạn, sân hận, và vô minh. Trên con đường gian nan đi qua những vùng đen tối của nội tâm, chuyển kinh luân có thể thắp sáng lối đi, cũng như tâm từ bi có thể làm nhẹ vơi những nỗi buồn khổ tăm tối nhất.

2/ Một loại biểu tượng mặt trời mà kinh luân có thể ám chỉ là nguồn ánh sáng, sự ấm áp, và sự sinh trưởng từ mặt trời. Vì mặt trời mang lại ánh sáng và hơi ấm đến mọi sinh vật trên quả đất và làm cây cối đâm chồi nẩy nở, nên nó được xem là biểu tượng của sự tốt lành, thánh thiện, và thịnh vượng. Tương tự, luận giải Tây Tạng cũng nêu lên những ích lợi kinh luân có thể mang lại cho hành giả như sức khỏe, của cải, hạnh phúc,… Tuy nhiên, pháp quán có chỉ rõ là những luồng ánh sáng từ kinh luân phóng chiếu đến chúng sinh với mục đích chính là làm tăng trưởng Ðạo tâm. Có những đoạn trong bài luận giải hướng dẫn cách thức quán tưởng trong khi đang chuyển kinh luân thì đặc biệt tả rõ quán tưởng những luồng ánh sáng phóng chiếu từ kinh luân “bắn vào chúng sinh,” làm cho họ “khởi phát tức thì 4 vô lượng tâm – từ, bi, hỉ, xả” và làm họ “thành tựu 6 hạnh balamật – bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, định, huệ.” Lối nói này giống như những lời miêu tả về Ðức Phật, chẳng hạn như đoạn sau đây trong kinh Hoa Nghiêm:

Khi đã viên mãn các hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, định, và trí tuệ siêu việt, Ngài dùng chúng để thắp sáng thế gian.

Ánh sáng tâm linh của Ðức Phật trong bài kinh này, giống như ánh sáng tâm linh được quán tưởng phóng chiếu từ kinh luân, có công năng khơi nhiệt tâm của hành giả vào việc thực hành và hoàn mãn 6 hạnh balamật. Sáu hạnh balamật chính là cốt lõi của pháp hành bồ tát đạo dẫn đến toàn giác, hoặc quả vị Phật. Theo 1 luận giải, qua pháp hành này, “hành giả sẽ chín mùi như năm được mùa.”

3/ Một loại biểu tượng thứ 3 theo tôi hiểu về pháp tập kinh luân là sự di chuyển của mặt trời băng qua bầu trời đi về hướng Tây hàng ngày là 1 biểu tượng của chánh đạo (con đường phải/đúng). Sự kiện cái kinh luân được quay theo chiều kim đồng hồ (bên phải), cũng như việc đi nhiễu quanh bảo tháp theo chiều bên
phải, có thể mang ý nghĩa của biểu tượng này. Theo truyền thống nhà Phật, đi nhiễu bên phải là dấu hiệu của sự tôn kính; 1 số kinh Phật tả các vị đệ tử đi nhiễu bên phải 3 lần quanh Ðức Phật rồi đảnh lễ Ngài trước khi thỉnh cầu Ngài thuyết pháp. (Cụm từ chiều kim đồng hồ lấy theo ý của từ ngữ trước đó được chuyển dịch từ chữ Phạn “chiều mặt trời.”) Lạtma Govinda, khi viết về tập tục đi nhiễu này, có ghi nhận rằng tại đại bảo tháp ở Sanchi, “các cổng được đặt đúng theo phương hướng tương ứng với các vị trí của mặt trời: bình minh, giữa trưa, xế chiều và nửa đêm,” với mỗi cổng tương ứng với 1 trong 4 biến cố lớn trong đời Ðức Phật: đản sinh phương Ðông, giác ngộ phương Nam, chuyển Pháp luân phương Tây, và nhập diệt phương Bắc. Thế thì khi đi nhiễu quanh 1 bảo tháp như vậy, hành giả vừa bày tỏ lòng kính ngưỡng vừa noi theo, 1 cách tượng trưng, con đường mà cuộc đời Ðức Phật trải qua – tức là đi theo con đường phải (đúng).

