1

Những ý nghĩa liên hệ đến Kinh Luân

Nói chung, trọng tâm của nhà Phật là phần thực hành nội tại, chuyển hoá tâm thức. Ngài Dalai Lama từng dạy rằng 1 hành vi có theo đúng quy tắc Phật Pháp hay không chủ yếu tùy thuộc ở động cơ và sự hiểu biết của chủ nhân. Những hành vi thúc đẩy bởi tâm tham, sân, hoặc si, bất luận dưới hình thức nào, đều không phải là pháp hành của nhà Phật. Và cũng bất luân về phần hình thức, những hành vi khởi động do tâm từ bi và chánh kiến, sự hiểu biết đúng đắn về bản chất của sự vật, đều phải được xem là pháp hành của nhà Phật. Ðạo sư Zopa Rinpoche đã vạch rõ rằng “ta chỉ có thể phán xét hành vi của con người là thánh thiện hay phàm phu qua động cơ của họ mà thôi”; ông cũng nói thêm, “tất cả sự vật –hạnh phúc tạm thời và tối hậu, những vấn đề trong đời sống, và những khổ đau bất tận trong tương lai của cõi ta bà– đều tùy thuộc ở tâm ta.”

Vì ở đây tâm và tu tâm được đặc biệt chú trọng nên câu hỏi được đặt ra là các vật cụ thiêng liêng như kinh luân (bánh xe cầu nguyện) đóng vai trò gì trong pháp hành nhà Phật. Thật ra, từ thời xa xưa, một số vật cụ đã được nhà Phật xếp vào thành phần thiêng liêng. Thí dụ như y và bát của chư tăng tuy chỉ là những biểu tượng bề ngoài, nhưng đã từ lâu chúng được coi trọng với tính cách là những vật cụ nhắc nhở lời thệ nguyện trong tâm tăng sĩ về giới luật cũng như con đường tu hành. Và trước khi nhập diệt, đức Phật đã để lại di huấn là hãy nên lưu giữ xá lợi của Ngài trong bảo tháp. Kể từ đó, các bảo tháp tồn chứa xá lợi của các bậc thánh đã được xây dựng và tôn kính.

Trong 1 buổi đàm đạo về kinh luân với Ðạo sư Pema Wangdak, vị lạt ma Tây Tạng hiện đang cư trú và giảng dạy tại Nữu Ước, ông cho rằng “việc quay chuyển kinh luân cũng tương tự như đi nhiễu quanh bảo tháp.” Ông giải thích thêm là “bất cứ việc gì được thi hành với biểu tượng thân, khẩu, và ý của Phật sẽ để lại dấu vết sâu đậm trong tâm khảm.”

Giáo lý nhà Phật về nghiệp giảng rằng những hành vi thực thi qua sự liên hệ với các vị thánh nhân hoặc các vật cụ thiêng liêng như bảo tháp hoặc kinh luân thì đặc biệt rất hiệu nghiệm. Giao tiếp với những người hoặc vật như vậy sẽ ghi khắc ấn tượng sâu xa vào tâm. Kinh điển Ðại thừa có tả rõ vào chi tiết những lợi lạc kỳ diệu về sự liên hệ với vật cụ thiêng liêng – những biểu tượng thân giác ngộ, khẩu giác ngộ, và ý giác ngộ của Phật. [ …]

Sự hiểu biết chính xác về sự liên hệ với ngoại vật như bảo tháp hoặc kinh luân có thể hỗ trợ cho việc tu tâm và phát triển các phẩm hạnh nội tâm như thế nào là 1 đề tài rất tế nhị và phức tạp. Trước câu hỏi về năng lực ân phước của các thánh vật hoặc thánh nhân lợi lạc chúng ta như thế nào, đại tôn sư Tây Tạng Lati giảng giải rằng năng lực này không phải chỉ đơn độc ỷ dựa vào năng lực ở chư Phật mà còn đòi hỏi tín tâm của hành giả. Ông nhắc lại lời của các vị lạtma Kadampa: “Ân phước nhiều hay ít không tùy thuộc ở các lạt ma lớn hay nhỏ, mà nó hoàn toàn dựa trên trình độ nhận thức và mức độ thành tâm của hành giả”. Tương tự, 1 đại tôn sư trẻ, Yangsi, sánh năng lực ân phước của chư Phật với cái cần trục lớn, và tín tâm với cái móc hay xích để cần trục có thể nâng dở 1 tảng xi măng nặng: miễn bàn đến sức kéo của cần trục, vấn đề là nó không thể kéo tảng xi măng lên nếu không có cái móc hay xích.

Tâm Phật – toàn trí [Pháp thân] – thường được hiểu là hiện diện ở khắp mọi nơi đồng lúc. Tuy nhiên, vì vô minh, chướng ngại, và ác nghiệp, chúng ta không thể nhận biết được Pháp thân Phật. Và cùng thế ấy, tương truyền rằng dù đức Phật có ban rải xuống trận mưa các tịnh-thân, chúng ta cũng sao tiếp nhận được; chúng ta chẳng khác gì những cái hũ lật úp không thể hứng bắt được ngay cả 1 giọt của trận mưa huyền diệu như vậy. Có thể vì vậy nên chư Phật, qua năng lực từ bi, các phương tiện thiện xảo, và các đại nguyện của các Ngài, phải thị hiện ở bất cứ thể dạng nào phù hợp với tâm thức chúng sinh. Trong những thị hiện của Pháp thân chư Phật, cao quý và quan trọng nhất là các vị Pháp sư – những vị thầy truyền giảng giáo pháp, guru hay lạt ma – họ giảng dạy con đường dẫn đến giác ngộ, hướng dẫn chúng sinh tu tâm ngõ hầu thanh lọc những khuynh hướng bất thiện, tích lũy công đức và các khuynh hướng thiện, và đạt đến giác ngộ. Có thể ví những thánh vật là những cái móc, và qua chúng chúng ta nối kết với cái cần trục siêu nhiên của những đức tính chư Phật để được thăng hoa.

Thêm 1 điểm đáng ghi nhận là các thánh vật như kinh luân trợ giúp ta huân tập đức hạnh cho tâm như thế nào. Giáo lý nhà Phật nhấn mạnh ở điểm sự vật khởi sinh do nhân duyên, cho nên sự thành công trong việc phát triển những đức tính nội tâm cũng phải hội đủ nhiều nhân và duyên, kể cả những yếu tố về môi trường. Tây Tạng có câu cách ngôn là nếu trải 1 miếng vải sạch lên đống phân bò thì dần nó sẽ đượm mùi phân bò, trong khi phủ 1 miếng vải khác lên nhang trầm thì nó sẽ sặc mùi hương thơm. Cũng vậy, môi trường nơi hành giả (nhất là những vị sơ cơ) cư trú sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm thức họ. Những ai thiên về thiền định sẽ dễ dàng tự kiểm chứng được điều này. (…) Ðã nhiều người chứng nhận rằng gần gũi với cái kinh luân có trợ giúp họ thiền định hữu hiệu hơn hoặc phát triển những tâm trạng thiện lành dễ dàng hơn. Tuy là người Tây Tạng khởi tập chuyển kinh luân dựa trên đức tin, tôi cho rằng đa số tiếp tục phương pháp này vì nó mang lại sự an định, hỷ lạc, và những tâm trạng thiện lành mà chính họ chứng đạt được. Ðiều này chắc chắn là chân thực đối với những hành giả tôi đã từng gặp gỡ trong nhiều năm qua. Một số luận giải Tây Tạng rao giảng rằng 1 cái kinh luân trong 1 toà nhà cũng đủ làm cả toà nhà trở thành Phổ Ðà Sơn, xứ tịnh độ của Phật bà Quan Âm (Buddha of Compassion). Nếu như các đại hành giả có thể cảm nhận được các tượng Phật thuyết giảng giáo lý hay có thể nhìn ra các cõi giới thanh tịnh ẩn khuất, thì họ cũng có thể trực nhận được tịnh độ Phổ Ðà Sơn chân thực thể hiện quanh kinh luân. Quả vậy, những cuộc đàm thoại với các hành giả pháp môn này cho ta thấy, có lẽ qua sự liên hệ với cái kinh luân, ngay cả những người thật tầm thường cũng có thể thoáng cảm nhận được nguồn năng lực tinh thuần giống như luồng ánh sáng siêu thế xuyên thấu qua những tấm màn của tri thức phàm phu chúng ta.

Anh ngữ: Lorne Ladner
Việt dịch: Minh Không