Có vẻ như chúng ta liên hệ chữ phải qua 2 khía cạnh, 1 ngụ ý là bên phải, và 2 ngụ ý là chân thực, đạo đức và đúng. Trong trường hợp này nó liên hệ đến cái ý khuôn mẫu cổ xưa về việc đi nhiễu theo chiều kim đồng hồ, với phần thân bên phải hướng vào trong. Ông William Simpson cho rằng chữ Phạn rita đầu tiên dùng để nhận biết “con đường mà mặt trời đi qua hàng ngày từ lúc mọc đến lúc lặn,” sau đó nó mang ý nghĩa “nền tảng bất diệt của tất cả hiện hữu,” “luật lệ nói chung,” và “tất cả những gì đúng, tốt, chân thực.”

Ta có thể suy luận rằng điềm lành của chiều kim đồng hồ là cái ý khuôn mẫu có tính cách phổ quát, vì trong kỹ thuật hiện đại các đồ dùng như ổ khoá, vòi nước, nút vặn, v.v… thường được chế tạo là phải vặn theo chiều kim đồng hồ để bật nó lên. Cho nên qua động tác đơn giản là chuyển kinh luân hoặc đi nhiễu quanh 1 thánh vật theo chiều kim đồng hồ, tức là hành giả đang khơi động 1 biểu tượng xa xưa và phổ quát có liên hệ với sự kính ngưỡng, sinh hoạt chân chính, và việc theo đuổi con đường giác ngộ chân thực.

Trước khi kết luận, tôi thấy cần đề cập đến vài đặc tính tượng trưng về cấu trúc bên trong của kinh luân. Theo 1 số luận giải Tây Tạng, ngay chính giữa kinh luân có lắp 1 cái “sinh – thụ [cây sống]” (hoặc cột trung ương) dùng để viết lên đó những linh ngôn và những mẫu tự thiêng liêng. Kiểu cấu trúc này cũng tương tự như sinh – thụ đặt ngay giữa các bảo tháp. Ở trên đỉnh và dưới đáy kinh luân được khắc các kiểu hình tựa như mạn đà la (mandala) và chúng cũng có mang những linh ngôn và mẫu tự. Cả 2 kiểu kiến trúc này [kinh luân và bảo tháp] đều có hoa sen 6 cánh ở gần trung tâm, mỗi cánh tương ứng với 1 mẫu tự của bảo chú. Kiểu hình dưới đáy được gọi là “địa luân,” và kiểu hình trên đỉnh được gọi là “thiên luân.”

Chữ mandala của Tạng ngữ là kyilkor, nghĩa là “chính giữa và môi trường xung quanh.” Tuy từ ngữ này không được các luận giải Tây Tạng trực tiếp nhắc đến, nhưng truyền thống Tây Tạng hiểu rõ là câu linh ngôn Avalokiteshvara chính thật là sự biểu hiện của tâm toàn trí của Ngài. Vậy muốn cho phải phép, ta cần phải thanh tẩy chỗ chính giữa và xung quanh của bên trong kinh luân, bằng cách xoay các bảo chú quanh sinh – thụ, trước khi cung thỉnh Ngài Avalokiteshvara đến ngự trong kinh luân.

KẾT LUẬN: Suy ngẫm về các biểu tượng của pháp tu tuy là điều cần thiết, nhưng nên nhớ là điểm quan trọng không kém, nhất là trong nhà Phật, là biểu tượng được sử dụng với mục đích vạch chỉ những kinh nghiệm mà chính chúng siêu việt luôn cả biểu tượng. Như kinh Hoa Nghiêm nói,

Năng lực tâm linh của các bậc giác ngộ thật không thể nghĩ bàn.
Dù rằng ta có diễn tả bằng ẩn dụ,
Xét cho cùng chẳng ẩn dụ nào có thể sánh được;
Tuy nhiên những kẻ thông tuệ
Có thể nắm được ý nghĩa bằng cách đối chiếu.

Tương tự như thế, về ý nghĩa của bảo tháp, Ngài Ðạt Lai Lạt ma nói rằng: “bảo tháp chân thật là bảo tháp ở ngay trong tâm mỗi chúng ta.” Bằng các phương tiện như biểu tượng, nghi lễ, thờ phượng, và tu tập, ta có thể thấy kinh luân toả chiếu của giác ngộ và từ bi ngay trong tâm ta.

Wheel of Great Compassion – Lorne Ladner